Xem mẫu

  1. DU LỊCH VÌ NGƯỜI NGHÈO – HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI CHO DU LỊCH VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA Nguyễn Thị Vân Hạnh(*) TRAVEL FOR THE POOR - NEW DEVELOPMENT FOR TRAVEL VIETNAM IN THE CONTEXT OF GLOBALIZATION Abstract Tourism industry is considered one of the largest industries in the world, created a lot of opportunities, challenges, positive effect and reversible as well as social responsibility. While existing tourism perspective is the industry's richest man, catering to the wealthy (or at least the non-poor), now appearring quite popular term "tourism for the poor" as a conceptual opposite the above point of view. Tourism development associated with poverty reduction is the goal of many poor countries and developing countries, including Vietnam. * 1. Bối cảnh Ngành công nghiệp du lịch được xem là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, tạo ra rất nhiều cơ hội, thách thức, tác động thuận chiều và trái chiều cũng như các trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, những lợi ích to lớn mà ngành công nghiệp này đem lại thường được xem là phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu vào một số nhóm nhỏ và những nhóm nằm ở những tầng dưới cùng của hệ thống phân tầng xã hội theo thu nhập thường không tiếp cận được tới những lợi ích này. Mặc dù du lịch có vị trí đặc biệt trong việc xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, người nghèo ở những nước kém phát triển thường không được hưởng các lợi ích kinh tế từ ngành du lịch. Trong khi tồn tại quan điểm du lịch là ngành công nghiệp của người giàu, phục vụ cho người giàu (hoặc chí ít là người không nghèo), hiện nay đã xuất hiện khá phổ biến thuật ngữ “du lịch vì người nghèo” như một khái niệm đối nghịch với quan điểm trên. Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo đang là mục tiêu của nhiều quốc gia nghèo và quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ từ năm 2000, Liên Hợp Quốc xác định nghèo đói là thách thức lớn của toàn cầu, coi đó như một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hướng tới xóa đói giảm nghèo cùng cực vào năm 2015. Với mục tiêu này, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng việc đưa ra Sáng kiến ST-EP (Sustainable Tourism - Eliminating Poverty Initiative - Du lịch bền vững - xóa đói giảm nghèo), công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững tại Johannesburg năm 2002 (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 2013). Đây là một Chương trình quan trọng, bắt nguồn từ yêu cầu phát triển tất yếu, nhằm hướng dẫn các nước thành viên về các giải pháp thực hiện xóa đói giảm nghèo thông qua hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch. 2. Du lịch vì người nghèo – xu hướng phát triển du lịch trong bối cảnh mới (*) TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  2. Trên phạm vi toàn cầu, du lịch dược coi là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, phát triển nhanh nhất và có đóng góp cơ bản đối với nền kinh tế, là động lực phát triển kinh tế xã hội ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước kém phát triển. Hiện nay, du lịch đang xếp vị trí hang đầu hoặc thứ hai về kim ngạch xuất khẩu tại 20/48 nước kém phát triển và thể hiện sự tăng trưởng ổn định tại 10 nước khác (ILO, 2012). Tổ chức Lao động quốc tế ILO nhận định du lịch có thể đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo (ILO, 2012). Tổ chức Du Lịch Liên Hợp Quốc UNWTO cũng đã coi giảm nghèo là một trong những mục tiêu cũng như nhân tố làm thay đổi hoạt động du lịch trên phạm vi toàn cầu trong thế kỷ mới và tổ chức này cũng đã đưa việc phát triển du lịch bền vững vì người nghèo vào chương trình nghị sự (Jahid Anwar, 2012). Những điều này cho thấy du lịch vì người nghèo đã trở thành một xu hướng mới trong phát triển du lịch trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Du lịch vì người nghèo (pro-poor tourism: PPT) là một phương thức tiếp cận mới về lập kế hoạch và quản lý du lịch, trong đó những người sống trong điều kiện nghèo tại cộng đồng được đưa lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Các chiến lược PPT đều nhằm đến việc giảm thiểu cả tình trạng tuyệt đối nghèo lẫn tương đối nghèo bằng cách tạo ra các cơ hội thu nhập liên quan đến du lịch cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, du lịch nghèo cũng có thể đem lại những lợi ích phi kinh tế như các lợi ích về xã hội, môi trường hay văn hóa. Du lịch vì người nghèo không phải là một loại hình du lịch mà là một cách tiếp cận nhằm sử dụng du lịch như một công cụ chiến lược trong hoạt động xóa đói giảm nghèo tại cộng đồng. Do vậy, bất cứ loại hình du lịch nào cũng có thể áp dụng trong du lịch vì người nghèo. Về bản chất, du lịch vì người nghèo là một cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý và phát triển du lịch nhằm hướng đến việc tạo ra các cơ hội cho người nghèo có được những lợi ích từ các hoạt động du lịch (Nguyễn Thị Vân Hạnh, 2013). Để du lịch thực sự trở thành một công cụ hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống cho người nghèo, tổ chức UNWTO đã đưa ra các khuyến nghị đối với du lịch vì người nghèo, bao gồm: - Tuyển người nghèo làm việc cho các doanh nghiệp du lịch; - Cung cấp cho các cơ sở kinh doanh du lịch hàng hóa và dịch vụ từ người nghèo hoặc các doanh nghiệp sử dụng lao động nghèo; - Bán trực tiếp hàng hóa và dịch vụ của người nghèo cho du khách; - Cho người nghèo thành lập và vận hành các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa hoặc các doanh nghiệp cộng đồng; - Đánh thuế thu nhập hay lợi nhuận từ du lịch và phân chia tiền thuế thu được cho người nghèo; - Tự nguyện cho/ tặng/ hỗ trợ từ doanh nghiệp du lịch hoặc du khách; - Đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất phát từ nhu cầu du lịch cũng mang lại lợi ích cho người nghèo tại địa phương một cách trực tiếp hay thông qua hỗ trợ các ngành khác (ILO, 2012). 3. Hiện trạng ngành du lịch Việt Nam Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng du lịch, xét từ cả khía cạnh tự nhiên và văn hóa. Trải dải với hơn 3200km bờ biển với 125 bãi biển dọc từ bắc đến nam, trong đó có những bãi biển tầm cỡ quốc tế như Lăng Cô, Non Nước, Hạ Long, Nha Trang cùng rất nhiều sông, hồ, suối và suối nước nóng, thác nước là nguồn tài nguyên nước quý giá phục vụ cho phát triển du lịch biển và những loại hình du lịch tham quan khác. Địa hình 3/4 là núi đồi cùng rất nhiều khu rừng
  3. nguyên sinh và khu dự trữ sinh quyển cũng là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống và có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, Việt Nam mang trong mình một nền văn hóa giàu truyền thống, phong phú và độc đáo. Hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đã được xếp hạng, hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống, hàng trăm viện bảo tàng, hệ thống những lễ hội dân gian của các vùng miền, các dân tộc diễn ra quanh năm, kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, nền văn hóa ẩm thực phong phú,… là những điểm mạnh về văn hóa có thể được khai thác như những thế mạnh cạnh tranh để hấp dẫn và thu hút khách du lịch bốn phương. Đặc biệt, Việt Nam có một hệ thống những di sản thiên nhiên, văn hóa và tư liệu thế giới đã được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, quần thể di tích cố đô Huế, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đô thị cổ Hội An, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế… Tất cả những di sản thế giới này đều là thế mạnh rất lớn cho Việt Nam trong khai thác phát triển du lịch (Nguyễn Thị Vân Hạnh, 2011). Trên cơ sở những tiềm năng du lịch dồi dào, với quan điểm coi trọng và nhấn mạnh đầu tư phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, những năm qua du lịch Việt Nam đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ. Về du lịch trong nước, năm 1990, số lượng khách du lịch nội địa chỉ có 1 triệu người, năm 2000 tăng lên 11,2 triệu người và đến năm 2013 số lượng khách du lịch trong nước đã tăng lên con số 35 triệu lượt người. (Tổng cục Du lịch, 2009) (Võ Quế, 2014). Du lịch quốc tế là minh chứng rõ nét hơn cả cho những thành tựu nổi bật của du lịch Việt Nam. Năm 1990, cả nước đón 250.000 khách du lịch quốc tế, năm 2000, con số này tăng lên 2.140.000 người, và đến năm 2013, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt con số 7,5 triệu lượt người. Số lượng các doanh nghiệp lữ hành quốc tế năm 2009 cũng đã đạt con số 758 với gần 6000 hướng dẫn viên quốc tế được cấp thẻ (Tổng cục Du lịch, 2009; Võ Quế, 2014). Những thành tựu của du lịch Việt Nam kể trên đã tạo ra những tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Với tư cách là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch đã đóng góp tích cực vào việc thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thu nhập du lịch tăng từ 17.500 tỷ đồng năm 2000 lên trên 96.000 tỷ đồng vào năm 2010. Thu nhập ngoại tệ từ dịch vụ du lịch năm 2008 đạt 4,02 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các ngành kinh tế tạo thu nhập ngoại tệ cho đất nước (Tổng cục Du lịch, 2009). Du lịch cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động trong nước. Theo thống kê từ ngành du lịch, tính đến năm 2010, du lịch đã tạo ra khoảng 450.000 lao động trực tiếp và gần một triệu lao động gián tiếp cho xã hội, nhờ đó còn góp phần tích cực vào nỗ lực xoá đói giảm nghèo. Đối với những khía cạnh phi kinh tế khác, du lịch cũng góp phần mở rộng giao lưu văn hóa, nâng cao lòng tự hào dân tộc và nhận thức cũng như hoạt động duy trì, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống, truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Mặc dù có những điểm sáng như vậy trong bức tranh phát triển của ngành du lịch Việt Nam, có thể nói, ngành du lịch nước ta hiện nay vẫn phát triển chưa xứng tầm, khai thác tiềm năng chưa hiệu quả, chủ yếu chú trọng phát triển về số lượng, không hướng đến nâng cao chất lượng, và do vậy, bên cạnh những đóng góp to lớn đối với sự phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội của đất nước, ngành du lịch Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế và có những tác động trái chiều nhất định đối với tiến trình phát triển chung.
  4. Riêng đối với du lịch vì người nghèo, cách tiếp cận này chưa được phổ biến và áp dụng một cách rộng rãi, chính thức trong các chương trình, dự án phát triển du lịch tại Việt Nam. Mặc dù ở một góc độ nào đó, quan điểm phát triển du lịch có hướng tới nhóm nghèo hay các nhóm yếu thế khác trong cộng đồng cũng đã được đề cập và lồng ghép vào nhiều chương trình, dự án phát triển du lịch ở nước ta trong những năm gần đây (đôi khi, đôi nơi, người ta hay nhầm lẫn du lịch nghèo với du lịch cộng đồng, trên thực tế, du lịch cộng đồng cũng có thể đem lại những lợi ích cho người nghèo, tuy nhiên, điều đó chỉ là một phần (đôi khi phụ) của các dự án, hoạt động du lịch cộng đồng chứ không phải mục đích tối thượng như trong bản thân du lịch vì người nghèo). Những chương trình, dự án đã được triển khai và đem lại hiệu quả trong những năm gần đây chủ yếu được khởi xướng, tài trợ và hỗ trợ thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ, trong đó đáng chú ý nhất là SNV – Tổ chức phát triển Hà Lan đã thực hiện tài trợ và hợp tác triển khai nhiều dự án phát triển du lịch nghèo trên khắp các tỉnh thành thuộc 3 miền Việt Nam như Lào Cai, Thái Nguyên, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, An Giang, Tiền Giang. 4. Phát triển du lịch vì người nghèo ở Việt Nam: Vấn đề bảo tồn văn hóa Du lịch, với tư cách là một bộ phận của hệ thống xã hội nói chung, chịu sự quy định của xã hội nhưng cũng có những tác động độc lập nhất định tới xã hội. Những tác động này có thể trên nhiều phương diện như xã hội, văn hóa, kinh tế, môi trường, công nghệ…và theo nhiều chiều cạnh như thuận chiều, trái chiều và phức hợp. Sự tác động tích cực của du lịch nghèo tới người nghèo (và cộng đồng nói chung) có thể thể hiện ở các phương diện như tạo thêm công ăn việc làm, gia tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thêm các cơ hội phát triển, cơ hội được học hành, đào tạo nâng cao kỹ năng, gia tăng tài chính cộng đồng, cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tăng cường quyền lực xã hội cho cộng đồng hay cải thiện môi trường tự nhiên. Mặt khác, du lịch nghèo và du lịch nói chung cũng không thể tránh khỏi một số tác động tiêu cực như làm mất đi tính bản địa của các loại hình văn hóa sơ khai, tác động đến đời sống văn hóa của người dân nghèo, gây nên tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, xáo trộn cấu trúc và sinh hoạt hộ gia đình, ô nhiễm môi trường, gia tăng tệ nạn xã hội,… Tổ chức Lao động quốc tế ILO xác định 3 loại tác động tới người nghèo, bao gồm: (1) thêm thu nhập; (2) Phát triển kinh tế địa phương và sinh kế của người dân; và (3) tác động tới môi trường tự nhiên và văn hóa (ILO, 2012). Mặc dù khi đề cập đến du lịch vì người nghèo, quan điểm chủ yếu mang tính phổ biến là sự tác động tích cực về mặt kinh tế, lao động, việc làm đối với nhóm yếu thế này (chiếm 2/3 tác động cơ bản). Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn có một cách tiếp cận khác và chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh sự tác động trái chiều của du lịch nói chung và du lịch vì người nghèo nói riêng tới văn hóa. Ảnh hưởng của du lịch lên phong tục tập quán và nghệ thuật là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, nhìn một cách tổng thể, các phong tục tập quán và nghệ thuật thường bị thương mại hóa để phục vụ cho các hoạt động du lịch. Trong khi thực tế này được chấp nhận rộng rãi thì những tranh luận về quá trình này vẫn luôn diễn ra. Việc chuyển đổi các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thành các sản phẩm kinh tế bản thân nó không đòi hỏi phải làm biến dạng, thay đổi các sản phẩm này, mà trên thực tế chúng có thể tác động tới mối quan tâm và sở thích của các du khách. Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và phong tục tập quán đã thay đổi vì chúng được định hướng tới cộng đồng bên ngoài vốn không cùng chia sẻ nền tảng văn hóa, ngôn ngữ và hệ giá trị truyền thống (Nguyễn Thị Vân Hạnh, 2011).
  5. Trong khi du lịch có thể đem lại những tác động tích cực về mặt văn hóa như làm tăng các giá trị văn hóa tại điểm đến, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống bị lãng quên, cải thiện bảo tồn các điểm di sản văn hóa hay tăng cường bán các sản phẩm thủ công, tăng niềm tự hào và niềm tin cho người dân địa phương thì nó cũng có thể có những tác động trái chiều tới lĩnh vực này như làm xói mòn văn hóa địa phương, làm suy giảm các giá trị văn hóa, mất văn hóa hay suy thoái các khu vực văn hóa (ILO, 2012) Những tác động tiêu cực đối với văn hóa của du lịch có thể thể hiện ở chỗ du lịch làm thương mại hóa, thay đổi hoặc thậm chí hủy hoại các phong tục, tập quán, giá trị văn hóa. Đơn cử trường hợp chợ tình Sapa. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Dao, người H’ Mông ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Chợ tình là nơi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện, trao đổi tình cảm, là một sinh hoạt văn hóa nhân văn độc đáo rất có ý nghĩa tinh thần trong đời sống của người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ khi Sapa trở thành điểm du lịch hấp dẫn và chợ tình thành một trong những tiêu điểm của các tour du lịch Sapa, nó đã không còn giữ được ý nghĩa nguyên sơ và những nét trong sáng vốn có. Chợ tình đã bị thương mại hóa, yếu tố “tình” đã ít đi và yếu tố “chợ” đã ngày một đậm thêm. Các đôi trai gái đến chợ không phải để hò hẹn, giao lưu mà để bán hàng và để biểu diễn có thu tiền. Mặc dù tác động tiêu cực đối với văn hóa là một trong những hệ quả không mong muốn của hoạt động du lịch nói chung, nhưng đối với du lịch vì người nghèo, sự tác động này càng cần phải được lưu ý hơn, bởi lẽ trong tiếp cận phát triển du lịch vì người nghèo, người ta chủ yếu nhấn mạnh và tập trung tới yếu tố kinh tế mà đôi khi xem nhẹ hay lãng quên các tác động văn hóa của nó. Bên cạnh đó, nhóm nghèo thường là tập hợp của những người không chỉ thiếu thốn về kinh tế mà còn hạn chế về nhiều mặt, trong đó có giáo dục nên ở một khía cạnh nào đó, nhận thức của họ về các vấn đề phát triển bền vững hay bảo tồn các giá trị truyền thống còn đơn giản, thiếu hụt và do những nhu cầu cấp bách của đời sống vật chất nên khi được trao cơ hội, họ dễ chạy theo xu hướng kiếm tiền, tối đa hóa lợi nhuận mà ít quan tâm đến những khía cạnh khác, trong đó có văn hóa, hoặc trong nhiều trường hợp, cũng do hạn chế nhận thức, họ có thể từ bỏ những giá trị văn hóa truyền thống và bắt chước cách ứng xử của nhóm du khách, chạy theo những giá trị ngoại lai. Nhiều tài liệu đã ghi nhận những thiệt hại về mặt xã hội do du lịch gây ra, đặc biệt là những thay đổi tiêu cực tại địa phương về tôn giáo, trang phục, các chuẩn mực hành vi, phong tục truyền thống,… Những thay đổi này thường được coi là hậu quả của một tác nhân hành động, tức là khi cộng đồng địa phương bắt chước những hành vi và các đặc điểm phi bản địa khác. Việc kiểm soát những thay đổi này là một công việc khó khăn bởi chúng không xảy ra một cách đột biến mà diễn tiến trong một quá trình lâu dài, và thông thường chỉ có thể nhận ra một thay đổi như vậy khi nó đã trở thành thói quen (Jenkin, 1997). Không những thế, hiện nay, khái niệm “nghèo” không còn được hiểu đơn giản là sự thiếu hụt các điều kiện kinh tế, vật chất để đảm bảo cuộc sống mà khái niệm “nghèo đa chiều” đã cho thấy nhiều khía cạnh khác nhau mà nhóm xã hội yếu thế này cần được quan tâm, hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra, người nghèo – những chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp các dịch vụ du lịch vì người nghèo lại luôn ở một cực rất khác biệt với du khách về nhiều mặt, sự tiếp xúc qua lại giữa hai nhóm đối tượng này luôn tiềm tàng nhiều khả năng tạo ra căng thẳng, xung đột do sự khác biệt văn hóa, sốc văn hóa hay sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn. Chính vì lẽ đó, trong tiếp cận và triển khai phát triển du lịch vì người nghèo, bên cạnh mục tiêu đem lại những lợi ích kinh tế giúp người nghèo thoát nghèo, cải thiện cuộc sống vật chất, cũng cần chú trọng khía cạnh văn hóa để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng, giúp người nghèo nhận thức rõ hơn cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị này.
  6. Ngành công nghiệp du lịch đang ngày càng mang tính quốc tế hóa. Cấu trúc của ngành công nghiệp du lịch ở cấp độ toàn cầu có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới cấu trúc này ở cấp độ quốc gia hay địa phương. Du lịch vì người nghèo (cũng như du lịch nói chung) có các tác động tích cực nhưng cũng không thể tránh khỏi các tác động tiêu cực. Cách tiếp cận này cũng còn nhiều điểm mới mẻ và việc thực hiện trong thực tiễn cũng còn nhiều trở ngại. Du lịch là một tác nhân thay đổi, cũng như nhiều tác nhân khác nó cũng có tính hai mặt khá rõ rệt. Vấn đề là làm thế nào để phát huy tối đa mặt tích cực và giảm tối thiểu mặt tiêu cực. Điều may mắn là cùng với việc du lịch đã phát triển đến phạm vi toàn cầu, chúng ta đã tích luỹ được nhiều thông tin, kinh nghiệm cũng như sự quan tâm chung về tác động tiêu cực của phát triển du lịch đối với xã hội. Qua những kinh nghiệm đã thu thập được, chúng ta nhận thấy những vấn đề liên quan đến du lịch trong xã hội hiện nay không còn là chuyện mới mẻ hoặc chỉ liên quan đến một quốc gia duy nhất. Điều tương đối mới là thế giới hiện ngày càng quan tâm đến một thực tế rằng, nếu chúng ta không có những hành động thích hợp, những vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn và tiếp tục phá hoại hình ảnh của du lịch như một nhân tố tích cực đối với sự phát triển (Jenkin, 1997). Tài liệu tham khảo 1. Caroline Ashley, Dilys Roe, Harold Goodwin (2001), Pro-poor tourism strategies: Making tourism work for the poor, Pro-poor Tourism Report No 1, International Institute for Environment and Development, UK. 2. Nguyễn Thị Vân Hạnh (2011), Xã hội học Du lịch: Lịch sử phát triển và các chủ đề nghiên cứu cơ bản, Tạp chí Xã hội học, số 3, tr.91-101 3. Nguyễn Thị Vân Hạnh (2013), Du lịch vì người nghèo và triển vọng hợp tác phát triển giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công, Tạp chí Đối ngoại, số 5, tr.41-46 4. Jenkin (1997), Tác động xã hội của du lịch, Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị quốc tế các nhà quản lý du lịch thế giới, Manila, Philippines 5. Jahid Anwar (2012), Poverty Allaviation through Sustatinable Tourism: A Critical Analysis of Pro-poor Tourism and Implications for Sustainability in Bangladesh, Master thesis of International Coorporation Policy, Ritsumeikan Asian Pacific University, Japan 6. Võ Quế (2014), Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, http://www.itdr.org.vn/nghiencuu-traodoi/834-giai-phap-phat-trien-du-lich- viet-nam-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-va-hoi-nhap-quoc-te.html 7. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2013), Giới thiệu sáng kiến “Du lịch bền vững – Xóa đói giảm nghèo” của tổ chức Du Lịch Thế giới, http://www.itdr.org.vn/kinh-nghiem- ptdl/kinh-nghiem-quoc-te.html 8. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (2012), Bộ công cụ hướng dẫn giảm nghèo thông qua du lịch, Hà Nội 9. Tổng cục Du lịch (2009), Một số thành tựu trong quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam, website Tổng cục Du lịch, http://www.vietnamtourism.gov.vn/ TÓM TẮT Ngành công nghiệp du lịch được xem là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, tạo ra rất nhiều cơ hội, thách thức, tác động thuận chiều và trái chiều cũng như các trách nhiệm
  7. xã hội. Trong khi tồn tại quan điểm du lịch là ngành công nghiệp của người giàu, phục vụ cho người giàu (hoặc chí ít là người không nghèo), hiện nay đã xuất hiện khá phổ biến thuật ngữ “du lịch vì người nghèo” như một khái niệm đối nghịch với quan điểm trên. Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo đang là mục tiêu của nhiều quốc gia nghèo và quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
nguon tai.lieu . vn