Xem mẫu

  1. DU LỊCH VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ TOÀN CẦU HÓA Dương Hồng Hạnh(*) VIETNAMESE CULTURAL TRAVEL IN GLOBALIZATION PERIOD Abstract Culture is an important element of national identity; culture plays a special role in the development of every nation. In particular, the trend of globalization and the current deep international economic integration, culture is both objective and driving force of social - economic development. Moreover, the culture in the context of the new world with many interleaving diversity and complexity relationships, is also the foundation of the country. Culture in the sense that cultural identity is also what helps people distinguish themselves from others, his nation with other nations. And culture in the current period also has to be open and self- innovated to adapt to the rapid changes in all aspects of social life. * Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đang bị cuốn vào một xu thế chung và khách quan – xu thế toàn cầu hóa. Xét về bản chất, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới. Chính vì thế, xu thế này là động lực để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, toàn cầu hóa là quá trình có tính hai mặt. Toàn cầu hóa trong điều kiện do các thế lực tư bản chi phối lại tạo nguy cơ làm mai một nền văn hóa dân tộc. Các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, hiện đang phải đối mặt với vấn đề cân bằng giữa phát triển du lịch với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm được điều đó, từng quốc gia, dân tộc phải nhận thức được rõ vai trò của văn hóa truyền thống trong nền kinh tế hiện đại. 1. Tổng quan chung về toàn cầu hóa, du lịch văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa 1.1. Khái niệm Toàn cầu hóa Toàn cầu hóa, mà trước hết là toàn cầu hóa kinh tế đã hình thành và phát triển qua một chặng đường lịch sử khá dài, bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất xã hội hóa sản xuất trên phạm vi quốc tế. Trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời thì đã có những mầm mống của xu hướng toàn cầu hóa kinh tế. Đó là sự giao lưu buôn bán giữa các nước phong kiến với nhau. Tuy nhiên, chỉ sau khi có các cuộc phát kiến địa lí lớn diễn ra vào thế kỉ 15-16 và nhờ có các tiến bộ vượt bậc về kĩ thuật hàng hải đã giúp các nước trên các châu lục thông thương mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại thì xu hướng toàn cầu hóa mới thực sự được biểu hiện một cách rõ ràng. Xu thế toàn cầu hóa lại bùng lên mạnh mẽ từ cuối những năm 80 của thế kỉ 20. Cùng với sự kết thúc chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, thế giới đã trải qua các chuyển biến lớn lao: sự so sánh quyền lực giữa các trung tâm quyền lực đã có sự thay đổi từ một trật tự thế giới hai cực với hai hệ thống chính trị xã hội đối lập trước đây nay chuyển thành một trật tự mới theo hướng đa cực, không còn sự đối đầu giữa hai hệ thống chính trị - xã hội đối lập. Xu thế hòa bình, hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung trở thành xu thế chủ đạo trong các quan hệ quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất về các nhân tố tác động đến sự gia tăng của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế: thứ nhất, đó là sự tác động trực tiếp của cuộc cách (*) ThS., Bộ môn Marketing Du lịch, Khoa Khách sạn Du lịch, Trường Đại học Thương Mại, Hà Nội.
  2. mạng khoa học – công nghệ với mạng lưới thông tin toàn cầu, mạng lưới và hệ thống siêu thị toàn cầu cùng với sự phát triển nhanh chóng của các hình thức giao dịch thương mại điện tử và hệ thống trụ sở lao động toàn cầu. Thứ hai, sự hình thành mạng lưới sản xuất quốc tế và vai trò ngày càng tăng của các công ty xuyên quốc gia – lực lượng chi phối toàn cầu. Thứ ba là các tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế đóng vai trò thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa với ba trụ cột là IMF, WB và WTO. Như vậy, bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ sự xã hội hóa sản xuất cao, toàn cầu hóa có vai trò to lớn thúc đẩy sản xuất toàn nhân loại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là kinh tế. Du lịch văn hóa Theo tổ chức Du Lịch Thế Giới (UNWTO): du lịch văn hóa bao gồm hoạt động của những người với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, khám phá về văn hóa như các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn, về các lễ hội và các sự kiện văn hóa khác nhau, thăm các di tích và đền đài, du lịch nghiên cứu thiên nhiên, văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành hương. Theo hội đồng Quốc tế các di chỉ và di tích (ICOMOS): Du lịch văn hóa là loại hình du lịch mà mục tiêu là khám phá những di tích và di chỉ. Nó mang lại những ảnh hưởng tích cực bằng việc đóng góp vào việc duy tu, bảo tồn. Loại hình này trên thực tế đã minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng vì những lợi ích văn hóa - kinh tế - xã hội. Theo Khoản 22, Điều 4, Luật Du lịch Việt Nam 2005: Du lịch văn hóa là một hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 1.2. Toàn cầu hóa về văn hóa Từ phương diện văn hóa, có thể thấy toàn cầu hóa là quá trình đấu tranh để xác lập những giá trị và chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là quá trình đấu tranh tự khẳng định các giá trị đặc thù của các nền văn hóa dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa vừa là quá trình phổ biến những giá trị chung trên phạm vi toàn cầu mang tính nhất thể hóa, vừa là quá trình đa dạng hóa, quá trình tự khẳng định bản lĩnh và bản sắc của các nền văn hóa. Đây là quá trình đấu tranh của các mặt đối lập, đầy mâu thuẫn, đa dạng và phức tạp. Sự tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của xu thế toàn cầu hóa đối với các nền văn hóa dân tộc thể hiện rõ thông qua các lĩnh vực sau: -Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống viễn thông toàn cầu. -Thông qua khoa học kĩ thuật và công nghệ. -Thông qua phát triển thương mại và xuất nhập khẩu văn hóa phẩm. -Thông qua dịch vụ giải trí và du lịch. -Thông qua giao lưu văn hóa chính thức và phi chính thức. Như vậy, rõ ràng là quá trình toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến văn hóa của tất cả các quốc gia dân tộc. Dù muốn hay không, xu thế này cũng thâm nhập và có thể tạo ra sự cấu trúc lại các nền văn hóa dân tộc trong khung cảnh mới của thế giới đương đại. Và trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia dân tộc đứng trước một bài toán khó là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. 2. Đặc điểm du lịch văn hóa Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa Từ góc độ kinh tế, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Sự phát triển của du lịch có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy nhiều ngành kinh tế xã hội khác phát triển. Về mặt xã hội, du lịch là một hiện tượng xã hội nảy sinh khi con người xuất hiện nhu cầu di chuyển khỏi nơi cư trú và làm việc thường xuyên của mình để thỏa mãn các nhu cầu khác nhau. Ở góc độ môi trường, du lịch là
  3. môt ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Có thể nói rằng nếu không có tài nguyên thì không thể có sức hấp dẫn đối với du khách, và do đó không thể có các hoạt động kinh doanh du lịch. Trong số các bộ phận cấu thành của tài nguyên du lịch thì di sản văn hóa nói chung đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút du khách. Các giá trị văn hóa truyền thống là một thành tố không thể thiếu trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa – loại sản phẩm in dấu ấn truyền thống và nhân văn của dân tộc. 2.1. Sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa Sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa có những đặc điểm chung như sau: Thứ nhất, chất liệu quan trọng nhất của cả sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để xây dựng và đưa vào phục vụ đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa. Cả sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa đêu cần đến các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Các giá trị văn hóa càng phong phú độc đáo thì sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa càng có tính hấp dẫn cao. Thứ hai, giống như các sản phẩm du lịch khác, sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa đều có đặc điểm vừa hữu hình vừa vô hình, không thể lưu kho và khó có thể đánh giá chất lượng thông qua định lượng. Giá trị của sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa không thể định giá một cách chính xác, hay nói cách khác, không thể định giá thông qua giá cả thị trường. Thứ ba, sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa chỉ có thể đánh giá được sau khi đã sử dụng. Trước khi sử dụng, khách hàng chỉ có thể hình dung hay tưởng tượng về sản phẩm mà mình định mua. Ví dụ như khi mua vé tham quan một bảo tàng, chương trình múa rối nước, một lễ hội nào đó thì du khách chỉ có thể cảm nhận thông qua sự quảng cáo của người bán. Trong thực tế, chất lượng của sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa không chỉ phụ thuộc vào sự độc đáo hấp dẫn của các giá trị văn hóa vật thể hay phi vật thể được chứa đựng trong đó, mà còn phụ thuộc vào cách thức tổ chức quản lí, chất lượng và số lượng dịch vụ, phẩm chất và năng lực của đội ngũ những người phục vụ… Bên cạnh đó sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa còn có nhiều điểm khác biệt như sản phẩm du lịch văn hóa có thể vừa chứa đựng các giá trị văn hóa, các thành tựu văn hóa, vừa chứa đựng ngay cả các sản phẩm văn hóa. Nhưng nhìn chung sản phẩm văn hóa thường có nội hàm rộng hơn sản phẩm du lịch văn hóa. Điều đó cho thấy mối quan hệ nhân quả của hai loại sản phẩm này đồng thời khẳng định vai trò to lớn và sự tác động lẫn nhau giữa chúng trong quá trình hình thành và phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. 2.2. Xu thế khai thác các giá trị văn hóa trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam Cùng với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa là một trong hai loại hình du lịch được đặc biệt chú trọng của Việt Nam trong tương lai. Việc định hướng phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam được căn cứ vào tiềm năng du lịch nhân văn phong phú, điều kiện nguồn nhân lực và khả năng khai thác tiềm năng đó ở nước ta. Do đó, khai thác các giá trị văn hóa trong kinh doanh du lịch là một nội dung họat động đặc biệt quan trọng của du lịch Việt Nam, góp phần phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam. Kinh doanh du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trong nước cũng như các giá trị văn hóa nhân loại một cách hài hòa đòi hỏi trí tuệ và nhiệt tình trách nhiệm của cả cộng đồng, của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các chuyên gia văn hóa, chuyên gia du lịch. Mục tiêu của việc khai thác các giá trị văn hóa vào kinh doanh du lịch là nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vì chỉ có các sản phẩm in đậm dấu ấn văn hóa dân tộc mới có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Xu thế chung của hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam trong việc khai thác các giá trị văn hóa là một đòi hỏi cơ bản và lâu dài cùng với sự phát triển của du lịch, kinh tế - xã hội
  4. Việt Nam. Điều đó có nghĩa là sự phát triển các loại hình du lịch văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa cũng như thiết lập các chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh và quản lí du lịch cần được thực hiện trong mối quan hệ gắn bó với sự phát triển chung của toàn ngành cũng như đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 3. Một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa 3.1. Ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao nhằm phát triển du lịch văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa Trong xu thế hội nhập, việc ứng dụng công nghệ cao trở thành một hướng đi tất yếu. Ngành du lịch thế giới đã áp dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographical Information System) do các ứng dụng của công nghệ rất đa dạng và hiệu quả. Hệ thống thông tin địa lý này giúp ứng dụng cho du lịch từ quy hoạch tổng thể đến các tiện ích phục vụ doanh nghiệp, khách hàng. Hệ thống này phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của khách du lịch (tìm kiếm điểm du lịch, tuyến lữ hành, giá cả các dịch vụ, phòng ở, người dẫn đường), quy hoạch du lịch, xúc tiến - quảng bá du lịch. Du lịch văn hóa phát triển dựa vào hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể. Hệ thống thông tin địa lý trợ giúp việc quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch văn hóa, điều tra và đánh giá tài nguyên du lịch, lập bản đồ di sản văn hóa, sơ đồ hóa và xác lập ranh giới trên bản đồ địa lý cho các thực hành di sản văn hóa, tích hợp và xử lý nhiều thông tin khác nhau về ẩm thực, lễ hội, làng nghề, tín ngưỡng, lịch sử tộc người. 3.2. Hoàn thiện đội ngũ hướng dẫn viên nhằm phát triển du lịch văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa Toàn cầu hóa là quá trình đang tiếp diễn. Du lịch là một phần của quá trình này. Hướng dẫn viên du lịch với giao tiếp đa văn hóa và những khác biệt về giao thoa văn hóa chính là tâm điểm của xu hướng này. Hướng dẫn viên là cầu nối giữa văn hóa và con người của nước chủ nhà với khách du lịch, bởi thế cần nắm được những khác biệt về giao thoa văn hóa và giao tiếp. Hướng dẫn viên cần có trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ giới thiệu về đa văn hóa trong hành trình tour đối với các thành viên trong đoàn, cần khuyến khích du khách khám phá văn hóa và phong tục địa phương từ những việc hết sức đơn giản như gọi đồ ăn và thức uống, đặt câu hỏi cho cư dân địa phương, trang phục phù hợp... cho đến những vấn đề phức tạp hơn như cấm kỵ tôn giáo, cách tránh vi phạm các tập quán địa phương. Hướng dẫn viên luôn làm việc trong môi trường quốc tế và nước ngoài bởi thế cần nắm được các kỹ năng giao tiếp đa văn hóa và nhận thức về sự tồn tại những khách biệt giữa các nền văn hóa. Giao tiếp đa văn hóa cần tập trung vào: bỏ qua các thành kiến giữa những người có các nền tảng tôn giáo và văn hóa khác nhau. Hướng dẫn viên cần có hiểu biết sâu sắc hơn, tôn trọng các tiêu chuẩn, giá trị của các nền văn hóa khác. Hướng dẫn viên cần có kiến thức về những điều hay, dở của môi trường văn hóa địa phương nhằm tránh những môi thuẫn do giao thoa văn hóa mang lại, từ đó giúp du khách nhận thức rõ hơn về hành vi ứng xử của họ trong một nền văn hóa khác. 3.3. Xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng phân loại để phát triển du lịch văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là một quy trình có tính hai mặt, vừa là sự quy gộp các giá trị văn hóa đơn nhất, vừa là sự phân tách các giá trị của một đơn nguyên (khu vực, quốc gia, vùng, dân tộc, sắc tộc..) trở thành tài sản của nhiều đơn nguyên khác. Khi tiến hành hoạt động du lịch văn hóa theo hướng đi vào các giá trị toàn cầu, ngoài việc phân loại “các làng văn hóa” như một tên gọi chung, phải tiến hành kỹ năng phân loại theo thế mạnh của từng làng, từng địa phương nhằm đánh giá tiềm năng của nó. Ví dụ: có làng thuốc nam, làng dệt lụa, làng thêu ren, làng đúc đồng...Khi phát triển du lịch văn hóa nên áp dụng hệ tiêu chuẩn khác nữa dựa vào đặc điểm từng đô thị (đô thị lịch sử, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp) Như vậy tránh được sự thiếu chính xác
  5. và máy móc khi quy hoạch quản lý đô thị và du lịch văn hóa. Ví dụ: Tam Kỳ của Quảng Nam theo mô hình đô thị công nghiệp hay Hội An theo mô hình đô thị lịch sử, Hà Nội theo mô hình đô thị văn hóa, thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình đô thị thương mại. Thậm chí, ở từng không gian du lịch văn hóa mô hình này được chia nhỏ và cụ thể hơn nữa: Vùng di tích lịch sử, vùng đệm, vùng hài hòa với môi trường lịch sử, riêng vùng di tích lịch sử có thể phân thành ba loại: Di tích kiến trúc được gọi là bảo vật quốc gia, di sản được gọi là di tích lịch sử đặc biệt, địa điểm thiên nhiên đặc biệt. Để từ đó có những định chế bảo tồn thích hợp, phục vụ cho du lịch văn hóa. Kỹ năng và nghiệp vụ này phải được phối hợp hiệu quả từ doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương, chính quyền địa phương, hướng dẫn viên du lịch để chuyển tải bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam tới khách du lịch thông điệp văn hòa và du lịch trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang là chất liệu chủ yếu để xây dựng các chương trình du lịch, các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, khác biệt với các sản phẩm du lịch văn hóa của các quốc gia khác. Trong thế giới ngày nay, các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại đã mang lại cho con người nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, sự phát triển ồ ạt của quá trình đô thị hóa cũng như các quá trình di dân tự do đã góp phần làm cho con người ngày càng muốn tìm đến những miền đất lạ, những đất nước mà ở đó các giá trị văn hóa truyền thống còn được gìn giữ và bảo lưu nguyên vẹn. Chính thực tế ấy đã chỉ ra rằng du lịch văn hóa nói chung, các sản phẩm du lịch văn hóa nói riêng đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với một bộ phận khá lớn du khách trên thế giới. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia luôn phải đối mặt với một bài toán khó là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chỉ khi nào mối quan hệ đó được giải quyết một cách đúng đắn và hài hòa thì khi đó sự phát triển mới được coi là bền vững. Tài liệu tham khảo 1. Trần Thúy Anh (2011), Giáo trình du lịch văn hóa - Những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 2. Vũ Thế Bình (2008), Một số vấn đề về du lịch văn hóa ở Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội. 3. Denis L.Foster (2011), Công nghệ du lịch, Nxb Thống kê, Hà Nội. 4. Howard Hughes, Arts, Enterainment and Tourism, Butterworth – Heinemann. 5. Jamieson, Walter, Alix Noble, Amanual fof sustainable tourism destination management, COC - UEM project, AIT. TÓM TẮT Văn hóa là một thành tố quan trọng của bản sắc dân tộc, văn hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế, văn hóa trong bối cảnh thế giới mới với nhiều mối quan hệ đan xen, đa dạng và phức tạp còn là nền tảng của quốc gia. Văn hóa theo ý nghĩa là bản sắc văn hóa còn là những gì giúp con người phân biệt mình với người khác, dân tộc mình với dân tộc khác. Và văn hóa trong giai đoạn hiện nay còn phải mang tính mở và tự đổi mới để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trên mọi mặt của đời sống xã hội.
nguon tai.lieu . vn