Xem mẫu

DÙNG NHÂN TÀI SÁNG TẠO RA
SẢN PHẨM GIÁ TRỊ:
Apple không phải là sản phẩm, mà là tác

phẩm nghệ thuật tinh xảo của doanh
nghiệp
Jobs nói: “Làm công việc liên quan tới các sản phẩm kĩ thuật, nếu bạn đủ
may mắn, sản phẩm sẽ gặt hái được thành công; nếu bạn vô cùng vô cùng
may mắn, sản phẩm có thể thành công và duy trì một năm; nếu bạn được
thần linh phù hộ, sản phẩm có thể duy trì mười năm, sau đó nhanh chóng trở
thành tầng tích lũy, làm cơ sở cho tầng kĩ thuật tiếp theo”. Rõ ràng là Apple
đủ may mắn. Đằng sau sự may mắn của họ là chiến lược chất lượng và giá trị
sản phẩm bất biến, hay nói cách khác là chiến lược “tác phẩm nghệ thuật”.

THEO ĐUỔI TẬN CÙNG CỦA SỰ HOÀN MĨ
Trong cuộc đời này ta không thể làm được quá nhiều việc, vì thế mỗi việc
đều phải làm tới mức xuất sắc tuyệt đỉnh.
Steve Jobs

Vì sao một quả táo khuyết lại làm xúc động lòng người đến vậy? Từ máy
tính Apple I, Apple II cho tới Mac thu được thành công to lớn, rồi tới hàng
loạt sản phẩm gây chấn động toàn cầu khác, làm thay đổi hoàn toàn quan
niệm truyền thống về thiết bị điện tử và di động, Jobs và Apple dường như
lúc nào cũng muốn phá vỡ khuôn mẫu cố hữu của con người và mang lại hết
ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác: iPod vượt trội hơn hẳn so với máy nghe
nhạc truyền thống, iPhone là sự đột phá so với điện thoại truyền thống, iPad
làm thay đổi quan niệm về máy tính truyền thống. Trong tâm thức của người
tiêu dùng giờ đây đã hình thành một quan niệm mới: Nếu Apple ra mắt sản
phẩm mới thì chắc chắn sản phẩm đó phải là sản phẩm có đẳng cấp. Apple
không bao giờ tùy tiện nhét một sản phẩm “rác” vào tay người tiêu dùng, mà
gần như không cho phép sản phẩm có bất cứ khiếm khuyết nào. Chính thái
độ theo đuổi sự hoàn mĩ đến cực độ này đã tạo ra vương triều Apple khiến cả
thế giới phải chú ý. Sự theo đuổi này của Apple có thể phân thành ba phương
diện dưới đây:
1. Chủ nghĩa mĩ học lí tưởng
Một quả táo hoàn mĩ trước tiên ngoại hình phải xuất chúng, nếu không
chắc chắn sẽ không thể mê hoặc Adam và Eva.

Cũng như vậy, các mẫu sản phẩm của Apple khi ra mắt đều khiến người ta
phải trầm trồ thán phục, quan điểm thiết kế tối giản có thể “đánh cắp trái
tim” người tiêu dùng ngay lần đầu trông thấy. Đối với mỗi nhà thiết kế của
Apple, công việc mà Jobs giao cho họ chỉ có một – đó là thiết kế ra sản
phẩm hoàn mĩ nhất có thể. Về cơ bản, nhà thiết kế không cần phải suy nghĩ
tới yếu tố giá thành hay thị trường, cho dù phải bỏ ra bao nhiêu công sức cho
việc này thì cũng tuyệt đối không cho phép bản thiết kế có bất kì khiếm
khuyết nào. Trong ngành điện tử vẫn lưu truyền một câu: “Đôi khi Apple
kéo dài thời gian ra mắt một sản phẩm, không phải vì tính năng của sản
phẩm này không tốt, mà bởi vì nó trông chưa đủ đẹp”. Câu nói này vô cùng
phù hợp để giải thích cho sự theo đuổi hoàn mĩ của Apple.
Thời kì đầu, thiết kế của Apple chủ yếu là kiểu trong suốt, màu kẹo, đại
diện là series iBook, nhà thiết kế thậm chí còn đến các cửa hàng bánh kẹo
tìm hiểu để làm cho hiệu quả màu sắc càng giống thật hơn nữa. Còn thiết kế
của Apple giờ đây lại chủ yếu là màu trắng và không còn trong suốt, nguyên
liệu chính là nhôm, chính sự thay đổi này đã tạo nên phong cách kinh điển
cho các sản phẩm của Apple.
Năm 1998, Apple ra mắt series iMac có năm màu lấy cảm hứng từ màu
sắc của hoa quả là đỏ, vàng, lam, lục, tím. Sản phẩm vừa ra mắt đã nhận
được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người tiêu dùng. Vẻ ngoài bóng
bẩy, dịu dàng, nửa trong suốt, tổ hợp màu sắc đa dạng khiến chiếc laptop
trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Theo cách nói của Jobs: “Nó khiến bạn
muốn cắn vào”.
Năm 2001, Apple ra mắt iPod, thiết kế đơn giản và màu sắc kinh điển lập
tức lay động trái tim của rất nhiều khách hàng, khiến cho lượng tiêu thụ
tăng vọt.
2. Quan điểm thiết kế cá nhân hóa
Một quả táo hoàn mĩ nhất định phải ngon, nếu không thì nàng Bạch Tuyết
sẽ không dễ dàng bị mụ phù thuỷ dụ dỗ. Đây cũng chính là cái gọi là “thiết
kế cá nhân hóa của Jobs”. “Ở Apple, dù gặp bất cứ chuyện gì, chúng tôi cũng
sẽ hỏi sản phẩm như thế có thuận tiện với khách hàng hay không? Nó có tốt
cho khách hàng hay không? Ai cũng nói khách hàng là Thượng đế, nhưng
thực ra họ không thực sự làm được điều này giống chúng tôi đã làm được ở
đây”.
Sự sáng tạo của các sản phẩm Apple xuất phát từ việc một mặt họ cố gắng
không để người tiêu dùng chi tiền lãng phí, mặt khác họ cân nhắc tới việc
làm sao để người sử dụng dễ thao tác, hay nói theo cách của Jobs thì chính là

“tạo ra cảm giác hạnh phúc và cảm giác ưu việt đặc biệt khi sử dụng sản
phẩm của Apple”. Chính bởi vì quan điểm thiết kế này nên đa số người từng
sử dụng sản phẩm của Apple đều cho rằng những trải nghiệm thực tế với sản
phẩm Apple là “trải nghiệm tốt nhất” từ trước tới nay. Đó chính là sức hút
của thương hiệu Apple.
Khi một người tiêu dùng mua iPod, anh ta chỉ cần cài đặt phần mềm
iTunes miễn phí là có thể dễ dàng copy nhạc vào trong iPod, cũng có thể tùy
ý tạo ra danh sách phát nhạc từ danh mục các bài hát có trong iPod. Điều
đó có nghĩa là iPod giúp cho người tiêu dùng có quyền tự chủ lớn hơn trong
việc nghe nhạc: Đầu tiên là một chiếc iPod có thể chứa được hàng nghìn,
hàng vạn bản nhạc, giúp cho người sử dụng tìm được bản nhạc phù hợp với
tâm trạng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, chứ không giống với tình trạng khi
sử dụng những máy nghe nhạc đã ra đời trước đó - mặc dù mang cả đống
CD nhưng vì không có bản nhạc nào phù hợp với tâm trạng nên đành chấp
nhận không nghe nhạc nữa; thứ hai là người sử dụng có thể tự mình sắp xếp
danh sách phát nhạc, trở thành người biên tập âm nhạc của chính mình chứ
không phải theo thứ tự bài hát đã được định sẵn từ trước của công ty đĩa
hát; thứ ba là những bản nhạc kinh điển nhờ có cơ chế xếp hạng của iTunes
mà có cơ hội được “hâm nóng”, một lần nữa trở thành bản nhạc hot, chứ
không dễ dàng theo thời gian mà chìm vào quên lãng.
“Trong thiết bị phần cứng thiết kế đẹp đẽ lại cài đặt phần mềm khiến
người tiêu dùng hài lòng”, đây chính là quan điểm thiết kế của Apple - thiết
kế cá nhân hóa đã trở thành mục tiêu sáng tạo của hãng “táo khuyết”.
3. Thời cơ ra mắt thích hợp nhất
Một quả táo hoàn mĩ còn nên xuất hiện khi người ta cần đến nhất, không
được sớm cũng không được muộn mà cần phải xuất hiện đúng lúc, đúng thời
điểm như khi nó rụng vào đầu Newton vậy.
Các sản phẩm Apple khi ra mắt thường không phải là sản phẩm đi tiên
phong trên thị trường, tuy nhiên, sản phẩm của Apple lại là sản phẩm có
thành tích kinh doanh tốt nhất, lượng tiêu thụ của nó đôi khi ngang với tổng
lượng tiêu thụ của tất cả các sản phẩm cạnh tranh. Bí mật ẩn chứa trong đó
là, thời điểm Apple ra mắt sản phẩm thường là đúng vào lúc thời cơ chín
muồi, khiến thị trường lập tức bùng nổ, không sớm cũng không muộn.
Trước khi Apple cho ra mắt iPod, trên thị trường đã có rất nhiều sản
phẩm máy nghe nhạc MP3, nhưng tình hình tiêu thụ không có sự đột phá.
Năm 2001, iPod của Apple vừa ra mắt đã lập tức làm dấy lên cơn sốt trên
thị trường, cả thị trường máy nghe nhạc sục sôi vì nó. Cũng như vậy, iPhone

cũng không phải là chiếc smartphone đầu tiên, nhưng nó đã lựa chọn thời cơ
ra mắt chuẩn xác là năm thị trường smartphone tăng trưởng mạnh – năm
2007. Đến năm 2010, iPad được Apple cho ra mắt, mẫu sản phẩm mới này
khiến Bill Gates – trước đó đã cho trình làng mẫu máy tính bảng - phải nuối
tiếc rằng mình đã trót ra tay quá sớm, bỏ lỡ thời đại tốt nhất của máy tính
bảng.
Theo một số nguồn tin, ở Apple, trước khi ra mắt bất kì sản phẩm mới
nào, bộ phận thị trường phải đưa ra mười phương án công bố sản phẩm hoàn
toàn khác nhau. Sở dĩ phải làm như vậy là vì hãng này muốn bộ phận thị
trường có đủ thời gian và không gian để tìm kiếm thời điểm công bố sản
phẩm phù hợp nhất. Sau đó hãng sẽ chọn ra ba trong số mười phương án để
nghiên cứu kĩ lưỡng, cuối cùng quyết định đưa ra (không nhất định là chọn
ra) thời điểm công bố thích hợp nhất.
Ba phương diện kể trên đã thể hiện rõ nét quan điểm về sản phẩm hoàn mĩ
của Jobs và Apple. Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm chút nữa
về sự theo đuổi sự hoàn mĩ đến cực độ của Jobs.
Jobs không thể chấp nhận thứ không hoàn mĩ. Nghe nói trong nhà của
Jobs không có một chiếc giường nào. Nguyên nhân là ông không tìm được
chiếc giường phù hợp với yêu cầu của mình, vì thế vị tỉ phú này thà nằm ngủ
dưới đất còn hơn. Bạn thân của Jobs, người sáng lập hãng Oracle - Larry
Ellison đã từng công khai chứng thực chuyện này, ông nói: “Trước đây tôi
sống cạnh nhà Jobs. Có lần, khi tôi tới nhà ông ấy, tôi thấy trong nhà ông ấy
không có một món đồ gia dụng nào, điều ấy thật khiến người ta ngạc nhiên.
Đó là vì Jobs không tìm được món đồ nào khiến ông ấy hài lòng. Nếu không
đạt được yêu cầu thì ông ấy thà để nhà không”.
Rất ít công ty có thể làm được điều giống như Apple hoặc giống Jobs đã
làm, tức là “theo đuổi sản phẩm hoàn mĩ tới cực độ”. Vì sao? Cho dù là nhân
viên kĩ thuật của Apple hay đối tác làm ăn thì người có thể lí giải và tán đồng
yêu cầu của Jobs cũng không phải là nhiều, nhưng rất nhiều người thừa nhận
rằng, áp lực của Jobs khiến họ làm ra một số thành quả vượt quá năng lực
của bản thân họ. Một lần, Jobs đã từng yêu cầu một nhà thiết kế tạo ra vẻ
ngoài của một sản phẩm mới sao cho không được để nhìn thấy một cái đinh
ốc nào. Về sau, trong mô hình thiết kế của nhà thiết kế này có một chiếc đinh
ốc hơi lộ ra ngoài, Jobs lập tức đuổi việc anh ta. Chính nhờ sự theo đuổi sản
phẩm hoàn mĩ không biết mệt mỏi này, đã giúp Jobs dẫn dắt “quả táo
khuyết” của mình vượt lên trước dẫn đầu một cách kiên định vững vàng.

nguon tai.lieu . vn