Xem mẫu

  1. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH TẠI AN GIANG Trương Thị Huỳnh Hương, Trương Đoàn Lam Uyên* Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Nguyễn Duy Anh Kiệt TÓM TẮT Nhận thấy sự phát triển giữa du lịch kết hợp với hành hương để đến với những địa điểm có ý nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng, vừa có cảnh đẹp cũng như tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa bản địa và giao tiếp cùng nhau trong không gian thành kính, thiêng liêng, nhiều nơi đã phát triển loại hình du lịch tâm linh. Bài nghiên cứu này trước hết nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch tâm linh tại An Giang – một trong những nơi rất nổi tiếng về loại hình này. Với không gian thiên nhiên hùng vĩ, bên cạnh các địa điểm nổi tiếng thì những ngôi chùa, đền, miếu tại An Giang cũng là điểm đến thu hút với cảnh quan kiến trúc tuyệt đẹp, mang trong mình những câu chuyện huyền bí, là một vùng đất hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch tâm linh. Tuy nhiên, ở đây vẫn chưa thật sự phát triển có chất lượng và hiệu quả loại hình du lịch này. Vì vậy, cần thông qua việc nghiên cứu thực trạng để tìm ra những giải pháp góp phần cải thiện và phát triển loại hình du lịch tâm linh tại An Giang ngày một tốt hơn trong tương lai. Từ khóa: du lịch, hành hương, nổi tiếng, tâm linh, tôn giáo. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập diễn ra mạnh mẽ, du lịch đang phát triển không ngừng. Ở nhều nước trên thế giới, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Tại Việt Nam, du lịch đang từng bước định hướng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đóng góp những thành tựu đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng của du khách, bên cạnh các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh cũng ngày càng được đầu tư, biết đến và đón nhận sự yêu thích từ du khách. Trong bối cảnh đó, du lịch tâm linh đã được An Giang chọn làm trụ cột để đẩy mạnh phát triển. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh, có đồng bằng, rừng núi và nhiều di tích lịch sử văn hóa như đồi Tức Dụp, di chỉ văn hóa Óc Eo. Đặc biệt vùng Thất Sơn với những ngọn núi trồi lên giữa đồng bằng tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, độc đáo. Ngoài ra còn có núi Cấm ở Tịnh Biên và núi Sam ở Châu Đốc là hai điểm đến du lịch hành hương tâm linh nổi tiếng của tỉnh An Giang gắn liền với những câu chuyện tâm linh huyền bí. Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Có thể nói, An Giang là tỉnh phát triển loại hình du lịch tâm linh nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để có thể phát triển, An Giang đã có những thế mạnh và cơ hội nhất định, tuy nhiên cũng tạo nên một số điều tiêu cực và đe dọa tới sự phát triển bền vững và lâu dài. Vì vậy, 2048
  2. việc nghiên cứu thực trạng để tìm ra những giải pháp góp phần cải thiện và phát triển loại hình du lịch tâm linh tại An Giang là một vấn đề cần thiết. 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): “Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành tạm trú với mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá 1 năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền.” Còn theo Luật du lịch 2017: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.” Khái niệm du lịch tâm linh đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập đến. Tại Việt Nam, có thể nhắc đến khái niệm du lịch tâm linh của tác giả Nguyễn Văn Tuấn (2013): “Du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.” Như vậy, có thể hiểu du lịch tâm linh là: du lịch tâm linh bao gồm các hoạt động liên quan đến những yếu tố tâm linh trong quá trình diễn ra ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục, dựa trên những giá trị tôn giáo, đức tin, thờ cúng, những câu chuyện huyền bí và linh thiêng. 3 THỰC TRẠNG Từ lâu, An Giang đã nổi tiếng về loại hình du lịch tâm linh với các địa điểm nổi tiếng. An Giang có hàng ngàn ngôi chùa, đền, đình, miếu… là những địa điểm thích hợp để phát triển loại hình du lịch tâm linh. Trong đó có thể kể đến như chùa Tây An, chùa Phước Điền (chùa Hang), lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Giồng Thành, chùa Huỳnh Đạo, chùa Lầu, hay còn gọi là Phước Lâm Tự. Điểm nổi tiếng nhất bên trong miếu Bà Chúa Xứ chính là Tượng Bà, vào năm 2009, tượng Bà cũng đã được sách Kỷ lục An Giang ghi nhận là bức tượng làm bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam. Chùa Tây An - ngôi chùa cổ nhất ở An Giang và cũng đồng thời là địa điểm du lịch nổi tiếng trong số các điểm đến tâm linh. Mang đặc trưng của lối kiến trúc Khơ Me, chùa Xà Tón cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở An Giang và giữ nhiều sách kinh lá nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, một số ngôi chùa nổi tiếng được công nhận di tích cấp quốc gia như: Tây An, Phước Điền (TP. Châu Đốc); Nam Linh Sơn tự (Thoại Sơn) Tam Bửu, Phi Lai, Xà tón (Tri Tôn); Giồng Thành (TX. Tân Châu). Mỗi ngôi chùa, nơi thờ tự gìn giữ nét văn hóa, những phong tục, tập quán, kiến trúc, nghệ thuật cổ truyền… là những điểm hành hương thú vị cho du khách. Không chỉ có những ngôi chùa, miếu, bộ phận người Chăm ở An Giang còn dày công tạo dựng nên những thánh đường có lối kiến trúc tuyệt đẹp như thánh đường Masjid Jamiul Azhar. Khi đến An Giang, không thể không nhắc đến cái tên Thất Sơn (Bảy Núi), du khách không chỉ muốn chiêm ngưỡng vùng Thất Sơn hùng vĩ mà còn tò mò muốn tìm hiểu về 2049
  3. những câu chuyện li kỳ ở đây. Thất Sơn cũng được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng ở An Giang, bởi nơi nay toát lên một vẻ đẹp huyền bí ít nơi nào sánh được. Bảng 1. Bảng thống kê nguồn khách tham quan, và doanh thu năm 2014, 2015 Năm 2014 2015 Chỉ tiêu Lượt khách 4.200.000 4.274.800 Doanh thu 19.967.100.000 30.411.210.000 Nguồn: nhóm tác giả tổng hợp từ Phòng Văn hóa Thông tin - Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc Nhận xét: theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin - Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc, lượt khách tham quan và nguồn thu phí tham quan trong năm 2015 đã tăng so với năm 2014. Qua số liệu trên, có thể thấy lượng khách hàng năm đổ về An Giang, cụ thể là thành phố Châu Đốc, nơi có quần thể du lịch núi Sam là rất lớn. Mùa cao điểm du lịch tâm linh tại quần thể du lịch núi Sam diễn ra từ sau Tết Nguyên Đán kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm. Do đây là mùa vía Bà Chúa Xứ. Trong thời gian này, khu vực núi Sam đón tiếp khoảng 3 triệu lượt khách. Theo Báo Nhân Dân (2019), năm 2018 An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 16% so với cùng kỳ của năm 2017 với doanh thu khoảng 4800 tỷ đồng, trong đó loại hình du lịch tâm linh chiếm 80% lượt khách. Theo báo An Giang (2019), lượng du khách đến thành phố Châu Đốc tăng dần qua từng năm (6 tháng đầu năm 2019, đón trên 3,5 triệu lượt du khách, tăng 18,9% so cùng kỳ). Theo đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu kinh tế địa phương. An Giang có những lợi thế để phát triển loại hình du lịch tâm linh. Nơi đây có hàng ngàn ngôi chùa, đền, đình, miếu… chứa đựng những giá trị mang tính văn hóa đặc trưng, giá trị về lịch sử, kiến trúc, hội họa, tâm linh, tín ngưỡng. Điểm đến du lịch tâm linh đặc trưng tiêu biểu của An Giang là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Khu du lịch Lâm viên núi Cấm thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Một trong những nơi thu hút du khách nhất là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và Lễ hội cấp Quốc gia vía Bà Chúa Xứ - một trong những lễ hội tín ngưỡng lớn nhất và mang nét đặc trưng của tỉnh An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tài nguyên rất lớn trong việc khai thác du lịch tâm linh, góp phần tăng nguồn thu đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội. An Giang có 4 dân tộc anh em Kinh, Chăm, Khmer, Hoa cùng chung sống trên mảnh đất hiền hòa nên An Giang có nhiều hình thức tôn giáo tín ngưỡng phong phú nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi dân tộc có cách thức thực hành niềm tin tôn giáo riêng, giúp An Giang có nền văn hóa tín ngưỡng phong phú, đa dạng. Mỗi hình thức tôn giáo tín ngưỡng có nhiều cơ sở thờ tự khác nhau, giúp An Giang có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch tâm linh. Cơ hội để ngày càng phát triển du lịch tâm linh tại An Giang là rất nhiều. Số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Số khách du lịch đến các điểm tâm linh tăng cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nhu cầu du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt 2050
  4. động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân. Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả. Bên cạnh các lợi thế và cơ hội, du lịch tâm linh ở An Giang vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Theo Báo An Giang (2017): “Giao thông đến các điểm du lịch xuống cấp, mức độ đầu tư chậm; việc quy hoạch, tôn tạo các khu di tích, chùa cần nhiều vốn; vẫn còn tình trạng chèo kéo du khách; nguồn lao động có trình độ, kinh nghiệm, tay nghề cao còn hạn chế; các sản phẩm du lịch chưa phong phú…” Theo Võ Văn Thắng và cộng sự (2017) chỉ rõ “Tại các điểm du lịch tâm linh, hoạt động vui chơi giải trí chưa phong phú, thậm chí trong các lễ hội tôn giáo, phần “lễ” rất được chú trọng, trong khi đó, phần “hội” ít được quan tâm, do đó du khách không có nhiều lựa chọn và tham gia hoạt động vui chơi giải trí cũng là nguyên nhân khiến du khách không muốn lưu lại lâu tại các điểm du lịch. Bởi vậy thời gian qua, các địa phương có loại hình du lịch này thất thu trầm trọng. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại hầu hết các điểm du lịch tâm linh chưa đồng bộ và chưa bảo đảm chất lượng phục vụ du khách, đặc biệt là ở các điểm thuộc khu vực Bảy Núi. Chẳng hạn, hàng quán phục vụ ăn uống nhếch nhác, tạm bợ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả chưa hợp lý; cơ sở lưu trú không bảo đảm điều kiện tối thiểu để phục vụ du khách về vệ sinh và các trang thiết bị chuyên dụng. Đặc biệt, môi trường xã hội tại các điểm du lịch tâm linh còn “vướng” nhiều vấn đề bất cập gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch địa phương, như nạn chèo kéo khách mua các vật phẩm cúng tế, ăn xin, móc túi, mê tín dị đoan, lừa đảo khách mua và sử dụng các “dịch vụ tâm linh” như bói toán, giải hạn, bùa chú…” Với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã làm lượng khách đến An Giang suy giảm. Theo ông Trần Quốc Tuấn (2021) cho biết, “nhìn chung, lượng khách du lịch đến Châu Đốc tuy có giảm so cùng kỳ nhưng với sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh cùng với việc triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa du lịch thân thiện, an toàn, văn minh nên đã tạo sự tin tưởng, an tâm cho du khách khi đến Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung”. Đây cũng là yếu tố giúp ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt là du lịch tâm linh trở lại phát triển tốt hơn. 4 GIẢI PHÁP Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, giao thông tại các điểm du lịch: tỉnh An Giang tuy là tỉnh phát triển loaị hình du lịch tâm linh nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn không đáp ứng đủ cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống nên đa số là khách hành hương vãn cảnh là chính và di chuyển về trong ngày. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng người dân nên phối hợp đầu tư tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống chùa chiền, đình… để giữ chân khách. Bên cạnh đó, An Giang nên phát huy mọi nguồn lực về vốn thực hiện đầu tư nâng cấp kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông dẫn tới các khu du lịch, điểm tham quan, tạo sự thuận tiện hơn về đường đi đến các điểm hành hương này. Tiếp tục và duy trì phát triển các lễ nghi sinh hoạt tâm linh, chọn lọc và phục dựng phát triển các nghi lễ truyền thống có tính tích cực: An Giang là một nơi sinh sống của 4 2051
  5. dân tộc anh em vì vậy nơi đây có đa dạng nền văn hóa cũng như các tôn giáo. Chúng ta hãy giới thiệu đến với du khách cách sinh hoạt hàng ngày và nét đẹp truyền thống của dân cư nơi đây, phục dựng các nghi lễ truyền thống vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa góp phần giới thiệu với bạn bè phương xa. Đào tạo chất lượng đội ngũ nhân viên: cần có những khóa học ngắn hạn để đào tạo các hướng dẫn viên về lịch sử, văn hóa dân tộc… mang tính chuyên môn sâu, nhằm nâng cao kiến thức về điểm du lịch tâm linh cho du khách. Cho hướng dẫn viên đi học hỏi kinh nghiệm từ người bản địa hay cũng có thể kết hợp cùng người bản địa để hướng dẫn và giới thiệu cho du khách về phong tục của họ. Khắc phục tình trạng bán phá giá, chèo kéo khách, lừa đảo khách mua “dịch vụ tâm linh” như bói toán, giải hạn, bùa chú: phối hợp với ban quản lí tỉnh kiểm tra thường xuyên tại các cửa hàng, khảo sát du khách mua hàng có đúng với giá đã niêm yết, nếu không đúng thì cửa hàng đó sẽ bị xử phạt. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ và xa lánh. Cùng đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Các cơ quan địa phương cần mạnh tay xử lý các trường hợp lừa đảo này, khuyến khích người dân tố giác các “dịch vụ” này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quốc hội, 2017. Luật Du lịch 2017, số hiệu 09/2017/QH14, ban hành ngày 19/06/2017. [2] Nguyễn Văn Tuấn, 2013. Tham luận tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình, 21-22/11/2013, trang 1-2. [3] Phòng Văn hóa Thông tin - Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc, Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/01/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang và Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 26/04/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ thị xã (nay là thành phố Châu Đốc) về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. [4] Bùi Quốc Dũng, 2019. Báo Nhân Dân, https://nhandan.org.vn/thong-tin-doanh- nghiep/doi-moi-xuc-tien-du-lich-o-an-giang-357218/, xem 05/03/2021 [5] Thu Thảo, 2019. Báo An Giang, https://baoangiang.com.vn/van-minh-thuong-mai-o- thanh-pho-du-lich-a251638.html, xem 06/03/2021 [6] Minh Thư, 2017. Báo An Giang, https://baoangiang.com.vn/tiem-nang-phat-trien-du- lich-tam-linh-a131670.html, xem 07/03/2021 2052
nguon tai.lieu . vn