Xem mẫu

  1. Điệu hổ ly sơn (12/06/2008) - Người xưa thường ví mãnh tướng như hổ. Trong quản trị nhân sự ngày nay, có thể nói, nhân tài cũng như mãnh tướng mà nhà quản lý cần phải thuần phục. “Điệu hổ ly sơn” - dụ cọp ra khỏi núi - là kế thứ hai trong 36 kế của Tôn Tử. Quản lý mới được bổ nhiệm, chưa đủ uy sẽ khó thuần phục được nhân viên cũ, nhất là trong trường hợp người cũ đã thạo việc và làm lâu năm, có sẵn uy tín với các nhân viên khác. “Ma cũ bắt nạt ma mới”, kể cả khi “ma mới” là sếp, là chuyện thường xảy ra ở các công ty. Với những môi trường làm việc càng tốt thì hình thức bắt nạt càng tinh vi, chẳng hạn: nhân viên không hỗ trợ tốt cho sếp, làm việc kém nhiệt tình hoặc lẳng lặng phớt lờ chỉ thị của cấp trên, hay thậm chí nói xấu sau lưng sếp... Thái độ chống đối của nhân viên không có nghĩa là ganh tỵ hoặc muốn “lật đổ” cấp trên mà là chưa thực sự nể phục cấp trên, vô tình làm giảm đi hiệu quả hợp tác làm việc giữa hai phía. Vấn đề đặt ra cho nhà quản lý là làm sao để “dụ” được cấp dưới? Có câu “cọp xuống đồng bằng bị chó khi”, “điệu hổ ly sơn” là kế xử lý đối phương bằng cách khiến đối phương ra khỏi khu vực quen thuộc. Khu vực quen thuộc không chỉ là cứ địa, địa điểm cư trú mà còn là lĩnh vực sở trường hay công cụ sở trường. Ra khỏi phạm vi sở trường, “cọp” trở nên thiếu tự tin. Điều này giống như một người cận thị nếu thiếu mắt kính sẽ rất bối rối. Đối với một nhà quản lý, nếu khéo léo tạo ra tình huống đưa được nhân viên ra khỏi lĩnh vực của họ và thể hiện để cho họ nể phục thì sẽ “an toàn” hơn là thể hiện mình trên “đất” của họ. Ví dụ, một chuyên viên tuy giỏi về chuyên môn chưa chắc giỏi về các kỹ năng thu xếp công việc, xử lý tình huống bất ngờ… Do đó, nếu có một biến cố nào đột ngột xuất hiện trong công việc thì ứng xử linh hoạt của cấp trên sẽ đem lại bài học trực quan sinh động cho nhân viên. Ví dụ, một nhân viên giỏi nghiệp vụ nhưng gặp khó khăn trong cách thức soạn thảo các văn bản theo chuẩn chung thì bạn có thể tạo tình huống để nhân viên đảm nhiệm công việc này rồi ra tay hỗ trợ. Quan trọng nhất là tránh để nhân viên nghĩ rằng bạn đang làm khó cho họ mà dẫn đến phản cảm. Điều này khiến họ thán phục tài năng của sếp và từ đó họ dễ có khả năng suy luận rộng ra rằng: “Sếp mình rất giỏi và hoàn toàn xứng đáng làm quản lý của mình”. Một “chiêu” khác là dùng tình cảm để thu phục nhân tâm. Khi nhà quản lý quan tâm, hỏi han và nhất là chăm sóc tận tình nhân viên cấp dưới dù cùng bộ phận hoặc khác bộ phận đều dễ dàng khiến những người khác quý mến.
  2. Một số phương pháp để “điệu hổ” là: 1. Tạo tình huống hư thực để làm đối phương rối trí, phán đoán sai và tự họ ra khỏi “lãnh địa” của họ. 2. Dùng mưu trí kích thích đối phương, để đối phương mất đi lý trí, hành động thiếu suy nghĩ chín chắn. 3. Tạo ra điều bất lợi cho đối phương khiến đối phương phải rời khỏi khu vực của mình. Những cách này chỉ dùng để xét đoán tính cách và mức độ làm chủ mình của nhân viên hoặc người khác trong kinh doanh. Nhà quản lý khôn ngoan cũng không nên tạo ra tình huống bất lợi quá mức cho nhân viên nếu không thực sự cần thiết, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc chung. Chỉ cần nhân lúc nhân viên gặp khó khăn để ra tay hỗ trợ là được. Sau khi dùng “điệu hổ ly sơn”, lưu ý rằng không thể không làm tiếp kế “mãnh hổ nhập sơn” (cọp dữ vào núi), vì mục tiêu cao nhất của nghệ thuật quản trị vẫn là để nhân viên phát triển, sau khi khiến cho nhân viên nể phục mình. Kế này được cho rằng của Quỷ Cốc Tử, hàm ý tự mình tìm ra thế mạnh của mình để phát huy, còn trong quản trị nhân sự thì tạo điều kiện để nhân viên phát huy sở trường của mình mà làm việc tốt hơn. Có một ví dụ thú vị, trong bài “Thái Cực Chưởng”, chiêu “dẫn long nhập hải” (tạm dịch: dẫn rồng về biển) tiếp sau chiêu “thôi sơn đảo trụ” (tạm dịch: đánh vào núi để thay đổi cục diện), tình cờ trùng với chủ ý bài viết, sau “đấm” thì phải “xoa” vậy. Yển Nguyệt Trang Nhân sự, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần số 252 ra ngày 06/06/2008
nguon tai.lieu . vn