Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH LỮ HÀNH THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM - NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Business conditions for travel and tourism services according to Vietnamese law - case study at HCMC 1 Nguyễn Thị Thái 1 Giảng viên Khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Công nghiệp Thực Phẩm TPHCM, Việt Nam thainguyen.pt@gmail.com Tóm tắt — Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành là một ngành kinh doanh có điều kiện, do Luật Du lịch điều chỉnh, sản phẩm là các chương trình và tour du lịch. Trong đó, công ty lữ hành là cầu nối giữa khách du lịch với các dịch vụ khác để phục vụ du khách. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch quốc gia, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Hiện tại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Bài viết phân tích các điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh. Abstract — Tourism is a key economic sector of many countries in the world, including Vietnam. Business travel and tourism services is a conditional business, due to the revised tourism law, products are travel programs tours. In which, the tour operator is the bridge between tourists and other services to serve tourists. HCMC is the national tourist center, with many advantages for tourism development. Currently in HCMC has a lot of businesses is operating in the business of travel services to meet the needs of domestic and international tourists. The article analyzes the conditions for travel and tourism services business according to with Vietnamese law from HCMC practice. Từ khóa — Điều kiện kinh doanh, dịch vụ du lịch, lữ hành, business conditions, travel services. 1. Đặt vấn đề Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc doanh nghiệp đầu tư để thực hiện một, một số hoặc tất cả các công việc trong quá trình tạo ra và chuyển giao sản phẩm từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực tiêu dùng du lịch nhằm mục đích hưởng hoa hồng hoặc lợi nhuận,… Có thể kinh doanh một hoặc nhiều hơn một hoặc tất cả các dịch vụ và hàng hóa thỏa mãn hết các nhu cầu thiết yếu, đặc trưng và các nhu cầu khác của khách du lịch (Nguyễn Văn Mạnh và Phạm Hồng Chương, 2006). Việc quy định các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành xuất phát từ sự phức tạp của ngành du lịch nói chung và kinh doanh dịch vụ lữ hành nói riêng nên pháp luật đã có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành để các công ty lữ hành, đại lý lữ hành thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Thị trường kinh doanh dịch vụ lữ hành ở thành phố Hồ Chí Minh vô cùng sôi động, từ các doanh nghiệp nổi tiếng của cả nước đến chi nhánh của các doanh nghiệp du lịch lớn trên thế giới có văn phòng đại diện và cả những doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có mặt trên địa bàn. Việc nghiên cứu các điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, thích ứng với cơ chế thị trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. 2. Nội dung pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành ở Việt Nam Pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của cơ quan quản lý nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã 52
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 hội trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành và hoạt động quản lý của Nhà nước đối với đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành. Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; Quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; Quản lý Nhà nước về du lịch (Quốc hội Việt Nam, 2017). Đối tượng điều chỉnh: Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài; Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là một trong năm ngành nghề kinh doanh chính được pháp luật du lịch thừa nhận, vì vậy đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch cũng được xem là đối tượng, phạm vi điều chỉnh của pháp luật kinh doanh dịch vụ lữ hành. Đó là tất cả các mối quan hệ pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành, bao gồm: Quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp lữ hành; Quan hệ giữa các doanh nghiệp lữ hành với nhau; Quan hệ giữa doanh nghiệp lữ hành với khách du lịch; Quan hệ trong nội bộ của doanh nghiệp lữ hành; Quan hệ giữa nước đón khách du lịch và gửi khách du lịch; Quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động liên quan đến du lịch. Nguồn của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành. Pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành là tất cả các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, giữa các doanh nghiệp lữ hành với nhau và trong nội bộ của doanh nghiệp lữ hành. Ngoài ra còn quy định các quan hệ của Nhà nước với các cá nhân, tổ chức khác tham gia vào hoạt động dịch vụ lữ hành. Pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành có nguồn tương đối rộng, là tất cả các văn bản pháp luật có quy định liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, ngành nghề, bảo hiểm, các mối quan hệ dân sự khác có nguồn khởi phát từ hoạt động lữ hành. Pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, bao gồm: Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; Điều kiện về người quản lý kinh doanh doanh nghiệp lữ hành; Điều kiện về ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; Điều kiện cấp thẻ và hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Ở mỗi phạm vi khác nhau pháp luật quy định về những điều kiện nhất định về điều kiện kinh doanh, điều kiện hành nghề, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Phạm vi của kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại điều 30 Luật Du lịch 2017 thì kinh doanh lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa; Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài (Quốc hội Việt Nam, 2017). Nội dung pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành là rất rộng, bao gồm kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, Dịch vụ lữ hành quốc tế và đại lý lữ hành. Điều kiện về người phụ trách kinh doanh; Điều kiện về ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; Điều kiện về hướng dẫn viên du lịch. 3. Tổ chức thực hiện pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh 3.1. Điều kiện phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh Với diện tích 2.061,04 km2 và dân số khoảng 8,99 triệu người (Niên giám Thống kê - Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Thành phố Hồ Chí Minh từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông một thời, đây cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước. 53
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Là một thành phố trẻ mới 300 năm tuổi, bất cứ lúc nào mọi người cũng cảm nhận được sự năng động, sự thay da đổi thịt hàng ngày của thành phố mang tên Bác. Nằm ở cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của khu vực và cả nước, thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, phong phú gồm hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như: Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi; Công viên Văn hóa Đầm Sen; Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên; Làng Du lịch Bình Quới; Khu du lịch Vàm Sát; Bảo tàng thành phố; Dinh Thống Nhất; Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Chợ Bến Thành; Bưu điện thành phố; Nhà thờ Đức Bà,... Hiện nay thành phố Hồ Chí minh có nhiều ưu thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch ẩm thực, mua sắm, sinh thái, y tế, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm), du lịch đường thủy và vòng quanh thành phố. Trong thời gian qua, ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2017, thành phố có 4.489 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 20 khách sạn đạt chuẩn 5 sao, 2 khu căn hộ du lịch cao cấp. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018 tổng số khách đến thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,5 triệu lượt, trong đó khách nội địa tăng 12,3 triệu lượt, khách quốc tế tăng 3,1 triệu lượt (Bảng 1). Hàng năm lượng khách quốc tế đến thành phố tăng bình quân 8,2%/năm. Bảng 1. Số khách du lịch nội địa và quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh Đơn vị: triệu lượt khách Năm 2014 2015 2016 2017 2018 Khách nội địa 17,6 19,3 21,8 25,0 29,0 Khách quốc tế đến 4,4 4,6 5,2 6,3 7,5 Tổng số 22,0 23,9 27,0 31,3 36,5 Nguồn: Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Hình 1. Doanh thu của các công ty du lịch lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh Nguồn: Niên giám Thống kê – Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh Doanh thu năm 2017 của ngành du lịch đạt 115,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước. Doanh thu du lịch bình quân tăng 16,4%/năm, đóng góp khoảng 9% vào tăng trưởng và góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Trong giai đoạn từ 2013 – 2017 doanh thu các cơ sở lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 5716 tỷ đồng (hình 1), đạt tốc độ tăng trưởng 140%. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể, tư nhân, cá thể chiếm 81,2% doanh thu của các cơ sở lữ hành. Nhằm đáp ứng nhu cầu về thị trường khách du lịch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được thành lập. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố khá đa dạng về quy mô cũng như thành phần kinh tế. Báo cáo thống kê của Sở 54
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Du lịch thành phố Hồ Chí Minh (2019) cho thấy, toàn thành phố có 1028 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đạt hiệu quả cao (bảng 2). Về cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách, pháp luật chung của Nhà nước, cũng như pháp luật về du lịch và kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành du lịch thành phố ngày một phát triển. Bảng 2. Top 10 doanh nghiệp lữ hành inbound hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh STT Tên doanh nghiệp Địa chỉ 1 Công ty trách nhiệm hữu hạn một 45 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1 thành viên dịch vụ lữ hành Saigontourist 2 Công ty cổ phần Du lịch Exotissimo Số 261-263, Đường Phan Xích Long, Phường 2, Việt Nam Quận Phú Nhuận 3 Công ty trách nhiệm hữu hạn JTB- Tầng 21, 259 Trần Hưng Đạo, Quận 1 TNT 4 Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Số 82-84 Calmette, Phường Nguyễn Thái Bình, Thành Quận 1 5 Công ty trách nhiệm hữu hạn một Số 132 Hàm Nghi, Phường Bến Thành, Quận 1 thành viên du lịch SMI-VN 6 Công ty cổ phần du lịch Việt Nam 234 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6, Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh 7 Công ty trách nhiệm hữu hạn ICS Số 27D, Đường Trần Nhật Duật, Phường Tân (Việt Nam) Định, Quận 1 8 Công ty trách nhiệm hữu hạn một Số 194 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3 thành viên HG Sài Gòn 9 Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Số 220 Đề Thám, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 Thiên Niên Kỷ 10 Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị Số 190 Pasteur, Phường 6, Quận 3 giao thông vận Việt Nam – Viettravel Nguồn: Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh 3.2. Tổ chức thực hiện pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, các doanh nghiệp lữ hành lớn hầu hết có trụ sở hoặc chi nhánh. Ở thời điểm hiện tại thành phố có khoảng 1028 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong số đó có nhiều doanh nghiệp có tên tuổi. Năm 2017, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tổ chức lễ tôn vinh 100 thương hiệu du lịch hàng đầu năm 2016, nổi bật là các doanh nghiệp lữ hành lớn như: Saigontourist, Viettravel, Công ty du lịch Bến Thành, Viettours trong hoạt động inbound và outbound. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp lữ hành outbound nằm trong top 10 là Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành, Công ty cổ phần Fiditour, Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Sự kiện Việt (Viettours), Công ty cổ phần dịch vụ du lịch và thương mại TST, Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Thiên Thanh, Công ty cổ phần du lịch Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Các đại lý kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố khá đông đảo, đặc biệt là các khu vực tập trung đông du khách nước ngoài như: Khu phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão; Phố người Hàn trên đường Lê Văn Sỹ. Tác giả nhận thấy có rất nhiều đại lý kinh doanh lữ hành hoạt động ở đây, các đại lý lữ hành này về nguyên tắc không được tổ chức các chương trình du lịch, chỉ được quảng cáo và bán các chương trình du lịch do doanh nghiệp cung cấp đại lý lữ hành chuyển đến nhằm mục đích hưởng hoa hồng. 55
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành là những quy phạm pháp luật, yêu cầu các chủ thể tham gia vào hoạt động lữ hành phải tuân thủ các quy định pháp đã đề ra. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, công nghiệp lớn thu hút lượng khách nội địa cũng như khách quốc tế vào bậc nhất cả nước. Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh (2019), cứ 10 du khách quốc tế đến Việt Nam thì có khoảng 7 du khách có đặt chân tới thành phố. Để hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao, xứng đáng là một điểm đến lí tưởng cho du khách. Ngành du lịch thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lí hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố như: Yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải công khai giấy phép kinh doanh, công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện khai báo thuế, quyết toán thuế hằng năm. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thường có các đoàn khách du lịch nước ngoài ghé mua sắm phải công khai, niêm yết giá trên các sản phẩm, không nói thách, không lợi dụng để trục lợi từ bán hàng cho khách du lịch nước ngoài. Các cơ quan quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, đồng thời phối hợp với cơ quan hải quan để kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và cư trú bất hợp pháp để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh các biện pháp để quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh lữ hành, kiểm tra lưu trú đối với khách du lịch nhập cảnh với mục đích tìm kiếm cơ hội việc làm thì thành phố có những chỉ đạo chung cho tất cả ban ngành. Thành phố chủ động quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành là ngành kinh tế tổng hợp, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về các hoạt động dịch vụ liên quan đến khách du lịch cần phải được chỉnh đốn, từ người tài xế xe mô tô chở thuê, ghe thuyền phục vụ hoạt động du lịch cho đến người buôn bán nhỏ, hàng rong đều phải có sự chuyên nghiệp trong phục vụ du khách nước ngoài, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, cao hơn có thể cấm hành nghề. Trong những năm qua, Sở Du lịch thành phố đã phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong tăng cường đội ngũ trật tự viên du lịch tại các điểm có đông khách du lịch tham quan. Các hoạt động phối hợp của Sở Du lịch nhằm hướng dẫn, hỗ trợ, bảo vệ du khách và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thân thiện đem lại sự yên tâm cho du khách khi đến thành phố. Bên cạnh đó, Sở Du lịch còn triển khai tổng đài thông tin du lịch 1087 để tiếp nhận và xử lý thông tin, cung cấp các số hotline của các đơn vị hành chính cho khách du lịch, triển khai đường dây nóng 028.38234056 của Thanh tra Sở Du lịch các thông tin phản ánh về công tác thanh tra, an ninh trật tự ngành du lịch lữ hành. Sở Du lịch thành phố đã tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Sở Du lịch cũng phối hợp với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp ban ngành để hoàn thiện cơ chế quản lý các hoạt động du lịch tại thành phố. 4. Kết luận Ngành du lịch ngày càng khẳng định được tầm quan trọng trong nền kinh tế của cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Luật Du lịch ra đời đã kịp thời tạo ra môi trường pháp lý cụ thể, tạo ra cơ chế thông thoáng cho các hoạt động liên quan trong lĩnh vực du lịch, giúp ngành Du lịch Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là một hoạt động của ngành du lịch, do Luật Du lịch điều chỉnh, với cách tiếp cận là ngành kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều rủi ro đến với khách hàng. Việc quy định các điều kiện cho hoạt động kinh doanh là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước đang hội nhập, nhiều khung pháp lý khác nhau của quốc tế đang đan xen tác động vào. Mục đích của pháp luật về điều kiện kinh doanh nhằm đề ra khung pháp lý để đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào thị trường du lịch. Tuy nhiên, làm 56
  6. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 thế nào để cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng trong các mối quan hệ là điều cần nghiên cứu thêm. Trong thời gian qua các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố đã không ngừng phát triển về cả số lượng doanh nghiệp và qui mô, về cơ bản các doanh nghiệp đã đảm bảo các điều kiện mà pháp luật quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghỉ dưỡng của du khách nội địa, khách quốc tế không những tại các điểm đến ở thành phố Hồ Chí Minh mà những điểm đến ở nước ngoài tuỳ theo lựa chọn của du khách. Các doanh nghiệp này là yếu tố rất quan trọng giúp ngành du lịch thành phố nói riêng và du lịch cả nước nói chung phát triển theo xu hướng của du lịch thế giới, tương xứng với tiềm năng sẵn có. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2019). Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL quy định chi tiết sửa đổi một số điều của Luật Du lịch 2017. [2] Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2019). Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017. [3] Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (2019). Tổng điều tra dân số và nhà ở. [4] Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (2018). Niên giám Thống kê – thương mại và du lịch. [5] Nguyễn Văn Mạnh và Phạm Hồng Chương (2006). Giáo trình quản trị kinh doanh lữ hành. NXB ĐH Kinh tế Quốc dân. [6] Nguyễn Văn Đính (chủ biên) và Trần Thị Minh Hòa (2008). Giáo trình kinh tế du lịch. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân. [7] Phạm Cao Thái (2010). Pháp luật và thực thi pháp luật trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch ở Việt Nam hiện nay. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [8] Quốc hội Việt Nam (2017). Luật Du lịch, số 90/2017/QH14. [9] Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh (2019). Thông tin điều hành du lịch. Ngày nhận: 08/04/2021 Ngày duyệt đăng: 28/06/2021 57
nguon tai.lieu . vn