Xem mẫu

Các nghệ sĩ lạc thời và những kỳ tích từ ảnh đen trắng Di chứng da cam. Ảnh: Phạm Thị Thu (trong bộ ảnh đoạt Huy chương Vàng FIAP 2010). Chỉ trong vòng ba năm qua, nghệ thuật ảnh đen trắng của Việt Nam đã bước lên ngôi vị hàng đầu thế giới. Những thành tựu đạt được đã xóa đi mặc cảm tủi phận của ảnh đen trắng bấy lâu bị lãng quên trước cơn lốc thị trường. Giờ đây, những nghệ sĩ trẻ, đặc biệt ở TP HCM đã tạo nên phong trào khám phá cảm xúc từ ảnh đen trắng. Trước sự tấn công ồ ạt của kỹ thuật máy ảnh số và công nghệ photoshop, gần chục năm qua, nhiếp ảnh đen - trắng ngỡ không thể "ngóc đầu" lên được. Hàng chục vạn người chơi máy ảnh nghiệp dư coi ảnh đen trắng là câu chuyện cổ. Còn các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, không mấy người mặn mà với hai màu bình dân này bởi lẽ họ không muốn... đùa với chuyện cơm áo gạo tiền. Họ đành xếp ảnh đen trắng vào loại tồn kho. Tuy vậy, vẫn có người xếp loại "ảnh nhà nghèo" này vào hàng nghệ thuật thứ thiệt. Họ miệt mài sáng tạo, kiên trì khám phá mảnh đất tưởng như đã "cằn cỗi" ấy... 1. Không ai có thể quên cố nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, người đã chụp ảnh đen trắng xuyên hai thế kỷ, với hàng trăm ngàn tác phẩm khắc ghi những hình ảnh phản ánh nhiều sự kiện lớn của đất nước qua từng thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, ông có bộ ảnh đen trắng độc nhất vô nhị, mang tên "Nhân chứng", tố cáo tội ác của phát xít Nhật trong việc gây ra nạn đói năm 1945 trên đất nước ta. Với những tác phẩm nghệ thuật thì bức ảnh "Sapa bồng bềnh trong mây trắng" của ông đẹp như tranh thủy mặc, là kết quả sau 40 lần ông lên Sapa nằm "mật phục" để chọn khoảnh khắc bấm máy tuyệt vời nhất. Cùng thời với ông còn có nghệ sĩ Phạm Văn Mùi ở Nam Định, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bộ ảnh đen trắng về mái tóc như: "Suối tóc", "Duyên dáng", "Theo chiều gió", "Đôi dòng thác", "Tâm tư". Phạm Văn Mùi còn là người Việt Nam đầu tiên được Bảo tàng Mỹ thuật Brazil chọn tác phẩm "Duyên dáng" treo vĩnh viễn từ năm 1963. Bên cạnh lứa "bách niên" này còn có các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng với hàng trăm tác phẩm đen trắng gắn bó với lịch sử cách mạng như: Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Nguyễn Bá Khoản, Lâm Hồng Long, Triệu Đại. Theo anh vào đời. Ảnh: Thu An (trong bộ ảnh đoạt Huy chương Vàng FIAP 2010). Đặc biệt, cố nghệ sĩ Lâm Hồng Long ở TP HCM, nổi tiếng với hai tác phẩm: "Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn" và "Ngày hội ngộ". Bức ảnh "Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn" được ông chụp vào tháng 9-1960, trong cuộc liên hoan chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh vị lãnh tụ đứng chỉ huy dàn nhạc vẫn gây ấn tượng mạnh. Tác phẩm "Ngày hội ngộ" ông chụp khi các tử tù từ Côn Đảo trở về với quê hương ngày 6-5-1975. Ông đã chớp lấy góc độ và thời khắc gây xúc động mạnh mẽ. Hình ảnh người mẹ là bà Trần Thị Bình mừng vui và cảm động ôm người con trai là Lê Văn Thức, quê ở Tam Phước, Châu Thành, Bến Tre. Bức ảnh đã đem lại vinh dự cho tác giả khi ông được FIAP trao bằng danh dự và kết nạp vào hội của Liên đoàn năm 1991. Đồng thời cũng nhờ bức ảnh này mà anh Lê Văn Thức đã được xác nhận những quyền lợi của một chiến sĩ có công trạng với Tổ quốc sau nhiều năm thất lạc giấy tờ. 2. Nếu kể hết những giải thưởng của các nghệ sĩ Việt Nam trong các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế thì nhiều "tuyển thủ" các bộ môn nghệ thuật khác sẽ thấy "choáng". Bởi lẽ con số mà các nhà nhiếp ảnh đoạt giải quốc tế dài gấp cỡ trăm lần thành tích của các ngành điện ảnh, hội họa, sân khấu. Tuy nhiên, những con số giải thưởng này thường tập trung vào một số tay máy chuyên nghiệp và cả đời theo đuổi nghệ thuật ảnh đen trắng, như Duy Anh, Hoài Linh, Huỳnh Lâm, Long Thành, Vũ Quang Huy, Lê Hồng Linh… Nếu nghệ sĩ, nhà báo Vũ Quang Huy có tới hàng chục giải thưởng ảnh thời sự và nghệ thuật trong nước và quốc tế, với các tác phẩm như: "Bác Hồ hỏi chuyện mẹ Suốt", "Hoa Xuân Tứ -cháu ngoan Bác Hồ", "Mẹ Kim Đồng"… thì Huỳnh Lâm, phóng viên Báo ảnh Đất Mũi lại có tới gần 200 tác phẩm đoạt giải, trong đó không ít là những bức ảnh đen trắng, sánh ngang với "Vua giải thưởng nhiếp ảnh" Duy Anh. Gần đây, người đạt kỷ lục tuyệt đối về ảnh đen trắng lại là nghệ sĩ Lê Hồng Linh, hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa 7. Tính đến nay, Lê Hồng Linh đã đoạt khoảng 350 giải thưởng, trong đó có hàng trăm giải quốc tế về ảnh đen trắng. Nếu từ năm 2001, Lê Hồng Linh mới chỉ được FIAP xếp thứ 12 trong thể loại ảnh đen trắng, thì đến năm 2006, với hàng chục tác phẩm được giải và trưng bày trong các triển lãm quốc tế, anh đã đoạt giải Nhất do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) trao, và trở thành nghệ sĩ ưu tú của FIAP. Thời gian này, anh nổi tiếng là tay "sát giải" quốc tế, với kỷ lục có 21 tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn trong các bảo tàng, thư viện ảnh của nhiều nước. Với sự phấn đấu không ngừng, năm 2008, Lê Hồng Linh lại được PSA bầu là tay máy số 1 về ảnh đen trắng và thứ 2 về ảnh màu, với 52 lượt tác phẩm ảnh được trao giải và triển lãm trong năm, so với hàng trăm tác giả của 40 nước tham dự. Chưa hết, mới đây, vào giữa tháng 5/2010, anh tiếp tục được PSA xếp thứ nhất thể loại ảnh đen trắng của năm 2009, với 67 lượt tác phẩm được chọn triển lãm và đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế. Phải nói sức lao động của Lê Hồng Linh dành cho nghệ thuật ảnh đen trắng quả là "phi thường". Tuy nhiên, hiện tượng độc tôn này cũng chẳng khó lý giải chút nào, bởi lẽ bảng xếp hạng hằng năm của PSA cũng không hẳn phân biệt nhiếp ảnh gia nào đoạt nhiều giải, mà tùy thuộc vào tác giả đó có bao nhiêu tác phẩm lọt vào triển lãm của các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế trong năm. Nên có người nói, ai chuẩn bị công sức nhiều, bỏ ra phí dự thi nhiều thì càng có cơ hội được xếp hạng. Chính vì lẽ này mà nghệ sĩ Lê Hồng Linh cũng là một hiện tượng "nghịch lý" tại các cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam, bởi trong nhiều năm, tác phẩm của anh không được bình chọn vào các giải do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức? ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn