Xem mẫu

  1. Củng cố lòng tin của nhân viên Trong môi trường doanh nghiệp, hiếm khi thấy các nhân viên nói thẳng, trực tiếp với cấp trên rằng họ không tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của sếp. Thông thường, nhà quản trị phải tự nhìn nhận ra mức độ tin tưởng của nhân viên đối với mình trong từng hoàn cảnh cụ thể, từng giai đoạn cụ thể. Khi các nhân viên không còn tin tưởng vào cấp trên thì tất nhiên, nỗ lực làm việc và hiệu suất công việc của họ bị sút giảm. Không phải nhà quản trị nào cũng nhận ra ngay sự suy giảm lòng tin đối với chính mình, có trường hợp họ chỉ biết được khi có nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu tinh ý, nhà quản trị có thể nhận ra một số biểu hiện đặc
  2. thù của các nhân viên dưới quyền khi họ bắt đầu giảm lòng tin vào cấp trên của mình, ví dụ: - Tiết giảm việc cung cấp thông tin cho sếp, đồng thời hạn chế giao tiếp với sếp. - Đòi hỏi sếp phải giải thích rõ về mục đích của các quyết định mới được ban hành hoặc những nội dung công việc cụ thể. - Tự bảo vệ quyền lợi của mình trong việc chi tiêu của nhóm người lao động có liên quan hay của cả doanh nghiệp. - Không thiết tha đóng góp xây dựng các giá trị của doanh nghiệp. - Tinh thần tham gia các hoạt động chung của doanh nghiệp xuống thấp, không muốn cam kết trách nhiệm cá nhân. Khi nhận ra các biểu hiện này, nhà quản trị cần có những giải pháp phù hợp nhằm củng cố niềm tin cho đội ngũ nhân viên, nếu không, lòng tin của tập thể người lao động với cấp trên sẽ ngày càng suy giảm và đến một thời điểm nào đó, nhà quản trị phải chịu thất bại nặng nề vì đã để mất niềm tin đối với cấp dưới. Dưới đây là một số điều tuy có thể bình thường, quen thuộc về nghệ thuật lãnh đạo nhưng vẫn đáng được các nhà quản trị hết sức lưu tâm. Giữ lời hứa. Lòng tin của các nhân viên bị suy giảm khi họ nhận ra rằng sếp không làm đúng những gì đã hứa. Nhà quản trị nhiều khi buộc phải cam kết, phải hứa, nhưng làm được hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan và các nhân viên cũng thông cảm khi sếp hứa nhưng không giữ được lời hứa vì không có đủ điều kiện để thực hiện. Riêng trong những tình huống sếp hoàn toàn có quyền chi phối mà lời hứa của sếp lại dễ dàng bị bỏ qua thì các nhân viên sẽ nhớ mãi và xem đó là cố tật của sếp. Chẳng hạn sếp hứa đối xử công bằng, không thiên vị ai trong số các nhân viên dưới quyền nhưng lại ngấm ngầm ưu ái cho đôi ba nhân viên thì chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh sếp lập tức xấu đi trong mắt của phần lớn nhân viên. Do vậy, chuyện thưởng phạt công minh rõ ràng, theo đúng nguyên tắc luôn là điều hết sức quan trọng mà sếp phải gương mẫu thực hiện.
  3. Truyền đạt thông tin rõ ràng. Nhà quản trị phải có năng lực truyền đạt đầy đủ thông tin đến tất cả nhân viên dưới quyền để tạo sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động của mọi người. Những kiểu nói vòng vo, ám chỉ luôn kém hiệu quả hơn so với cách nói thẳng vào vấn đề. Tất nhiên, không phải lúc nào nhà quản trị cũng có thể chia sẻ thông tin cho người dưới quyền được, nhưng khi có thông tin quan trọng, liên quan đến nhiều người thì các nhân viên luôn kỳ vọng sẽ được sếp đích thân thông báo một cách kịp thời. Sau khi truyền đạt thông tin rõ ràng, nhà quản trị còn phải biết lắng nghe ý kiến phản hồi của các nhân viên và chắt lọc được những ý kiến có giá trị để lưu tâm trong công việc điều hành hằng ngày. Luôn tiến về trước. Nhân viên luôn muốn học hỏi cách làm việc của cấp trên. Do vậy, mọi hướng dẫn công việc cho cấp dưới của sếp phải chuẩn xác, đồng thời sếp cũng phải thể hiện được ý thức tự học hỏi để tiến lên, lấy đó làm gương cho các nhân viên dưới quyền. Các nhân viên luôn tỏ ra cảm phục cấp trên có chí tiến thủ cao và cảm thấy yên tâm khi được lãnh đạo bởi một người luôn không hài lòng với chính bản thân, luôn cố gắng vươn tới kết quả tốt đẹp hơn. Ứng xử nhất quán. Không ai muốn thấy những phản ứng bất thường của nhà quản trị. Cách ứng xử không nhất quán, ngẫu hứng của sếp thường bị cấp dưới ngao ngán, thậm chí thỉnh thoảng lấy ra làm trò đùa. Họ rất chú ý đến những ứng xử của sếp trong trường hợp công việc không gặp thuận lợi và nếu sếp tỏ ra tự tin, kiên trì vượt khó thì họ cũng sẵn sàng chia sẻ áp lực mà sếp đang phải gánh chịu. Biết giữ các nguyên tắc. Khi quan sát sếp ứng xử, nhân viên muốn thấy các nguyên tắc đã thống nhất luôn được sếp tôn trọng. Đó cũng là một thách thức với nhà quản trị. Giữ vững được các nguyên tắc đã được ấn định trong nội bộ doanh nghiệp là một trong những biện pháp củng cố niềm tin cho tập thể người lao động, đồng thời còn góp phần xây dựng nên giá trị của doanh nghiệp.
  4. Luôn có ý thức bảo vệ cấp dưới. Nhân viên thường tin rằng cấp trên sẽ bảo vệ mình khi làm việc đúng theo quy định chung, hợp nguyên tắc. Vì vậy, trong trường hợp nhân viên gặp phải tình huống không may, họ nghĩ sếp sẽ hiểu, thông cảm và bênh vực mình. Khi đó, nhà quản trị phải dũng cảm đứng ra chịu trách nhiệm thay cho nhân viên, đồng thời nhanh chóng tìm cách khắc phục sự cố. Sau khi tình huống được giải quyết, các nhân viên sẽ càng tin tưởng vào sếp của mình. Chính phong cách sống và những giá trị mà nhà quản trị luôn theo đuổi là thứ mà các nhân viên lấy làm cơ sở để đặt niềm tin vào cấp trên. Do vậy, nhà quản trị không chỉ cần mài sắc các kỹ năng quản trị doanh nghiệp, mà còn phải thường xuyên xem lại cách suy nghĩ và hành xử của bản thân để xây dựng hình ảnh đẹp toàn diện trong mắt nhân viên.
nguon tai.lieu . vn