Xem mẫu

  1. DU LỊCH VĂN HÓA TÂM LINH Ở NAM BỘ - MỘT VÀI SUY NGHĨ Trần Hồng Liên(*) RELIGIOUS CULTURAL TOURISM- SOME THOUGHTS Abstract As a smokeless industry, Vietnam tourism has transformed many aspects, from expanding areas, improving tour guides’ skills, diversifying the routes to linking tourism with ecological environment etc. However, to really make Vietnam tourism appeal and attract tourists, especially foreigners, we also need to consider linking tourism with spiritual activities so that southern tourism has specific characteristics. In addition, from the strength of the features of ethnic groups here and on the basis of understanding, studying these features we apply and exploit the strengths of beliefs - religion into tourism. * Du lịch văn hóa tâm linh bao gồm những gì và phát triển các tuyến du lịch này như thế nào? Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho cả ngành du lịch cũng như đối với những nhà nghiên cứu. Bài viết này chỉ đề cập đến một số suy nghĩ về một mảng nhỏ trong du lịch mang tính tâm linh, tức du lịch có gắn với sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo, nhằm góp phần vào việc đẩy mạnh hoạt động du lịch thời gian tới, nâng cao hơn nữa cuộc sống tinh thần của người dân thông qua các cuộc tham quan, giải trí; du lịch có gắn kết với việc mở rộng kiến thức. Đồng thời bài viết cũng nêu lên một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đưa vào thực hiện. 1. Thế mạnh của du lịch văn hóa tâm linh ở Nam Bộ Trước nay, trong hoạt động du lịch Việt Nam, một số những di tích có giá trị về lịch sử-văn hóa, kiến trúc- nghệ thuật đã được triển khai thực hiện, đưa vào hoạt động du lịch, trở thành những điểm đến của khách tham quan. Đa số các điểm đến này là những di sản của đất nước, là những di tích tiêu biểu cho nền văn hoá của dân tộc Việt Nam. Từ Bắc vào Nam, các ngôi chùa, đền, đình, miếu… đều chứa đựng trong nó những giá trị mang tính đặc trưng văn hoá, không chỉ của vùng, miền, mà còn thể hiện nét riêng của Việt Nam, thể hiện qua nhiều góc độ khảo sát, từ kiến trúc đến trang trí, từ tượng thờ đến những hiện vật bày trí bên trong. Ở Nam Bộ, các tuyến du lịch tham dự lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo đa số tập trung vào hai trung tâm lớn là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là khu vực núi Bà Đen với quần thể di tích chùa và điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu và ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang với khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu… Tại thành phố Hồ Chí Minh, khá nhiều quần thể tín ngưỡng - tôn giáo tập trung tại đình, chùa, miếu, nhà thờ, thánh đường, thánh thất… từ lâu đã là điểm đến của hàng triệu khách thập phương. Do đâu mà các điểm đến này thu hút lượng khách tham quan nhiều và thường xuyên như vậy? Trả lời câu hỏi trên chính là bước đầu đặt ra được những nội dung gợi mở cho việc phát triển du lịch đúng hướng và có hiệu quả. Phải thừa nhận rằng, ở Nam Bộ, lễ hội gắn với tín ngưỡng - tôn giáo có màu sắc đặc thù. Ở Đông Nam Bộ, có thể nhận thấy lợi thế của rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, của Hồ Trị An, Hồ Cốc, của suối nước nóng Bình Châu… Ngoài ra, địa thế du lịch đảo cũng được khai thác qua thế mạnh của Côn Đảo và Phú Quốc. (*) PGS.TS., Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
  2. Không chỉ tìm thấy nét đặc trưng qua môi trường sinh thái kết hợp giữa biển và đất liền, mà ở Đông Nam Bộ cũng là một khu vực với nhiều di tích lịch sử như Địa Đạo Củ Chi, như Trung Ương Cục… Đến với vùng Đông Nam Bộ, khách không chỉ có núi Bà Đen và quần thể chùa miếu trong không gian có núi, có rừng, có dược liệu quý. Núi Bà Đen, cũng không chỉ giới thiệu một quần thể kiến trúc tín ngưỡng - tôn giáo có chùa, miếu được xây dựng trong hang núi, nằm trong một cảnh quang có núi cao, vực sâu, mà tại địa bàn tỉnh Tây Ninh này cũng tồn tại một nét kiến trúc mang tính tổng hợp cao, đó là Toà Thánh Tây Ninh của đạo Cao Đài. Không một ngày nào Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh vắng khách! Sự lui tới ngày một đông đảo của khách nước ngoài tại đây không chỉ là sự tò mò. Càng đi và đến nhiều lần, mỗi một chuyến tham quan, người xem sẽ cảm nhận thêm được chiều sâu về vũ trụ quan và nhân sinh quan của cư dân vùng đất mới. Ở đó không phải là sự pha tạp, hỗn dung văn hóa một cách thiếu ý thức như nhiều người thường nghĩ. Chính sự phong phú trong kiến trúc Tòa Thánh, phần nào đó cho thấy tính cách mở, thoáng của người dân Nam Bộ trong tiếp nhận, hội nhập văn hóa, để ngày càng làm giàu thêm, phong phú hơn vốn kiến thức của mình. Con long mã trên nóc Tòa Thánh đang phóng về hướng Tây, ngụ ý đạo được truyền sang phương Tây, nhưng đầu vẫn ngoảnh lại hướng Đông, là vẫn ý thức quay về nguồn cội xuất phát. Trên nóc Tòa Thánh, người ta còn bắt gặp kiến trúc mang dáng dấp các thánh đường Hồi giáo với vòm mái tròn và cũng còn có cả hình tượng của Bà La Môn giáo. Đến với lễ hội, người tham quan như được trải nghiệm cùng lúc nhiều lớp văn hóa đan xen. Trong miếu Bà Chúa Xứ cũng có thờ Cô - Cậu, có những nét văn hóa gần gũi với các vùng miền khác. Ngô Đức Thịnh đã dầy công nghiên cứu và có nhận xét rằng: “Nhìn vào các lớp văn hoá tạo nên biểu tượng tâm linh Bà Chúa Xứ, chúng ta đều thấy thấp thoáng hình bóng Bà Mẹ Xứ Sở -Pô Inư Nưgar của người Chăm, Thánh Mẫu Thiên Yana của người Việt, nữ thần Neang Khmau (Bà Đen), tục thờ Neak Tà của người Khơme và xa xưa hơn, nhưng cũng hiển hiện hơn là tất cả các biểu tượng trên đều được quy tụ trong linh tượng Shivalinga và Sakti của Shiva là nữ thần Uma của Bàlamôn giáo, mà truyền thuyết bức tượng Bà Chúa Xứ An Giang đã mách bảo chúng ta những điều như vậy, cho dù bề ngoài bức tượng đó cũng đã được cải trang dưới hình dáng Thánh mẫu của người Việt” [4, tr.282]. Một tiểu vùng khác khi đi dần về phương Nam, đó là tiểu vùng sông Mê Kông. Nét đặc sắc của khu vực này chính là một hệ thống sông ngòi chằng chịt, với làng nghề, chợ nổi, với các vười cây ăn trái xum xuê. Đây còn là nơi hội tụ của người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Khmer, của loài động vật quý hiếm như sếu đầu đỏ, và một số loài trong rừng tràm chim, vườn cò… ở Đồng Tháp. Trong cảnh quan đa dạng, thay đổi theo vùng, khá nhiều phum sóc của cộng đồng tộc người Khmer được bố trí trên những giồng đất cao ráo, nổi lên những ngôi chùa với đầu đao đuôi rắn vút cong, điều này đã tạo cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long một nét đặc trưng, vừa duyên dáng, vừa đa dạng. Đến với vùng núi Sam Châu Đốc, cả một quần thể tín ngưỡng - tôn giáo dày đặc, trong đó khái niệm Thất Sơn huyền bí được truyền tụng từ lâu đời, đến nay vẫn còn như một lực hút, mời gọi khách tham quan tìm về chiêm ngưỡng, nhằm thỏa mãn trí tò mò, óc khám phá. Tuy nhiên, người dân đến vùng núi huyền bí này không chỉ có thế! Khá nhiều đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền nơi đây còn giúp khách tham quan ngưỡng vọng về những bậc tiền hiền có công khai phá vùng đất mới. Đào kênh Vĩnh Tế phục vụ cuộc sống người dân tốt hơn của Nguyễn Văn Thoại; hàng lớp người đi khai hoang mở đất theo tiếng gọi của Đòan Văn Huyên, người được cư dân Nam bộ tôn xưng là Phật Thầy Tây An. Chưa ở đâu có hiện tượng tôn thờ một vị Phật sống / Hoạt Phật như chốn này! Bởi vì chính những đóng góp thực tế và có hiệu quả cho cộng đồng của nhân vật ấy! Rồi khách tham quan cũng có thể theo dòng kênh đào, hoặc đi bằng đường bộ vào viếng Bửu Hương tự, ngôi chùa có tiếng của huyện Châu Phú (An Giang), là một trung tâm quan trọng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương(1), gắn với vùng đất căn cứ địa kháng Pháp là Láng Linh - Bảy Thưa của Đức Quản Cơ Trần Vạn Thành(2). Nơi đây, hàng năm vào những ngày 21 và 22 tháng 2 âm lịch, hàng chục ngàn người đổ về kỷ niệm ngày giỗ của ông. Lễ hội ấy chính là sợi chỉ kết nối truyền thống với
  3. hiện đại, là một bài học lịch sử không lời về việc bảo tồn và phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Khu vực Bảy Núi là điểm đến tham quan, du lịch, cầu cúng của người dân khắp nơi đổ về ngày càng đông đúc. Từ nhu cầu của người dân, vùng đất rộng, người thưa trước đây dần được tụ cư đông đúc hơn. Người dân tại chỗ có điều kiện sinh sống nhờ vào buôn bán và dịch vụ. Các di tích danh thắng như đồi Tức Dụp (Tri Tôn), khu du lịch An Hảo (Tịnh Biên) ngày càng được mở rộng và nâng cao doanh thu. Xoay quanh vùng Bảy Núi, có khá nhiều chùa, am, tịnh thất của Phật giáo như chùa Vạn Linh ở núi Cấm, chùa Tây An, Huỳnh Đạo ở Núi Sam; các đền, miếu, lăng… của tín ngưỡng dân gian như lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, đình Thới Sơn; các chùa thuộc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương như chùa Bửu Sơn, Thới Sơn, Phước Điền (Tịnh Biên), mộ ông Đình Tây (Bùi văn Tây)... là điểm đến tham quan của nhiều tour du lịch lữ hành cả đường bộ và đường thủy. Vùng Bảy Núi có nhiều cửa khẩu quốc tế, lại có chợ, và đây là nơi tập trung của nhiều thành phần dân tộc: người Kinh, người Khmer, người Hoa, người Chăm. Đó cũng là một thuận lợi trên cơ sở của hiện tượng đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa sẽ góp phần thu hút khách du lịch tâm linh, sau khi viếng chùa, miếu, vãng cảnh, có thể tham quan mua hàng hóa tại chợ cửa khẩu Tịnh Biên. Trong nhiều thế kỷ qua, không ai có thể phủ nhận những nhân tố tích cực mà tín ngưỡng, tôn giáo đã mang lại cho đời sống văn hoá tinh thần của cư dân Bảy Núi. Tín ngưỡng - tôn giáo đã thắm nhuần trong từng con người có đạo để vào những ngày đầu khai hoang, lập làng, cư dân đã từ phong trào mở đất do Phật Thầy Tây An phát động, họ đã nhanh chóng cùng nhau cố kết thành cụm dân cư, xây dựng thôn ấp sung túc trong mối quan hệ đùm bọc, thân thiết của những người vừa đồng hương, vừa đồng đạo. Đó là nếp sống văn hóa mới, tu tròn nhân đạo, không y áo như những tu sĩ Phật giáo trước kia nữa. Nét văn hoá của những người đi mở cõi là vừa xây dựng, vừa giữ gìn biên cương trên một lãnh thổ có đường biên gaàn 100 km với Campuchia. Nhận thức và hành động như vậy trong những ngày đầu khai phá ở phía Tây, vùng Bảy Núi, chính là nét văn hóa sinh động nhất mà các đạo giáo/ tôn giáo đã góp phần trong việc định hình nhân cách sống cho cư dân tại chỗ cũng như từ nhiều nơi khác đến. Nếp tín ngưỡng dựa trên tinh thần “uống nước, nhớ nguồn”, cư dân của nhiều thế hệ đã sống xứng đáng khi biết tạc bia đá lưu truyền với tấm lòng thành kính biết ơn những người đã vì cộng đồng như ông Đoàn Văn Huyên, Nguyễn Văn Thoại, như Bùi Văn Tây... cùng hàng chục ngàn con người đã bỏ mình hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc suốt hàng trăm năm qua, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và trong nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của vùng biên giới. Ngôi đình Thới Sơn không phải ngẫu nhiên mà từ khi thành lập đến nay, dù phải trải qua bao cảnh thăng trầm, mà ngày lễ cúng kỳ yên của đình năm nào cũng quy tụ về hàng chục ngàn người. Họ đến để tạ ơn Phật Thầy, tạ ơn thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, tạ ơn lớp người được gọi là bậc “tiền hiền khai khẩn” đã giúp cho ông bà tổ tiên họ có điều kiện tiếp nối cuộc sống yên vui, no ấm cho đến ngày nay. Cũng không ngạc nhiên khi thấy trong sân chùa Thới Sơn có dựng tượng đài để ca tụng và nhớ ơn 360 liệt sĩ đã hy sinh. Chính thông qua các sự kiện này, một lần nữa tín ngưỡng - tôn giáo đã góp phần chuyển tãi ý thức về sự giáo dục tinh thần yêu nước, một giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ kế tiếp. Ngôi chùa Khmer, qua nhiều thế kỷ đã trở thành một trung tâm, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tôn giáo, thờ cúng và lễ lạy, mà đã là một nơi gần gũi thân thiết với cộng đồng Khmer, là trường chùa, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cả phum sóc. Những nhận thức từ ngôi chùa Khmer không phải là một nền thần học khô cứng, mà là một hệ thống đạo đức luận soi rọi cho cộng đồng sống, đoàn kết, tương trợ nhau trong một không gian khép kín, có tôn ty dưới quyền điều động của người trụ trì là vị Sãi Cả. Như vậy, trong một chừng mực nhất định, chính tín ngưỡng - tôn giáo, thông qua các cơ sở thờ tự của nó, đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp, để định hướng nhân cách sống cho cộng đồng.
  4. Như vậy, thông qua một số hình ảnh, cơ sở thờ tự vốn là những di tích, danh thắng của Nam Bộ, những điểm tham quan đã trở thành Di tích Lịch sử - văn hóa hay Kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia, cấp Tỉnh, Thành, du khách trong và ngoài nước có dịp tiếp cận với nền văn hóa phong phú, đa dạng của Việt Nam, của Nam bộ nói riêng. Nền văn hóa ấy đặt cơ sở trên giá trị tinh thần truyền thống đã giới thiệu cho khách tham quan một nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân tộc, với một đời sống tinh thần trọng nhân nghĩa; hiếu kính với ông bà tổ tiên; tôn thờ những người có công với dân, với nước. Nền văn hóa ấy cho thấy một dân tộc chuộng hòa bình, biết sống vị tha, biết yêu chuộng một đời sống tự do, phóng khoáng, tự tại với đất trời rộng mở, không khuất phục trước bạo quyền và sẵn sàng cứu giúp người cô thế. Từ những suy nghĩ ấy, vùng đất Nam bộ đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là giáo phái, hệ phái, tín ngưỡng, tôn giáo mang màu sắc tổng hợp, đượm nét pha trộn nhiều luồng văn hóa của cả nước, đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là ông đạo, với cá tính đặc thù, với tác phong và hành động mang tính cá biệt. Trong vô số những nét đa dạng ấy, du khách nước ngoài có dịp hiểu hơn về Đất và Người Nam Bộ, về một đất nước Việt Nam đa dạng, phong phú về những giá trị tinh thần. Như vậy, để có thể chuyển tãi những giá trị ấy, cần thiết thực hiện những gì nhằm giới thiệu, bảo tồn văn hóa dân tộc? 2. Bảo tồn và phát huy giá trị tâm linh của dân tộc qua du lịch -Trước hết, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua du lịch văn hóa tâm linh chính là từ việc giới thiệu nhân vật, trưng bày hiện vật, trình bày cho khách tham quan nội dung của di tích tín ngưỡng - tôn giáo và hiện vật, thông qua đó làm rõ được đặc trưng tộc người của một cộng đồng. - Còn có thể nhận thấy bản sắc văn hoá dân tộc thông qua du lịch cũng chính là việc giới thiệu đặc trưng trong cảnh quang của Việt Nam. Cảnh quang ấy đa dạng theo từng vùng văn hoá, đã hình thành những trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong đó không thể không nhắc đến ba khu vực quan trọng ở Nam Bộ là Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. - Dưới góc độ nghiên cứu, để có thể tiến hành theo yêu cầu trên, cần thiết đẩy mạnh việc triển khai, soạn giáo trình, đi đến việc đưa vào giảng dạy chuyên đề Nhân học du lịch tại các trường đại học, trường Du lịch, tại các công ty du lịch… Thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã triển khai các phương án giảng dạy nhiều chuyên đề về Dân tộc học, Khảo cổ học, Kiến trúc Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam… khá tốt. Bên cạnh việc cập nhật hoá giáo trình, các công ty Du lịch cũng cần thiết tổ chức cho hướng dẫn viên du lịch tham khảo thêm nhiều sách mới của các nhà nghiên cứu, sao cho việc hướng dẫn tuỳ theo đối tượng mà đi vào chuyên sâu nhiều hay ít. - Dưới góc độ ứng dụng kết quả nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các công trình đang có, nghĩ đến hướng đầu tư mới có kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài… như có thể tiến hành xây dựng khu nghỉ dưỡng Soài Xo (An Giang), từ đó khách có thể dừng chân dài ngày tại vùng Bảy Núi, có thể tham dự nhiều lễ hội văn hóa tâm linh với nhiều thời điểm khác nhau tại đây. Như vậy, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch và các tour du lịch tư nhân, có thể tiến hành nhiều công trình, sao cho việc ứng dụng những thành tựu của nghiên cứu cơ bản trở nên có ý nghĩa thực tiễn, góp vào việc thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Ở Nam Bộ, có thể nghĩ đến việc du lịch tâm linh thông qua các di tích tín ngưỡng - tôn giáo. Để có thể giới thiệu rộng rãi nét riêng có đặc thù của văn hóa Chăm và Khmer thông qua các thánh đường Hồi giáo, các lễ hội kết thúc tháng chay Ramadan; các ngôi chùa Khmer ở vùng núi có Lễ Hội đua bò, cũng như ở vùng sông nước có Lễ Hội đua ghe ngo. Cần đào tạo cho hướng dẫn viên du lịch trước hết nắm và hiểu rõ tôn giáo mình giới thiệu, đồng thời nắm bắt được nét riêng có, đặc thù trong văn hoá các tôn giáo với các cơ sở thờ tự: chùa, miếu, thánh đường. Trên lĩnh vực tín ngưỡng, nhấn mạnh đến yếu tố thờ thần nữ và đặc trưng
  5. trong đời sống gia đình là chế độ mẫu quyền và mẫu hệ, hiện còn lại dấu ấn trong văn hóa Chăm. Trong một hội nghị Bộ trưởng du lịch các nước APEC tổ chức tại Hội An vào tháng 10/2006, Phó Tổng Thư ký tổ chức du lịch Thế giới (World Travel Organization) đã nhận định: “Việt Nam là một ngôi sao rực sáng trong bầu trời các điểm đến du lịch trong khu vực Châu Á –Thái Bình Dương”. - Từ những đặc trưng trong cảnh quang, trong văn hoá vùng, trong từng tộc người, khi thực hiện, triển khai kế hoạch, lên tour du lịch, cũng như rộng hơn là xây dựng một khu du lịch mới, cần thiết phải xoay quanh nội dung thể hiện, trưng bày… mà trả lời cho được câu hỏi đề ra: đặc trưng của vùng đất này về mặt văn hóa tâm linh là gì? Nó khác với tín ngưỡng - tôn giáo của các vùng miền khác, của các dân tộc khác ở chổ nào? Nó khác với cùng một tộc người này nhưng ở một quốc gia khác ra sao?… Chính trên những câu hỏi khoá được đặt ra từ buổi đầu xây dựng dự án, cho đến khi đưa vào hoạt động công trình, sẽ giúp thể hiện tốt được mục tiêu chủ yếu đề ra: giới thiệu nét đặc trưng riêng có của cảnh quang, của tộc người, của tín ngưỡng, tôn giáo nơi ấy. - Với sự sắp xếp lịch tham quan một cách khoa học, có ghi thời gian tiến hành từng lễ hội, các điệu múa, hát ở từng khu vực của mỗi dân tộc, nên trong một thời gian ngắn, tuyến du lịch này sẽ giúp du khách nắm rõ được đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của từng tộc người. - Tại thành phố Hồ Chí Minh, công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc đã được đầu tư xây dựng từ năm 1998 trên một diện tích 408 ha, với 4 khu chức năng chính: Khu Cổ đại; Trung Đại; Cận đại Hiện đại; Khu sinh hoạt văn hoá và vui chơi giải trí. Đặc biệt trong khu vực cổ đại sẽ giới thiệu nét văn hoá đặc trưng của tín ngưỡng thờ thủy tổ của dân tộcViệt Nam, đền thờ Hùng Vương. Hy vọng đây sẽ là một điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh giúp thể hiện, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, để có thể thực hiện một cách tốt nhất việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc qua du lịch, tiến hành những tour du lịch văn hóa tâm linh tốt hơn cần chú trọng đến yếu tố bền vững. Phát triển bền vững là yêu cầu then chốt giúp du lịch Việt Nam thực hiện được việc đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của từng khu vực. Điều này còn giúp cho ngành Du lịch Việt Nam góp phần tăng trưởng kinh tế cả nước một cách hữu hiệu. Chú thích: (1) Xem thêm sách về Bửu Sơn Kỳ hương của các tác giả: Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb Long Hoa, Sài Gòn; Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu đặc điểm của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, in trong sách Nam Bộ Đất & Người, tập II, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. (2) Có sách ghi Trần văn Thành. Tài liệu tham khảo 1. Dennison Nash (1996), Anthropology of Tourism, Pergamon, University of Connecticut. 2. Lê Nam (2006), Du lịch Việt Nam thời hội nhập, báo Tuổi Trẻ Cuối tuần, số 42. 3. Nguyễn Hữu Thọ (2006), Đi tìm thế mạnh của du lịch Việt Nam, báo Tuổi Trẻ Cuối tuần, số 42.
  6. 4. Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 5. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu đặc điểm của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, in trong sách Nam Bộ Đất & Người, tập II, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. TÓM TẮT Là ngành công nghiệp không khói, thời gian qua du lịch Việt Nam đã có biến đổi nhiều mặt, từ việc mở rộng địa bàn, nâng cao trình độ hướng dẫn viên, đến việc đa dạng hoá nhiều tuyến, gắn kết du lịch với môi trường sinh thái… Tuy nhiên, để thực sự làm cho du lịch Việt Nam mang sức hấp dẫn và thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, còn cần tính đến việc gắn kết du lịch với sinh họat tâm linh, sao cho du lịch Nam Bộ mang tính đặc thù, từ thế mạnh của các đặc trưng tộc người tại đây và trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu những đặc trưng này mà ứng dụng, khai thác các thế mạnh của tín ngưỡng – tôn giáo đó vào du lịch.
nguon tai.lieu . vn