Xem mẫu

  1. ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA DU LỊCH Kiều Anh Vũ(*) TRAINING VIETNAM TOURISM HUMAN RESOURCES TO MEET THE ECONOMIC DEVELOPMENT REQUIREMENTS IN THE CONTEXT OF TOURISM GLOBALIZATION AND TOURISM LOCALIZATION Abstract Tourism could not be developped without human resources. Training labor force in accordance to historical, cultural and social reality in service to the sector is the very need. A sustainable tourism can only survive if its working people know how to create new and original tourist products. * 1. Thực trạng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến mục tiêu phát triển du lịch của đất nước. Những năm qua, tình hình chính trị xã hội trong nước ổn định; kinh tế cơ bản tăng trưởng khá, đất nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế luôn được cải thiện, được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự hợp tác trong khối ASEAN, là những điều kiện thuận lợi mở đường cho du lịch phát triển. Tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc cùng với kết quả và kinh nghiệm của gần 30 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch (2001 - 2010) là yếu tố quan trọng thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới. Khung pháp lý, các chuẩn mực về du lịch liên quan bước đầu được hình thành, từng bước tạo điều kiện đưa ngành du lịch phát triển theo hướng hiện đại, đang tiếp cận được những yêu cầu, chuẩn mực cơ bản của quốc tế. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, cần cù, thông minh, linh hoạt là một trong những lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế đã nâng cao khả năng huy động đầu tư nguồn lực của Nhà nước và khu vực tư nhân, đặc biệt đầu tư thông qua thị trường vốn và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch. Đời sống, thu nhập và điều kiện làm việc của nhân dân được cải thiện và nâng cao, nhu cầu giao lưu văn hóa ngày càng tăng, có nhiều điều kiện đi du lịch trong nước và ra nước ngoài là cơ hội tốt cho kinh tế du lịch phát triển. Du lịch nước ta hiện nay tăng trưởng mỗi năm đạt hai con số; từ hàng thấp nhất đã vượt lên đứng thứ 5 trong khu vực. Năm 2011, nước ta đón 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 30 triệu lượt khách du lịch nội địa; thu nhập xã hội của ngành khoảng 130 nghìn tỷ đồng. 11 tháng đầu năm 2012, đón 6.035.901 lượt khách quốc tế, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2011. Cả nước hiện có khoảng 425 nghìn lao động trực tiếp và hơn 750 nghìn lao động gián tiếp, phần lớn ở độ tuổi dưới 30 (60%); phân bố ở khu vực phía Bắc 40%, miền Trung 10% và khu vực phía Nam 50%. Lao động quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh chiếm 25%; (*) ThS., Khoa Kinh tế, Trường Cán bộ TP. Hồ Chí Minh.
  2. lao động phục vụ trực tiếp chiếm 75%. Mới có 42,5% lao động được đào tạo, bồi dưỡng các nghề du lịch; có 3,5% cán bộ đạt trình độ đại học và trên đại học. Lao động sử dụng được ngoại ngữ chiếm 57,7%, nhiều nhất là tiếng Anh, chiếm 40%. Đội ngũ lao động này đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển du lịch nước ta. Tuy nhân lực du lịch phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng còn thấp, nhất là về chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của hoạt động du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu và toàn diện. Ngoài hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân lực có chất lượng cao thì sự mất cân đối lao động theo vùng, miền cũng là vấn đề lớn cần tập trung để giải quyết. Du lịch nước ta đang đứng trước những cơ hội to lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Chúng ta có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đẹp; lịch sử, văn hóa giàu bản sắc; con người cần cù, hiếu khách; đất nước hòa bình, chế độ chính trị ổn định, kinh tế liên tục phát triển, được bạn bè thế giới bình chọn là “điểm đến an toàn, thân thiện”. Tuy nhiên, trong tương quan của hội nhập quốc tế, chúng ta phải chịu sự tác động mạnh mẽ trong bối cảnh quốc tế biến động phức tạp. Sự phân công lao động quốc tế trong du lịch ở khu vực và toàn cầu có cấu trúc, quy mô và cơ chế vận hành mới. Quá trình phát triển kinh tế tri thức trong lĩnh vực dịch vụ diễn ra nhanh chóng, tạo ra và dựa trên những lực lượng sản xuất và lợi thế phát triển mới, cạnh tranh về lao động rất gay gắt. Chỉ có bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng trên quy mô toàn cầu; về lợi thế so sánh và chiến lược, chính sách phát triển du lịch của các nước, các công ty đa quốc gia mới có thể đến thành công. Để du lịch phát triển mạnh mẽ, cần tích cực huy động mọi nguồn lực, trong đó, yếu tố quan trọng và mang tính quyết định nhất là nguồn nhân lực. Bộ máy làm du lịch từ cấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến 63 sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố và hệ thống kinh doanh du lịch gồm 960 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 14.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 13.000 cơ sở lưu trú với 265.000 buồng ngủ, hàng nghìn phương tiện vận chuyển khách, các cơ sở vui chơi giải trí, khu du lịch, điểm du lịch và các hộ gia đình làm du lịch phải có đủ nhân lực để vận hành. Hoạt động du lịch rất đa dạng, phong phú hiện diện ở hầu hết các địa phương; một số địa phương đã có hiện tượng “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”. Hoạt động du lịch sôi động đã và sẽ thu hút một lượng lớn lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, gồm đông đảo những công nhân, nhân viên lành nghề; những nhà khoa học, công nghệ tài năng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ; những doanh nhân tháo vát; những nhà lãnh đạo, quản lý tận tụy, biết nhìn xa trông rộng. Du lịch là một hoạt động gắn trực tiếp với con người, vì con người, thường đi trước trong quá trình giao lưu và chính con người quyết định, công nghệ vận hành của ngành Du lịch. Vì vậy, nhân lực du lịch phải có chất lượng cao, số lượng đủ, cơ cấu hợp lý và có tình cảm, trách nhiệm với đất nước. Đặc thù của nhân lực du lịch là phải có kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ du khách với tâm lý, nhu cầu, ngôn ngữ, văn hóa,... rất khác nhau. Những kiến thức, phong cách và kỹ năng lao động phải được du khách thừa nhận, lại phải thường xuyên thay đổi theo sự biến động của thị trường; sự thay đổi của quy trình công nghệ phục vụ; sự xuất hiện những ngành nghề mới,... Nhiều nghề cần kỹ năng tuy giản đơn, nhưng đòi hỏi quy trình khắt khe, chi tiết, có phong thái, bản sắc, ấn tượng riêng tạo ra thương hiệu của mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ. Mặt khác, du lịch là ngành có tỷ lệ luân chuyển lao động cao, có nhiều thang nấc trong mỗi nghề, cần được đánh giá và xác định các mức kỹ năng của mỗi lao động trong từng thời điểm để bố trí hợp lý. Như vậy cần xác định đào tạo du lịch là đào tạo nghề, không nghiêng về đào tạo năng khiếu, đào tạo nhân tài. Đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học phải gắn với thực hành. Đây là vấn đề đặc biệt chú ý cả trong đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực du lịch và chỉ được giải quyết thỏa đáng nếu có sự nỗ lực cao độ trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn và đáp ứng nhu cầu xã hội.
  3. Thực hiện mục tiêu đến năm 2015, cần tổng số 2,2 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó cần 620.000 lao động trực tiếp). Phấn đấu 100% cán bộ, công chức quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh du lịch được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch; 60% lao động trực tiếp được đào tạo chuyên môn. Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, giáo dục du lịch cộng đồng cũng phải nâng cao hơn. Đến năm 2020, chúng ta cần trên 3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 870.000 lao động trực tiếp, có 80% - 100% lao động trực tiếp được đào tạo chuyên môn sâu), hơn 90.000 lao động du lịch có trình độ đại học; đạt chuẩn khu vực và quốc tế để tham gia và cạnh tranh được trên thị trường lao động du lịch của khu vực và quốc tế. Như vậy, nước ta phải đào tạo mới thêm 345.000 lao động và hơn một nửa lao động đang làm phải đào tạo lại (khoảng 218.000 người), chưa kể nhu cầu đào tạo lao động gián tiếp. Đây là một nhu cầu đào tạo rất khổng lồ. Hiện nay có gần 100 cơ sở tham gia đào tạo du lịch các cấp độ, mỗi năm đào tạo được 28.000 học sinh, sinh viên du lịch, chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu xã hội, 70% nhu cầu lao động trực tiếp của ngành Du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật, giáo viên, giáo trình lại chưa đạt chuẩn. Vì vậy phải có cơ chế phù hợp đi liền với xã hội hóa mạnh để thu hút nhiều nguồn lực cho đào tạo du lịch từ bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến đào tạo nghề. Được như vậy mới có được một đội ngũ lao động đủ số lượng, với cơ cấu mới, trong đó lao động có trình độ, có kỹ năng chiếm tỷ trọng cao, để có thể chiếm lĩnh được những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch của khu vực và thế giới. 2. Kiến nghị một số giải pháp đối với việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam hiện nay Để thực hiện được các mục tiêu trên, các cơ sở đào tạo du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan quản lý các cấp, các địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo du lịch. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý đào tạo nhân lực du lịch. Định hướng đúng, kịp thời và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về đào tạo du lịch; có cơ chế, chính sách quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài, sử dụng hiệu quả lao động. Cho các cơ sở đào tạo du lịch được hưởng cơ chế ưu đãi về thuế; đất xây dựng trường; khung giá dịch vụ đào tạo các chuyên ngành phù hợp với đặc thù đào tạo nhân lực của ngành Du lịch. Tăng cường quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đi đôi với việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo du lịch. Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát Chương trình phát triển nhân lực du lịch đến 2015, tầm nhìn 2020 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ hai, chuẩn hóa nhân lực du lịch. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng vùng, miền trong cả nước; từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch hợp chuẩn với khu vực và quốc tế. Đặc biệt, chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao. Tiêu chuẩn hóa nhân lực du lịch theo yêu cầu thực tiễn trong nước phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch. Áp dụng thí điểm, điều chỉnh để nhân rộng hệ thống 13 tiêu chuẩn nghề du lịch trong toàn quốc. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh trong ngành Du lịch. Mở rộng hoạt động của Hội đồng Cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam. Tập trung phát triển nguồn nhân lực bậc cao. Thứ ba, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch mạnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập, hợp lý giữa các cấp đào tạo, ngành nghề đào tạo và vùng miền. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa chất lượng giảng viên, chuẩn hóa giáo trình khung đào tạo. Nâng cấp các cơ sở đào tạo du lịch hiện có; tập trung đầu tư một số cơ sở đào tạo du lịch đạt chuẩn; hình thành bộ phận đào tạo du lịch ở các trường nghề ở các địa phương. Chú trọng đầu tư cho các trường đào tạo nghề du
  4. lịch tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở khác có đào tạo về du lịch, bảo đảm yêu cầu chung và sự thống nhất về nội dung đào tạo, trình độ đào tạo. Quan tâm đào tạo nghề du lịch cho nông thôn, đồng bào bản địa tại các vùng, các khu vực đã hoặc đang khai thác lợi thế phát triển du lịch. Đây là việc làm thiết thực hướng vào chính sách tam nông của Nhà nước, đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Chú trọng các vùng sâu, vùng xa kém phát triển nhưng giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch. Chú ý đào tạo các kỹ năng về tiếp đón, thuyết minh, hướng dẫn tại chỗ, phục vụ khách ăn nghỉ tại nhà, vận chuyển thô sơ, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc, giới thiệu và trình diễn quy trình làm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống,… Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo liên thông từ thấp đến cao, từ lao động giản đơn đến giám sát, quản lý các cấp. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên vào thực tập, làm part - time (làm bán thời gian), như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thiếu lao động của doanh nghiệp mà sinh viên thì được trực tiếp với công việc thực tế. Thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu công việc. Tăng cường liên kết đào tạo du lịch giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch lập cơ sở dịch vụ phù hợp ngành nghề đào tạo để học sinh, sinh viên thực hành và hoạt động tạo thêm kinh phí cho đào tạo. Tiếp tục đa dạng hóa sở hữu các loại hình trường, lớp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Có cơ chế tốt để huy động kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học đầu ngành trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cho đào tạo du lịch. Khuyến khích xã hội đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, góp ý kiến cho chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chuẩn, nội dung chương trình đào tạo, hỗ trợ kinh phí cho người học, tạo điều kiện thực tập và tiếp nhận sinh viên, học sinh tốt nghiệp vào làm việc. Xây dựng trường chuẩn đào tạo du lịch về các nội dung xây dựng chương trình đào tạo và khung đào tạo, năng lực đào tạo và bồi dưỡng nhân lực du lịch. Trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các nhà trường, cần coi trọng cơ sở thực hành nghề dưới dạng khách sạn trường hoặc trung tâm thực hành nghề. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên và đào tạo nhân viên du lịch dưới nhiều hình thức cả ở trong và ngoài nước; thu hút giảng viên từ cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch. Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình khung đào tạo du lịch bậc cao đẳng và đại học đáp ứng yêu cầu thực tế và tiếp cận chuẩn quốc tế, bảo đảm liên thông giữa các bậc đào tạo. Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo liên thông từ thấp đến cao, từ lao động giản đơn đến giám sát, quản lý các cấp. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên vào thực tập, làm part - time (làm bán thời gian), như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thiếu lao động của doanh nghiệp mà sinh viên thì được trực tiếp với công việc thực tế. Thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu công việc. Tăng cường liên kết đào tạo du lịch giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch lập cơ sở dịch vụ phù hợp ngành nghề đào tạo để học sinh, sinh viên thực hành và hoạt động tạo thêm kinh phí cho đào tạo. Tiếp tục đa dạng hóa sở hữu các loại hình trường, lớp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Có cơ chế tốt để huy động kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học đầu ngành trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cho đào tạo du lịch. Khuyến khích xã hội đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, góp ý kiến cho chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chuẩn, nội dung chương trình đào tạo, hỗ trợ kinh phí cho người học, tạo điều kiện thực tập và tiếp nhận sinh viên, học sinh tốt nghiệp vào làm việc.
  5. Thứ sáu, xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để bảo đảm tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ đào tạo; thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về nhân lực du lịch ; mở rộng các hình thức đào tạo từ xa, đào tạo qua mạng In-tơ-nét (e-learning). Xây dựng giáo trình đào tạo du lịch điện tử, trước mắt ở bậc dạy nghề. Thống kê và quản lý dữ liệu nhân lực du lịch và nghiên cứu khoa học về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Thứ bảy, đổi mới và làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội. Tạo môi trường thuận lợi cho đào tạo du lịch, đẩy mạnh giáo dục du lịch cộng đồng. Lồng ghép giáo dục và văn hóa du lịch trong hệ thống giáo dục phổ thông; trong các trường chính trị của các địa phương; trường Đảng, đoàn thể và hành chính Trung ương. Xây dựng chương trình quảng bá nâng cao hình ảnh nghề và định hướng nghề du lịch. Bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cán bộ quản lý các lĩnh vực liên quan, đội ngũ giáo viên, cán bộ chính quyền địa phương và những người tiếp xúc trực tiếp với du khách. Thứ tám, tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo hợp tác song phương và đa phương với các cơ sở đào tạo nước ngoài, nhất là với các cơ sở đào tạo du lịch trong khối ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương,... Gắn kết đào tạo với sử dụng trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu ngành vừa thực hiện liên kết vùng và xuất khẩu lao động; tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch./. Tài liệu tham khảo 1. http://www.vietnamtourism.gov.vn/ 2. Nguyễn Văn Lưu (2014), Du lịch Việt Nam hội nhập trong ASEAN, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 3. Nguyễn Văn Lưu (2013), Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. TÓM TẮT Du lịch muốn phát triển, phải đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phù hợp với điều kiện đặt ra từ thực tiễn lịch sử, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch chính là đào tạo ra những người biết tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm thỏa mãn những nhu cầu khác nhau của du khách; có như vậy, du lịch mới phát triển bền vững.
nguon tai.lieu . vn