Xem mẫu

  1. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE Ở VIỆT NAM Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Không chỉ là những thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh cũng đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ngành du lịch, trong đó, du khách có sự quan tâm lớn hơn đến các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển sản phẩm du lịch đầy tiềm năng này để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch nước nhà. 1. Tác động của dịch COVID-19 đến du lịch Việt Nam và xu hướng của ngành du lịch trong tình hình mới Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nặng nề cho ngành kinh tế nói chung và cho ngành du lịch nói riêng. Những thiệt hại của ngành đóng góp tới 9,2% vào GDP cả nước (năm 2019) không chỉ tác động tới doanh thu, tới hoạt động của doanh nghiệp, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng du lịch mà còn kéo theo nhiều lĩnh vực, ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi hoạt động đón khách du lịch quốc tế vẫn tạm ngừng từ tháng 4/2020 đến nay, số liệu khách nội địa cũng không mấy khả quan. Năm 2020, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% - tương đương khoảng 19 tỷ đô-la Mỹ. Theo báo cáo từ các doanh nghiệp và các địa phương, khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải đóng cửa; 1/3 số cơ sở đang hoạt động cầm chừng. Tổng thu từ khách du lịch của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%. Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2021, đã có 548 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép. Đại dịch không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn tác động tới xu hướng phát triển thị trường du lịch của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, cụ thể như sau: (1) Hình thức đi du lịch thay đổi Sau dịch bệnh, tâm lý xã hội vẫn sẽ còn e ngại với hoạt động du lịch. Do đó, khách du lịch sẽ lựa chọn những điểm đến có khoảng cách gần và ưu tiên các chuyến đi ngắn ngày để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng chủ động trong các tình huống bất ngờ. Đồng thời, khách du lịch sẽ lựa chọn hình thức du lịch cá nhân hoặc nhóm nhỏ, sử dụng phương thức vận tải cá nhân nhiều hơn. (2) Định hướng lựa chọn sản phẩm của khách du lịch thay đổi Hội thảo Phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam 161
  2. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Khách du lịch sẽ có xu hướng lựa chọn sản phẩm du lịch trọn gói, đồng thời hướng đến sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên: du lịch golf; du dịch tới những địa phương có cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành. (3) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch Những thay đổi đang diễn ra rõ ràng nhất trong ngành du lịch và lữ hành là “du lịch không chạm”, ưu tiên sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại trong việc cập nhật thông tin. Với xu hướng du lịch mới này, mọi quy trình tại quầy làm thủ tục, quầy lễ tân sẽ được tự động hóa bởi ngay cả với các quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn, việc trao đổi giấy tờ thông hành trong sân bay và khách sạn vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trực tuyến cũng sẽ trở nên phổ biến hơn trong việc lưu trữ và tìm kiếm thông tin.  (4) Du lịch bền vững được quan tâm hơn Nhận thức về môi trường và xã hội của xã hội tăng lên, do đó việc phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội sẽ cần được ưu tiên và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Các điểm đến du lịch cần phải quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa, hài hòa lợi ích các thành phần kinh tế. Liên quan đến sự thay đổi trong sản phẩm du lịch, theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí chiếm 54% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích thăm hỏi, sức khỏe và tôn giáo chiếm khoảng 31%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Xu hướng già hoá dân số, nhu cầu về chất lượng cuộc sống, du lịch, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe càng ngày càng được chú trọng và đòi hỏi được đáp ứng nhiều hơn về chất lượng cũng như số lượng, dần dần trở nên phổ biến hơn và có sự phân khúc thị trường để đáp ứng được các nhu cầu đó. Thêm vào đó, sau dịch bệnh, sức khoẻ đã trở thành mối quan tâm số một của người tiêu dùng trên toàn cầu, buộc họ phải thay đổi hành vi để phù hợp với mục tiêu chăm sóc sức khỏe, trong đó bao gồm cả nhu cầu đi du lịch. Trên thực tế, với sự phát triển của vaccine, ngành du lịch đang dần trở lại với sự mở cửa của một số quốc gia và khu vực. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, chúng ta cần nắm bắt được những xu hướng thay đổi của ngành để có định hướng phát triển đúng đắn. Đối với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực tiềm năng. Việc hiểu rõ về loại hình du lịch này cũng như có định hướng, giải pháp phát triển đúng đắn sẽ giúp Việt Nam hình thành hệ thống sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nhanh chóng, hiệu quả. 2. Tổng quan về sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay Hội thảo Phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam 162
  3. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) là du lịch gắn liền với việc theo đuổi, việc duy trì hoặc nâng cao sức khỏe cá nhân. Hiện nay, du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ biến du lịch thành một cơ hội để duy trì, cải thiện sức khỏe toàn diện cho khách du lịch mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đại trà hoặc du lịch quá mức tới điểm đến. Theo ước tính của Global Wellness Institute (GWI), ngành du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu sẽ chạm mức 919 tỷ USD vào năm 2022. Trung bình, cứ 6 USD chi tiêu cho du lịch trên toàn cầu thì một USD thuộc về thị trường du lịch sức khỏe. Trong vòng 5 năm qua, châu Á dẫn đầu cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch sức khỏe. Có thể thấy, đây là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng. Khách du lịch tìm đến sản phẩm du lịch này có thể dưới dạng trực tiếp hoặc gián tiếp. Du khách có thể lựa chọn chuyến đi hoặc điểm đến chủ yếu hoàn toàn bởi điểm đến cung cấp sản phẩm này hoặc đây chỉ có thể là một trải nghiệm kết hợp trong các chuyến đi với mục đích giải trí hoặc công tác. Tuy nhiên, điểm chung của cả khách trực tiếp và gián tiếp là việc đề cao những chuyến đi tới nơi mà họ dễ dàng tiếp tục lối sống chăm sóc sức khỏe bao gồm ăn uống lành mạnh, thói quen tập thể dục, trải nghiệm thiên nhiên hay kết nối với người dân và văn hóa địa phương trong suốt chuyến đi. Như đã phân tích ở phần 1, lượng khách có nhu cầu nói trên tăng cao sau sự bùng nổ của dịch COVID-19. Với tính linh hoạt khi thu hút được cả lượng khách chính và thứ cấp, có thể kết hợp cùng với các sản phẩm du lịch khác, du lịch sức khỏe sẽ là một sản phẩm du lịch tiềm năng để Việt Nam thu hút khách du lịch. Chúng ta cũng có rất nhiều tiềm năng để năng phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với nhiều bãi biển, suối khoáng đẹp, giàu giá trị và những bài thuốc quý về làm đẹp, tăng cường sức khỏe. Chúng ta cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền (những phương pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, dưỡng sinh, yoga…) và các phương pháp điều trị bằng thuốc y dược cổ truyền an toàn hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân với những bệnh lý mà y học phương Tây đã chứng tỏ là không thành công về mặt điều trị và chăm sóc sức khỏe qua đó đang dần dần tạo lập được một danh tiếng cho riêng mình như là một điểm đến có khả năng cung cấp lựa chọn rộng rãi các dịch vụ, sản phẩm bảo vệ sức khỏe với giá thành thấp. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe như Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) với sản phẩm suối khoáng nóng, Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa tại Hồ Tràm (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) với sản phẩm “detox spa”. Các doanh nghiệp khác thì nâng cấp thêm các không gian để phát triển hệ thống tiện ích chăm sóc sức khỏe đồng bộ trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẵn có. Một số công ty lữ hành cũng đã xây dựng những sản phẩm du lịch chuyên biệt về chăm sóc sức Hội thảo Phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam 163
  4. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khỏe như tour thiền - yoga đến với những vùng thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành; tour giảm cân, thải độc với sự đồng hành của các chuyên gia, huấn luyện viên… Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch sức khỏe tại Việt Nam vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới mẻ và ở mức khiêm tốn so với ngành du lịch sức khỏe ở các nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các nước trong khu vực ASEAN (Singapore và Thái Lan). Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam mỗi năm thu về 1 tỷ USD từ việc người nước ngoài tới trị bệnh. Riêng tại TP.HCM, hàng năm có 30 - 40% khách ngoài thành phố và ngoài nước đến khám, chữa bệnh, tuy nhiên chủ yếu là người Campuchia và Lào. Gần đây, chúng ta có thêm số lượng kiều bào, du khách từ Úc, Mỹ, Canada, Nhật… về thăm gia đình kết hợp đi du lịch và chăm sóc sức khỏe. 3. Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam Như vậy, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe rất phù hợp để trở thành sản phẩm chính cũng như trở thành sản phẩm bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm phù hợp với xu hướng của ngành du lịch trong tình hình mới. Để có thể khai thác hết thế mạnh của mình như là một trung tâm du lịch sức khỏe thu hút khách du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần có định hướng và giải pháp phát triển phù hợp cho sản phẩm du lịch đầy tiềm năng này. Từ những kinh nghiệm của một số quốc gia đã phát triển và thực tế tình hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cần phát triển sản phẩm này theo định hướng như sau: - Phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng, thu hút, có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế - Phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe đáp ứng các nguyên tắc phát triển bền vững, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. - Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phát huy thế mạnh của tài nguyên du lịch từng địa phương, đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương. Với các định hướng trên, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau: - Hoàn thiện cơ chế, chính sách, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch. Đồng thời, cần có định hướng và quy Hội thảo Phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam 164
  5. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch hoạch cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau với các mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và bền vững. - Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan như Y tế, Tài nguyên Môi trường để thẩm định các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo cũng như quản lý chất lượng kỹ thuật các sản phẩm nói trên. - Tổ chức nghiên cứu về sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tâm lý và sở thích của các nhóm đối tượng thụ hưởng, đồng thời đánh giá nguồn lực phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và bài bản. - Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cung cấp sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia. - Phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ phục vụ chuyên biệt và chuyên nghiệp cho sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, có kiến thức, kĩ năng phù hợp để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng. - Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến về những đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam đối với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe./. Hội thảo Phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam 165
nguon tai.lieu . vn