Xem mẫu

  1. ĐẶC ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ DU LỊCH CỦA ẨM THỰC BẾN TRE QUA CA DAO, DÂN CA Dương Hoàng Lộc(*) CHARACTERISTICS AND TOURISM VALUES OF CUISINE IN BEN TRE THROUGH FOLK SONGS Abstract The article focuses on introducing and learning about the basic characteristics of folk songs about cuisine in Ben Tre. The author also mentions the relationship between these characteristics and the local tourism development. That is the way to approach the folklore applied in the present context. It is also necessary to build and diversify tourism products of Ben Tre today. * 1. Dẫn nhập Bến Tre là vùng đất cù lao và bị bao bọc bởi sông nước trong một thời gian rất dài, nên trữ lượng văn học dân gian nơi đây còn khá nhiều với nội dung phong phú, đa dạng. Văn học dân gian Bến Tre là những sáng tác của người dân và là bức tranh phản chiếu lịch sử cũng như đời sống xã hội, văn hóa, tình cảm con người qua nhiều thế hệ trên 3 dải cù lao hiền hòa, ruộng vườn xanh mát. Việc tìm hiểu nội dung và giá trị của nó rất có ý nghĩa, nhất là nhằm để hiểu hơn nét độc đáo của địa phương cũng như việc phát huy vai trò của văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện nay. Bài viết này tập trung tìm hiểu nội dung ẩm thực trong văn học dân gian Bến Tre, chủ yếu ở thể loại ca dao, dân ca, và phân tích giá trị của nó nhằm hướng tới việc giới thiệu văn hóa địa phương gắn với sự phát triển du lịch. 2. Đặc điểm của ca dao, dân ca về ẩm thực Bến Tre Bến Tre được mệnh danh là xứ sở cù lao, là xứ dừa với những vườn dừa tỏa bóng xanh um mát rượi dưới hàng kênh xanh. Thật ra, đây là nơi có hệ sinh thái đa dạng với không gian miệt vườn cây trái sum xuê ở Châu Thành, Mỏ Cày, Chợ Lách, với vùng ven biển dồi dào tôm cá qua các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và những ruộng lúa đến mùa chín vàng ở Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm. Môi trường tự nhiên là một điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến việc hình thành nét đặc trưng ẩm thực ở từng địa phương, trong đó có Bến Tre. Ẩm thực ở xứ sở cù lao thật phong phú, đa dạng với nhiều món ăn từ ngày thường cho đến dịp lễ, tết. Nhìn chung, nó dân dã, chất phác và gắn liền với thiên nhiên, mộc mạc như chính con người Bến Tre. Vì lẽ đó mà ẩm thực đã đi vào văn học dân gian Bến Tre một cách tự nhiên, gần gũi, là một chủ đề để con người có thể bầu bạn, tâm tình. Từ đó, những câu ca dao, điệu hò, điệu lý,… xứ này thêm phần sống động, bám rễ sâu vào lòng người, như những hạt phù sa thấm đẫm các giá trị văn hóa của tiền nhân. Điều này đã góp phần cho thấy văn học dân gian luôn có mối quan hệ sâu sắc, sống động với đời sống văn hóa ở mỗi vùng, miền, địa phương khác nhau như Cao Huy Đỉnh từng nhận xét: “Thông thường thì ở những làng truyền thống hay vùng truyền thống, văn học dân gian không bao giờ tồn tại và phát triển riêng lẻ cả. Ở đó, văn học dân gian phát triển nhờ vào sự phồn thịnh của các mặt văn hóa khác nói chung, ở đó có những mối quan hệ qua lại giữa văn học và các mặt nghệ thuật dân gian khác, giữa (*) ThS., Bộ môn Văn hoá dân gian, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  2. văn nghệ dân gian và các mặt văn hóa khác của nhân dân.” [1, tr.765]. Mặt khác, đây là một biểu hiện rõ nét về tính nguyên hợp-một đặc trưng cơ bản của văn hóa dân gian. Đầu tiên, đặc điểm nổi bật trong kho tàng văn học dân gian Bến Tre là phản ảnh các sản vật, nhất là cây trái của vùng đất này. Đó còn là niềm tự hào của người dân xứ dừa về nhiều sản vật và món ngon, thức lạ của các địa phương Bến Tre như câu ca dao sau đã phác họa rõ nét: -Bến Tre ngọt lắm nước dừa Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm Sầu riêng măng cụt Cái Mơn Nghêu sò cồn Lợi thuốc ngon Mỏ Cày Xoài chua cam ngọt Ba Lai Bắp thì chợ Giữa vồng khoai Mỹ Hòa Mắm bần ven đất phù sa Bà Hiền Tân Thủy hằng hà cá tôm Quýt đường vú sữa ngổn ngang Dừa xanh Sóc Sãi tơ vàng Ba Tri Xẻo sâu cau tốt ai bì Lúa vàng Thạnh Phú khoai mì Thạnh Phong Muối khô ở Gảnh mặn nồng Giồng Trôm Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng -Bến Tre giàu mía Mỏ Cày Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn Bình Đại biển cá sông tôm Ba Tri muối mặn Giồng Trôm lúa vàng Câu ca dao đã phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên với đặc trưng sản vật, ẩm thực của Bến Tre. Với mỗi hệ sinh thái miệt vườn, miệt biển và miệt ruộng thì có những đặc sản khác nhau, không nơi nào giống nơi nào. Nhưng hơn thế nữa, theo chúng tôi, đó là: « Nếu đọc thoáng qua thì bài ca dao này giống như một bản báo cáo của một cơ quan kinh tế nào đó. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy sự tiềm ẩn dưới tầng chữ nghĩa của nó. Mỗi vùng quê được giới thiệu một sản vật. Phải có một tình yêu quê hương mới có một sự hiểu biết cặn kẽ về quê hương, ngược lại phải có một sự hiểu biết thì tình yêu ấy mới sâu sắc và bền chặt » [9, tr.164]. Mặt khác, những sản vật này còn là nguyên liệu dồi dào, tạo nên tính đa dạng cho ẩm thực Bến Tre. Nhờ sông phù sa màu mỡ từ con sông Cổ Chiên và Hàm Luông bồi đắp hằng năm mà miệt vườn Chợ Lách, Mỏ Cày có nhiều cây trái sum xuê trĩu quả, xanh mướt bốn mùa. Chợ Lách được mệnh danh là xứ sở cây trái với sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, nhãn,… Bởi thế, dân gian ca ngợi: Ai về ghé lại quê ta Ghé thăm Chợ Lách quả hoa trắng vườn Miệt vườn Mỏ Cày thì cây trái cũng không kém: Anh về Ba Vát Chợ Thơm
  3. Ruộng mùa lúa tốt cây vườn xanh tươi Nếu có dịp thưởng ngoạn miệt vườn Bến Tre, bạn bè phương xa chắc sẽ nhớ mãi về hình ảnh người con gái Mỏ Cày duyên dáng, trắng trẻo mời ăn chén chè mát ngọt và thưởng thức câu ca ngọt ngào về quê hương của họ: Quê em lắm mía nhiều đường Ngọt người ngọt đất quê hương ngọt tình Ai từng sang Bảo về Minh Ghé sang Bình Khánh em xin đãi chè Giồng Trôm vốn nổi danh với những cánh đồng lúa chín vàng, hạt gạo ngon và trắng tinh như câu ca dao: Giồng Trôm gạo trắng nước trong Ai đi đến đó lòng không muốn về Ai về miệt ruộng Bến Tre (Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú,...) thì nên thưởng thức nhiều sản vật dân dã của ruộng đồng nơi đây: Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng Về sông ăn cá về đồng ăn dưa Con sông Ba Lai hiền hòa đã mang lại cho miệt ruộng xứ này nguồn tôm cá dồi dào như sự tự hào của họ: Sông Ba Lai bên bồi bên hẩm Đất Ba Lai đỏ thẩm phù sa Nàng về kết bạn cùng ta Ăn cá thay bánh uống nước trà thay cơm Thứ hai, Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa, nên dừa đã gắn liền với ẩm thực Bến Tre, một sản vật chính của xứ này. Đất đai ở đây được kiến tạo với những sông rạch chằng chịt tạo nên vùng thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh sôi của cây dừa, nên dừa mọc thành từng cụm, thậm chí thành đảo dừa. Dừa bao phủ cả vùng sông nước chống xói mòn lở sạt bờ, dừa ôm trọn xóm làng phủ một màu xanh thẳm như che chở và trở thành người bạn thân thiết của người dân Bến Tre, trong đó có ẩm thực. Nhờ dừa mà món ăn, thức uống được ngon hơn, thăng hoa và nổi tiếng qua bàn tay nấu nướng khéo léo của nhiều thế hệ người dân xứ sở cây dừa. Cây dừa có mặt ở nhiều món ăn, thức uống mang tính dân dã vào ngày thường, khá công phu lúc có đám tiệc, giỗ chạp, hiện diện ở cả những món mặn và món ngọt, tham gia vào nhiều hình thức chế biến xào, canh, kho, chiên, hấp, chưng, nướng, hầm,… Món nào cũng ngon, độc đáo, hấp dẫn, chinh phục lòng người, được bạn bè nhiều nơi biết đến, thích thú, càng thêm yêu mến con người và vùng đất Bến Tre [2, tr.387]. Nhiều câu ca dao đã nói về dừa Bến Tre: -Quê anh ba dải cù lao Có dừa ăn trái có cau ăn trầu - Ai về xứ Bến quê tôi Núi đồi không có nhiều xôi lắm dừa -Bến Tre ruộng đất phì nhiêu Nơi đây giàu lúa lại nhiều dừa khô -Bến Tre ba đảo dừa xanh
  4. Hàm Luông bát ngát ngọt ngào phù sa Ai về ghé lại quê ta Xem dừa kết trái đơm hoa bốn mùa Nước dừa ngọt và mát dùng để giải khát và bồi dưỡng cho cơ thể rất tốt. Trước nay, ở các xã Minh Đức, Tân Trung, Hương Mỹ (huyện Mỏ Cày Nam), trong nhiều gia đình thường có buồng dừa để sẵn dùng để uống giải khát mỗi ngày. Có khách xa đến, họ chặt dừa để nguyên trái hay cho nước vào ly để mời khách uống. Nước dừa ngọt, mát dường như đã tạo thêm không khí thân tình giữa chủ và khách, một biểu hiện của sự niềm nở, chân tình và hiếu khách của người dân địa phương, thể hiện qua câu ca: Trái gì lơ lửng không trung Quanh năm xa cách biển Đông đất trời Nước đâu chứa mãi không vơi Uống vào mát rượi lòng người quê hương Ở miền quê Bến Tre, ngày tết cũng như những ngày có giỗ và tiệc tùng, trong nhà của họ không thể thiếu được buồng dừa mới hái nằm dưới bếp, ngoài hiên. Người ta sử dụng nước dừa tươi để kho thịt, tiềm gà, vịt, giò heo và làm món quay, phá lấu… Nhờ nước dừa mà các món này có phần nước kho, hầm rất ngọt, ngon lạ lùng. Ca dao đã phản ánh điều đó: Gốc rạ tháng mấy đồng khô Để anh chăn vịt nhớ cô bán dừa. Vịt xiêm hầm nước trái dừa Anh ăn liếm chén vẫn chưa đã thèm Các món ăn thường ngày cũng như dịp giỗ, tết của người dân miệt vườn Bến Tre hay sử dụng nước cốt dừa như cà ri, canh kiểm, bí hầm dừa, chuối hầm dừa, bắp hầm dừa, cua đồng kho sả nước cốt dừa, ốc len xào dừa, ốc bươu hầm dừa, mắm lóc chưng nước cốt dừa,... Riêng món mắm trê kho dừa của miệt Mỏ Cày từ lâu đã đi vào lòng người: Mỏ Cày hai chuyến đi về Nhớ ăn một bữa mắm trê kho dừa Món tép rang dừa ở đây từ lâu đã nổi tiếng: Bến Tre có món tép rang Dừa khô béo ngậy tìm nàng sánh duyên Thứ ba, qua ca dao, dân ca, chúng ta biết đến một số đặc sản nổi tiếng của Bến Tre. Sách Địa chí Bến Tre giới thiệu về bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc: “Nếu như bánh tráng Mỹ Lồng có đặc điểm là khéo léo, độ mỏng mềm, chất bột dẻo, khi cuốn không bị rách, còn bánh phồng Sơn Đốc khi nướng phồng to gấp nhiều lần, cho vào mồm thì tan nhanh, để lại một dư vị vừa thơm, vừa béo ngọt nơi đầu lưỡi. Ở đây đòi hỏi kĩ thuật thành thạo, có nhiều kinh nghiệm pha chế từ cách đồ xôi, giã xôi đến khâu nắm, cán phơi, ép…” [10, tr.502]. Hai loại bánh dân dã bánh tráng và bánh phồng của người dân Bến Tre dùng để ăn thường ngày, nhưng phổ biến nhất là dịp tết, lại nổi tiếng khắp cả miền Nam qua câu Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Nơi sản xuất nổi tiếng là ở địa danh Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bởi vậy, một câu hò ở xứ này nhắc đến: _Đối: “Hò ơi…Nghe anh đi đó đi đây Vậy em đố thử câu này…
  5. Bánh tráng, bánh phồng đất này đâu ngon?,,,hò ơi” _ Đáp: “Hò ơi…Nghe em đố tức Anh nói phứt cho rồi Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc Măng cụt Hàm Luông vỏ ngoài nâu trong trắng tựa bông gòn Anh đà đối đặng sao em còn so đo…Hò ơi….” Người dân Giồng Trôm, khi nhắc đến bánh tráng và bánh phồng, thường rất đỗi tự hào : Dẫu có đi đó, đi đây Bánh tránh, bánh phồng đất này thơm ngon Gần đó không xa còn có món mắm còng Châu Bình, là thứ mắm ngon và nổi tiếng của Bến Tre ngày trước, rất tiếc ngày nay không còn nữa vì : «Nay ngọt hóa Châu Bình, môi trường tự nhiên thay đổi nên sản phẩm mắm còng lột mùng 5 tháng 5 âm lịch chỉ còn đọng lại trong kí ức của nhiều bậc cao niên ». Ca dao đã lưu giữ món mắm còng Châu Bình cho thế hệ sau, đồng thời còn cho biết quá trình giao lưu ẩm thực trong vùng : « Thương em muốn tặng mắm còng Nhớ em muốn đến Mỹ Lồng thăm em » Mỏ Cày là nơi sản sinh ra kẹo dừa nổi tiếng xa gần, món quà của đất Bến Tre đến với bạn bè trong và ngoài nước. Lư Hội cho biết, kẹo dừa Mỏ Cày ra đời ra đời cách nay trên dưới 70 năm. Cũng như các nghề làm bánh khác, lúc đầu người làm kẹo dừa ở chợ Mỏ Cày chủ yếu là để ăn, sau đó là để biếu. Đến thập niên 50-60 của thế kỉ XX, kẹo dừa trở thành sản phẩm hàng hóa và đến những năm 90 của thế kỉ XX trở lại đây, kẹo Mỏ Cày từng bước phát triển thành kẹo dừa Bến Tre [3, tr.58]. Câu ca dao giới thiệu về kẹo dừa gắn liền với mảnh đất Mỏ Cày đã vang xa từ lâu: Bến Tre dừa ngọt sông dài Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan Ai có dịp về chợ Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú) chắc không thể không nghe câu rao: Khách xa mua bánh của em Mua ăn tại chỗ chứ không đem về Hay: Chợ trưa bán bánh lá dừa Khách mua hết thúng chẳng còn thừa một đôi Câu ca dao trên nhắc đến một thứ bánh dân dã của xứ dừa Bến Tre, đó là bánh dừa Giồng Luông. Bánh dừa Giồng Luông có tiếng trên dưới một trăm năm nay. Lúc đầu, nó dùng để biếu hoặc ăn, cho nên việc làm bánh chỉ mang tính chất nữ công gia chánh trong gia đình. Do đó, khi tổ chức làm bánh, người chủ gia đình chú trọng cả chất lượng cũng như hình thù của bánh, nên bánh không chỉ ngon mà còn đẹp. Bánh có thể để vài ba ngày, ăn vẫn còn ngon. Bánh dừa Giồng Luông còn được nhắc đến qua nhiều câu ca dao khá hay: -Sông Hàm Luông bắt nguồn sông Cửu
  6. Từ năm Đinh Sửu mãi đến năm Canh Dần Bánh lá dừa em buôn tảo, bán tần Ai là khách quí thì gái vịnh Bần tặng không -Đọt dừa non Phú Khánh Bánh gói lá bán chợ Giồng Luông Hạt nếp trong em lựa từng hạt thóc rặt Có cội nguồn từ Thạnh Phú ngày xưa -Bánh lá dừa non, Nếp ngon còn mướt Đôi ba năm trước có khách đến tầm Lỡ một mai bán hết, ông khách lạ muốn mua bánh để cầm còn đâu _Thứ tư, trong ca dao dân ca phần nào thể hiện được ẩm thực trong sinh hoạt văn hóa của người dân xứ dừa. Lê Giang và Lư Nhất Vũ, trong 300 điệu lý Nam bộ, giới thiệu một số bài lý có liên quan đến chủ đề này. Bài lý ăn giỗ có nội dung cho biết đám giỗ của nhà nghèo thường có bánh ít đãi khách: Anh đi ăn giỗ nhà nghèo Lận lưng bánh ít đem về cho con Còn gia đình khá giả thì đãi khách thịnh soạn hơn: Anh đi ăn giỗ nhà giàu Bánh trong bánh lọc bánh bò bánh qui Bài Lý giọng bóng có nội dung tương tự: Anh đi ăn giỗ anh vìa Bánh trong, bánh lọc, bánh bò, bông lan Bánh ít được gói và đem bán ở các chợ quê, là thứ bánh không thiếu được trong các ngày giỗ, tiệc tùng của bà con. Mỗi ngày, nó được rao bán trong xóm, ngoài chợ qua bài Lý bánh ít: Ai mua bánh ít bán cho Nhưn tôm nhưn thịt nhưn dừa ngọt ngon Xứ sở mà cá tôm lúc nào cũng sẵn trong ao, dưới mương, ngoài rạch, cho nên nếu có khách xa đến thăm, chia vui thì bắt cá nướng trui đãi khách, nhậu mê đã đời, kết tình thân với nhau. Đó còn là nét đẹp trong tính cách của con người Bến Tre. Bài Lý con cá ở Châu Thành, Bến Tre thể hiện nội dung này: Đập lưng con cá nướng trui Mừng tân gia, đãi tân bạn, đãi người phương xa Ở Bến Tre, hiện người Hoa còn một số ở thành phố Bến Tre, Bình Đại và Ba Tri,... Việc giao thoa văn hóa là điều tất yếu. Người Hoa làm nhiều nghề buôn bán, trong đó có nghề chế biến và buôn bán bánh (Bánh in, bánh cốm, bánh bao chỉ, bánh trung thu, bánh bông lan,...). Món bánh in hay được người dân địa phương cúng trong đám giỗ, ngày tết, cúng tiễn và đón ông Táo, cúng ở miễu, đình và các dịp rằm lớn ở các chùa. Người ta ăn bánh in với nước trà và tâm tình với nhau. Bài Lý chú chệt ngộ nghĩnh, vui tươi nhắc lại điều này:
  7. Nắm đuôi chú chệt mà vung Làm cho chú bỏ cái thùng bánh in 3. Giá trị của ca dao, dân ca về ẩm thực Bến Tre Ca dao, dân ca về ẩm thực Bến Tre mang giá trị nhận thức. Đó là quá trình tự nhận thức về tính độc đáo về sản vật, đặc sản, những món ăn, thức uống nổi tiếng chỉ riêng có ở vùng đất này, là tri thức về tự nhiên và văn hóa được tích lũy qua nhiều thế hệ. Điều này cho biết phần nào đặc điểm của con người Bến Tre. Trong họ, tình yêu quê hương lúc nào cũng dạt dào, tha thiết và niềm tự hào về mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng. Mặc khác còn là quá trình tự ý thức về tính trội trong ẩm thực cũng như văn hóa, thiên nhiên, con người của người dân Bến Tre với các địa phương lân cận. Ngô Đức Thịnh đã phân tích: “Trong dân gian, các cảm nhận về tính trội văn hóa thường gắn với một địa danh nhất định. Có thể là một làng (gắn với làng là một dòng họ nào đó), một địa phương, một vùng,... Đây chưa phải là ý niệm về vùng hay phân vùng văn hóa mà sau này các nhà tri thức ở nhiều mức độ khác nhau đã quan tâm tới... Đây chưa phải là tư duy phân vùng, mà chỉ mới là sự so sánh giữa ta với họ, giữa vùng này với vùng khác nảy sinh trong quá trình giao tiếp. Tuy nhiên, đây là vốn kinh nghiệm quí để chúng ta tham khảo khi xem xét vùng văn hóa” [6, tr.46-48]. Vì vậy, trong việc tìm hiểu đặc điểm văn hóa Bến Tre thì không thể bỏ qua nội dung này. Từ đó, ca dao dân ca về ẩm thực Bến Tre rất có ý nghĩa nếu được vận dụng vào việc quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch địa phương trong bối cảnh hôm nay. Một đặc trưng cơ bản của ca dao, dân ca là vừa khái quát nhưng cũng vừa gần gũi, dễ hiểu, nhẹ nhàng và đi nhanh vào lòng người. Ẩm thực là một nguồn tài nguyên của du lịch văn hóa, du lịch sinh thái,... Cho nên, việc quảng bá du lịch Bến Tre cần phải lồng ca dao, dân ca để cho du khách dễ nhớ và có ấn tượng, thích thú, nhất là những món ăn, đặc sản nổi tiếng mà ca dao, dân ca đã phản ánh. Ngoài ra, trong việc xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng chiều sâu hiện nay, việc vận dụng văn học dân gian, trong đó có ca dao, dân ca, là vấn đề cần thiết, quan trọng. Nó góp phần gia tăng chất lượng và giá trị phi vật thể, chiều sâu của sản phẩm du lịch, mà ẩm thực là loại sản phẩm du lịch không thể không có ở bất kì loại hình du lịch nào. Vì vậy, việc xây dựng và mở rộng sản phẩm du lịch của Bến Tre, nhất là sản phẩm ẩm thực như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, bánh dừa Giồng Luông, kẹo dừa Bến Tre, các món ăn từ dừa, trái cây, các loại bánh mứt khác,... cần nên gắn liền với ca dao, dân ca để du khách vừa tận hưởng hương vị vừa bổ sung thêm kiến thức, có nhiều ấn tượng và tình cảm qua từng món ăn, thức uống. Chúng tôi cho rằng đây là một lĩnh vực khá gần gũi của văn hóa dân gian ứng dụng. Theo Trần Hữu Sơn, văn hóa dân gian ứng dụng là một phân ngành của văn hóa dân gian, vận dụng các kiến thức và phương pháp nghiên cứu của văn hóa dân gian nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống đương đại. Với du lịch thì văn hóa dân gian ứng dụng hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Trong các chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch có đủ các loại hình của văn hóa dân gian đáp ứng nhu cầu ăn (ẩm thực, trình diễn cách ăn, ứng xử trong ăn uống) hoặc đáp ứng nhu cầu xem (xem nghệ thuật trình diễn trò chơi, sinh hoạt văn hóa,...), đáp ứng nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm, quà tặng (như sản phẩm ngành nghề thủ công, cách sản xuất thủ công). Mặt khác, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng vừa tập trung nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc tạo thành sản phẩm, thương hiệu của du lịch, nghiên cứu mối quan hệ tác động giữa yếu tố văn hóa dân gian với du lịch (vừa nghiên cứu những tác động tích cực lại vừa nghiên cứu những tác động tiêu cực) nhằm tư vấn xây dựng các định hướng phát triển bền vững [11, tr.5-8]. Tài liệu tham khảo 1. Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
  8. 2. Dương Hoàng Lộc (2013), Diện mạo văn học dân gian của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre, Tạp chí Văn hóa và Du lịch, số 10, tháng 3. 3. Lư Hội (2007), Dừa trong văn hóa ẩm thực Bến Tre, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 4. Lê Giang và Lư Nhất Vũ (2002), 300 điệu lý Nam bộ, Nxb Trẻ-Trung tâm văn hóa TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh. 5. Lư Nhất Vũ, Lê Giang (1981), Dân ca Bến Tre, Sở Văn hóa và thông tin Bến Tre. 6. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 7. Nhiều tác giả (2011), Bánh dừa Giồng Luông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 8. UBND tỉnh Bến Tre, Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh (2014), Cây dừa giá trị và tiềm năng, Kỉ yếu hội thảo khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên sưu tầm và biên soạn (1988), Văn học dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 10.Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11.Trần Hữu Sơn (2014), Văn hóa dân gian ứng dụng, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 2/2014. 12.Võ Văn Sen, Huỳnh Quốc Thắng, Ngô Thanh Loan (chủ biên) (2014), Làng nghề & phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. TÓM TẮT Bài viết tập trung giới thiệu và tìm hiểu các đặc điểm cơ bản của ca dao, dân ca về ẩm thực Bến Tre. Tác giả còn đề cập đến mối quan hệ giữa điều này với sự phát triển du lịch địa phương. Đó là hướng tiếp cận văn hóa dân gian ứng dụng trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời rất cần thiết cho việc xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Bến Tre hiện nay.
nguon tai.lieu . vn