Xem mẫu

  1. BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC LỄ HỘI VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA DÂN TỘC KHMER THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRÀ VINH Nguyễn Ngọc Diệp(*) SPECIFIC CULTURAL FESTIVAL CONSERVATION AND PROMOTION OF KHMER ETHNIC GROUP THROUGH TOURISM ACTIVITIES IN TRA VINH CITY Abstract Tra Vinh is one of the provinces in the Mekong Delta where Khmer ethnic group live .Like other ethnic groups, the Khmer culture was formed long ago. It is the crystallization and legacy of many different cultures, especially the traditional festivals. Indeed, the festivals of Khmer ethnic group contain many special and attractive cultural elements that can develop tourism. However, the development of the festivals associated with tourism activities in Tra Vinh has not been paying much attention. Moreover, economic efficiency from tourism activities is not high and tourism quality is low and still limited. This article discusses the preservation and promotion of specific cultural festivals of Khmer ethnic group through tourism activities in Tra Vinh city. * Việc bảo tồn và phát huy các lễ hội đặc trưng của dân tộc Khmer thông qua hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh là việc làm rất cần thiết và cũng là điều kiện thuận lợi để giúp chúng tôi phân tích, đánh giá hiện trạng và đưa ra định hướng cũng như những giải pháp giúp phát triển lễ hội thông qua hoạt động du lịch đúng với tiềm năng hiện có. 1. Khái quát các lễ hội đặc trưng của dân tộc Khmer Có thể nói, lễ hội của người dân tộc Khmer vô cùng phong phú, đa dạng, đa màu sắc. Trong năm, có rất nhiều lễ hội diễn ra với tính chất, qui mô khác nhau không chỉ dành cho người dân tộc Khmer mà còn thu hút sự quan tâm của những đồng bào dân tộc khác. Sau đây là giới thiệu khái quát một số lễ hội đặc trưng của người dân tộc Khmer: 1.1. Chôl Chnăm Thmây Chôl Chnăm Thmây là lễ mừng năm mới, mang ý nghĩa giống như tết cổ truyền của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Theo thông lệ hàng năm, đồng bào Khmer sẽ chuẩn bị chu đáo từ việc ăn, mặc, ở để đón tết, làm bánh, chuẩn bị thức ăn cho việc đãi khách, dâng cơm cho các vị sư trong chùa, trang hoàng nhà cửa, sắp xếp bàn thờ, những người ở xa đều trở về sum họp gia đình và đến chùa tiến hành các nghi thức tôn giáo cổ truyền. Đêm giao thừa (Năm cũ – Chnămchas): giờ vào năm mới của người Khmer không nhất định phải là giữa đêm, mà được căn cứ vào quyển Đại lịch (Mahasoongkran) luôn thay đổi hàng năm. Mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp mang theo nhang đèn, lễ vật đến chùa làm lễ tiễn đưa vị Thevađà năm cũ và đón vị Thevađà năm mới. Bởi vì họ tin rằng Thevađà là vị Tiên được Trời cử xuống để chăm lo cho dân chúng trong một năm. Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động khác nhau: - Ngày thứ nhất: con cháu tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ hoặc những người có ân đức với mình và đến chùa tổ chức đón năm mới. Công việc đầu tiên (*) Trường Đại học Trà Vinh.
  2. là bà con tổ chức rước Mahasoongkran (Đại lịch Khmer) tại chùa, cuốn Đại lịch được đặt trên chiếc khay đội trên đầu, mọi người sắp xếp lại thành đoàn và đi ba vòng quanh chính điện. Lễ rước Soongkran bắt nguồn từ một huyền thoại Phật giáo về vị Thần Bốn Mặt Ka Bul Mô Ha Prum – vị thần uy thế nhất trên thượng giới. - Ngày thứ hai (Vonabot): bà con làm lễ dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi, gọi là Wên chong hăn.Theo tục lệ, vào ngày Sóc, Vong hay ngày lễ, tín đồ đi chùa lạy Phật để tỏ lòng kính Phật, trọng tăng bằng cách dâng cơm và thức ăn cho các vị sư sãi, trước khi độ cơm, các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến linh hồn của ông bà quá cố. Cũng trong ngày này, bà con tổ chức lễ đắp núi cát (Pun phnom khsach) xung quanh ngôi chánh điện theo tám hướng tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa tức ngọn Sômêru là trung tâm của trái đất thể hiện mơ ước của đồng bào dân tộc Khmer cầu cho năm mới trở nên giàu có, của cải vật chất luôn cao như núi. Vào buổi chiều, bà con làm lễ quy y cho các mô hình núi và sáng hôm sau tổ chức lễ xuất thế. Tất cả các nghi lễ này đều được lưu truyền và giữ gìn, theo Phật giáo gọi là Anisoong pun phnom khsach (Phúc duyên đắp núi cát). - Ngày thứ ba (Lơngsak): sau khi dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư, người ta đem nước ướp hương thơm cùng với nhang đèn đến nơi thờ Phật để làm lễ tắm Phật. Ở từng gia đình cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cháu dâng tặng. Mục đích là để tẩy rửa mọi ô uế bụi trần của năm cũ và chúc phúc, chúc thọ cho các vị cao niên, kế đến các vị sư sãi sẽ được thỉnh đến những tháp là nơi lưu giữ hài cốt của những người quá cố để tụng kinh cho linh hồn họ được siêu thoát. Trong những ngày tết, không khí ở các phum sóc, chùa chiền náo nhiệt suốt cả ngày đêm. Với niềm tin tưởng năm mới sẽ mang đến sự may mắn, hạnh phúc hơn năm cũ, lễ Chôl Chnăm Thmây được diễn ra vào giai đoạn kết thúc mùa nắng, bước vào thời kỳ có nước mưa dồi dào chuẩn bị cho vụ mùa mới, nên nông dân được lúc rảnh rỗi công việc đồng áng nên có thể thoải mái vui chơi giải trí sau những ngày làm lụng vất vả. Ý nghĩa của ngày lễ không chỉ thể hiện về chu kỳ chuyển động của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian, mà còn giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc, về ý thức hướng thiện, lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời. 1.2. Lễ Sen Dolta Lễ Sen Đolta (còn gọi là lễ cúng ông bà), gần giống như lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt, được xem là lễ hội lớn thứ hai trong năm của người Khmer, diễn ra trong ba ngày, từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 01 tháng 9 Âm lịch, nhằm mục đích tụng kinh cầu siêu, cầu phước cho linh hồn thân nhân quá vãng. Đây là bổn phận thiêng liêng của người còn sống, không phải chỉ tạo phúc cho riêng mình, mà phải biết suy nghĩ và chia sẻ với những người thân đã quá cố. Theo phong tục tập quán của dân tộc, người Khmer không có ngày giỗ kỵ hàng năm cho người chết, họ quan niệm là không có sự liên hệ giữa người sống và người chết, nên lễ Sen Dolta nhằm mục đích cầu phước cho vong linh người đã khuất trở thành ngày giỗ chung cho toàn dân tộc Khmer. Sen Dolta diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động khác nhau: - Ngày thứ nhất (29/8): gọi là ngày cúng tiếp đón. Mọi gia đình đều dọn dẹp bàn thờ Phật và tổ tiên, trải chiếu, mùng, mền, gối mới lên giường và sắp đặt một bộ quần áo mới cùng trà rượu, bánh trái. Họ dọn một mâm cơm ngon, xới bốn chén cơm, đốt đèn cầy, nhang rồi mời họ hàng, bà con lối xóm cùng đến cúng bái. Họ khấn vái ba lần, mời linh hồn quyến thuộc quá vãng về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Kế đó, họ gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén, cùng trà với rượu, rồi đem ra sân đặt vào cạnh hàng rào, cắm một cây nhang, mời các ma quỷ
  3. đã đưa ông bà về nhà ở lại vui chơi trong ba ngày lễ. Đến chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà rồi mời vào chùa để nghe sư sãi tụng kinh lấy phước, sau đó xem múa hát vui chơi. - Ngày thứ hai (30/8): linh hồn ông bà tiếp tục được cầu phước. Đến chiều, linh hồn ông bà được thỉnh về nhà. Người dân lại làm cơm mời ông bà dùng, xin họ ở lại chơi với con cháu thêm một đêm nữa. - Ngày thứ ba (1/9): là ngày cúng đưa, tức là cúng cơm đưa tiễn ông bà về nơi cũ bằng cách làm cơm như ngày đầu, cũng xới cơm bốn chén rồi khấn vái ba lần, sau đó lấy thức ăn mỗi thứ một ít và muối, gạo đặt xuống một cái bè nhỏ được làm bằng bẹ chuối để ông bà mang theo ăn dọc đường khi quay lại nơi cũ. Trên bè có treo cờ phướn hình tam giác và khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi từ bẹ chuối để tránh tai nạn dọc đường. Bè này được thả trên sông hoặc mương rạch gần nhà. Trong ngày cúng đưa này, nhiều gia đình còn mời các sư sãi đến tụng kinh cho thêm phần long trọng. Vui chơi giải trí, ca hát nhảy múa luôn là tiết mục không thể thiếu trong dịp diễn ra các lễ hội Khmer Nam Bộ. Lễ Sen Đolta cũng không ngoại lệ, đây là dịp để mọi người gặp nhau, chia sẻ những vui buồn, bù đắp lại bao nhiêu cực nhọc vất vả hàng ngày bằng điệu múa, lời ca để được xích lại gần nhau hơn trong tình đoàn kết dân tộc. 1.3. Ok Om Bok Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng, được tổ chức định kỳ đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm - là một trong ba lễ hội truyền thống và đặc trưng có từ rất lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt Trăng được xem là vị thần cai quản thời tiết, bảo vệ mùa màng tốt tươi và mang đến sự ấm no, hạnh phúc, nên đều được mỗi gia đình, phum sóc và cộng đồng người Khmer suy tôn, thờ cúng. Theo truyền thống, ngoài tham gia cúng trong cộng đồng tại phum sóc, tại chùa, hầu hết các gia đình Khmer ở Trà Vinh đều tổ chức cúng Trăng tại nhà với những nghi thức khá đơn giản được tiến hành như sau: tại sân nhà gia chủ xây dựng một cái cổng, hai trụ làm bằng tre hoặc trúc có trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 quả, được chẻ vỏ như hai cánh ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng đặt một cái bàn gồm những sản vật khác nhau như: chuối, dừa, khoai lang, khoai mì, cam, quít, nhang đèn, Sala tho, nước thơm,… Sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp. Khi trăng lên cao tỏa sáng, các thành viên trong gia đình tập trung làm lễ, gia chủ bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với thần Mặt Trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…Sau đó, gia chủ dùng một tay lấy cốm dẹp và một quả chuối đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng và hỏi những ước nguyện của chúng. Ngoài ra thả đèn nước (Lôi Prôtip) cũng là một trong những hoạt động không kém phần quan trọng trong lễ hội Ok Om Bok. Bởi vì, theo truyền thuyết, đèn nước tượng trưng cho dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông “Na Mi Thi” hay tưởng nhớ đến một chiếc răng của Ngài được vua các loài rắn Neaka Reach cất giữ. Mặt khác, thông qua lễ thả đèn nước người ta muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn trong năm sau. Hàng năm, khu di tích văn hóa Ao Bà Om tọa lạc tại phường 8, thành phố Trà Vinh đón tiếp hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh tụ họp về đây tham gia Lễ hội. Không khí tưng bừng, tràn ngập cờ hoa, tiếng nhạc ngũ âm hòa cùng tiếng hò reo, cổ vũ cho các trò chơi dân gian đã tạo nên không khí náo nhiệt, đậm chất truyền thống của đồng bào Khmer. Lễ hội được tổ chức long trọng, với đầy đủ các nghi lễ. Đêm lễ hội kéo dài như bất tận, đến khi Mặt Trăng chuyển hẳn về hướng Tây mang theo niềm tin của hơn 300.000 đồng bào Khmer ở Trà
  4. Vinh cũng là lúc mọi người lưu luyến chia tay nhau trở về với cuộc sống thường nhật và hẹn gặp lại ở mùa Lễ hội năm sau. Bên cạnh đó, trong lễ hội Ok Om Bok, một hoạt động vô cùng hấp dẫn không thể bỏ qua, đó chính là Hội thi Đua ghe Ngo – một nghi thức truyền thống để tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả và đây cũng chính là nghi thức tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer tưởng nhớ đến thần rắn Nagar xưa đã biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Hội thi diễn ra trên sông Long Bình tại Thành phố Trà Vinh đã thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi đến xem, cổ vũ cho các đội ghe Ngo đại diện cho 7 huyện và 01 thành phố trong tỉnh, tranh tài ở hai cự ly 800 mét và 1.200 mét. Đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, mang tính đồng đội cao, đang dần dần được khôi phục và phát triển mạnh trong những năm trở lại đây. Ngoài ra, trong dịp Lễ hội, Trà Vinh thường tổ chức Hội chợ thương mại nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, máy nông cụ, chương trình du lịch, sản phẩm của các làng nghề, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, những chính sách ưu đãi và tiềm năng hiện có của Trà Vinh nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về vùng đất, con người Trà Vinh với bạn bè gần xa; Đồng thời, kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có thể nghiên cứu, tìm hiểu từ đó sẽ có những dự án đầu tư hợp lý trên địa bàn thành phố Trà Vinh. 2. Những mặt thuận lợi khi gắn kết các lễ hội đặc trưng của dân tộc Khmer vào trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh a. Về vị trí địa lý Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.292 km2, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông giáp Biển Đông và là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, danh lam thắng cảnh, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, sông nước miệt vườn…. b. Về lịch sử hình thành và những nét kiến trúc đặc trưng Điểm nhấn của ngành du lịch Trà Vinh là du lịch văn hóa với 142 ngôi chùa Khmer cổ kính tại khắp các huyện, thành phố Trà Vinh. Hầu hết, các chùa đều được xây dựng từ lâu đời, có kiến trúc đẹp và độc đáo như chùa Âng (Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào ngày 25/08/1994), chùa Nodol (chùa Giồng Lớn), chùa Hang, chùa Samrôngek,… cùng với các lễ hội truyền thống với những nét đặc trưng riêng biệt đã được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch. Đây chính là điều kiện thuận lợi để những công ty lữ hành có thể phối hợp xây dựng các chương trình du lịch kết hợp lễ hội với các điểm tham quan nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch ngày càng mới mẻ và đa dạng. c. Nét văn hóa đặc trưng, đa dạng của các lễ hội Cũng giống như các dân tộc khác, lễ hội của người Khmer bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Đặc biệt, các hoạt động trong phần hội thường được tổ chức rất đông vui và náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian thú vị, các hoạt động múa hát tập thể với các điệu múa đặc trưng như: Rom Vong, Lăm Liêu, Rom Kbach,…Chính những hoạt động này đã góp phần tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng giữa những người Khmer với nhau và với các cộng đồng dân tộc anh em khác. Vì vậy, ngày nay các lễ hội này không chỉ là lễ hội thường niên của cộng đồng người Khmer mà đây còn là hoạt động vui chơi của tất cả mọi người và đặc biệt thu hút đối với khách tham quan du lịch.
  5. Đi du lịch chính là để khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ tại điểm đến. Cho nên, thời gian diễn ra các lễ hội chính là thời điểm tốt nhất để du khách tham quan, tìm hiểu về các phong tục, nghi lễ, nét sinh hoạt truyền thống, đời sống tâm linh của người Khmer. d. Về ẩm thực Đi du lịch còn là dịp để du khách thưởng thức những món ăn ngon, đặc sản địa phương. Và khi nhắc đến Trà Vinh, không một du khách nào có thể bỏ lỡ món bún nước lèo đậm đà hương vị đặc trưng của đồng bào Khmer nơi đây. Ngoài ra, vào dịp lễ hội Ok Om Bok du khách còn được thưởng thức món cốm dẹp với làng nghề nổi tiếng – làng cốm dẹp Ba So. Ngoài ra, Trà Vinh còn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn khác, đó là: bánh canh Bến Có, bánh tét cốm dẹp, bánh tét Trà Cuôn, rượu Xuân Thạnh, dừa sáp cầu Kè, nước mắm rươi, chả hoa Năm Thụy,…. e. Về cảnh quan tự nhiên Trong tương lai, khi cầu Cổ Chiên hoàn thành, tuyến quốc lộ 60 được thông thương tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy du lịch phát triển. Khai thác các tuyến du lịch có sự kết hợp các điểm tham quan giữa các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Các địa bàn ven biển, trên các cồn cửa sông sẽ có nhiều lợi thế để khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên và nhân văn, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo như: chương trình du lịch sông nước miệt vườn, chương trình du lịch homestay với đồng bào Khmer tại Cù lao Tân Qui thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, cách thành phố Trà Vinh khoảng hơn 45km về phía Tây Bắc. Với diện tích 929 ha nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa, nổi tiếng là cù lao xanh, cây trái trĩu cành mang nét đẹp đặc trưng của miệt vườn sông nước Cửu Long. Tân Qui đã từ lâu nổi tiếng với măng cụt, thương hiệu măng cụt Tân Qui, sầu riêng, chôm chôm, cam sành, bưởi năm roi, dâu liên tiếp đoạt giải cao tại các cuộc thi trái ngon khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh bởi hương vị thơm ngon và chất lượng ổn định. Đến đây du khách sẽ thích thú với cảm giác đi xe đạp, tắm sông, chèo thuyền ngắm sông nước, vườn cây trái nối tiếp nhau xanh ngút ngàn hay xuống thuyền phiêu lưu một chuyến "săn cá Bông lau" cùng với người dân xứ vườn nhiệt tình, hiếu khách, du khách sẽ quên đi mọi vất vả lo toan của cuộc sống xô bồ thường nhật. Đồng thời, tại đây hàng năm còn diễn ra lễ Vu Lan Thắng Hội (cúng Ông Bổn) từ ngày 25-28 tháng 7 âm lịch tại Chùa Vạn niên Phong Cung và các chùa khác ở huyện Cầu Kè thu hút hàng nghìn lượt khách tham dự. f. Về kinh tế - xã hội Có thể nói, đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer trong các khu vực diễn ra các lễ hội được cải thiện đáng kể từ hoạt động du lịch. Họ có thể buôn bán thức ăn, đồ uống cho khách du lịch hoặc bán những vật phẩm làm bằng thủ công cho người dân tộc Khmer dùng để thực hiện các nghi thức cúng tế. Chính vì vậy, Du lịch đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân Khmer và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho họ. Khi đến với Trà Vinh vào dịp Ok Om Bok, khách du lịch sẽ được hòa nhập vào không khí nhộn nhịp, tưng bừng của lễ hội với cờ hoa, băng rôn, áp phích quảng cáo được treo khắp các đường phố. Nhiều hoạt động trong lễ hội được tổ chức quy mô, với vô số các hoạt động sôi nổi như: Hội chợ Triển lãm thương mại du lịch với sự tham gia của hàng trăm gian hàng các loại, chủ yếu là các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm. Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao điển hình là hội thi đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer tại địa bàn thành phố Trà Vinh đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Khmer mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Đồng thời, đây sẽ là một sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn thu hút du khách từ khắp mọi miền đất nước đến với thành phố Trà Vinh.
  6. 3. Một số đề xuất cho việc bảo tồn và phát huy các lễ hội đặc trưng của dân tộc Khmer thông qua hoạt động du lịch Có thể khẳng định, người Khmer có một nền văn hóa rất đa dạng và đặc sắc. Tiêu biểu là các lễ hội vừa mang tính dân gian, vừa mang đậm yếu tố Phật giáo, vừa đậm đà bản sắc dân tộc mà nổi bật là ba lễ hội đặc trưng: Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok. Đây chính là một yếu tố văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và phát huy thông qua hoạt động du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Trà Vinh cũng như góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống của người Khmer đã và đang được quan tâm. Điển hình, từ năm 2003 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các sự kiện như:“Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khmer Nam bộ”, “Những ngày văn hóa Khmer Nam bộ tại Hà Nội”. Năm 2008, Lễ hội Ok Om Bok đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách 15 lễ hội thuộc Chương trình quốc gia về Du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Lễ hội Ok Om Bok đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng làm thế nào để khai thác một cách có hiệu quả hoạt động của các lễ hội vào du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, tham quan, tìm hiểu của đông đảo du khách gần xa, cũng như bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó. Đây là một vấn đề cần được quan tâm và sớm thực hiện trong xu thế hội nhập hiện nay.Và theo chúng tôi nhận thấy, để làm tốt công tác này cần thực hiện một số giải pháp sau: a. Về cơ sở hạ tầng Sự phát triển của cơ sở hạ tầng (đặc biệt là mạng lưới giao thông) luôn có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Thật vậy, Du lịch Trà Vinh trong những năm qua đang trong trạng thái “ngủ yên”, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, một phần do hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế điển hình như vẫn còn nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện, các quốc lộ liên tỉnh chưa được đầu tư nâng cấp nên gây khó khăn trong việc phát triển các tuyến tham quan liên hoàn tạo thêm sức hấp dẫn cho các chương trình tham quan trên địa bàn Trà Vinh. Chính vì vậy, cần nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54, 60 trên địa bàn tỉnh; chủ động xem xét nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ phù hợp với nhu cầu phát triển. Mở rộng và nâng cấp các tuyến đường cấp huyện và liên xã, đường giao thông nông thôn, đường giao thông liên tỉnh, liên vùng, đặc biệt là các tuyến đường đến với các địa điểm diễn ra lễ hội được khai thác du lịch. Đầu tư hệ thống phà qua các sông đối với những nơi chưa có điều kiện làm cầu. Đồng thời, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng phục vụ trong các dịp lễ hội như: hệ thống điện chiếu sáng, khán đài, ghế ngồi, nhà vệ sinh,… b. Về cơ sở vật chất Cơ sở vật chất cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố Trà Vinh các cơ sở lưu trú, ăn uống, thể thao, các khu vui chơi giải trí, trung tâm dịch vụ - thương mại, phương tiện vận chuyển và các dịch vụ tiện nghi du lịch khác tại các địa điểm diễn ra lễ hội vẫn còn thiếu và nhiều hạn chế. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương phải tăng cường kêu gọi sự đầu tư của các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh. c. Về công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư Tăng cường kênh thông tin giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của người Khmer, đặc biệt là vào các dịp diễn ra các lễ hội lớn (Chool Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok); đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài, chủ động xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh du lịch ra phạm vi khu vực, quốc tế; đặc biệt, một loại hình biểu diễn nghệ thuật văn hóa đặc sắc được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đó là “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê – Di sản văn hóa dân tộc”, đang được đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
  7. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức cho các công ty lữ hành, các nhà báo đi thực tế, tham dự một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer để xem xét, kiến nghị xây dựng các chương trình du lịch gắn kết lễ hội và gắn kết với các làng nghề truyền thống như: làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh, làng nghề đan đát – thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, làng đáy biển Mỹ Long, làng muối Cồn Cù… Với phương châm “lấy văn hóa để phát triển du lịch và phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa”. d. Về quản lý Nhà nước Trong thời gian qua, công tác quản lý ngành du lịch của địa phương còn nhiều bất cập, công tác quy hoạch phát triển du lịch còn nhiều hạn chế: đầu tư nhưng thiếu quy hoạch dẫn đến tình trạng không phát triển, lại lãng phí. Nhiều khu du lịch, cơ sở vật chất được xây dựng nhưng thu hút khách du lịch hoặc đầu tư nhưng không bài bản, kết quả dẫn sản phẩm du lịch kém chất lượng, không đạt hiệu quả. Đồng thời, đã có sựu đầu tư, quan tâm đến lễ hội của dân tộc Khmer nhưng chưa gắn kết với hoạt động du lịch và cũng chỉ mới tập trung vào 01, 02 lễ hội mà chưa phát huy được hết những nét nổi bật của nhiều lễ hội khác. Vì thế, cần phải nâng cao chất lượng quản lý các lễ hội truyền thống dân tộc Khmer, đặc biệt là ba lễ hội chính mang tính truyền thống cần được phát huy, đó là: Chol Chnăm Thmây, Sen Đolta, Ok Om Bok. Như vậy, có thể đầu tư và khai thác một cách có hiệu quả giữa sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt xã hội. Đồng thời, tại khu vực diễn ra lễ hội cần quy hoạch và có sự đầu tư cho các gian hàng buôn bán của người dân, bãi đậu xe, xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng…. Phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer để họ có điều kiện tham gia, giữ gìn, phục hồi các lễ hội truyền thống. Chú trọng chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin và những nghệ nhân, nghệ sĩ, các bậc cao niên ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để khai thác vốn tài liệu về các lễ hội truyền thống qua các thế hệ, đồng thời hạn chế những hủ tục lạc hậu như: ăn uống dài ngày, nghi thức cúng tế huyền bí… giúp cho các lễ hội không bị mai một và biến chất. Chính quyền các cấp và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng các dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết của đồng bào về lễ hội, từ đó thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị của các lễ hội. Người Khmer có nền văn hóa phong phú, đặc biệt là các lễ hội truyền thống vô cùng tinh túy, đặc sắc, là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, cần được trân trọng bảo tồn và phát huy giá trị. Trong Nghị quyết số 23-NQ/T.Ư ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” cũng có đề ra mục tiêu :“Cần xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số”. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở và đồng bào dân tộc Khmer về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; phát huy tinh thần chủ động, tích cực nỗ lực của đồng bào và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho con em đồng bào dân tộc Khmer nhằm góp phần gìn giữ và phát huy tốt những giá trị truyền thống của dân tộc qua các thế hệ. e. Về đội ngũ làm du lịch Đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Nguồn nhân lực du lịch tại đây hiện ở trình độ thấp so với các vùng khác trong cả nước. Điều này cũng tạo nên những cản trở trong việc phát triển du lịch. Cho nên, các cơ quan chức năng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phải thường xuyên phối hợp
  8. với các tổ chức chuyên đào tạo về du lịch điển hình như trường Đại học Trà Vinh để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên đã và đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, có những biện pháp tích cực thu hút lao động có tay nghề cao, chuyên môn vững làm việc tại các địa điểm du lịch cũng như ở các cơ sở phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. f. Phối hợp với cộng đồng địa phương Khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch. Bởi vì, khi cộng đồng địa phương được tham gia vào phát triển du lịch thì họ sẽ trở thành đối tác tích cực, có vị trí đặc biệt trong khu vực và vùng. Khả năng bền vững của du lịch phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động phục vụ trong lĩnh vực du lịch như: nhân viên hướng dẫn tham quan, cung cấp các dịch vụ về ăn uống, ở, vui chơi giải trí… mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và du khách, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của địa phương. Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn yếu. Do địa hình và đặc thù giữa các tỉnh, thành gần giống nhau nên các sản phẩm du lịch và điểm du lịch còn mang nét tương tự, chưa tạo sự khác biệt. Các địa phương, doanh nghiệp chưa gắn kết nhiều trong việc tập trung chuyên biệt một loại hình sản phẩm, dịch vụ để thu hút du khách. Chưa có định hướng chiến lược phát triển chung cho cả vùng, làm cơ sở cho các địa phương xác định sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa bàn, các chương trình, tuyến du lịch chủ yếu trong vùng. 4. Kết luận Có thể nói, Lễ hội truyền thống là bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa của dân tộc ta, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của mỗi dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, cũng như các giá trị văn hóa tryền thống của đồng bào Khmer là một yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá sự đa dạng, nét độc đáo của những giá trị văn hóa Trà Vinh nói riêng và Việt Nam nói chung ra bên ngoài phạm vi vùng, khu vực và thế giới để thu hút sự quan tâm và đầu tư. Hoạt động du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của vùng chính là yếu tố quan trọng góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer trong thực tiễn hoạt động du lịch hiện nay, là một giá trị văn hóa đặc sắc cần được quan tâm đưa vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác và bảo tồn có hiệu quả thông qua hoạt động du lịch. Nếu các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam bộ sớm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách này và đảm bảo tổ chức thực hiện các chính sách đó một cách có hiệu quả chắc chắn rằng những giá trị văn hóa của người Khmer sẽ góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hóa đạm đà bản sắc dân tộc cho đất nước Việt Nam. TÓM TẮT Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Cũng giống như các dân tộc khác, văn hóa của người Khmer được hình thành từ rất lâu đời, là sự kết tinh và kế thừa của nhiều nền văn hóa khác nhau đặc biệt là các lễ hội truyền thống. Thật vậy, các lễ hội của người Khmer chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc, hấp dẫn có thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển các lễ hội gắn với hoạt động du lịch tại Trà Vinh vẫn chưa được chú ý nhiều, hiệu quả kinh tế do hoạt động du lịch mang lại chưa cao, chất lượng du lịch thấp và còn nhiều hạn chế. Bài viết này bàn về việc bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hoá đặc trưng của dân tộc Khmer thông qua hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh.
nguon tai.lieu . vn