Xem mẫu

  1. DU LỊCH VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ TOÀN CẦU HOÁ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC Vũ Khắc Chương(*) VIETNAM TRAVEL IN GLOBALIZATION PERIOD: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES Abstract Vietnam - the country in Indochina Peninsula in Southeast Asia, the country has a tropical monsoon climate with numerous imposing natural landscape, the country has a rich history and long time culture. Every year, Vietnam has millions of tourists around the world to visit and received the praise, promising a bright spot of world tourism. However, standing in front of a constantly changing world, integration and globalization, tourism in Vietnam is facing many challenging opportunities. * 1. Cơ hội của du lịch Việt Nam trong hội nhập Quốc tế 1.1. Thế hệ trẻ đông, năng động, thích khám phá, đam mê công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam là một nước đông dân, có nhiều thành phần dân tộc. Con người Việt Nam ham học hỏi, yêu thích khám phá, đam mê công nghệ và truyền thông, luôn hướng ra quốc tế. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2014 nước ta có khoảng 90,493,352 người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 của thế giới. Dân số là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để phát triển nền kinh tế, và với một đất nước đông dân như chúng ta thì thị trường tiêu thụ cũng như nguồn cung ứng lao động luôn dồi dào, mạnh mẽ. Bên cạnh đó, dân số nước ta thuộc loại trẻ, siêng năng, ham học hỏi và có khả năng tiếp thu nhanh khoa học công nghệ. Việt Nam cũng là đất nước được đánh giá có bước phát triển thần tốc về công nghệ thông tin và đứng trong hàng ngũ các quốc gia có lượng người sử dụng internet nhiều nhất trên thế giới với hơn 31 triệu người. Hơn 1/3 dân số Việt Nam đã coi internet là công cụ thiết yếu trong cuộc sống, điều này chứng tỏ rằng công nghệ thông tin đã thực sự là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. 1.2. Chế độ chính trị ổn định, nhân dân thân thiện, văn hóa đa dạng, là điểm đến an toàn và hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế Năm 2014, Việt Nam được trang Business Insider của Mỹ bình chọn là một trong 10 điểm đến an toàn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các quốc gia như Singapore, New Zealand, Hàn Quốc… Việt Nam còn có nền văn hóa đa dạng, phong phú và lâu đời. Du khách đến Việt Nam đều để lại những lời khen ngợi về sự hiếu khách, thân thiện, cởi mở của con người và các truyền thống văn hóa từ ngàn xưa của đất nước này, bên cạnh đó là sự bình yên và an toàn của chính trị. (*) TS., Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (SAIGONACT).
  2. 1.3. Nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, di sản vật thể quý giá và di sản phi vật thể phong phú trải đều từ Bắc vào Nam Đầu tiên, phải nói đến di tích lịch sử. Những di tích, bảo tàng nổi bật như: khu di tích đền Hùng, đền Cổ Loa, khu di tích Hoa Lư, phố cổ Hội An, tháp chàm Khơme, địa đạo Vĩnh Mốc, địa đạo Củ Chi, bảo tàng Cách mạng Việt Nam, bảo tàng lịch sử Việt Nam… Và bên cạnh đó là di sản vật thể, phi vật thể quý giá đã được Unesco công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ; Ca trù; Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc - Hà Nội; Hát Xoan; Đờn ca tài tử Nam bộ; Ví dặm Nghệ Tĩnh; Vịnh Hạ Long;Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Quần thể di tích Cố đô Huế; Phố cổ Hội An; Thánh địa Mỹ Sơn; Hoàng thành Thăng Long; Thành nhà Hồ. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều vườn quốc gia có tiềm năng về du lịch sinh thái như Ba Bể, Ba Vì, Bạch Mã, Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo, Cúc Phương, Hoàng Liên, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phong Nha - Kẻ Bàng, Phú Quốc, Tam Đảo, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Xuân Sơn… Việt Nam còn có những nguồn tài nguyên thiên nhiên nổi bật như nguồn, suối nước nóng tự nhiên (suối nước nóng ở Đam Rông - Lâm Đồng; suối nước nóng Kim Bôi - Hòa Bình; suối nước nóng Tháp Bà - Nha Trang; suối nước nóng Bình Châu - Bà Rịa-Vũng Tàu; suối nước nóng Kênh Gà - Ninh Bình; suối nước nóng Quang Hanh - Quảng Ninh…) những bãi tắm đẹp (như Phú Quốc, Côn Đảo, Mũi Né, Cửu Đại, Mỹ Khê…), những vịnh đẹp nổi tiếng thế giới (vịnh Hạ Long, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, vịnh Nha Trang, vịnh Lăng cô…). 1.4. Nhiều phong tục, lễ hội văn hóa độc đáo, nhiều làng nghề truyền thống và nền ẩm thực đặc sắc Mỗi năm nước ta có có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ diễn ra trên cả nước, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Các lễ hội lớn phải kể đến như: giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng, hội Lim, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đua Voi, hội Gióng… Việt Nam có những làng nghề truyền thống, được gìn giữ và lưu truyền bao đời nay như gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, chiếu Cói Nga Sơn, đúc đồng Ngũ Xá, đồ gỗ Đồng Kị, gốm Đông Triều, lụa Vạn Phúc… Việt Nam còn là dân tộc có một nền ẩm thực truyển thống với những món ăn đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách. Chúng ta có đặc sản thiên nhiên như quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), trà Bảo Lộc (Lâm Đồng), hoa và rau (Đà Lạt), cây Hoàng Liên Sa Pa (Lào Cai), hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cây hồi (Lạng Sơn), măng trúc Yên Tử (Quảng Ninh), những món ăn nổi tiếng thế giới như phở, bún chả, bún thang (Hà Nội), bánh đa cua (Hải Phòng), cơm cháy (Ninh Bình), phở khô Gia Lai, rượu sán Lùng, thắng cố (Sapa – Lào Cai), canh chua cá lóc kho tộ, chuột đồng nướng lu, đuông dừa xào chua ngọt (miền Tây); bánh canh chả cá, bún sứa (Nha Trang)… 1.5. Nhiều danh nhân nổi tiếng, tiêu biểu đủ các lĩnh vực, xuyên mọi thời đại, tầm cỡ quốc gia và quốc tế Trải qua 4000 năm, Việt Nam có một truyền thống văn hóa và lịch sử lâu dài. Quá trình dựng nước và giữ nước, chúng ta có rất nhiều danh nhân được quốc tế công nhận. Danh nhân nổi tiếng về canh tân, cải cách đổi mới: Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh,… Danh tướng quân sự tài ba: Trần Quốc Tuấn, Quang Trung – Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp,… Nhiều nhân vật văn hóa tiêu biểu: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ…
  3. 1.6. Cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện, xây dựng mới đồng bộ hơn, rõ nhất là: hàng không, viễn thông, điện, nước… Từ 2001 đến 2009, Chính phủ đã cấp 4.836 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm, phối hợp với các ngành và địa phương chỉ đạo phát triển các trọng điểm du lịch, các vùng du lịch mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Chiến lược phát triển du lịch 2001 - 2010 đã xác định. Phương tiện vận chuyển khách du lịch phát triển đa dạng cả đường hàng không, đường bộ, ô tô, đường sắt, đường thuỷ và dần được hiện đại hóa. Các sân bay nội địa, quốc tế ngày càng được nâng cấp, cải thiện và mở rộng quy mô, mở các đường bay mới nội địa và quốc tế. Năng lực vận chuyển khách du lịch tăng, chất lượng được nâng lên. Phương tiện vận chuyển khách du lịch với hàng nghìn xe ô tô, tàu thuyền các loại, chất lượng phương tiện được tăng cường đổi mới thường xuyên; nhiều đội xe taxi ở các điểm du lịch được thành lập… Ngoài ra, hệ thống viễn thông được Việt Nam chú trọng đầu tư và đảm nhiệm tốt nhất việc vận chuyển các tin tức nhanh chóng và kịp thời, góp phần thực hiện mối giao lưu giữa các vùng trong phạm vi cả nước và quốc tế cũng như hệ thống điện, nước đảm bảo cho du khách trong quá trình sinh hoạt lưu trú. 2. Thách thức của du lịch Việt Nam trong hội nhập Quốc tế 2.1. Những điều kiện về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng mặc dù có cải thiện nhưng vẫn chưa xứng tầm với sự phát triển du lịch và kinh tế Việt Nam Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch và kinh tế ở Việt Nam còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Hệ thống phương tiện giao thông vận tải, mạng lưới thông tin liên lạc đến cơ sở vật chất - kỹ thuật, cơ sở phục vụ ăn uống và lưu trú cũng như các công trình phục vụ hoạt động du lịch phần nhiều đang ở mức độ bình thường, chưa tiện nghi và chất lượng phục vụ cũng chưa xứng tầm với sự phát triển của du lịch, kinh tế Việt Nam. 2.2. Hạ tầng giao thông bất cập, nhất là đường bộ, đường sắt, đường thủy Hệ thống giao thông ở Việt Nam còn rất hạn chế, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và nhiều bất cập mặc dù đã có những bước phát triển so với trước đây. Tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam khoảng 180.000 km, chất lượng còn nhiều hạn chế, tính chung cả hệ thống tỷ lệ trải nhựa mới đạt 42.170 km (xấp xỉ 19%). Khổ đường còn hẹp, nhiều cầu trọng tải thấp. Trên các quốc lộ và tỉnh lộ có tổng cộng 7.440 công trình cầu, trong đó số lượng cầu vĩnh cửu mới đạt trên 60%. Hệ thống đường sắt Việt Nam hiện nay có tổng cộng 3.142,7 km đường sắt, trong đó gồm 7 tuyến đường chính và 108 km đường nhánh. Trong số này tất cả đều là đường đơn, chưa có đường đôi. Hệ thống đường sắt Việt Nam còn rất thô sơ và yếu kém, kinh phí đầu tư hàng năm không đủ và còn chịu sự bào mòn trong quá trình sử dụng cũng như thiên tai. Việt Nam với bờ biển dài hơn 3.200 km từ Bắc đến Nam, hệ thống sông ngòi chẳng chịt gồm hơn 2.360 sông kênh có tổng chiều dài 42.000 km, cùng các hồ, đầm, phá... tạo thành một hệ thống vận tải thuỷ thông thương giữa mọi vùng đất nước. Thế nhưng, sự phát triển của giao thông đường thủy chưa tương xứng với tiềm năng đang có, chưa được đầu nâng cấp và sửa chữa để khai thác triệt để thế mạnh. Về khía cạnh giao thông đường thủy phục vụ cho du lịch chưa được chú trọng, tàu thuyền chở khách cũ kỹ không đảm bảo an toàn. 2.3. Nhận thức của cán bộ và dân cư các địa danh liên quan đến du lịch cũng như các địa phương khác về du lịch còn hạn chế Hạn chế lớn nhất về nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở Việt Nam là thói quen “ăn xổi ở thì”, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai, không nghĩ đến trách nhiệm cũng như khai thác du lịch bền vững. Các cấp quản lý, lãnh đạo lĩnh vực du lịch ở các địa phương hầu hết chưa được đào tạo bài bản về du lịch, chưa nắm được những điều thiết yếu của sự phát triển cũng như bảo tồn nền văn
  4. hoá đất nước, chưa có những quyết định đúng đắn cho việc giữ gìn hình ảnh của đất nước – con người Việt Nam. Chưa có một kế hoạch giúp nhân dân và cán bộ du lịch nhận thức sự quan trọng của di lịch đối với kinh tế Việt Nam. 2.4. An ninh chính trị tốt, nhưng trật tự an toàn xã hội chưa tốt như: tai nạn giao thông cao, ma túy, mại dâm chưa được quản lý và giám sát hợp lý Việt Nam là đất nước có nền chính trị ổn định và an ninh, tuy nhiên trật an toàn xã hội lại là vấn đề còn nhiều bất ổn. Tệ nạn xã hội là các hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây hậu quả đối với đời sống xã hội. Có nhiều tệ nạn xã hội ở Việt Nam như: nghiện ma túy, cờ bạc, mê tín, tham nhũng, quan liêu v.v... nhưng nguy hiểm nhất là các tệ nạn cờ bạc, ma túy. Tệ nạn là một trong những nguyên nhân chính phát sinh tội phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn cho du khách cũng như sự phát triển du lịch. 2.5. Chất lượng chăm sóc người bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt làm quan ngại đến sự yên lòng của khách du lịch Hiện nay, một bộ phận lớn những người muốn tăng nhanh lợi nhuận nên bất chấp việc sử dụng các loại hoá chất để nuôi trồng và bảo quản thực phẩm, khiến cho phần lớn thực phẩm đưa ra thị trường có chất nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người. Vấn đề này cũng làm ảnh hưởng đến lớn đến sự lựa chọn và niềm tin của khách du lịch trong và ngoài nước. Còn vấn đề chăm sóc sức khoẻ người bệnh của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thiếu sót, chất lượng cuộc sống chưa đảm bảo nên việc chăm sóc sức khoẻ cũng chưa được chú trọng đầu tư. Tính đến năm 2010 trên toàn Việt Nam có 1.030 bệnh viện, 44 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, 622 phòng khám đa khoa khu vực; với tổng số giường bệnh khoảng 246.300 giường. Đây là con số không hề lớn đối với đất nước đông dân cư như chúng ta nên tình trạng quá tải, chăm sóc sơ sài, không đảm bảo là vấn đề thường nhật. 2.6. Tốc độ phát triển du lịch Việt Nam ở mức bình thường trong khi khối ASEAN và thế giới đang phát triển vượt bậc Du lịch Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển, lượng khách du lịch nội địa cũng như khách quốc tế ngày càng tăng. Năm 2014 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7.874.312 lượt, tăng 4,0 % so với cùng kỳ năm 2013. So với thời kỳ trước thì nước ta đã có những bước chuyển biến lớn nhưng so với khối ASEAN và thế giới thì chúng ta chỉ ở mức tăng trưởng bình thường. Trong khi du lịch ASEAN và du lịch thế giới đang phát triển vượt bậc thì chúng ta vẫn đang loay hoay tìm giải pháp và hướng phát triển mới. 2.7. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và mang chất lượng toàn cầu Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch nhưng sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa có sản phẩm độc đáo và có chất lượng toàn cầu. 3. Một số đề xuất về việc nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam 3.1. Tạo ra những sản phẩm du lịch có tính độc đáo của dân tộc nhưng chất lượng phải ngang tầm quốc tế để tạo sự thu hút Ở Việt Nam, có 3 sản phẩm du lịch chính đó là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch biển đảo. Cần thiết phải đầu tư, tạo ra sản phẩm du lịch có tính độc đáo của dân tộc nhưng phải mang chất lượng quốc tế để du khách đón nhận. Ở Việt Nam, đã có một số loại hình du lịch đặc biệt nhưng chất lượng chưa cao, chẳng hạn: loại hình du lịch hoài niệm - du lịch tưởng nhớ những anh hùng đã xả thân trong hai cuộc chiến tranh lịch sử của Việt Nam (du lịch hành hương và tưởng niệm…); du lịch võ thuật, giới thiệu tinh hoa võ thuật Việt; du lịch danh nhân văn hóa, giới thiệu các nhà văn hóa được thế giới công
  5. nhận… đây là các loại hình du lịch mới mẻ. Tuy nhiên, các loại hình này vẫn chưa tạo một sức hấp dẫn lớn vì chưa được đầu tư đúng mực và còn khá hạn chế. 3.2. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và nhân dân: quan tâm lợi ích địa phương và quốc gia trong hoạt động du lịch; không chỉ quan tâm du khách quốc tế mà còn cần chú trọng đến du khách nội địa trong chiến lược phát triển du lịch; tầm quan trọng của ngành du lịch với kinh tế quốc gia Đưa nội dung chiến lược phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững để đào tạo cho cán bộ và nhân dân, giúp cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn về du lịch quốc tế, du lịch nội địa với vai trò quan trọng trong từng loại hình. Ngành du lịch quốc tế cũng cần phải có sự phân loại giữa khách hàng truyền thống và khách hàng tiềm năng. Nhà nước tuyên truyền, phổ biến nhận thức cho cộng đồng về vai trò cũng như tầm quan trọng của du lịch. Du lịch đẩy mạnh sự phát triển và làm tăng trưởng nền kinh tế, mang đến những nhà đầu tư và cơ hội phát triển đất nước, đưa hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế, giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và xóa đói giảm nghèo… Sự phát triển du lịch trong thời gian qua là rất đáng trân trọng và cần phát huy. 3.3. Hoàn thiện, nâng cấp nhanh cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch, đơn giản hóa việc làm thủ tục nhập cảnh, liên kết mở những đường bay thẳng giúp du khách dễ dàng tiếp cận… 3.4. Đẩy lùi và hạn chế tiêu cực, quản lý tốt hơn các vấn đề xã hội như: tai nạn giao thông, mại dâm, ma túy, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho dân cư và du khách đi lại, ăn nghỉ ở Việt Nam. 3.5. Quảng bá, tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, truyền thống các điểm tham quan du lịch trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng, nhất là môi trường mạng để du khách nghiên cứu, chọn lựa các điểm du lịch hợp lý như mong muốn. Việc quảng bá hình ảnh đất nước để thu hút du lịch đã được chúng ta làm từ rất lâu, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu khái quát chứ chưa chú trọng đầu tư. Tất cả poster, bandroll, banner… đều chỉ một màu, chưa thu hút và không nêu bật lên những giá trị tiềm năng, đặc điểm nổi bật của từng địa danh du lịch. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, việc đẩy mạnh thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch lên các kênh Youtube, Google, các Website truy cập về du lịch lớn trên thế giới như Tripadvisor là rất hiệu quả. Chúng ta cần mạnh tay, tối ưu hóa việc sử dụng công cụ quảng cáo trên Internet trong bối cảnh toàn cầu hóa. 3.6. Nâng cao dân trí, đẩy mạnh đào tạo nhất là văn hóa, nghiệp vụ, hướng dẫn du lịch, ngoại ngữ tại tất cả các điểm du lịch để phục vụ nhân dân và du khách tốt nhất. Chú ý đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam. Ngoài việc nâng cao trình độ dân trí, trình độ văn hóa cho người dân thì việc chú trọng trình độ nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch là vấn đề vô cùng cấp bách. Hiện tại, Việt Nam có rất ít trường đại học đào tạo về du lịch nên chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Hầu hết nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo bài bản, trang bị đầy đủ và cơ bản nhất những kiến thức về du lịch, nên việc xây dựng cơ sở giảng dạy chất lượng để đào tạo nhân lực sẵn sàng cả về kiến thức, ngoại ngữ lẫn tinh thần trách nhiệm, lòng say mê để phục vụ một cách hoàn hảo nhất cho du khách là cần thiết. 3.7. Nên thành lập cảnh sát hướng dẫn du lịch để bảo vệ, giúp đỡ và hướng dẫn khách tham quan du lịch chuyên sâu, chuyên nghiệp tốt nhất.
  6. Tài liệu tham khảo 1. Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2012), Niên giám thống kê, https://pso.hochiminhcity.gov.vn. 2. Tổng cục Du lịch (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, https://www.itdr.org.vn. 3. The World Fact Book, 2014. https://www.cia.gov 4. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2012), https://www.itdr.org.vn 5. World Internet users (2014), https://www.internetlivestats.com 6. Đỗ Cẩm Thơ, Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế. 7. Nguyễn Văn Lưu (2004), Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế về du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 8. Viện nghiên cứu phát triển du lịch (2012), Báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nxb Lao động, Hà Nội. TÓM TẮT Việt Nam – đất nước nằm trong bán đảo Đông Dương thuộc vùng Đông Nam Á, là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với muôn vàn cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, là đất nước có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời. Hằng năm, Việt Nam có hàng triệu lượt khách du lịch trên thế giới đến tham quan và đón nhận những khen ngợi, hứa hẹn một điểm sáng của du lịch thế giới. Thế nhưng, đứng trước một thế giới không ngừng thay đổi, hội nhập và toàn cầu hóa, du lịch Việt Nam đang đối diện với nhiều cơ hội thách thức.
nguon tai.lieu . vn