Xem mẫu

  1. DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM – YÊU CẦU TẤT YẾU CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI VIỆT NAM TRONG XU HƯỚNG TOÀN CẦU HOÁ Vũ Quốc Trí(*) RESPONSIBLE TOURISM - REQUEST OF ALL MAJOR DEVELOPMENT IN VIETNAM TOURISM TRENDS IN GLOBALIZATION Abstract Nowadays, developing approach of responsible tourism is becoming a global trend. Many countries around the world have successfully implemented this approach. Vietnamese tourism industry has significantly contributed to economic growth, alleviation of poverty, ensured social protection, preservation and promotion of cultural values, environmental protection and maintain national security. Tourism industry is largely responsible for implementing policies on sustainable development, including tourism development as responsible as the path to success. * Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong hơn 20 năm qua và sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2001- 2010, ngành Du lịch đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những kết quả về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Ngành Du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu tổng quát cho ngành Du lịch trong giai đoạn mới là: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển”. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Du lịch đang chủ trương thực hiện chính sách phát triển bền vững, trong đó coi phát triển du lịch có trách nhiệm là con đường dẫn đến sự thành công. Du lịch có trách nhiệm hướng tới mục tiêu cung cấp những kinh nghiệm tích cực cho du khách và cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về sự tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch, hướng sự tập trung tới người nghèo, trao quyền cho người dân địa phương, thông qua du lịch để tối đa hóa thu nhập và việc làm cho họ. 1. Du lịch có trách nhiệm – Cách tiếp cận mới về phát triển du lịch Hiện nay cách tiếp cận phát triển du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu thế toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện rất thành công cách tiếp cận này. Khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” lần đầu tiên được Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra vào năm 2002 trong Tuyên bố Cape Town. Theo đó, du lịch có trách nhiệm được xác định là nguyên tắc phát triển, theo đó: - Hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; (*) ThS., Giám đốc Dự án EU, Tổng cục Du lịch.
  2. - Tạo lợi ích kinh tế lớn hơn cho dân cư địa phương và nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương đón khách; - Cải thiện điều kiện làm việc và sự tiếp cận đến ngành du lịch; - Có sự tham gia của người dân địa phương vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống và thay đổi cách sống của họ; - Đóng góp tích cực vào việc bảo tồn di sản văn hóa và và di sản thiên nhiên, duy trì sự đa dạng; - Cung cấp các kỳ nghỉ thú vị cho khách du lịch thông qua sự kết nối có ý nghĩa với dân cư địa phương, sự hiểu biết tốt hơn về văn hóa bản địa, các vấn đề về môi trường và xã hội; - Tạo sự tiếp cận cho những người có khó khăn về sức khỏe; - Quảng bá sự tôn trọng giữa khách du lịch và người dân địa phương. Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với hành động của họ. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến tính trách nhiệm trong du lịch của tất cả mọi đối tượng liên quan, bao gồm: chính phủ, nhà sản xuất, điều hành, hãng vận chuyển, dịch vụ của cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, khách du lịch, dân cư địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp, v.v. 2. Du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam Ở Việt Nam, khái niệm Du lịch có trách nhiệm đã được đề cập đến ở nhiều hội thảo chuyên đề và công trình nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển. Cách tiếp cận này nhằm tạo ra những trải nghiệm tích cực cho du khách và chủ nhà, nâng cao nhận thức về môi trường và văn hoá, giảm đến mức thấp nhất những tác động xấu của du lịch, chú trọng tới người nghèo bằng cách trao quyền cho người dân địa phương và tăng đến mức tối đa thu nhập và việc làm của họ từ du lịch. Chính vì vậy, du lịch có trách nhiệm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong bối cảnh hiện nay. Du lịch có trách nhiệm cùng chung nền tảng và mục đích như du lịch bền vững, nhưng chú trọng mạnh mẽ vào sự phối hợp của các đối tác và phương pháp tiếp cận theo định hướng hành động và kết quả để tạo ra những sản phẩm du lịch vừa khả thi về thương mại và vừa có khả năng đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Tầm quan trọng của phát triển bền vững hiện nay được thể hiện rất rõ ràng trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội và Chiến lược phát triển ngành Du lịch. Trong thực tế, các chính sách và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đều đã nhất quán nhấn mạnh đến yêu cầu về sự phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, du lịch có trách nhiệm đã được đề xuất như một phương thức thực tiễn để đạt được các kết quả trực tiếp hơn. Năm 2009, một diễn đàn của mạng lưới du lịch Cộng đồng và có Trách nhiệm đã được thiết lập trên mạng internet nhằm chia sẻ thông tin của các đối tác phát triển và các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, một nhóm các công ty lữ hành tự nguyện cam kết thúc đẩy du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam đã hình thành Câu lạc bộ Lữ hành có Trách nhiệm. Hiện nay ngày càng có nhiều công ty du lịch cam kết điều hành kinh doanh một cách bền vững và có trách nhiệm về xã hội, xây dựng các chính sách du lịch có trách nhiệm cho hoạt động của mình. Các diễn đàn truyền thông xã hội cũng đưa ra ngày càng nhiều tin về du lịch có trách nhiệm, chia sẻ thông tin giữa khách du lịch, các cơ quan phát triển và các công ty du lịch. Đặc biệt hiện nay Liên minh Châu Âu (EU) một lần nữa đã tài trợ cho du lịch Việt Nam một dự án hỗ trợ kỹ thuật mới với tên gọi “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là Dự án EU). Dự án được triển khai trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 với mục tiêu chung là: đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam nhằm tăng cường tính cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế
  3. hoạch Phát triển kinh tế xã hội của đất nước, và mục tiêu cụ thể là: đẩy mạnh cung cấp dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam. Nội dung Dự án EU được thiết kế để lồng ghép các hoạt động du lịch có trách nhiệm vào tất cả các khía cạnh của chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức ở cấp quốc gia, khu vực và tỉnh. Các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm sẽ tạo cơ sở để ngành du lịch đạt hiệu quả cao hơn, có tính cạnh tranh và bền vững hơn, mở rộng các cơ hội cho người nghèo và những nhóm chịu thiệt thòi khác như phụ nữ và dân tộc thiểu số. Dự án EU lấy ”du lịch có trách nhiệm” làm trung tâm trong việc thiết kế, phổ biến và thực hiện phù hợp với Mục tiêu thiên niên kỷ. Điều này nhằm cùng một lúc giảm tối thiểu tác động xấu đến môi trường trong khi tăng tối đa các lợi ích kinh tế, xã hội và văn hoá cho các đối tượng rộng rãi hơn. Tất cả mọi hoạt động đào tạo, hỗ trợ và tài trợ kỹ thuật được cung cấp trong toàn ngành sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc của Tuyên bố Cape Town về Du lịch có trách nhiệm và được đặt trong bối cảnh quản trị công tốt. Việc triển khai Dự án EU được kỳ vọng sẽ mang lại một số kết quả cụ thể như cơ bản, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương có đủ năng lực trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và quản lý du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; Tính hiệu quả của mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong hoạt đông du lịch được nâng cao; Hệ thống đào tạo nghề trong ngành du lịch kể cả hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề VTOS tiếp tục được duy trì và mở rộng. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, nguyên tắc về phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ được áp dụng một cách thành công ở Việt Nam nếu mọi thành phần tham gia vào quá trình du lịch có nhận thức cao và đầy đủ về du lịch có trách nhiệm. Yêu cầu của sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới đòi hỏi ngày càng cần nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm được tạo ra để cung cấp cho thị trường đang hướng tới tính “có trách nhiệm” cao hơn trong hoạt động du lịch. Điều này đòi hỏi tất cả các đối tác trong ngành Du lịch cần nỗ lực cùng nhau làm việc hướng tới mục tiêu chung là tạo ra nhiều hơn sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam. 3. Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm Sự tồn tại và phát triển của sản phẩm du lịch có trách nhiệm là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của việc đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào áp dụng ở Việt Nam. Do du lịch có trách nhiệm còn là một khái niệm mới nên phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm cần được thực hiện theo một qui trình để tạo ra nhận thức cao hơn về các yêu cầu của phát triển du lịch có trách nhiệm, đồng thời đưa ra các bước thực tế để biến ý tưởng thành hành động. Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm cần kết hợp quy trình phát triển sản phẩm du lịch thông thường với các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch bền vững. Quy trình này được tiến hành theo các giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có một hệ thống các bước thực hiện. Các kết quả chính của từng giai đoạn sẽ tạo ra phương hướng và đầu vào cho giai đoạn tiếp theo. Việc phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm có thể được tiến hành qua 6 giai đoạn sau: Giai đoạn 1: Phân tích thị trường Điểm khởi đầu của quy trình này là với thị trường. Phương pháp tiếp cận này được gọi là "xây dựng kế hoạch dựa trên thị trường". Phương pháp này lấy sự quan tâm đến người tiêu dùng làm điểm bắt đầu để xác định loại sản phẩm nào cần được phát triển. Bằng cách nắm bắt và dự đoán trước nhu cầu của các phân đoạn thị trường chính, sản phẩm du lịch có thể được thiết kế và phát triển với khả năng thành công thương mại cao hơn nhiều. Nếu các
  4. sản phẩm du lịch không có tính khả thi thương mại thì mức độ kết quả sẽ luôn luôn là không đáng kể! Điều quan trọng là cần xác định rõ ràng các phân đoạn thị trường mục tiêu chính. Giai đoạn 2: Phân tích sản phẩm Khi tiến hành đánh giá các sản phẩm du lịch hiện nay, các tác động tích cực và tiêu cực của các sản phẩm du lịch sẽ cung cấp cơ sở và hiểu biết sâu sắc về các sản phẩm du lịch hiện nay cũng như tiềm năng để phát triển các sản phẩm mới. Giai đoạn 3: Kết hợp giữa thị trường và sản phẩm Việc hoàn thành giai đoạn 1 và 2 sẽ cung cấp thông tin và hiểu biết cần thiết để kết nối phù hợp một cách chiến lược nhu cầu của người tiêu dùng với tiềm năng phát triển sản phẩm, mang lại những phương hướng quan trọng trong việc phát triển sản phẩm mới, hoặc điều chỉnh các sản phẩm hiện nay, để phù hợp với yêu cầu của các phân đoạn thị trường mục tiêu. Giai đoạn 4: Đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm Một khi các thị trường mục tiêu chính và các loại hình sản phẩm ưa thích đã được xác định thì việc đánh giá các sản phẩm du lịch hiện nay của điểm đến là cần thiết để đánh giá chất lượng chung của các sản phẩm này và xác định các lĩnh vực phải cải thiện để tạo ra sự quan tâm lớn hơn của người tiêu dùng và mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho địa phương theo phương thức bền vững. Giai đoạn 5: Phối hợp của các đối tác Bước tiếp theo là bắt đầu xác định làm thế nào để tạo ra một cách hiệu quả số lượng nhiều hơn các sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Như đã đề cập ở trên, việc phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm thành công vốn dĩ phụ thuộc vào sự tham gia hiệu quả của tất các các nhóm đối tác liên quan (khu vực công, các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và các đối tác phát triển). Để điều phối hiệu quả các đối tác đòi hỏi phải xây dựng mục đích chung và cam kết của tất cả các đối tác. Tất cả các đối tác phải công nhận và cam kết hỗ trợ việc phát triển du lịch có trách nhiệm vì lợi ích riêng của cá nhân và vì lợi ích chung của tập thể trong các hoạt động của mình. Giai đoạn 6: Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm và Kế hoạch Hành động triển khai 4. Vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan  Nhà nước Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý du lịch trong phạm vi thẩm quyền của mình, có thể là ở cấp tỉnh, huyện, xã và thôn bản. Vai trò chung của Nhà nước trong phát triển du lịch là đảm bảo cho ngành Du lịch hoạt động hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển chung. Trong vai trò này, Nhà nước có trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý ngành, hỗ trợ thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả, thu thập và quản lý thông tin du lịch, và tham gia tiếp thị marketing điểm đến. Phát triển du lịch có trách nhiệm phải là một ưu tiên của ngành Du lịch và cần được quản lý một cách phù hợp nhằm có những đóng góp đáng kể vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước nhưng vẫn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và có tính cạnh tranh cao.  Doanh nghiệp Doanh nghiệp du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá và cung cấp sản phẩm du lịch có trách nhiệm đến với người tiêu dùng. Doanh nghiệp tương tác trực tiếp với cả khách du lịch và cộng đồng địa phương đồng thời tuân thủ theo các quy định của chính phủ. Do đó, họ cũng là một mối liên kết quan trọng kết nối các bên liên quan và thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Nâng cao sự hiểu biết và hiệu quả của doanh nghiệp
  5. sẽ hỗ trợ họ thực hiện các vai trò quan trọng như là "nhà cung cấp" du lịch có trách nhiệm và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như xây dựng hình ảnh Việt Nam như là điểm đến du lịch có trách nhiệm.  Cộng đồng địa phương và công chúng Các thành viên cộng đồng địa phương và công chúng vừa là nhà cung cấp dịch vụ, vừa là đối tượng của du lịch. Bản thân cộng đồng địa phương thường được xem là tài nguyên du lịch chính, bản sắc văn hóa, lối sống và các phong tục tập quán của họ chính là yếu tố đặc trưng tạo nên những trải nghiệm du lịch thú vị. Tham quan làng nghề truyền thống và sự tương tác với người dân địa phương là các đặc điểm chính của trải nghiệm du lịch hiện đại. Do đó, mỗi công dân đều có vai trò tiềm năng như là một "đại sứ du lịch", và có trách nhiệm giới thiệu những vẻ đẹp của quốc gia cho du khách để đảm bảo rằng khi rời Việt Nam, họ sẽ mang theo những kỷ niệm và sự hiểu biết thực sự về sự phong phú và vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.  Khách du lịch Khách du lịch không chỉ được xem là mục tiêu của ngành mà còn là nhóm đối tượng tích cực trong quá trình phát triển du lịch. Ngày càng có nhiều khách du lịch có ý thức hơn và quan tâm đến các tác động du lịch của họ đối với môi trường và xã hội của địa phương. Khách du lịch tìm kiếm những sản phẩm và dịch vụ mang tính trải nghiệm chân thực và có trách nhiệm hơn đang ngày càng tăng. Cần phải nâng cao nhận thức rằng, đi du lịch một cách có trách nhiệm không đơn thuần chỉ là để thỏa mãn nhu cầu của họ, mà còn là tìm kiếm những trải nghiệm tích cực và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nhu cầu về du lịch sẽ định hướng cho sự phát triển của ngành, và đóng góp vai trò ảnh hưởng lớn trong việc định hình xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Qua cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động tham gia và cách chi tiêu của mình, khách du lịch có thể tạo nên những tác động mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch.  Các tổ chức phát triển Các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm thông qua các chương trình và dự án hỗ trợ khác nhau. Du lịch là ngành tổng hợp có tính liên ngành cao, vì vậy có thể được lồng ghép với nhiều mục tiêu phát triển khác như sức khỏe cộng đồng, giáo dục, cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, bất cứ sự gắn kết nào cũng cần đảm bảo mang tính thực tế, cụ thể, dựa trên nhu cầu thị trường và phát triển bền vững, và có trách nhiệm. Các tổ chức này thường đóng vai trò trung gian quan trọng, cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan cũng như cung cấp tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật về các lĩnh vực chuyên môn cụ thể. 5. Kiến nghị, đề xuất Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới, Việt Nam cần đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về chủ trương phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Du lịch có trách nhiệm nhằm đạt được 3 kết quả mang tính nguyên tắc của phát triển bền vững: tăng trưởng kinh tế, môi trường bền vững và công bằng xã hội. Chính sách du lịch có trách nhiệm và các kế hoạch thực hiện cần được xây dựng cho từng khu vực du lịch và từng điểm đến đồng thời công nhận mỗi khu vực sẽ có những ưu tiên riêng. Tất cả các đối tác cần cùng nhau hợp tác và phát huy tối đa vai trò của mình trong quá trình hiện thực hóa tuyên bố về phát triển du lịch có trách nhiệm.
  6. Vấn đề cốt lõi đối với yêu cầu về phát triển du lịch có trách nhiệm cần bao gồm những nội dung chủ yếu sau:  Phát triển nguồn nhân lực liên quan đến du lịch một cách chuyên nghiệp;  Quản lý tốt các tác động tiêu cực của du lịch đến xã hội và môi trường,;  Cải thiện công tác quản lý du lịch tại các điểm di sản văn hóa;  Phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch giảm nghèo;  Đẩy mạnh phát triển và tiếp thị sản phẩm du lịch có trách nhiệm;  Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch quốc tế và nội địa;  Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân và đối tác công tư;  Phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch. TÓM TẮT Hiện nay cách tiếp cận phát triển du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu thế toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện rất thành công cách tiếp cận này. Ngành du lịch Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng. Ngành du lịch đang chủ trương thực hiện chính sách phát triển bền vững, trong đó coi phát triển du lịch có trách nhiệm là con đường dẫn đến sự thành công.
nguon tai.lieu . vn