Xem mẫu

  1. ĐỊA DANH VỚI TOÀN CẦU HÓA VÀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA DU LỊCH Huỳnh Quốc Thắng(*) GEOGRAPHIC NAMES IN GLOBALIZATION AND LOCALIZATION TOURISM Abstract Article focuses on the nature, characteristics, location and solutions promote toponyms in Vietnam through traditional education functions with its unique historical - cultural values to be able to contribute active parts in the process of sustainable development of tourism trends of internationalization and localization in the current period * Địa danh (Toponym) và Địa danh học (Toponymy, Toponymics) ngày nay có vị trí, ý nghĩa rất đáng chú ý trên nhiều mặt, là một nét gạch nối giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khoa học nhân văn, giữa nhận thức khái niệm ngôn ngữ và thực tiễn hoạt động xã hội. Kết quả nghiên cứu của Địa danh học trong liên ngành với nhiều ngành khoa học khác về địa danh của các địa phương có ý nghĩa rất tích cực đối với đời sống thực tế, đặc biệt là với hoạt động du lịch. Do bản chất của địa danh không chỉ là hệ thống giá trị lịch sử - văn hóa gắn với những khái niệm ngôn ngữ chỉ tên đất, tên người (1) vốn mang tính trừu tượng mà còn liên quan đến các di tích, di sản (cả vật thể lẫn phi vật thể), do đó nó có thể góp phầm đem lại những hiệu quả cụ thể cho hoạt động giáo dục truyền thống thông qua toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch, một bộ phận trong những xu hướng quan trọng của xã hội công nghiệp – hiện đại đang đòi hỏi những nhận thức và giải pháp ngày càng đầy đủ nhằm đem lại những hiệu quả thực tế bền vững nhất. 1. Bản chất giá trị lịch sử - văn hóa của địa danh Không phải ngẫu nhiên mà người ta từng nói địa danh là “ vật hóa thạch”, là “ đài kỷ niệm” hay là “ tấm bia” bằng ngôn ngữ về những gì liên quan thời đại mà nó ra đời. Bởi mỗi địa danh thường là nơi gắn với các điều kiện lịch sử văn hóa – xã hội và môi trường tự nhiên tại chỗ để hình thành nên bản sắc (văn hóa) dân tộc, tức nét riêng độc đáo trong văn hóa của một cộng đồng dân tộc (tộc người) và địa phương (vùng, miền, quốc gia, khu vực) bao gồm những yếu tố tính bản địa – tính truyền thống – tính di sản được hình thành bằng một quá trình lịch sử nhất định và được thể hiện ra thông qua con người – hoạt động văn hóa – sản phẩm văn hóa (vật thể, phi vật thể) của chính cộng đồng đó. Mỗi địa danh vì vậy ít nhiều đều mang những giá trị lịch sử - văn hóa, tức những ý nghĩa văn hóa liên quan sự kiện, con người, sự việc từng xảy ra trong quá khứ, bao gồm : 1.1. Giá trị lịch sử : + Lịch sử xã hội: Sự việc xảy ra từ thời tiền sử cho đến thời hiện đại (theo quy luật xã hội, mà văn hóa là mục tiêu và động lực cao nhất) + Lịch sử tự nhiên: Diễn trình vận động tự phát của thiên nhiên từ thời nguyên thủy đến nay (theo quy luật tự nhiên) 1.2. Giá trị văn hóa : + Là sản phẩm, kết quả của ý thức (gồm lý trí, tình cảm, tâm linh) in dấu trong thực tế đời sống thông qua hoạt động của con người, là cơ sở để hình thành nên các hình thức văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. (*) PGS.TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  2. + Là cái mang tính trừu tượng nhưng có thật (nhận biết được thông qua sự thẩm định, đánh giá của con người, cơ sở tạo nên trình độ văn hóa của mỗi người) + Là cái có ích / trở thành tiêu chí, chuẩn mực chung cho sự phát triển con người và xã hội (cá nhân, tập thể), cơ sở tạo nên Ba hệ thống giá trị & Ba bộ phận văn hóa trong thực tế : (1) Nhận thức (Khoa học) – CHÂN (2) Nhân bản (Đạo đức) – THIỆN (3) Thẩm mỹ (Nghệ thuật) – MỸ Trên thực tế chính giá trị lịch sử - văn hóa như đã nói là cơ sở nền tảng, là mục tiêu để việc nghiên cứu và ứng dụng về Địa danh (Địa danh học) có quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, xã hội, du lịch v.v.). Nói cách khác, các giá trị đó là điều kiện làm cho địa danh trở thành một yếu tố có vai trò, vị trí lịch sử - văn hóa nhất định trong đời sống xã hội mà hoạt động giáo dục truyền thống thông qua du lịch là một trong những bộ phận quan trọng. 2. Vai trò, vị trí lịch sử - văn hóa của địa danh thông qua du lịch: Đây là những yếu tố cụ thể làm cho địa danh có chức năng tác dụng tích cực đối với xã hội với tư cách là những giá trị thực sự trong tiến trình lịch sử cũng như trong các khía cạnh đời sống văn hóa của con người, ở đây nhấn mạnh: 2.1. Địa danh với chức năng giáo dục truyền thống thông qua hoạt động du lịch Nếu giá trị lịch sử - văn hóa làm cho địa danh trở nên có tính hữu ích trong cuộc sống thì giá trị đó cũng đòi hỏi cần phải được bảo tồn, phát huy trong cuộc sống theo nguyên lý “Những giá trị liên tục” (2), tức nó phải được kế thừa (theo chiều dọc thời gian - chiều “lịch đại”) và giao lưu (theo chiều ngang không gian - chiều “đồng đại”)… Trong đó, giáo dục truyền thống thông qua hoạt động du lịch là một trong những hình thức giáo dục lịch sử có ý nghĩa quan trọng, bởi : “Địa danh ra đời trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong điều kiện địa lý nhất định, trong môi trường kinh tế - xã hội đặc thù. Do đó, địa danh mang dấu ấn của những biến cố lịch sử, hoàn cảnh thiên nhiên của môi trường và đặc biệt mang dấu ấn của sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội...”(3), trực tiếp liên quan địa phương và quốc gia mà địa danh đó sở thuộc. Nói giáo dục truyền thống lịch sử ở đây thực chất không chỉ là việc dạy và học sử trong nhà trường mà còn bằng nhiều hình thức sinh động khác như qua phương tiện thông tin và truyền thông, và đặc biệt là qua các hình thức tham quan du lịch v.v... Mục tiêu của vấn đề không phải chỉ là truyền đạt kiến thức lịch sử mà “đích cao nhất vẫn là cái “hồn” của sử trở thành một nét trong tâm tư, tình cảm, trong nhân cách sống (của con người)...nhằm đạt hiệu quả chiều sâu đó là không thể chỉ bằng, chỉ nhằm vào lý trí (tri thức) mà còn phải bằng và nhằm vào tình cảm (tâm hồn), hơn nữa là còn phải bằng và nhằm vào tâm linh (những cái thiêng liêng trong tinh thần) của con người. Bởi vì như đã nói, xét về bản chất giá trị lịch sử chính là cái cốt lõi của những giá trị văn hóa, là cái “tinh anh” còn lại của bao nhiêu “xương máu”, “mồ hôi nước mắt”… của các thế hệ đi trước, trong đó các “kinh nghiệm lịch sử” trở thành những bài học vô giá cho các lớp người đi sau...(4). Cũng chính điều trên làm cho chức năng giáo dục lịch sử của địa danh thông qua du lịch còn gắn liền với chức năng giáo dục văn hóa: “Giáo dục truyền thống là giáo dục về những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc có tác dụng tới quá trình phát triển của con người và xã hội trong lịch sử cũng như hiện nay và mai sau...Nhờ có văn hóa mà con người có ý thức tự giác thực hiện những điều do lương tâm mách bảo cần làm phù hợp với đạo lý làm người và truyền thống của dân tộc”(5) . Những giá trị lịch sử nào cũng đều thường đồng thời là những giá trị văn hóa mang tính nhân loại và có ý nghĩa nhân loại... Theo hướng như trên, chức năng giáo dục truyền thống và giáo dục văn hóa vừa tác động tích cực đối với các đối tượng là nhân dân tại chỗ đồng thời thông qua đó các giá trị lịch sử - văn hóa của địa danh còn có thể vừa góp phần không chỉ tuyên truyền quảng bá hình ảnh
  3. và con người của địa phương đến với bạn bè trong, ngoài nước bằng con đường du lịch mà còn có thể tác động cả về tư tưởng lẫn tình cảm của du khách thông qua toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch. 2.2. Địa danh với hoạt động du lịch theo xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa Nhìn từ góc độ bản chất của nó, nói tới du lịch là nói đến “hoạt động của con người rời nơi cư trú thường xuyên đến một nơi khác nhằm chủ yếu thỏa mãn nhu cầu văn hóa vật chất, tinh thần thông qua tiêu dùng các sản phẩm du lịch mang những giá trị văn hóa độc đáo nhất định và có thể đem lại hiệu quả kinh tế quan trọng cho người (địa phương) làm du lịch”(6) Quan niệm đó có ý nghĩa quan trọng đối với bản chất địa danh, cả về khía cạnh lịch sử lẫn văn hóa của nó. Giá trị lịch sử - văn hóa của các địa danh, đặc biệt trong các di tích, di sản vốn là một nguồn tài nguyên (gồm cả thiên nhiên lẫn nhân văn) có thể được xây dựng thành các sản phẩm du lịch có chất lượng. Nhìn từ góc độ chuyên môn của Du lịch học cũng như kết hợp tình hình thực tiễn: “Bất cứ tài nguyên tự nhiên hoặc nhân văn nào, bất cứ sản phẩm của lĩnh vực sản xuất nào, nếu được thiết kế, cải tạo và vận hành phù hợp đều có thể trở thành sản phẩm du lịch để giới thiệu với khách” (7). Thực tế các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cho thấy, thời gian qua hoạt động du lịch dựa trên khai thác, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa gắn với các địa danh di tích, di sản đã là một hướng đi quan trọng để giới thiệu, tôn vinh văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc rất hiệu quả, gồm cả hiệu quả kinh tế không nhỏ cho cộng đồng tại chỗ. Hình ảnh các địa danh di tích, di sản cụ thể thường xuyên được khách du lịch đến thăm với tư cách một trong các trọng điểm du lịch (main destinations) đã trở thành quen thuộc như là một nhu cầu tất yếu đáng quan tâm của du khách cũng như của những người “thiết kế tour”, các “tour guide” (hướng dẫn viên du lịch), các công ty lữ hành...Như vậy và hơn thế nữa, phát triển du lịch không những là phương thức góp phần đẩy mạnh giáo dục truyền thống như đã nói mà nó còn là cách khai thác, phát huy tốt các giá trị lịch sử - văn hóa của các địa danh theo hướng phát triển bền vững bởi lẽ nó không chỉ giúp mở rộng thị trường theo cách “xuất khẩu tại chỗ”, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển kinh tế du lịch qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị địa danh trong mỗi địa phương và của cả quốc gia một cách tích cực và hữu hiệu lâu dài. Theo đó mỗi địa danh thông qua du lịch với tư cách là “điểm đến” (interest sight, place of interest) sẽ là “gạch nối” giữa quá khứ với hiện tại, giữa địa phương với thế giới và ngược lại. Toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch được hiện thực hóa rõ ràng nhất chính là thông qua địa danh theo con đường và cách thức như thế. 3. Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các địa danh một cách bền vững thông qua toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch Khái niệm “phát triển bền vững” (sustainaible development) hiện nay được xác định là “sự phát triển vững chắc không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai lâu dài trên cơ sở đảm bảo giữ được sự cân bằng, hài hòa giữa các mối quan hệ liên quan sự phát triển ấy như về chia sẻ lợi ích giữa các cá nhân, tập thể cộng đồng người tham gia, về khai thác với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, về tuân thủ và làm chủ các quy luật khách quan chi phối bản thân sự tồn tại của đối tượng phát triển trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định”… Địa danh như đã phân tích ở trên, vốn không phải chỉ là những cái tên mà có thể còn là những thực thể di tích, di sản vừa có tính lịch sử vừa mang bản chất văn hóa sâu sắc, do đó khai thác, phát huy giá trị các địa danh trong du lịch theo định hướng phát triển bền vững thông qua toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch không thể khác, phải bắt đầu từ những yếu tố khách quan phù hợp với đặc điểm, bản chất văn hóa - kinh tế của du lịch với tư cách “ngành công nghiệp không khói”... 3.1. Định hướng chung 3.1.1. Địa danh với du lịch văn hóa Du lịch văn hóa là du lịch dựa trên các chương trình, sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác các giá trị, các loại hình văn hóa như di tích, lễ hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực v.v… nhằm tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu, khám phá về các nền văn minh, văn
  4. hóa dân tộc, địa phương vùng, miền...Hệ thống giá trị lịch sử - văn hóa của các địa danh như đã nêu ở trên rõ ràng là cơ sở nền tảng vững chắc để có thể “thiết kế” thành những “điểm đến” hấp dẫn với những chương trình sản phẩm dịch vụ du lịch mang hàm lượng văn hóa cao. Đặc biệt, khi các địa danh phục vụ phát triển du lịch văn hóa thì đó không những là cách bảo tồn và phát huy các giá trị của địa danh một cách hiệu quả nhất về văn hóa lẫn kinh tế mà nó còn có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ của người dân địa phương đối với tầm quan trọng phải góp phần giữ gìn, tôn tạo và quản lý tốt hơn những giá trị lịch sử - văn hóa của các địa danh nói riêng, văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung. Trên cơ sở đó và từ đó, mỗi địa danh vừa trở thành một điểm tỏa sáng những biểu hiện đặc thù của sắc thái văn hóa du lịch địa phương đồng thời vừa là nơi tạo cơ hội thu hút và giao tiếp với nhiều dòng, nền văn hóa khác nhau trên thế giới thông qua du lịch... 3.1.2. Địa danh với du lịch sinh thái Du lịch sinh thái là du lịch hướng tới mục tiêu thưởng thức và có trách nhiệm cao đối với việc bảo tồn môi trường sống (gồm sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn) thông qua các điểm đến được chủ định thiết kế gắn với thiên nhiên và văn hóa mang những giá trị đặc trưng nhất định. Phát huy giá trị các địa danh kết hợp với du lịch thực chất là khai thác giá trị các di tích, di sản như những “Bảo tàng văn hóa - dân tộc học ngoài trời” hoặc “Bảo tàng tự nhiên”, thông qua những “hiện vật gốc” liên quan cả thiên nhiên lẫn nhân văn gắn với một môi trường đời sống thực tế của cộng đồng địa phương do đó nó là hình thức bảo vệ, tôn vinh môi trường sống (sinh thái) một cách sinh động, bền vững nhất ! Nói cách khác, du lịch sinh thái (tự nhiên và nhân văn) thông qua địa danh có thể trở nên gia tăng sức hấp dẫn bằng một môi trường (gồm cả tài nguyên và sản phẩm) du lịch để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quá trình toàn cầu hóa và địa phương hóa không chỉ về du lịch mà còn có thể cả về văn hóa lẫn kinh tế, chính trị, xã hội...để trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường sống, cân bằng sinh thái trên quy mô rộng toàn cầu và phát triển sâu đến từng địa phương. 3.1.3. Địa danh với phát triển du lịch cộng đồng Du lịch cộng đồng được xem là một loại mô hình hoạt động du lịch bền vững, bởi nó có sự tham gia của số đông cư dân tại chỗ cùng khai thác, bảo tồn, phát huy các vốn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn tại địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng có khả năng thu hút đông đảo du khách và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể góp phần nâng cao đời sống cho chính cộng đồng. Trong hoạt động du lịch, không chỉ tài nguyên nhân văn mà cả tài nguyên thiên nhiên đều có quan hệ và chịu sự quyết định bởi vai trò chủ nhân, chủ thể của cộng đồng cư dân tại chỗ kết hợp với vai trò chủ trì về quy hoạch, kế hoạch, tổ chức quản lý của Nhà nước và các cơ quan chức năng, vai trò nồng cốt trong đầu tư, tác nghiệp của các doanh nghiệp du lịch… Như đã phân tích giá trị lịch sử - văn hóa của địa danh khi đã được tuyên truyền quảng bá tốt và được thấm sâu vào đời sống tư tưởng, tình cảm, tâm linh của con người (nhân dân tại chỗ và du khách các nơi) tất yếu nó sẽ trở thành như một thực thể tinh thần liên kết những điều kiện khác nhau làm thành sức mạnh lực lượng vật chất cụ thể đem lại những hiệu quả tốt đẹp cho thực tế cuộc sống, trước hết là cho chính các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các địa danh. Và đó là một mô hình lý tưởng mà du lịch cộng đồng có rất nhiều khả năng để đáp ứng nếu được tập trung đầu tư khai thác tốt. Trong trường hợp này, cộng đồng là nhân tố động lực mang tính chủ thể góp phần thúc đẩy quá trình phát triển toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch để quá trình đó trở nên ngày càng có ý nghĩa tích cực đối với chính cộng đồng. 3.2. Một số mục tiêu, giải pháp chung 3.2.1. Địa danh trong chiến lược đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch Như đã đề cập, các sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm hệ thống tuyến điểm (tours) và các dịch vụ du lịch (tourism services)...Các sản phẩm ấy vừa là “món” hàng hóa với các điều kiện vật chất - kỹ thuật cụ thể, là cái có thể thực hiện việc mua, bán trên thị trường đồng thời vừa là một “hoạt động” trừu tượng bao gồm cả những sinh hoạt tinh thần mang tính phi vật
  5. thể, là những giá trị chỉ có thể được thẩm nhận qua vốn văn hóa của mỗi du khách. Điều này hoàn toàn tương ứng với các đặc điểm trong việc khai thác biến hệ thống giá trị các địa danh trở thành những sản phẩm du lịch theo nguyên lý vừa “đa dạng hóa” vừa “nâng cao chất lượng” trong quá trình toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch. Thực chất “đa dạng hóa” là sự phát triển về số lượng (loại hình) hoạt động và về tần suất (số lượt) hoạt động của các sản phẩm du lịch trong một khoảng không gian, thời gian nhất định. Và, “nâng cao chất lượng” chính là nâng cao tính “đặc sản” (độc đáo, đặc sắc) của các sản phẩm du lịch đồng thời với khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của các loại đối tượng du khách thông qua các sản phẩm ấy. Ở đây, chúng ta cần nhấn mạnh vai trò của tính “đặc sản” (interest product) trong các sản phẩm du lịch, đó là: không có “đặc sản” thì không có sản phẩm du lịch đúng nghĩa! Và, tính “đặc sản” ấy đòi hỏi sản phẩm du lịch không thể bị lẫn lộn với tài nguyên du lịch... Đồng thời, chúng ta cũng cần khẳng định ý nghĩa, tác dụng tích cực của chất lượng sản phẩm du lịch đối với thương hiệu và “hình ảnh điểm đến” cũng như sẽ tạo “lợi thế cạnh tranh” cho du lịch địa phương, đơn vị (bên cạnh tài nguyên du lịch đặc sắc và trình độ tổ chức kinh doanh mang tính chuyên nghiệp...). Tất cả qua thực tế cho thấy, việc khai thác các loại hình văn hóa (di tích, di sản...) tức những gì trực tiếp liên quan việc phát huy các giá trị địa danh là một trong những phương thức chủ yếu để tạo ra sự phong phú về số lượng cũng như có thể góp phần quyết định nâng cao chất lượng cho các sản phẩm du lịch : “Về nguyên tắc, sản phẩm du lịch tuy cũng là một thứ hàng hóa chịu sự chi phối sâu sắc bởi các quy luật kinh tế thị trường nhưng chất lượng của nó được quyết định không phải chỉ là những “giá trị” trao đổi bình thường mà phải là những giá trị văn hóa đích thực..., cái tạo nên tính “đặc sản” độc đáo, lý thú (interest) cho các sản phẩm ấy đồng thời cũng là cái có thể đáp ứng tốt các nhu cầu văn hóa tinh thần của du khách các loại...” do đó “không thể khác, sản phẩm du lịch phải khai thác tốt mọi thế mạnh trong tiềm năng và tài nguyên du lịch của đất nước, của địa phương, đặc biệt là các tài nguyên mang đậm giá trị văn hóa…" (8). Như vậy, địa danh ở đây chính là “điểm tựa” quan trọng của sự phát triển du lịch trực tiếp dựa trên cơ sở quá trình phát triển toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch tương ứng theo lượng và chất của sản phẩm du lịch cụ thể. Theo hướng trên, tiêu chí chọn lựa các địa danh nhằm có thể tạo thành các sản phẩm du lịch trong thực tế bước đầu xác định tối thiểu gồm có: (1) Địa danh mang hàm lượng giá trị cao về lịch sử và văn hóa, thể hiện rõ nét đặc trưng bản sắc dân tộc và địa phương. (2) Địa danh gắn với những di tích, di sản có điều kiện đảm bảo an toàn, trật tự, vệ sinh và có các tiện nghi cần thiết. (3) Địa danh với những di tích, di sản và cộng đồng cư dân có thể tạo cơ hội cho du khách hội nhập vào mọi hoạt động tại chỗ. (4) Địa danh với những di tích, di sản đạt trình độ tổ chức, quản lý tốt và có các dịch vụ du lịch phong phú, chất lượng... Ở đây, đặt vấn đề quản lý (đối với các di tích, di sản văn hóa gắn với các địa danh) thực chất là “nhằm làm cho quá trình khai thác, phát huy các địa danh trong du lịch ngày càng trở thành là quá trình tự giác, có ý thức và có phương pháp theo hướng phấn đấu biến mọi giá trị lịch sử - văn hóa của các địa danh hiện có trở thành cái “thần”, cái “hồn” độc đáo nhằm tạo ra những “đặc sản” du lịch có quy mô đầu tư ngày càng lớn, có sức thu hút ngày càng mạnh” (9).. . 3.2. 2. Địa danh trong các hình thức đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và xúc tiến góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch Như người ta vẫn thường nói, đặc điểm và tính chất của sản phẩm du lịch ngoài tính “không thể lưu trữ”, tính “thời vụ” còn là tính “vô hình” (giá trị là đối tượng chủ yếu trong “sản xuất” và “tiêu dùng” một sản phẩm du lịch). Từ đó người ta nhắc đến tính “khó biết trước giá trị thật” (khi mua sản phẩm) trong khi “sự sống” của sản phẩm du lịch được quyết
  6. định ở sự “tiêu dùng” của du khách đối với sản phẩm đó, sản phẩm “lưu kho” (khách không dùng đến) là sản phẩm “chết”. Quy luật nghiệt ngã đó đặt ra vấn đề chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phải bao gồm cả chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch với chất lượng và hiệu quả rất cần đạt trình độ chuyên nghiệp! Trình độ đó chính là “trình độ văn hóa” cần có (càng cao càng tốt) để làm cho sản phẩm du lịch có thể “tỏa sáng” (càng mạnh càng tốt) đủ sức thu hút một cách bền vững (càng nhiều lần càng tốt) đối với mọi loại du khách đến với các sản phẩm ấy. Hơn nữa, trình độ đó không phải chỉ là trình độ “thông tin” (tuyên truyền quảng bá – information / communication) mà còn là trình độ “bán sản phẩm ” (tiếp thị / xúc tiến – marketing / promotion) đối với các sản phẩm du lịch... Liên hệ thực tế mối quan hệ giữa các địa danh với hoạt động du lịch, điều kiện cho “sức sống” của sản phẩm du lịch ở trường hợp này chính là mối quan hệ biện chứng và thống nhất giữa các giá trị lịch sử - văn hóa có thực (và ngày càng có nhiều hơn) chuyển dịch từ các địa danh vào trong các sản phẩm du lịch với trình độ và chất lượng của các hoạt động tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch đa dạng, có chất lượng và đạt hiệu quả cao bao gồm các hình thức in ấn, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet và công nghệ thông tin, văn phòng đại diện về du lịch, hội chợ du lịch v.v… Như vậy tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch là gạch nối góp phần làm tỏa sáng giá trị lịch sử - văn hóa của các địa danh và tạo ra chất xúc tác cho quá trình phát triển toàn cầu hóa và địa phương hóa của du lịch. 3.2.3. Địa danh trong đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực góp phần quyết định quá trình toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch Như là lẽ tất yếu không cần phải bàn cải, điều kiện quan trọng nhất quyết định sự phát triển du lịch chính là nguồn nhân lực các loại tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động du lịch . Một quan niệm toàn diện về nhân lực du lịch: “Đó là lực lượng lao động trong ngành và trong cộng đồng xã hội tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động du lịch với một năng lực tay nghề, trình độ nhận thức nhất định cùng với những phẩm chất tối thiểu về thể lực, trí tuệ, đạo đức v.v… Nguồn nhân lực ấy bao gồm đội ngũ đang có (hiện thực) và sẽ có (tiềm năng / dự bị)”. Và, một nguyên lý quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực du lịch đó “là yếu tố cấu thành năng lực, phẩm chất thực tế (vốn văn hóa nghề nghiệp cụ thể) của đội ngũ tham gia vào hoạt động du lịch đảm bảo khả năng tạo hiệu quả phát triển bền vững cho các lĩnh vực hoạt động du lịch” và hơn nữa, “bản thân năng lực, trình độ, phẩm chất, phong cách phục vụ, giao tiếp…của người làm du lịch (trực tiếp và gián tiếp) vừa là yếu tố sáng tạo ra sản phẩm vừa là một bộ phận của chất lượng sản phẩm du lịch. Đó cũng chính là yếu tố góp phần quan trọng tạo ra “bộ mặt”, “thương hiệu” của du lịch địa phương, đơn vị…” (10). Theo cách đặt vấn đề như vậy, địa danh với những giá trị lịch sử - văn hóa của nó chắc chắn có thể góp phần tạo ra “chất lượng nguồn nhân lực du lịch” như đã nêu ở trên thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt hướng đến mục tiêu góp phần vào quá trình toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch. Điều đó đòi hỏi các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau cho đội ngũ nhân lực du lịch các loại với những tài liệu tham khảo (bằng sách, bằng điện tử…) kèm theo những tài liệu minh họa trực quan (băng, đĩa…) nói về các địa danh là hết sức cần thiết… Xét về bản chất, địa danh với hoạt động du lịch tuy là hai lĩnh vực rất khác nhau về hình thức nhưng cùng gặp nhau ở các giá trị văn hóa - lịch sử có thể từ nguồn tài nguyên trong địa danh (mang tính tiềm năng) tiến tới trở thành những sản phẩm du lịch (mang tính hiệu quả hiện thực). Từ đó, sự kết hợp hài hòa, hợp lý giữa địa danh với du lịch có thể đem lại những hệ quả rất tích cực: Hoạt động du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho giá trị địa danh khuếch trương, vang xa và tác động ngày càng sâu rộng hơn đối với quá trình toàn cầu hóa du lịch. Bên cạnh đó ngược lại, nguồn kinh tế du lịch làm tăng thêm thu nhập, phúc lợi xã hội góp phần tạo điều kiện bảo tồn, phát huy ngày càng tốt hơn chính bản thân các giá trị địa danh góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, thúc đẩy quá trình địa phương hóa du lịch. Tuy nhiên, do đặc điểm vị trí địa danh và giá trị của nó trên thực tế vẫn được xem là một hình thức thuộc văn hóa tinh thần (một bộ phận văn hóa phi vật thể), dù gắn với những di tích (thuộc bộ phận
  7. văn hóa vật thể) hoặc di sản (vật thể và phi vật thể)... thì việc nghiên cứu đầu tư chiều sâu để biến các di tích, di sản đó trở thành những sản phẩm du lịch ngày càng có phong cách “nét riêng” của địa phương quả thực là một việc có ý nghĩa lớn nhưng không đơn giản chút nào. Những nguyên lý và giải pháp nêu ra trong bài viết này phần nào vạch rõ những yêu cầu chung như vậy. Tất nhiên còn nhiều nội dung phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, nhất là những vấn đề cụ thể liên quan thực tế địa phương, đơn vị nhưng qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định rằng các địa danh di tích, di sản không những chỉ là những nguồn tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn) làm nơi bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời của địa phương, của cộng đồng dân tộc… mà nó còn có thể là một “kênh” giáo dục truyền thống có hiệu quả và hơn nữa, có thể là một phương thức giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế năng động thông qua hoạt động du lịch làm cho quá trình toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch chắc chắn sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về lượng lẫn về chất. Chú thích: (1) The historic - cultural values of the place names of a particular region or language (Dựa theo Encyclopedia of Cultural Anthropology, volume 2, Henry Holt and Company, New York, p. 383) (2) “Les valeurs continues” (định nghĩa tiếng Pháp). (3) Lê Văn Hoa : Giá trị lịch sử văn hóa của địa danh tiêu biểu phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá du lịch, trong kỷ yếu hội thảo khoa học Địa danh lịch sử, văn hoá tiêu biểu tỉnh Khánh Hoà phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà, Nha Trang, 3 – 2014, trang 17 và 22. (4) Huỳnh Quốc Thắng : Những bài học vô giá cho người đi sau, trong sách “Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử”, Hội KHLS TPHCM - Nxb Tổng hợp TPHCM, năm 2008, trang 268-270. (5) Huỳnh Quốc Thắng: Tổng quan về đào tạo & xây dựng nguồn nhân lực du lịch, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Nguồn nhân lực và phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận”, Trường Đại học Phan Thiết & Cơ quan Đại diện Bộ VHTTDL tại TPHCM tổ chức tại Phan Thiết ngày 28 - 10 - 2013, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013, trang 159. (6) Trần Trung Dũng : Bản tin Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, số 7 – 2007. (7) Ngô Thanh Loan - Huỳnh Quốc Thắng : Bản chất làng nghề và giải pháp phát triển văn hóa làng nghề, Báo cáo đề dẫn Hội thảo quốc tế : Làng nghề và phát triển du lịch, Đại học KHXHNV, ĐHQGTPHCM & Đại học Silpakorn, Thái Lan, 20 – 3 – 2014, trang 3. (8) Xem Huỳnh Quốc Thắng : Văn hóa trong chiến lược sản phẩm của du lịch Việt Nam, Tạp chí Quản lý Văn hóa Thể thao Du lịch, số 12, năm 2009, trang 22 - 26. (9) Huỳnh Quốc Thắng : Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững vùng Nam Bộ; Kỷ yếu Hội thảo “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa khu vực III”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2011, trang 22. (10) Huỳnh Quốc Thắng: Tổng quan về đào tạo & xây dựng nguồn nhân lực du lịch, Tài liệu đã dẫn, trang 161. Tài liệu tham khảo 1. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà (2014), Địa danh lịch sử, văn hoá tiêu biểu tỉnh Khánh Hoà phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch, Kỷ yếu hội thảo khoa học .
  8. 2.Bùi Thiết (1999), Địa danh văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. 3. A. Dauzat (1948), La toponymie francaise, Paris, Payot. 4. Đinh Văn Nhật (1984), Phương pháp vận dụng địa danh trong nghiên cứu địa lý học, lịch sử cổ đại Việt Nam, Tc Nghiên cứu Lịch sử, số 5 – 1984, trang 72 – 80. 5. Đinh Xuân Vịnh (2002), Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 6. Huỳnh Quốc Thắng (2014), Địa danh với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch – Một số nguyên lý và giải pháp, Kỷ yếu hội thảo khoa học Địa danh lịch sử, văn hoá tiêu biểu tỉnh Khánh Hoà phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà, trang 7 – 15. 7. Nhiều tác giả (2008), Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử, Hội KHLS TP. HCM & Nxb Tổng hợp TP. HCM. 8. Nhiều tác giả (2011), Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa khu vực III, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 9. Nhiều tác giả (2013), Nguồn nhân lực và phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận, Kỷ yếu hội thảo quốc gia, Trường Đại học Phan Thiết & Cơ quan Đại diện Bộ VHTTDL tại TP. HCM, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 10. Lê Trung Hoa (2003), Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Lê Trung Hoa (2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 12. Nguyễn Văn Âu (2000), Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 13. Ch. Rostaing (1965) , Les noms de lieux , Paris, P.U.F. 14. Võ Văn sen, Ngô Thanh Loan, Huỳnh Quốc Thắng (chủ biên, 2014): Làng nghề và phát triển du lịch, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Đại học KHXHNV, ĐHQG TP. HCM & Đại học Silpakorn, Thái Lan. TÓM TẮT Bài viết tập trung làm rõ bản chất, đặc điểm, vị trí và giải pháp phát huy các địa danh ở Việt Nam thông qua chức năng giáo dục truyền thống với các giá trị lịch sử - văn hóa đặc thù của nó nhằm có thể góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững của du lịch theo xu hướng quốc tế hóa và địa phương hóa trong giai đoạn hiện nay.
nguon tai.lieu . vn