Xem mẫu

  1. DU LỊCH HÀ NỘI VÀ TOÀN CẦU HOÁ Mai Tiến Dũng(*) HANOI TOURISM AND GLOBALISATION Abstract The millennial city of Hanoi, with its long-standing historical and cultural traditions, charming landscape and the elegance and refinement of Trang An people, has already attracted tourists from all parts of Vietnam and the world. In the past years, with the title of Hanoi- a City for Peace, and worthy growth rate,Hanoi Tourism has gradually asserted its position at the national and regional level. * Hội nhập khu vực và thế giới hiện đang trở thành một xu hướng phát triển tất yếu khách quan và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một quốc gia độc lập nhưng cũng không thể tách khỏi xu hướng phát triển này, đặc biệt là trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước ta đã xác định mục tiêu cơ bản của Hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay là nhằm tạo ra điều kiện quốc tế thuận lợi hơn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; phát huy tối đa các tiềm năng nội lực và hiệu quả hợp tác quốc tế để tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; đưa nền kinh tế Việt Nam và các hoạt động của các doanh nghiệp tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao sức mạnh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân Thế giới vì hòa bình, độc lập và phát triển. Là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang tính tổng hợp, liên ngành liên vùng và xã hội hóa cao, ngành Du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng rất mạnh và nhanh chóng của tiến trình hội nhập ngay từ thời kỳ đầu. Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam có cơ hội rất thuận lợi nhằm từng bước thâm nhập vào thị trường Thế giới để tăng cường thu hút khách, vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch…; đồng thời góp phần tích cực tuyên truyền, thực hiện và khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, tăng cường giao lưu văn hóa, giữ gìn và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa Thế giới. Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng như tại nhiều văn kiện khác của Đảng và Nhà nước đã xác định phải “phát triển nhanh du lịch, xây dựng đất nước dần trở thành trung tâm du lịch, thương mại – dịch vụ có tầm cỡ khu vực” và “phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ở nước ta đã và đang đòi hỏi phải đẩy nhanh nhịp độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng: Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là trong tiến trình hội nhập hiện nay là chúng ta cần phải gấp rút phát triển một số ngành dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, trong đó có du lịch; đưa những ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế để khu vực dịch vụ mang được tính trội cần thiết. Theo quan điểm của các nhà kinh tế, một ngành được coi là ngành kinh tế quan trọng thì trước tiên bản thân nó phải là một ngành kinh tế mà sự (*) ThS., PGĐ Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội.
  2. phát triển của ngành này có ý nghĩa nhiều mặt đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân. Kinh tế Du lịch chính là một lĩnh vực hội đủ nhất yếu tố này. Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIII đã định hướng mục tiêu phát triển ngành Du lịch là: "Nâng cao chất lượng và phát triển đồng bộ dịch vụ du lịch trở thành ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô”. Tiếp đó, Nghị quyết 11NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Đổi mới và phát triển du lịch Hà Nội” tiếp tục nhấn mạnh: “nắm vững và khai thác triệt để những điều kiện thuận lợi, thời cơ mới trong nước và quốc tế, sử dụng có hiệu quả những lợi thế so sánh của Thủ đô, tạo ra một bước ngoạt phát triển mới về cả lượng và chất cho ngành du lịch; đưa ngành kinh tế này trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thành phố vào đầu Thế kỷ XXI”. Gần đây nhất, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV lại xác định rõ việc phấn đấu đến 2020 đưa kinh tế du lịch thành « ngành kinh tế mũi nhọn » của Thủ đô. Hà Nội nghìn năm văn hiến đậm đà bản sắc truyền thống văn hóa - lịch sử, với nét quyến rũ của cảnh quan và sự tao nhã, thanh lịch của người Tràng An đã và đang hẫp dẫn du khách mọi vùng trong cả nước và từ khắp nơi trên Thế giới. Những năm qua, Du lịch Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế một điểm đến có tầm cỡ Quốc gia và trong khu vực, với nhịp độ tăng trưởng đáng khích lệ cùng với danh hiệu Thành phố vì Hoà bình. Với vị trí là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, Hà Nội liên tục được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ Quốc gia và quốc tế. Các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức thành công đã mang đến cho Việt Nam – Hà Nội và ngành Du lịch cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh Việt Nam - Hà Nội đến bạn bè khắp nơi trên Thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời nó còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung. Từ năm 2002 đến nay, Hà Nội rất nhiều lần được tạp chí “Travel and Leisure” – Tạp chí của Mỹ chuyên về lữ hành có uy tín trên Thế giới bình chọn là 1 trong 6 thành phố du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Suốt từ năm 2009 đến nay, Tạp chí du lịch trực tuyến hàng đầu Châu Á “Smart Travel Asia” thông qua thăm dò hàng triệu du khách và báo giới đã luôn xếp Hà Nội trong TOP TEN các điểm đến du lịch tốt nhất ở Châu Á. Năm 2014 này, Tổ chức Tư vấn Du lịch hàng đầu Thế giới TRIP ADVISOR cũng xếp TP. Hà Nội đứng thứ 2 trong TOP 25 Châu Á và thứ 8 trong TOP 25 Thế giới những điêm đến du lịch hàng đầu…Điều này không chỉ là niềm vinh dự, tự hào cho Hà Nội, mà còn khẳng định vị thế, uy tín và những nỗ lực của Thành phố trong tiến trình hội nhập kinh tế Quốc tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng. Trong khoảng 10 năm nay, Du lịch Hà Nội có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế khá cao (thường ở mức 2 con số) và tương đối ổn định; đóng vai trò ngày càng quan trọng và góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như cho ngành Du lịch cả nước. Từ khi mở rộng địa giới hành chính (01/8/2008), bản thân Hà Nội đã được tăng cường và đa dạng hoá rất đáng kể về tiềm năng du lịch, với mật độ đậm đặc các di tích, danh thắng càng khẳng định tiềm năng phát triển du lịch văn hóa - lịch sử. Đặc biệt, Hà Nội mở rộng với quỹ đất lớn gấp 3,6 lần cũng sẽ mở ra triển vọng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch như khách sạn, sân gôn, khu vui chơi giải trí... Đây là điều kiện rất tốt để ngành Du lịch Thủ đô tiếp rục hội nhập và phát triển. Để giữ vững là một ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh tích cực hội nhập quốc tế, ngành Du lịch Hà Nội cần hội tụ đủ một số yêu cầu và điều kiện cụ thể sau: - Bảo đảm tỷ trọng GDP của du lịch trong cơ cấu kinh tế của Thành phố luôn đạt mức hai con số. - Giữ tốc độ tăng trưởng hàng năm một cách hợp lý và ổn định, ở mức từ 10 đến 15%. - Đặc biệt coi trọng đề xuất và thực thi các chính sách nhằm phát triển du lịch một cách bền vững; từng bước tạo lập, duy trì và tiến tới từng bước phát triển một môi trường
  3. thuận lợi nhất cho phát triển du lịch, bao hàm cả môi trường tự nhiên và văn hoá-xã hội, cả môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư du lịch, nhất là đầu tư nước ngoài. - Xây dựng chiến lược thị trường khách du lịch phù hợp, từ đó phát huy tối ưu các thế mạnh về tài nguyên du lịch của Hà Nội nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và phù hợp với thực tế cũng như xu hướng thị hiếu, nhu cầu của thị trường (nói cách khác là vừa bảo đảm tính “quốc tế hoá” vừa coi trọng tính riêng biệt, độc đáo, “địa phương hoá” của sản phẩm DL); tận dụng vị thế Thủ đô để khai thác triệt để các sự kiện, hoạt động có tầm quốc gia và quốc tế diễn ra tại Hà Nội nhằm quảng bá và phát triển du lịch; tăng cường hợp tác liên vùng, tạo cho Hà Nội vị thế trung tâm du lịch vững chắc; cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch (trong đó đặc biệt coi trọng quốc tế hoá các tiêu chuẩn/ kỹ năng nghề du lịch và khai thác tối đa hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo/dậy nghề du lịch). - Hết sức quan tâm phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào các thành phần tham gia quản lý cũng như thực hành các hoạt động, dịch vụ của ngành du lịch (quản lý nhà nước/quản trị kinh doanh, lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, bán hàng, ăn uống và dịch vụ khác); đặc biệt là ứng dụng các công cụ, thành quả của IT để phát triển “quảng bá xúc tiến và kinh doanh du lịch trực tuyến” cho phù hợp xu hướng và thói quen của du khách trên Thế giới. - Nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về tính nhậy cảm cao của ngành du lịch trước những biến động về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội, thảm hoạ, dịch bệnh v.v…Từ đó, coi trọng phổ biến giới thiệu và áp dụng các biện pháp quản lý khủng hoảng trong quản lý và kinh doanh du lịch. Bài học về khắc phục hậu quả của sự kiện “dàn khoan 981” trên Biển Đông năm 2014 vừa qua đối với ngành du lịch, trong đó trực tiếp nhất là du lịch Hà Nội, là một minh hoạ sinh động và nóng hổi. Làm tốt những nhiệm vụ, yêu cầu đó, chắc chắn Ngành Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV “phấn đấu đến năm 2020 Du lịch Hà Nội thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn của khu vực”. TÓM TẮT Hà Nội nghìn năm văn hiến đậm đà bản sắc truyền thống văn hóa - lịch sử, với nét quyến rũ của cảnh quan và sự tao nhã, thanh lịch của người Tràng An đã và đang hẫp dẫn du khách mọi vùng trong cả nước và từ khắp nơi trên Thế giới. Những năm qua, du lịch Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế một điểm đến có tầm cỡ Quốc gia và trong khu vực, với nhịp độ tăng trưởng đáng khích lệ cùng với danh hiệu Thành phố vì Hoà bình.
nguon tai.lieu . vn