Xem mẫu

  1. TRANH IN VIỆT NAM Trong bối cảnh chung của lịch sử phát triển mỹ thuật Việt Nam, nghệ thuật tranh in có một con đường riêng của nó - luôn gắn chặt với việc giải quyết vấn đề tính dân tộc và tính chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Qua quá trình tiếp biến tranh in quốc tế, các họa sỹ Việt Nam đã nắm bắt được những kỹ thuật chế bản và in ấn mới như in đá (trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp), khắc kim loại (vào thập kỷ 1970, qua các chuyên gia nước ngoài và các họa sỹ từng du học ở các nước XHCN). Nhưng thật đáng tiếc là sự phát triển các kỹ thuật mới cũng như cập nhật các xu hướng mới trong tranh in nước ta cho đến cuối thế kỷ XX vẫn chỉ mang tính thử nghiệm lẻ tẻ, đứt đoạn. Bên cạnh đó tranh khắc gỗ với truyền thống dân gian dân tộc lâu đời cũng chưa vươn lên được mức chuyên nghiệp thực sự theo tầm của nghệ thuật tranh khắc thế giới. Trong lĩnh vực này, các hoạ sỹ tranh khắc gỗ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan đã nhanh nhạy hơn chúng ta để ghi dấu ấn của mình vào lịch sử tranh in của nhân loại giai đoạn từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay. Họ đã bám sát được ngay những bước đi của tranh in quốc tế trong xu hướng nghệ thuật, công nghệ in và quy ước trình bày bản in. Hội nhập quốc tế sâu, rộng, đa phương, đa ngành và mang tính chủ động của Việt Nam lần này được tính từ khi nước ta gia nhập Hiệp hội các nước Đông-Nam á
  2. (ASEAN) năm 1995. Từ thời điểm đó mỹ thuật Việt Nam đã thực sự cởi mở hơn, các họa sỹ giao lưu nhiều hơn, rộng hơn với đồng nghiệp quốc tế ở ngay trong nước cũng như ở ngoài nước. Nghệ thuật tranh in được biết thêm các kỹ thuật như in độc bản, in lõm cảm quang từ hai đường tiếp cận: Hội mỹ thuật (qua các trại sáng tác với nghệ sỹ Mỹ) và các Trường ĐH Mỹ thuật (qua trao đổi với các họa sỹ đồ họa đến từ Mỹ, Thụy Điển, Thái Lan, Na Uy...). Cũng từ khi này đã xuất hiện một số họa sỹ chuyên sâu trong sáng tác tranh in hay trong một kỹ thuật nhất định, chỉ tiếc rằng số đó quá ít. Các giải thưởng lớn trong nước, trong Hội Mỹ thuật cho tranh in bằng kỹ thuật mới như in kẽm, in độc bản cũng đã được trao. Những kết quả tốt đẹp mà chúng ta có được từ quá trình tiếp biến nghệ thuật tranh in với các nước khác cũng là đáng kể. Nhưng mặt khác chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn một sự thật rằng: tranh in Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trong nền tranh in thế giới, thậm chí trong các thị trường “bình dân”. Tại rất nhiều triển lãm quốc tế Biennial, Triennal về tranh in không có khái niệm tranh in Việt Nam. Trong khi đó hội họa hay các môn nghệ thuật đa phương tiện đã phần nào hoà chung được vào dòng chảy của nghệ thuật thế giới đương thời. Liệu lý do có phải nằm ở hai từ “thiếu chuyên nghiệp” và “lạc hậu”? Chúng ta đều biết, trong thời đại hội nhập quốc tế, không có “đất” cho sự/tính không chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp là tiêu chuẩn để hội nhập quốc tế, nó áp dụng cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của quốc gia muốn tham gia vào tiến trình
  3. (đôi khi không thể cưỡng lại) đó, từ kinh tế, ngoại giao, giáo dục, văn hoá nghệ thuật... Chúng ta cũng đều hiểu lịch sử phát triển của nghệ thuật tranh in chuyên nghiệp luôn gắn chặt với sự phát triển của công nghệ chế bản và in ấn. Công nghệ đó lại luôn đồng hành cùng các bước tiến của khoa học. Song ở đây tôi không thể nói rằng thế giới có công nghệ gì áp dụng trong sáng tác tranh in thì ta phải có cái ấy. Vấn đề tôi muốn đề cập là tính chuyên nghiệp trong thực hành sáng tác tranh in bằng những kỹ thuật đã có ở Việt Nam nhiều chục năm qua, những kỹ thuật đã là truyền thống, cổ điển của bộ môn nghệ thuật này trên thế giới, và những cách nhìn nhận, đánh giá nó. Khi nội dung đề cập, phản ánh trong tranh in thuộc về mỗi cộng đồng quốc gia hay từng cá nhân với những vấn đề riêng thì nghệ thuật, công nghệ chế bản và in luôn thuộc về những giá trị, chuẩn mực phổ biến mang tính quy ước chung của thế giới. Đã từ lâu, ở cả Phương Tây lẫn Phương Đông, tranh in luôn là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, của quy trình chế bản, in ấn hết sức khoa học, chuyên nghiệp. Một “sợi” mưa rất mảnh hay nền trời chuyển sắc độ êm ả từ lam sang vàng trong tranh khắc gỗ Nhật là thành quả của lao động sáng tạo chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Những nét khắc thuần khiết trong tranh của Durer, Rembrant, Goya, Kolwittz hay đầy tính biểu hiện của Munch và các họa sỹ biểu hiện Đức... cho tới nhiều tác phẩm tranh in đương đại trên thế giới hôm nay là sự hoà quyện của những rung cảm con tim cùng bộ óc khoa học và bàn tay khổ luyện.
  4. ở những tác phẩm đó, mỗi nét đều chứa đựng hơi thở cuộc sống, sự tinh thông kỹ thuật, ý thức tôn trọng nghệ thuật và người thưởng thức. ở đó không thể thấy sự đại khái, chắp vá, không bao giờ có chỗ cho những vệt bút thô vụng “mông má” hình khối. Mỗi bản in là một trang sách tinh khôi không tỳ vết, ở đó người xem có thể đọc thấy những ý tưởng, cảm nhận các cung bậc cảm xúc và khám phá những số phận. Ngoài ra, quy ước trình bày bản in cũng đã được áp dụng trên toàn thế giới từ rất lâu và trở thành điều tất yếu, là một trong những dấu hiệu của tính chuyên nghiệp. Mỗi bản in từ bản khắc đều phải được đánh số thứ tự trong tổng số bản in của từng lượt in và số lượt in (phát hành). Nhờ đó chúng ta mới có thể biết được bản khắc gỗ sồi cho tối đa bao nhiêu bản in, bản in gỗ anh đào cho bao nhiêu, bản khắc kẽm nguội cho bao nhiêu, khắc kẽm nóng cho bao nhiêu v.v... Trong số những bản đã in thì những bản nào thuộc loại tốt nhất. Bởi thời gian và sức nén trong quá trình in nên những bản in sau có thể kém chất lượng hơn. Từ đó giới sưu tầm và sử mỹ thuật mới có cơ sở đánh giá giá trị từng bản in cụ thể và tính chân thực của nó. Tất cả những điều nói trên là khoa học lưu trữ, lưu hành tác phẩm tranh in cả thế giới áp dụng. Nó rất cần thiết với tranh in - một loại hình nghệ thuật không phải lúc nào cũng được treo trên tường như hội họa (mà thông thường tồn tại dưới hình thức tập tranh lưu giữ trong bảo tàng, thư viện hay sưu tập tư nhân). Trước khi quyết định sở hữu một tác phẩm tranh in, ngoài giá trị nghệ thuật, hiện trạng vật lý, người sưu tập chuyên nghiệp không thể bỏ qua việc xem xét những
  5. yếu tố mang tính nguyên tắc ấy trên bản in. Từ đây ta có thể thấy vì sao đa phần những bản tranh in của Việt Nam (thường đi kèm vết bẩn ở cả trong và ngoài diện tích in, những vết nhăn, gẫy của giấy, thiếu phần đánh số bản in, tên kỹ thuật in, người sáng tác và năm in) rất khó lọt vào mắt những nhà sưu tầm, nghiên cứu hay giám tuyển tranh in thế giới. Chắc ai cũng biết, muốn hội nhập quốc tế thì phải theo chuẩn mực hay thông lệ quốc tế. Nếu chúng ta vẫn cho qua, vẫn dễ dãi với tính không chuyên nghiệp trong nghệ thuật tranh in, không có giải pháp hoàn thiện mình thì việc hội nhập sẽ trở nên viển vông. Nếu ở các triển lãm trong nước hội đồng chấm giải vẫn trao giải hay đề xuất trao giải ở cấp cao hơn cho những tranh in cẩu thả về hình thức, hời hợt, chung chung, sáo mòn về nội dung thì không thể hy vọng một sự sánh vai với các nền nghệ thuật bên ngoài biên giới. Về mặt này các nhà nghiên cứu nghệ thuật, các nhà quản lý và cả bản thân các nghệ sỹ tranh in cũng cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc hoàn thiện, phát triển nhận thức chung về tranh in chuyên nghiệp. Cần tạo ra một văn hoá tranh in thực sự chuyên nghiệp. Nhiều năm qua tranh in Việt Nam chủ yếu vẫn quẩn quanh với các đề tài chung chung, xa vời với những gì đang diễn ra xung quanh đời sống của một xã hội đang chuyển mình cùng bao xung đột, bao vấn đề không nhỏ trong quan hệ đa diện giữa con người với nhau và với thiên nhiên. Chúng ta đã quên đi một trong những vai trò đặc thù của tranh in từ khi nó ra đời - phương tiện đấu tranh xã hội, tư tưởng. Hời hợt, chung chung, sáo mòn làm cho nghệ thuật tranh in nước ta vừa xa truyền
  6. thống, vừa đi sau. Một mảng khá đặc trưng nữa của nghệ thuật đồ họa là tranh in mini. Trong khi trên thế giới hằng năm vẫn diễn ra nhiều triển lãm tranh in mini với nhiều chủ đề, chuyên đề khác nhau thì ở Việt Nam nó đã bị lãng quên từ triển lãm tranh mini cuối cùng vào năm 1985. Dường như ở đây người ta chỉ coi trọng những tác phẩm có kích thước lớn. Hầu hết các tác phẩm tranh in của Rembrandt, Jacque Carllote, F. Goya đều có kích thước nhỏ dưới 25 cm nhưng chúng đã phản ánh rất sâu sắc mọi cung bậc tình cảm của họa sỹ trước đối tượng - và đem lại vinh quang to lớn cho họ. Tranh in mini vẫn hấp dẫn và được tôn trọng trên thế giới bởi nó là hình chiếu trung thực nhất của tính chuyên nghiệp cao trong khắc - in và những tư tưởng không hề nhỏ của nghệ sỹ. Phần khác, việc thiếu cập nhật những phương thức diễn đạt mới lại càng làm cho tranh in Việt Nam lạc hậu hơn. Trong xu thế tôn trọng môi trường thiên nhiên và sức khoẻ cộng đồng rất thịnh hành gần đây, nhiều họa sỹ tranh in đương đại đã và đang khám phá những chất liệu chế bản và in ấn mới, không gây hại cho môi trường và con người. ở Mỹ và Châu Âu đã hình thành các nhóm nghệ sỹ tranh in nghiên cứu, tìm tòi những chất liệu chế bản in kim loại và mực in không có hóa chất độc hại (non-toxic). “Non-toxic print” đã trở thành thuật ngữ mới và thịnh hành trong giới nghệ sỹ tranh in. Từ cuối thập niên 1980 - đầu 1990 Keith Howard đã bắt đầu thử nghiệm chế bản in kim loại bằng các màng chắn ăn mòn có gốc nước (waterbase resistance) an toàn và tiện lợi hơn. “Non-toxic print” bao gồm các
  7. kỹ thuật chế bản bằng công nghệ cảm quang, công nghệ số, đặc biệt là kỹ thuật Acrylic Resist Etching (Dùng acrylic làm màng chắn chế bản in kim loại) của Howard. Trên nhiều vùng của trái đất nhiều nhà sáng tác tranh in đã thử nghiệm thành công việc in tranh bằng “mực in” có nguồn gốc từ thiên nhiên, đặc biệt từ thực vật. Năm 2006 họa sỹ Thái Lan Yanawit Kunchaethong đã được nhận Huân chương Hoàng gia Thái về sáng tạo tranh in dùng mực in chiết xuất từ hoa lá quê ông. “Organic Print” (tranh in bằng mực in từ thảo mộc) của ông đã được đón nhận nồng nhiệt ở Nhật, ý, Singapore..., còn bản thân ông được mời giới thiệu về kỹ thuật này ở rất nhiều nước. Một công nhân đóng gạch ở úc đang cố gắng bảo vệ môi trường bằng việc sản xuất gạch không dùng đất. Vậy một nghệ sỹ luôn có nhận thức tích cực hơn người cũng nên làm gì đó để góp phần giảm thiểu quá trình huỷ hoại môi trường sống đang diễn ra. Bên cạnh xu thế tìm chất liệu in mới nói trên, nghệ thuật tranh in đang mở ra một hướng đi mới tự do hơn. Tranh in treo trong khung kính đã không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thể hiện ý tưởng đa diện của các nghệ sỹ đương đại. Tranh in có thể đặt trong hộp, xếp trong hòm kính hay dàn trải trực tiếp trên mặt đất, trên tường, chiếm lĩnh không gian theo hình thức nghệ thuật sắp đặt hai chiều hay ba chiều. Chúng ta tiến hành hội nhập quốc tế chậm hơn nên đi sau là điều không khó hiểu. Nhưng mặt khác chúng ta cũng cần nhạy bén hơn, cởi mở hơn, cập nhật hơn để chấp nhận và nhân nên sự đa dạng, phong phú, hoàn thiện hơn tính chuyên nghiệp
  8. cho nghệ thuật tranh in đã lỡ bước so với khu vực và thế giới. Chậm còn hơn không. Hy vọng chỉ chết sau cùng. Thật may, trong thực tế có một số nghệ sỹ tranh in Việt Nam là hội viên và chưa là hội viên Hội Mỹ thuật đang bắt nhịp dòng chảy chung của tranh in quốc tế. Song đáng tiếc là số đó quá ít và họ chưa thực sự được nhìn nhận một cách chân xác từ phía các cơ quan đại diện cho nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn. Dù sao đó là những hy vọng cần duy trì và vun đắp, nhân rộng để gianh giới giữa bên trong và bên ngoài không còn nữa đối với tranh in Việt Nam.
nguon tai.lieu . vn