Xem mẫu

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN ĐẾN VÀ LAO ĐỘNG NGÀNH DU LỊCH Ở NƯỚC TA TRONG BỐI CẢNH TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI HIỆN NAY ThS. Nguyễn Tấn Danh Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TÓM TẮT Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, các nước ASEAN đã ký kết 8 thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau cho phép lao động được dịch chuyển trong khu vực; ở lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP). Đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với nhân lực ngành du lịch nước ta. Bài viết này nhằm nhận diện một số tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến lao động trong lĩnh vực du lịch ở nước ta hiện nay; từ đó đề xuất một số giải pháp để lao động trong lĩnh vực du lịch ở nước ta thích ứng tốt và đáp ứng yêu cầu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN để hội nhập thị trường lao động trong khu vực và trên thế giới. Từ khóa: du lịch, lao động trong lĩnh vực du lịch, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. ABSTRACT At the end of 2015, the ASEAN Economic Community was established, ASEAN countries signed 8 mutual recognition agreements to allow workers to be moved in the region; In the field of tourism is the Mutual Recognition Arrangement on Tourism Professionals (MRA-TP). This is one of the big challenges for human resources in the tourism industry in our country. This article aims to identify some of the impacts of the ASEAN Economic Community on labor in the tourism sector in our country today; thereby proposing a number of solutions for labor in the tourism sector in our country to adapt well and meet the requirements of the ASEAN Economic Community to integrate the labor market in the region and the world. Keywords: tourism, labor in tourism, ASEAN Economic Community. 1. Đặt vấn đề Năm 2017 là năm đánh dấu mốc quan trọng cho chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được thế giới công nhận như một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất. Điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi Cộng đồng ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015. Xây dựng và thành lập Cộng đồng ASEAN là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của ASEAN. Đối với Việt Nam, AEC đang mang lại cơ hội và cả những thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực du lịch nói chung và đối với lao động trong lĩnh vực này nói riêng. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các mặt của đời sống sản xuất, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác đều chịu ảnh hưởng của quá trình quốc tế hóa. Việc nhận diện, phân tích và đánh giá những tác động của AEC đến ngành du lịch Việt Nam và đến lao động trong lĩnh vực này hiện nay càng trở nên cấp thiết đối với việc hội nhập AEC, đáp ứng được yêu cầu hội nhập thị trường lao động về du lịch trong khu vực ASEAN. 2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2.1.1. Quá trình hình thành 60
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng - Tại Tầm nhìn ASEAN 2020, được thông qua 12/1997, Các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng ASEAN sẽ hình thành một Cộng đồng, trong đó sẽ tạo ra một Khu vực Kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hoá, dịch vụ và đầu tư được lưu chuyển thông thoáng, vốn được lưu chuyển thông thoáng hơn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói và phân hoá kinh tế - xã hội giảm bớt. - Ý tưởng đó được khẳng định lại tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 (Bali, Indonesia, tháng 10/2003), thể hiện trong Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Bali II). Theo đó, ASEAN nhất trí hướng đến mục tiêu hình thành một cộng đồng ASEAN liên kết, tự cường vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN – ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) và hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN – ASCC). Quyết định xây dựng AEC vào năm 2020 trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II) ghi rõ: tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế-xã hội. - Để đẩy nhanh các nỗ lực thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Cebu, Philippin, tháng 1/2007 đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng Kinh tế, từ 2020 xuống 2015. Hội nghị cũng thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong dịp này. 2.1.2. Các nội dung chính của Cộng đồng kinh tế ASEAN Bản chất của AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực mà không phải là một thoả thuận hay hiệp định với các ràng buộc. Mục tiêu của AEC là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối. AEC đề ra 04 mục tiêu hoạt động và thiết lập hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Tuyên bố,… giữa các nước ASEAN có liên quan để hoàn thành các mục tiêu: - Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. - Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử. - Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. - Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO). Thứ nhất, một thị trường đơn nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất bao gồm: dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển lao động có tay nghề (di chuyển thể nhân)…, song song với việc củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như phát triển các kỹ năng thích hợp. Các biện pháp thực hiện AEC đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và 61
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN,… - Tự do hoá thương mại hàng hoá: cho đến nay, ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0-5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu và vào 2015 với 4 nước thành viên mới, hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Để hỗ trợ tự do hoá thương mại, ASEAN đang nỗ lực đưa vào hoạt động Cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN (ASEAN Single Window-ASW) và các quy định về áp dụng chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá có nguồn gốc từ ASEAN để đủ điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế quan, trong đó ASEAN đang nghiên cứu tiến tới việc cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, cùng với việc hài hoà hoá các quy định về hợp chuẩn hàng hoá v.v. - Về tự do hoá dịch vụ: ASEAN đã hoàn tất Gói 9 cam kết dịch vụ theo Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) trong năm 2013, tạo thuận lợi cho việc luân chuyển dịch vụ trong khu vực. Tới nay, các cam kết về tự do hoá dịch vụ trong ASEAN đã bao trùm nhiều lĩnh vực như dịch vụ kinh doanh, dịch vụ chuyên nghiệp, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, vận tải biển, viễn thông và du lịch. Có 4 gói cam kết về dịch vụ tài chính và 6 gói cam kết về vận tải hàng không đã được ký kết. Các thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước thành viên ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp... là một công cụ quan trọng giúp tự do hoá lưu chuyển các dịch vụ chuyên nghiệp trong ASEAN. Tới nay, các nước ASEAN đã ký các thoả thuận công nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn, kỹ năng các ngành dịch vụ cơ khí, y tá, kiến trúc, kế toán và du lịch. - Về tự do hoá đầu tư: trong khuôn khổ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), ASEAN hướng tới hình thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn ở khu vực, với cơ chế đầu tư thông thoáng và mở, bao gồm tự do hoá đầu tư trên các lĩnh vực chính như sản xuất - chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ phụ trợ cho các ngành này. Danh mục các lĩnh vực mở cửa cho đầu tư còn được tiếp tục bổ sung trong thời gian tới. Các nỗ lực tự do hoá đầu tư của ASEAN không chỉ giúp tạo dựng và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với khu vực ASEAN, mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư nội khối cũng như đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực. Thứ hai, nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, năng lượng, phát triển thương mại điện tử, … Thứ ba, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế Đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ các nước thành viên mới, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ tư, để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các thoả thuận liên kết kinh tế ở khu vực Đông Á, với 6 Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do (FTAs) đã được ký với các Đối tác quan trọng là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, … và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) hướng đến hình thành một không gian kinh tế mở toàn Đông Á vào năm 2015, với GDP chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường chiếm ½ dân số thế giới. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp thống kê mô tả, so sánh kết hợp phân tích đánh giá dựa trên nguồn số liệu thứ cấp thu thập được từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Thống kê Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam; Sách, báo, tạp chí chuyên ngành liên quan,… 62
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 3. Kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp 3.1. Sự phát triển của ngành du lịch ở nước ta hiện nay Năm 2018 được xem là năm thành công của du lịch Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm ngoái và 80 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 12,5 triệu lượt người, tăng 14,4%; đến bằng đường bộ đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 59,6%; đến bằng đường biển đạt 215.300 lượt người, giảm 16,8%. Khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn đứng đầu với 4,96 triệu lượt khách, tăng 23,9% so với năm 2017. Xếp thứ hai là khách Hàn Quốc với 3,48 triệu lượt khách, tăng 44,3% so với năm 2017. Cũng theo Tổng Cục Du lịch, trong năm 2018, việc đầu tư vào hệ thống cơ sở tăng mạnh. Hiện nay, cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng phòng, tăng hơn 2.400 có sở lưu trú so với năm 2017. Trong số này, có 145 khách sạn 5 sao, với 267 khách sạn 4 sao được công nhận. Số lượng buồng phòng khách sạn 4 - 5 sao tăng nhanh thể hiện một phần việc khách quốc tế cao cấp, phân khúc thị trường có mức chi trả cao tăng. Đồng thời thể hiện khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng tăng nhanh. Năm 2019, du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng. Ngành du lịch quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 3.2. Tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến ngành du lịch ở nước ta hiện nay Qua quá trình hợp tác lâu dài cũng như những kết quả và lợi ích mang lại, có thể khẳng định rằng ASEAN cũng như AEC có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Du lịch Việt Nam. Với dân số hơn 500 triệu dân, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau về tất cả các khía cạnh trong phát triển du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, theo đó lợi ích đối với mỗi nước phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của từng nước. Mặc dù vậy, lợi ích của nước này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác mà ngược lại tạo cơ hội cho các nước khác. Mặt khác, quá trình hợp tác để hình thành AEC đã góp phần nâng cao sự hiện diện và uy tín của du lịch Việt Nam trong khu vực. Đồng thời, du lịch Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển du lịch và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nước có ngành Du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore… AEC đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra. Hội nhập AEC mang lại những tác động tích cực đối với du lịch Việt Nam đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực du lịch, trong đó việc phát huy những tác động tích cực của quá trình hội nhập sẽ quyết định hiệu quả của quá trình hội nhập du lịch trong AEC. Một số tác động được khái quát như sau: 3.2.1. Thuận lợi - Do hợp tác phát triển sản phẩm du lịch ASEAN sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt hiện nay 63
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng - Tranh đủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước và ngược lại - Việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa các nước nội khối trong AEC sẽ giúp gia tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, việc làm và kết hợp du lịch, tức gia tăng dòng khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch- kinh doanh, du lịch- hội họp ngay trong nội khối AEC mà Việt Nam là một thành viên. 3.2.2. Khó khăn - Hiện sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN không cao, sản phẩm dịch vụ du lịch của Việt Nam chưa tạo được điểm nhấn trong khu vực và thiếu sức hấp dẫn đặc biệt do còn đơn điệu và trùng lặp với các sản phẩm trong khu vực. - Việc thiếu nguồn lực và cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng chung tới hiệu quả của việc tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực, khó theo kịp các đối thủ cạnh tranh trong khu vực - Tổ chức bộ máy và lực lượng thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều bất cập. Thương hiệu du lịch Việt Nam còn đang trong quá trình hình thành, chưa tận dụng được hiệu quả của các cơ hội để xây dựng thương hiệu. - Về chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của hội nhập AEC. Lao động du lịch Việt Nam còn kém cạnh tranh so với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực. Chất lượng du lịch toàn ngành chưa cao, việc triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN còn nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoài hợp tác trong các khôn khổ hợp tác nêu trên, hợp tác trên các diễn đàn khác như APEC, ASEM và nhiều diễn đàn song phương và đa phương khác tạo ra nhiều cơ hội phát triển du lịch. 3.3. Tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến lao động trong lĩnh vực du lịch ở nước ta hiện nay Thành lập AEC là một dấu mốc quan trọng phản ánh sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển, liên kết chặt chẽ để đến năm 2025 củng cố cả ba trụ cột là: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Điều cần nhấn mạnh là, ngoài 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết trong AEC (Hàng nông sản, Ô-tô, Điện tử, Nghề cá, Các sản phẩm từ cao su, Dệt may, Các sản phẩm từ gỗ, Vận tải hàng không, Thương mại điện tử, Chăm sóc sức khỏe, Du lịch, và Logistics), các nước ASEAN đã ký Hiệp định công nhận lẫn nhau và tự do hóa dịch chuyển lao động với 08 nghề gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Đối với nhóm nghề về du lịch, ngày 09/8/2016, tại thủ đô Jakarta - Indonesia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã chính thức công bố Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (Mutual Recognition Arrangement on Tourism Professionals MRA-TP). Thỏa thuận này sẽ tạo ra một cơ chế thống nhất để lao động ngành du lịch ở mỗi nước thành viên có thể được công nhận và làm việc tại bất kỳ nước nào khác trong nội khối ASEAN, từng bước hình thành một thị trường lao động du lịch thống nhất, cạnh tranh và có chất lượng. Đặc biệt, có 6 nghề thu hút nhiều lao động nhất trong số gần 40 nghề của ngành Du lịch sẽ được dịch chuyển tự do là: lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành. Theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ngành du lịch, chứng chỉ lao động du lịch của một quốc gia phải được thừa nhận thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN. Khi có được chứng chỉ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch đáp ứng được các tiêu chuẩn nghề du lịch của ASEAN, lao động Việt Nam được công nhận có đủ tiêu chuẩn dịch chuyển tự do trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự công nhận về văn bằng, để có thể được nhận vào làm việc ở các công ty du lịch nước ngoài, lao động du lịch Việt Nam vẫn cần thêm nhiều kỹ năng khác. Thực tế trong những năm qua, số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hoặc làm cho các tập đoàn du lịch quốc tế tại Việt Nam ngày càng tăng. Theo ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Dịch 64
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vụ Lữ hành Saigontourist, những năm gần đây chúng ta đã đào tạo được đội ngũ lễ tân khách sạn phục vụ cho các tàu du lịch quốc tế năm sao từ 1.000-2.000 khách. Trên các con tàu này có nhiều nhân viên cao cấp là người Việt Nam. Bên cạnh đó, số nhân viên là người Việt Nam làm ở các bộ phận lễ tân, quản trị khách sạn ở các khách sạn 5 sao do các tập đoàn quốc tế quản lý ngày càng nhiều. Những nhân viên này nhận được mức lương cao gấp 2-3 lần so với làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trong nước. Rõ ràng, Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong du lịch mang lại rất nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Nếu đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, lao động Việt Nam có nhiều cơ hội vươn ra môi trường lao động quốc tế với mức lương và vị trí việc làm xứng đáng. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) cần khoảng 620.000 lao động; giai đoạn 2016 - 2020 cần 870.000 lao động. Ngành du lịch Việt Nam hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính… Cơ hội là thế nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch thất nghiệp hoặc làm trái nghề ngày càng tăng, trong khi các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vẫn trong tình trạng “khát” nhân lực làm được việc. Trong thị trường lao động quốc tế, để có đủ năng lực cạnh tranh bên cạnh kỹ năng chuyên môn, người lao động cần thêm nhiều kỹ năng khác đặc thù của ngành du lịch. Lao động du lịch ở các nước ASEAN như Philippines, Malaysia… rất dồi dào và có lợi thế về tiếng Anh so với lao động Việt Nam. Họ đang sẵn sàng chờ đến ngày để “tràn” qua nước khác làm việc, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để không bị thua ngay trên “sân nhà” lao động ngành du lịch phải nỗ lực trang bị kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. 3.4. Thực trạng lao động trong lĩnh vực du lịch ở nước ta hiện nay Khi hội nhập quốc tế sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lao động trong ngành du lịch ở nước ta hiện nay. Nếu đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, lao động Việt Nam có nhiều cơ hội vươn ra môi trường lao động quốc tế với mức lương và vị trí việc làm xứng đáng. Cơ hội là thế nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng lao động ngành du lịch ở nước ta vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch. Hiện tại, cả nước mới có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Dự báo thời gian tới tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành kinh tế xanh cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động lĩnh vực du lịch tàu biển. Hiện nay, hàng loạt khách sạn 4, 5 sao liên tục được các doanh nghiệp lớn đầu tư đưa vào hoạt động như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist… Tình trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu lao động có chất lượng. Sau khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại. Một vài ý kiến nhận xét của những người quản lý tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch sẽ cho thấy rõ thực trạng chất lượng nhân lực ngành này hiện nay. Theo ông Nguyễn Hải Linh, chủ đầu tư Tàu nhà hàng Elisa (Top 5 nhà hàng đạt chuẩn hàng đầu tại Tp.HCM) chia sẻ:“Thực tế doanh nghiệp trong ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực, trong khi đó hầu hết sinh viên ra trường kỹ năng làm việc còn rất yếu. Các em nắm lý thuyết rất giỏi, nhưng lại chưa có hiểu biết về thực tiễn. Thực trạng này dẫn đến tình trạng nhiều nhà hàng, khách sạn 65
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng do không tuyển được nhân viên đã chấp nhận sử dụng lao động chưa qua đào tạo, nhưng lại có kinh nghiệm và đã thạo việc”. Còn theo bà Thanh Nga, chủ đầu tư chuỗi Khách sạn Cathay tại Tp.HCM cho biết: “Sở dĩ còn nhiều khách sạn có tình trạng đối phó về nhân viên khi có đoàn kiểm tra đến, là do việc tuyển dụng nhân viên có bằng cấp quá khó. Chẳng hạn, chuỗi Khách sạn Cathay khai trương chi nhánh ở quận 9 mới hơn một năm đã tuyển đến 15 lần vẫn không có đủ nhân viên. Nhiều nhân viên có bằng cấp được tuyển vào, nhưng trong quá trình làm việc lại chưa có thái độ phục vụ khách hàng lịch sự,... Không chỉ vậy, hiện chuỗi khách sạn của Cathay có đến 40% là du khách quốc tế, do đó đòi hỏi nhân viên phải giỏi ngoại ngữ. Để đáp ứng yêu cầu công việc, thay vì tuyển nhân viên có bằng cấp, khách sạn đành tuyển những nhân viên không có bằng cấp nhưng lại làm được việc”.1 Ông Mai Hoàng Việt, Quản lý Đào tạo Khách sạn Renaissance Riverside Saigon chia sẻ với các bạn sinh viên: “Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chính thức và nhân viên thực tập của Khách sạn rất lớn và thường xuyên, nhưng đa số các bạn đều không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết. Bên cạnh Tiếng Anh là chìa khóa cho sự thành công của các bạn thì ngoại ngữ thứ hai sẽ là vũ khí để các bạn chiến thắng những ứng viên khác và đem đến sự thành công cao hơn cho các bạn. Ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm, như vậy, khả năng trúng tuyển của các bạn sẽ càng cao hơn”. Bà Phan Thị Hồng Dung, Phó trưởng Ban đào tạo của Tập đoàn Vingroup chia sẻ rằng: “Hiện nay tập đoàn Vingroup đang có gần 8.000 nhân sự trong khối khách sạn và du lịch, bao gồm các nhân viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp du lịch trên cả nước. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế doanh nghiệp thì đội ngũ nhân lực này chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.2 Không chỉ ở lĩnh vực lưu trú, việc thiếu hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên chất lượng cao cũng đang khiến các DN lữ hành đau đầu. Hiện cả nước có hơn 13.500 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ cho gần 13 triệu lượt khách quốc tế và hơn 7 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài; hơn 8.200 hướng dẫn viên nội địa phục vụ hơn 73 triệu lượt khách. Trong khi ước tính, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa. Qua những ý kiến trên cho thấy đội ngũ nhân lực ngành NH-KS có kiến thức chuyên môn nhưng chỉ trên lý thuyết, chưa tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, làm việc thiếu chuyên nghiệp, tính kỷ luật lao động kém, thái độ phục vụ chưa chu đáo, kỹ năng giao tiếp chưa tốt, nhất là khi giao tiếp với khách nước ngoài. Điều này được lý giải là vì trong quá trình học, sinh viên không có nhiều điều kiện tham gia thực hành hay các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thực tế thích hợp. Một số lao động tốt nghiệp đại học NH-KS lại có tâm lý không chịu làm nhân viên mà muốn làm ở những vị trí quản lý. Đặc biệt, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc của lao động NH-KS còn rất hạn chế. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM năm 2017 cho thấy có 70% - 80% nhân viên lễ tân NH-KS không đạt chuẩn ngoại ngữ. Thực tế, có thể thấy kỹ năng ngoại ngữ kém là rào cản lớn nhất để lao động gia nhập những ngành nghề có yếu tố quốc tế không chỉ đối với nhóm ngành du lịch. Trong các khách sạn 4, 5 sao đạt chuẩn quốc tế hiện nay thì lao động Việt Nam chỉ đảm nhận các vị trí như cấp nhân viên, còn các vị trí giám sát, quản lý đã thuộc về lao động nước ngoài mà chủ yếu là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia,… Không chỉ ở lĩnh vực lưu trú, việc thiếu hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên chất lượng cao cũng đang khiến các doanh nghiệp lữ hành đau đầu. Hiện cả nước có hơn 13.500 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ cho hơn 15 triệu lượt khách quốc tế; hơn 8.200 hướng dẫn viên nội địa phục vụ hơn 80 triệu lượt khách. Trong khi ước tính, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 hướng dẫn viên quốc tế 1 Lam Phương, “Tp. Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch”, Báo tin tức online, ngày 29/4/2017. Nguồn:https://baotintuc.vn/du-lich/tp-ho-chi-minh-nang-cao-chat-luong-nhan-luc-nganh-du-lich-bai-1- 20170429133048922.htm 2 Lan Hương, “Nhân lực - Chìa khóa phát triển du lịch bền vững”. Nguồn: http://www.vista.net.vn/tin-dao-tao-du- lich/nhan-luc-chia-khoa-phat-trien-du-lich-ben-vung.html 66
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và 50.000 hướng dẫn viên nội địa. Thế nên, vào mùa cao điểm du lịch hè, tour du lịch trong nước bán chạy do đó các doanh nghiệp phải tuyển thêm hướng dẫn viên tự do. Qua phân tích đánh giá về thực trạng năng lực lao động của nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay, có thể thấy nhân lực ngành du lịch còn một số hạn chế sau: Thứ nhất, khả năng ngoại ngữ còn yếu. Thực tế, có thể thấy kỹ năng ngoại ngữ kém là rào cản để người lao động gia nhập những ngành nghề có yếu tố quốc tế không chỉ đối với nhóm ngành du lịch. Không ít sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch nhưng khả năng ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu. Lý do là trong quá trình đào tạo, sinh viên không có nhiều cơ hội học ngoại ngữ, ngoại trừ một số ít trường đào tạo ngoại ngữ tốt, còn lại đa số sinh viên phải tự trang bị cho bản thân kỹ năng này. Thứ hai, kỹ năng giao tiếp chưa đạt yêu cầu. Nhiều sinh viên ngành du lịch tác phong chưa nhanh nhẹn, tính chuyên nghiệp còn hạn chế và kỹ năng giao tiếp chưa tốt, nhất là khi giao tiếp với khách nước ngoài. Điều này được lý giải là vì trong quá trình học, sinh viên cũng không có nhiều điều kiện tham gia thực hành hay các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thực tế thích hợp. Thứ ba, kỹ năng nghiệp vụ chưa chuyên nghiệp. Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên phần lớn là do việc đào tạo trong ngành chưa đủ thực tế, chưa bám theo nhu cầu chính yếu của thị trường. Đào tạo thường tập trung vào lý thuyết chưa chú trọng về thực hành. Do đó sinh viên tốt nghiệp ra trường thua kém các nước trong khu vực về nhiều kỹ năng. Tóm lại, nhân lực ngành du lịch nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thiếu các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Vì vậy vấn đề làm thế nào để nâng cao năng lực lao động của đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế là điều rất đáng quan tâm. 3.5. Giải pháp để lao động trong lĩnh vực du lịch ở nước ta thích ứng tốt với tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN Lực lượng lao động là một trong những yếu tố quan trọng đóng vai trò quyết định sự phát triển của ngành du lịch ở nước ta và được đặt lên mối quan tâm hàng đầu. Để có đủ khả năng cạnh tranh và tham gia vào thị trường lao động khu vực ASEAN trong bối cảnh thực hiện AEC thì việc nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch ở nước ta hiện nay càng trở nên cấp thiết. Để có thể đương đầu với thách thức khi nước ta thực sự bước vào thực hiện AEC, đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch phải chuẩn bị cho mình kiến thức về công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng mềm thành thạo và kinh nghiệm làm việc thực tế để mở ra cánh cửa bước vào “sân chơi” rộng lớn của ASEAN hiện nay. Một số giải pháp cần thực hiện là: Thứ nhất, có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Trung tâm của sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật hiện nay là công nghệ thông tin và internet kết nối vạn vật, không chỉ giúp con người giao tiếp với nhau, mà còn là con người giao tiếp với máy móc, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Do đó, các quốc gia muốn tiến vào thị trường lao động của khu vực ASEAN đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra. Vì thế, ngay từ bây giờ, đội ngũ nhân lực ngành du lịch phải chủ động tích lũy kiến thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để có thể vận hành, điều khiển những máy móc hiện đại và robot trong công việc tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Thứ hai, nâng cao khả năng ngoại ngữ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi văn hóa của các miền đất trên thế giới và tiếp thu tri thức nhân loại. Giữa xu thế “đa quốc gia hóa” của các doanh nghiệp du lịch, biết ít nhất một ngoại ngữ sẽ giúp người lao động nổi bật, dễ dàng 67
  9. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhận được công việc phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn, việc tìm kiếm các thông tin tuyển dụng sẽ mở rộng nhiều vị trí hấp dẫn. Thứ ba, trau dồi các kỹ năng mềm thành thạo để hòa nhập với môi trường làm việc. Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn. Nhưng, kỹ năng mềm lại quyết định bản thân người lao động là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của con người còn kỹ năng cứng (hay kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là người lao động phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo. Kỹ năng mềm bao gồm: giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng trình bày (thể hiện và vận dụng trí tuệ, công nghệ, bản lĩnh), quản lý thời gian,… Đặc biệt, là kỹ năng quản lý thời gian để giúp người lao động không sa đà vào mạng xã hội, giải trí mà làm việc thiếu hiệu quả, giảm năng suất. Trong quá tình học tập, người học hãy tham gia các chương trình ngoại khóa sôi nổi, các câu lạc bộ, các lớp học,... là nơi có thể rèn luyện kỹ năng mềm. Thứ tư, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế đáp ứng yêu cầu công việc. Doanh nghiệp thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm, chính vì vậy nhiều người lao động mới tốt nghiệp thường không đáp ứng được. Trái lại, nhiều lao động mới ra trường nhưng đã có bản lý lịch đẹp với kinh nghiệm khá “dày”, họ nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp khi còn học ở các cơ sở đào tạo. Theo đó, các kỳ thực tập thực tế ở các cơ sở đào tạo là một lợi thế rất lớn giúp người lao động vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao cũng như không bị ngỡ ngàng khi bắt tay vào việc. Bởi kỳ thực tập là thời điểm tốt nhất để người học có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Về cơ bản, quá trình thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong công ty. Ngoài ra, nếu muốn có thêm kinh nghiệm làm việc ngay trong khóa học, một công việc làm thêm phù hợp với ngành học hoặc sở thích sẽ giúp người học học hỏi nhiều điều bởi trong quá trình làm việc không tránh được những “va chạm”, người học sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để xử lý những tình huống đó. 4. Kết luận Việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo, người lao động và thậm chí cả khách du lịch nội khối cũng như khách du lịch quốc tế đến khu vực. Khi Việt Nam gia nhập AEC, du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề đặt ra là lao động trong lĩnh vực du lịch ở nước ta phải tận dụng được các cơ hội đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển với chất lượng cao và tránh được nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] ASEAN 2008, Asean Economic Community Blueprint, Jarkarta, Indonesia, ASEAN. [2] ASEAN 2011, Cộng đồng kinh tế ASEAN - Sổ tay kinh doanh, Jarkarta, ASEAN. [3] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, 2016, Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2016. [4] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, 2013, Tóm tắt chính Phân tích nhu cầu nhân lực & đào tạo của ngành Du lịch Việt Nam. [5] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2012, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. [6] Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2017, Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. [7] Hoàng Thị Điệp, 2014, Hướng tới thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, Tạp chí Du lịch số tháng 1- 68
  10. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 2/2014, tr. 32-41. [8] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, 2012, Hướng dẫn Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA-TP) về nghề Du lịch. [9] Lan Hương, “Nhân lực - Chìa khóa phát triển du lịch bền vững”. Nguồn: http://www.vista.net.vn/tin- dao-tao-du-lich/nhan-luc-chia-khoa-phat-trien-du-lich-ben-vung.html [10] Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM, 2017, Dự báo nhu cầu nhân lực các ngành trọng điểm giai đoạn 2017 - 2020 đến 2025. [11] Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Bản tin du lịch và phát triển, Số 14 - Quý IV/2017. 69
nguon tai.lieu . vn