Xem mẫu

  1. DU LỊCH VĂN HÓA HUẾ TRONG TIẾN TRÌNH TOÀN CẦU HÓA DU LỊCH VÀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA DU LỊCH Phan Huy Xu(*) CULTURAL TOURISM IN HUE IN TOURISM GLOBALIZATION AND LOCALIZATION Abstract In the trend of tourism globalization – localization, in Vietnam, Hue is aware of developing its cultural advantages for tourism development strategy, particularly cultural tourism. The paper confirms the successful integration of Hue in the tourism sector as the inheritance, interference and acculturation. The integration of Hue is produced by its history. * Trong các nguồn lực phát triển du lịch, nhiều thập niên qua tại mỗi quốc gia đều tập trung chú ý đến việc khai thác lợi thế văn hóa trong việc phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hoá là một trong những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương. Việt Nam, một quốc gia dân tộc có sự đa dạng về văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền. Trong đó, “xứ Huế” nổi lên như một vùng văn hóa khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa trong kinh doanh du lịch, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng Huế nhưng không hề lạc điệu khi hòa nhập với khu vực và thế giới. Huế là một minh chứng cho việc địa phương hóa du lịch văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập. 1. Một vài lý luận về toàn cầu hóa, địa phương hóa du lịch Sau Chiến tranh lạnh kết thúc, tiến trình toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…, du lịch là ngành diễn ra muộn hơn nhưng lại đang dần trở thành lĩnh vực chiếm lĩnh và chi phối nhiều vấn đề toàn cầu. Trong thế kỷ XXI, toàn cầu hóa, địa phương hóa về du lịch là một xu thế tất yếu. Sức mạnh của du lịch là sự tổ hợp của nhiều ngành nghề khác nhau nên du lịch có mối quan hệ hữu cơ và gắn bó với nhiều lĩnh vực. Qúa trình toàn cầu hóa về du lịch làm xích lại gần nhau các giá trị từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Nếu như trước đây, phương cách sinh hoạt ẩm thực của người phương Tây là dùng “nĩa, dĩa”, người phương Đông sử dụng “đôi đũa” thì ngày nay sự riêng biệt đó không còn là cách biệt. Sự sở hữu cũng không còn là độc quyền mà nó phổ biến khắp nơi ví như: môn thể thao chơi Golf từng chỉ giành cho người phương Tây, nhưng hiện nay bất cứ nơi đâu dân “quý tộc” đều có thể tham gia, vì thế một hệ thống các sân Golf kiêm Resort mọc lên như nấm. Toàn cầu hóa về du lịch là cơ hội cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư nhà hàng – khách sạn, các khu du lịch, dịch vụ y tế, ngân hàng – tài chính… Chính toàn cầu hóa về du lịch gia tăng các áp lực buộc các địa phương muốn hội nhập và phát triển du lịch phải bung năng lực để cạnh tranh và sinh tồn. Mỗi địa phương đều có sức mạnh của riêng mình trong kinh doanh du lịch, địa phương nào cũng ăm ắp các giá trị văn hóa trong đời sống của mình (ngôn ngữ, hệ thống giá trị, chuẩn mực, lối sống, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật, di tích – lịch sử, lễ hội…) nó là điều kiện cho du lịch phát triển. Trong tổng thể sức mạnh của một quốc gia khi tham gia vào lộ trình toàn cầu, mỗi địa phương trong từng quốc gia, khu vực đều có sứ mệnh của riêng mình mà không thể tách rời. Có thể xem các giá trị của địa phương góp phần xây dựng giá trị chung của nhân loại, sự tác (*) PGS.TS., Nguyên cố vấn – Trường CĐVH NT&DL Sài Gòn; Trưởng Khoa QTKD Du Lịch – ĐH Quốc Tế Hồng Bàng.
  2. động hai chiều giữa toàn cầu hóa, địa phương hóa là không thể tránh khỏi. Trong mối quan hệ trên, toàn cầu hóa về du lịch có sức mạnh ưu thế tạo sức ép đối với mỗi địa phương trong việc phát triển các giá trị đặc sắc của mình vào hội nhập như là một cách “sống còn”. Sự nhanh nhạy hội nhập thời cuộc, năng sáng tạo và biết “thể hiện” mình để đưa các giá trị có tính bản địa vào hội nhập toàn cầu. Thay vì đưa các giá trị toàn cầu hóa đến với mỗi địa phương, thì các địa phương nên chủ động “địa phương hóa” các giá trị của mình vào lộ trình phát triển của quốc gia, khu vực và thế giới. Con đường hội nhập này các địa phương đứng thế chủ động khai thác hiệu quả sức mạnh của mình, đồng thời biết bảo vệ bản sắc văn hóa của mình không bị “thương mại hóa văn hóa”, “rơi rớt bản sắc” bởi yếu tố thị trường toàn cầu. Có thể nói đây là cách thức hội nhập, giao thoa và phát triển khôn ngoan và khó. Và nhìn vào các vùng miền Việt Nam, Huế là địa phương có lịch sử hội nhập phát triển năng động, linh hoạt và tạo nên sự giàu có cho địa phương của mình. Vì vậy mà văn hoá là điều kiện và môi trường để cho du lịch phát sinh và phát triển. Giá trị của những di sản văn hoá: di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, các hình thức nghệ thuật, các tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, các cơ sở văn hoá nghệ thuật, các bảo tàng… là những đối tượng cho du khách khám phá, thưởng thức, cho du lịch khai thác và sử dụng. Sự khai thác và thu lợi nhuận từ tài nguyên, việc xây dựng các khu điểm du lịch đều phản ánh trí tuệ và sức sáng tạo của loài người. Chính những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và phát triển mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương. 2. Xứ Huế - hơn 700 năm hội nhập, giao thoa và phát triển Năm 1306, châu Ô, châu Lý của vương quốc Chăm Pa sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, được đổi thành châu Thuận Hóa. Kể từ sự kiện lịch này, Huế bước vào đời sống Việt và tạo dựng nên một “địa phương”, một “vùng miền” và là “một xứ” rất đậm đà màu sắc văn hóa, lịch sử. Lịch sử hội nhập của Huế là lịch sử của sự giao thoa, tiếp biến và phát triển. Cho đến thế kỷ thứ XXI, trong thời đại du lịch đang trở thành ngành kinh tế hàng đầu, hầu hết các địa phương khác đang loay hoay tìm kiếm con đường phát triển du lịch dựa vào nguồn lực địa phương thì Huế lại là địa phương đang vươn mình trở thành một “đô thị văn hóa, du lịch”. Cách thức hội nhập của Huế có bản lĩnh từ trong lịch sử của mình. Huế thời Chăm pa Xứ Huế có một bề dày văn hóa trước khi có văn hóa Việt ở đây. Từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ XIV Huế là một vùng – miền của văn hóa Chăm Pa. Những dấu tích của văn hóa Chăm: tượng Chăm, bia, tháp Chăm được tìm thấy ở Quãng Điền, Hương Trà. Chùa Thiên Mụ được xây dựng trên nền tháp Chăm xưa. Điện Hòn Chén và nhiều đền, điện thờ thánh mẫu Thiên Y – A – Na. Thánh Mẫu Y – A – Na vốn gốc là Mẫu hệ Chăm khi người Việt vào sinh sống vùng đất Thuận Hóa đã Việt hóa thành Thánh Mẫu của người Việt. Một minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm. Huế thời Đại Việt Một xứ Huế thực sự của Đại Việt được định hình vào thời Lê – Mạc và rõ nhất thời kỳ các chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII – XVIII khi Huế (Kẻ Huế, Kẻ Hóa) trở thành kinh đô xứ Đàng Trong. Huế hơn 200 năm là đất bản hộ của các chúa Nguyễn với sự tích hợp các nền văn hóa Chăm – Hoa – Việt. Thế kỷ XVII, khi triều Minh sụp đổ, có nhiều cộng đồng, dòng họ người Minh Hương ở ven biển Đông Nam Trung Hoa di cư vào cùng ven biển Đại Việt lập ra “Minh Hương Xã” ở Thanh Hà (Huế), Quãng Nam (Hội An), Chợ Lớn (Sài Gòn) với thời gian họ đã “Việt hóa” trở thành công dân Việt Nam. Cảng thị cổ Thanh Hà – Bao Vinh (Huế) là một cảng thị sầm uất thời bấy giờ. Đồng thời là quá trình “đô thị hóa” và “đế vương hóa” đến thời kỳ Việt Nam 1802, Huế trở thành Kinh đô của Việt Nam là nơi kết tinh và hội
  3. tụ văn hóa miền Trung – Nam để tạo nên một vùng văn hóa và một sắc thái văn hóa mới cho Việt Nam. Huế thời kỳ Gia Long – Minh Mạng trở thành kinh đô của nước Việt từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Thời kỳ kinh đô Huế Thời kỳ cận đại, người Tây đến Việt Nam mang theo nhân tố văn hóa mới. Huế là nơi sinh sống của người phương Tây và tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Pháp trở thành một phần của Trung kỳ trong chế độ thuộc địa Pháp. Một nền văn hóa cưỡng chế hình thành. Năm 1919, xóa bỏ kỳ thi chữ Hán, năm 1882 Pháp chính thức ban hành nghị định chữ Quốc ngữ sử dụng trong hành chính nhà nước. Huế - nơi triều đình bên cạnh một Tòa Khâm Sứ Pháp đã tiếp nhận văn hóa phương Tây. Điển hình là văn hóa Pháp: ẩm thực Pháp bên cạnh ẩm thực dân gian Huế tạo nên hương vị cho ẩm thực cung đình. Tiếng Huế với tiếng Pháp hội nhập đa dạng về từ vựng, âm sắc; kiến trúc Pháp hiện diện trong một môi trường tự nhiên dân dã kết hợp một cách hài hòa, mềm mại giữa “sang trọng” và “tự nhiên”, cộng thêm vào văn hóa Huế một cách nhuần nhị, sắc nét. Huế thế kỷ XXI – thế kỷ hội nhập Thế kỷ XXI, khi du lịch trở thành một ngành kinh tế mà mỗi quốc gia, khu vực đều xem nó là ngành kinh tế mũi nhọn với những lời ngợi ca “công nghiệp không khói”, “công nghiệp đẻ trứng vàng”, rõ ràng nó đặt trọng trách lên vai trò của mỗi địa phương trong việc khai thác vốn có của mình phục vụ cho sự phát triển. Lợi thế văn hóa, tự nhiên, chiến lược phát triển… là kho tài nguyên bất tận. Nhìn vào các địa phương, các « xứ » ở Việt Nam“xứ Thanh”, “xứ Nghệ”, “xứ Lạng”, “xứ Quãng”… ít « xứ » nào làm tốt ngành du lịch như «Huế » - đây là địa phương « có một không hai » ở Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhịp vào nền du lịch khu vực, thế giới « kịp thời – đúng thì ». Có thể nói, ở mỗi một thời kỳ lịch sử Huế luôn làm theo cách của mình để giàu có hơn văn hóa, hội nhập thời cuộc nâng mình lên cao mà không lạc điệu. Nghiên cứu lịch sử hội nhập, giao thoa, giao hòa của xứ Huế để chứng tỏ một điều, trong bất cứ một giai đoạn lịch sử biến thiên nào Huế luôn luôn mới. Và thế kỷ XXI, du lịch ở Huế đã kịp ghi mình xứng danh « địa phương hóa du lịch trong hội nhập » - « nổi bật nơi đông người ». Huế là vùng văn hóa sớm nhất ở Việt Nam được suy tôn văn hóa toàn cầu và có tiềm lực văn hóa để đối thoại. Năm 1993, kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa vật thể. Năm 2003, Nhã Nhạc cung đình Huế là di sản Văn hóa phi vật thể được bình chọn sớm nhất ở thể loại này của Việt Nam. Huế là nơi có những thương hiệu riêng (Huế) trên cơ sở cái chung của văn hóa dân tộc : màu sắc có “sắc tím Huế”, nón bài thơ Huế, áo dài Huế, mắm Huế, ẩm thực Huế, tiếng Huế, kiến trúc Huế… đến giá trị lịch sử “cố đô” riêng Huế còn nguyên vẹn so với các “cố đô phế tích” Hoa Lư, Thăng Long, Tây Đô chỉ còn là “vang bóng một thời”. Huế là địa phương sớm nhất sáng tạo ra một lễ hội văn hóa toàn cầu Festival. Feltival Huế - là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức. Hoạt động được diễn ra 2 năm 1 lần với quy mô quốc gia, quốc tế và trở thành nơi quy tụ, gặp gỡ của nhiều chương trình nghệ thuật đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2014, Festival Huế đã diễn ra 8 kỳ, mỗi kỳ Feltival Huế là nơi hội tụ đa sắc màu văn hóa ví như Festival Huế năm 2010 với Slogan “Nơi gặp gỡ của các thành phố cổ và điểm hẹn di sản văn hóa thế giới”, các chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của 5 châu lục với nhiều quốc gia. Đến Festival 2012, là lễ hội của “Khát vọng xanh”, mang thông điệp hòa bình - hữu nghị của thành phố Huế đi khắp năm châu. Đặc biệt Festival Huế lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12/4 đến ngày 20/4/2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã quy tụ 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia thuộc 5 châu lục. Từ năm 2000 đến nay, Festival Huế là sự kiện văn hóa du lịch lớn của Việt Nam, vừa có qui mô quốc gia vừa có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của nhiều vùng văn hóa trong
  4. nước và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, từng bước tiếp thu công nghệ Festival quốc tế, xây dựng Huế xứng đáng là một thành phố Festival Việt Nam Tinh thần “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển xuyên suốt tám lần Festival vừa qua. Nhiều nước tham gia như Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Achentina, Indonexia, Úc, Mông Cổ, Philippin, Lào, Campuchia, Xenegan, Bờ Biển Ngà,…. Từ thành công của Festival Huế, chúng ta cần nhận thức được rằng: mỗi một khu vực, địa phương ở Việt Nam muốn thành công trong phát triển du lịch phải biết khai thác các giá trị đặc sắc để tự tin đi vào lộ trình hội nhập. 3. Huế là thành phố văn hóa, du lịch Ở Việt Nam, có lẽ ít nơi như ở Huế cho thấy một mẫu hình chuyển tiếp văn hóa một cách tương đối tự nhiên, tuần tự giữa truyền thống và hiện đại, sự đan xen và kết hợp hài hòa giữa dân gian với cung đình, giữa văn hóa dân dã thôn quê với lối sống thành thị nơi đô thị. Người Huế có biệt tài dung hợp tất cả những khác biệt ấy để nâng mình lên cao, từ đó tạo thành bản sắc, “cá tính” cho mình. Xét ở nhiều góc độ trong xuyên suốt lịch sử của mình Huế đã biết khai thác “nét riêng” nguồn cội lịch sử văn hóa, sinh thái nhân văn của mình để hòa vào dòng chảy của thời đại. Trong thời đại hội nhập du lịch, con người lựa chọn văn hóa để phát triển lợi thế bản sắc. Và Huế đã và đang làm nhiều việc như thế cho mình. Người ta đang hướng tới Huế - một đô thị văn hóa, du lịch. Huế là một vùng văn hóa “có một không hai”, hệ tiếng Huế rất dễ thương mà bất kỳ ai nghe cũng nhận ra đó là “tiếng Huế”. Cộng gộp vào tiếng Huế là người Huế, là cộng đồng dân cư còn tương đối thuần nhất, có bản sắc dễ dàng nhận biết trong số các cộng đồng dân cư thành thị ở Việt Nam. Hò Huế - với điệu hò Mái Nhì, Mái đẩy. Hệ ca nhạc Huế với điệu Nam Ai, Nam Bắc. Hệ kinh thành Huế còn giữ được tương đối hoàn chỉnh của một thời “hoàng gia” Việt Nam so với Hoa Lư, Thăng Long, Tây Đô…..Hệ Lăng Tẩm Huế, Lăng Minh Mạng – Gia Long, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Khải Định – của một thời quá độ Việt – Pháp. Một hệ thống chùa – đền – điện, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén của sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm. Nguồn tài nguyên văn hóa “chỉ có ở Huế” tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc. Là cơ sở để chuyển hóa các loại hình, hình thức, phương thức, chiến lược kinh doanh du lịch. Ở góc độ sinh thái tự nhiên nhân văn, Huế - thật hiếm hoi, tựa vào núi, đứng trên sông và hướng ra biển. Những khoảng đệm và gắn nối 3 thành tố giang sơn trời đất ấy chính là rừng, đồi, cánh đồng, đầm vạc. Tất thảy trong một sự chuyển tiếp uyển chuyển, không có gì là đột ngột hay biểu hiện của sự đứt gãy mà rất hài hòa ngự trị nơi chốn này. Các yếu tố tự nhiên đó, được người Huế đưa vào bài toán phong thủy: sông Hương, cồn Giả Viên, Cồn Hến, núi Ngự Bình là “thế đất thịnh vượng” cho kinh thành Huế. Cũng như về không gian kiến trúc cảnh quan lăng vua Gia Long, vua Minh Mạng, và vua Tự Đức, ta nghĩ về một nghệ thuật sắp đặt không gian, một văn hóa ứng xử thuần Huế và thuần Việt, đối với Trời Đất, biểu hiện ở chỗ không chế ngự, không áp đặt mà sống chung, thân ái với Thiên nhiên. Con sông Hương chảy giữa đô thị mà không hề bị đô thị hóa như các nơi khác, với những kênh đào – sông đào mà chiều dài chưa một ai đo, với những xóm làng không vẽ quy hoạch mà lồng ghép khéo léo vào nền cảnh đất – người, nhuần nhị đến tự nhiên... Chính sự đa dạng văn hóa nhân văn, tài nguyên tự nhiên nên sản phẩm du lịch là sự hòa quyện đồng điệu giữa văn hóa của con người với thiên nhiên, tạo nên một không gian vừa có tính chất “đô thị văn hóa” vừa có “tính chất dân dã”. Không hề đơn điệu, nhàm chán trong các sản phẩm du lịch của Huế. Rất dễ làm thõa mãn tâm hồn, trí tuệ và nhu cầu của các chủ thể du lịch. Kết luận Huế là hình ảnh của một địa phương biết khai thác lợi thế văn hóa cho các mục tiêu
  5. phát triển kinh tế, du lịch, hội nhập khu vực toàn cầu mà vẫn rất “riêng tư”. Làm được như thế, tự bản thân Huế đã có một sức mạnh văn hóa với những lợi thế tạo nên sự khác biệt. Huế là một địa phương hiếm hoi ở Việt Nam luôn biết làm mới mình mà vẫn giữ được “tính địa phương” khi “hội nhập”. Huế đã và đang là vùng đất – chốn đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, đầy ắp di tích – di sản và những tinh hoa. Lợi thế đó, Huế trở thành một trung tâm du lịch và đang hướng tới “đô thị văn hóa, du lịch”. Câu hỏi là: Vì đâu Huế làm được thế? Có lẽ câu trả lời phù hợp là Huế luôn phát triển trong sự tiếp nối bởi truyền thống lịch sử, văn hóa. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Văn Dung (2009), Xây dựng thương hiệu cho thành phố, Nxb Giao thông vân tải. 2. Hoàng Văn Thành (2014) , Giáo trình Văn hóa Du lịch, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 3. Trần Thúy Anh (2011), Giáo trình Du lịch văn hóa, Nxb giáo dục Việt Nam, Hà Nội. 4. Ngô Đức Thịnh (2010), Văn hóa và văn hóa tộc người, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 5. Trần Quốc Vượng, Theo dòng lịch sử: Những vùng đất Thần, người và tâm thức Việt. 6. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam Tìm tòi và suy ngẫm. 7. Bùi Thị Hải Yến (2010), Quy hoạch du lịch, Nxb giáo dục, Hà Nội 8. http://dantri.com.vn/van-hoa/festival-hue-2014-di-san-van-hoa-voi-hoi-nhap-va- phat-trien-814471.htm 9. http://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/4965-hue-do-thi-di-san-phat-trien-trong- su-tiep-noi.html 10. http://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/4965-hue-do-thi-di-san-phat-trien-trong- su-tiep-noi.html TÓM TẮT Trong xu thế toàn cầu hóa - địa phương hóa du lịch, ở Việt Nam, Huế nổi lên là một địa phương biết khai thác lợi thế văn hóa của mình cho chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Bài viết khẳng định sự hội nhập thành công của Huế trong lĩnh vực du lịch là sự kế thừa, giao thoa và tiếp biến văn hóa. Bản lĩnh hội nhập của Huế được sản sinh từ trong tiến trình lịch sử của mình.
nguon tai.lieu . vn