Xem mẫu

Cái tôi - Tiềm năng của sự sáng tạo trong nghệ thuật Nhiều năm qua, từ khi nhiếp ảnh ra đời, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có một bước tiến dài. Nhưng rồi tiếp sau đó, nhất là sau chiến tranh là đến thời kỳ mà nhiếp ảnh của ta gần như bế tắc, hầu hết các bức ảnh có mô- típ sáo mòn, lặp lại một cách vô thức. Kể từ khi Việt Nam hội nhập với thế giới, nhiếp ảnh đương đại Việt Nam đã có những đổi thay. Tuy nhiên sự đổi thay đó còn chưa nhiều, chưa tương xứng với đà phát triển mạnh mẽ của đất nước, của cuộc sống mới. Theo tôi vấn đề lý luận phê bình có một phần trách nhiệm. Chúng ta chưa có những nhà nghiên cứu, cũng như những cơ sở lý luận phê bình nhiếp ảnh đúng tầm vóc và đi trước một bước. Một thời gian dài nhiếp ảnh của chúng ta lấy tiêu chí là cái đẹp. Cái đẹp được đánh giá cao nhất, còn cá tính, phong cách riêng hay những tố chất thuộc về cá nhân thì không được coi trọng. Vì vậy mà nhiều bức ảnh sản sinh ra na ná giống nhau theo một khuôn mẫu. Có một nhà phê bình người Mỹ khi xem một phòng ảnh triển lãm về chân dung các bà mẹ Việt Nam, khi được hỏi đã nhận định rằng: Ảnh của các bạn đẹp về mặt hình thức, nhưng xem xong tôi có cảm giác rằng các bạn có một bà mẹ chung chia đều cho tất cả các bà mẹ. Ngược lại ở đất nước chúng tôi có rất nhiều bà mẹ khác nhau làm lên chân dung một bà mẹ. Điều này một phần nói lên rằng nhiếp ảnh của chúng ta không có cái tôi, cái riêng biệt. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh của chúng ta làm theo, gắn chặt với những gì được thừa nhận hơn là tìm cách diễn tả và khám phá. Các nhà nhiếp ảnh của chúng ta say sưa đi tìm hình mẫu, lo lắng sắp xếp, tạo hình trong những bố cục được các nhà thẩm định ưa chuộng. Họ là ai, đa số là những người cầm máy có kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức chính thống và tri thức trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Khi xem ảnh người ta nhận ngay ra một điều là nhiều bức ảnh chụp thật mà xem ra như không thật. Một sự cảm nhận về sự sắp xếp luôn tồn tại trong ảnh, mà hình ảnh được dàn dựng theo tiêu chí của cuộc thi đặt ra. Một trào lưu như vậy tạo ra hàng loạt những bức ảnh vô hồn và trùng lặp, thiếu cá tính. Cũng vì thế mà nhiều cuộc thi ảnh người ta nghiên cứu ban giám khảo hơn là nghiên cứu đề tài và chủ đề thể hiện. Những cuộc săn lùng giải thưởng cũng diễn ra từ lí do này. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ (tôi nói nhà nhiếp ảnh trẻ chứ không phải người chụp ảnh ít tuổi) đã xa rời và không lệ thuộc vào những giải thưởng để giữ phong cách và cái tôi trong nhiếp ảnh của giải mình. Họ xa rời những giải thưởng thiếu tính chuyên nghiệp, đi tìm cái riêng biệt của mình trong cách thể hiện. Ở đây ai cũng hiểu rằng nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc. Một cú bấm máy là cố định một giây lát thoáng qua, nắm bắt cái quá khứ để biến nó trở thành vĩnh cửu. Hơn thế nữa nhiếp ảnh còn là nghệ thuật của cái nhìn, mỗi khoảnh khắc trong cái nhìn thành một riêng tư, chứa đựng cái chủ quan hay cái tôi của tác giả. Trong triết học “cái tôi” được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là cái tôi bao hàm trong đó những đặc tính dễ phân biệt với những cá nhân khác, không phải là mình. Cái tôi là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội, được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Phép biện chứng duy vật cho rằng cái riêng, cái chung đều tồn tại khách quan và có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình. Còn cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Cái riêng phong phú hơn cái chung vì ngoài những đặc điểm tồn tại trong cái chung, cái riêng còn có những đặc điểm riêng biệt mà chỉ riêng nó có. Cái chung sâu sắc hơn cái riêng vì nó phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ ổn định, tất nhiên, lặp lại ở nhiều cái riêng cùng loại. Do vậy, cái chung là cái gắn liền với cái bản chất, quy định phương hướng tồn tại và phát triển của cái riêng. Cái riêng và cái chung có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. Sự chuyển hóa cái riêng thành cái chung là biểu hiện của tiến trình phát triển đi lên. Ngược lại là biểu hiện của quá trình đi xuống, của cái lỗi thời. Mặt khác cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, nên bất kỳ cái chung nào khi áp dụng vào trường hợp riêng cũng cần được chú ý đến các đặc điểm cụ thể, nếu không sẽ rơi vào rập khuôn, sáo mòn mà không có sáng tạo. Dựa vào phép biện chứng này cũng đủ hiểu được vì sao hiện nay ảnh của chúng ta ít sáng tạo và đều được sản xuất theo một khuôn mẫu không mới. Ai cũng biết rằng nhiếp ảnh liên quan tới khoa học nên nó đòi hỏi tính tỉ mỉ và nghiêm túc, mặt khác nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật nên nó phụ thuộc rất nhiều vào tư duy sáng tạo của người cầm máy. Vì vậy nó mang trong mình cái tôi cá tính. Lĩnh hội điều này, những nhà nhiếp ảnh đương đại không hoàn toàn sống trong sự ràng buộc cứng nhắc của chủ nghĩa hiện thực, bởi sự đòi hỏi sáng tạo trong nghệ thuật. Cái nhìn của nhà nhiếp ảnh dù vẫn dựa trên hiện thực của cuộc sống nhưng lại thông qua cái vẻ ngoài khác nhau của sự việc đầy ấn tượng. Việc thể hiện chính xác các chi tiết bây giờ không phải là những tiêu chí duy nhất, mà nó hướng theo sở thích, óc tưởng tượng của người cầm máy. Và cũng chính vì thế mà các chủ đề được thể hiện trong nhiếp ảnh phong phú hơn và giầu chất trí tuệ hơn. Bằng sự sáng tạo và tâm hồn nhạy cảm, người ta đã tìm ra “sức hấp dẫn lạ kỳ của những búp non trên thân cây già cỗi để nói lên tính bi kịch của cây cổ thụ và tính trữ tình của búp non xanh”. Con đường đi lên của nhiếp ảnh là con đường đi lên không ngừng tìm kiếm. Mặc dù môn nghệ thuật nào cũng có lề luật của nó, nhưng đơn giản vì nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật luôn luôn phát triển và những gì mà chúng ta nghĩ rằng nó là tiêu chuẩn của ngày hôm nay thì ngày mai nó đã trở thành lạc hậu, trở thành quá khứ. Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như những môn nghệ thuật khác phải tự giải thoát mình khỏi các quy ước, các luật lệ, những qui ước đã bắt đầu bó buộc và giới hạn nhiếp ảnh, và sử dụng cho mình sự tự do thể hiện mà bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng phải có để tồn tại! Có thể lấy quan niệm về nhiếp ảnh của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng H.C.Brét-xong vừa có tính chất tổng kết lại vừa có tính chất gợi mở: Nhiếp ảnh là một hình thức thể hiện của ý thức và trí tuệ nhằm diễn đạt Thế giới khách quan thành những khái niệm nhìn thấy được. Bởi vậy họ là những người khám phá, phát hiện chứ không phải là những người sao chép hiện thực, những nhà sản xuất ảnh. Trong nhiếp ảnh bố cục là một vấn đề quan trọng. Trong giới nhiếp ảnh người ta quan tâm nhiều tới bố cục, đến những đường nét chủ đạo, điểm vàng, tam giác mạnh, điểm nhấn cả sức căng…Vâng đúng. Nhưng với bố cục chúng ta chỉ nhìn thấy được hình thức của nghệ thuật. Mà điều quan trọng của nghệ thuật lại là nội dung bên trong của hình thức. Mà nội dung bên trong lại phụ thuộc vào cái nhìn, tức là phụ thuộc vào kiến thức và tình cảm của người cầm máy. Điều đó cũng có nghĩa là phụ thuộc nhiều vào cá nhân tác giả. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn