Xem mẫu

  1. BÀN VỀ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HOÁ Lê Anh Tuấn(*) THE METHOD OF RAISING THE RESOURCES FOR DEVELOPMENT VIETNAMESE TOURISM IN THE CONTEXT OF GLOBALIZATION Abstract This article considered to the mobilization of resources in order to develop tourism industry in Vietnam. The analysis result showed that, there are a lot of resources such as cultural - natural resources, human resource, financial resource, science and technological resources and other resources has been mobilized and exploited. The mobilization of resources has achieved remarkable targets, but in fact, there are some matters remain and are affecting to the sustainable development of tourism industry in Vietnam. This article also put forward some methods for the tourism industry of Vietnam to implement to solve the above remaining matters in the situation of the globalization at present. * 1. Đặt vấn đề Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, tác động đến mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội. Du lịch là một trong nhiều ngành kinh tế chịu tác động rất mạnh mẽ từ thực tiễn này. Việc tập trung các nguồn lực để phát triển, đưa du lịch Việt Nam trở thành một địa chỉ có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế, phát triển mạnh du lịch nội địa, việc sử dụng, khai thác các nguồn lực để phát triển là một vấn đề quan trọng được quan tâm hiện nay. Việt Nam có nhiều lợi thế và các nguồn lực để phát triển du lịch, tuy vậy, thời gian qua, việc huy động các nguồn lực để phát triển du lịch chưa thực sự hợp lý, dẫn đến chất lượng và hiệu quả phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tham luận này, đề cập khái quát tới tình hình khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển du lịch ở Việt Nam, đánh giá những thách thức và đề xuất một số định hướng và giải pháp cơ bản để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 2. Thực trạng về huy động các nguồn lực trong phát triển du lịch ở Việt Nam - Huy động nguồn lực tài nguyên Các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch thời gian vừa qua đã có những bước phát triển đáng kể. Hiện nay, nhiều di sản vật thể, phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và được công nhận là di sản văn hóa các cấp từ Trung ương đến các địa phương. Nhiều danh thắng, tài nguyên thiên nhiên được công nhận là khu bảo tồn và các vườn quốc gia, đang được quản lý và bảo vệ trên khắp cả nước. Gần 20 di sản thiên nhiên và văn hóa đã được tổ chức UNESCO công nhận và vinh danh, có những giá trị tài nguyên đã được phát hiện tại Việt Nam có giá trị đặc biệt, duy nhất trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, ngành du lịch đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Việt Nam các giai đoạn 1995 đến 2000, giai đoạn 2001 đến 2010, và quy (*) PGS.TS., Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
  2. hoạch tổng thể đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó, Ngành du lịch đã triển khai xây dựng quy hoạch phát triển du lịch theo đặc điểm tài nguyên của từng vùng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam có 7 Vùng Du lịch được quy hoạch để phát triển(1). Đồng thời, Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang các địa phương đã triển khai điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển du lịch trên cơ sở đặc thù của từng địa phương. - Huy động nguồn lực vốn Thời gian vừa qua, Ngành Du lịch Việt Nam đã có các cách thức huy động, khai thác và phát huy nguồn lực vốn thông qua các phương thức cụ thể: Tăng cường đầu tư theo phương thức các chương trình hành động quốc gia, các năm du lịch, trong đó có việc tập trung đầu tư đồng bộ từ việc quy hoạch phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch và triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá cho vùng hoặc địa phương theo từng chủ đề. Thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các nguồn đầu tư trực tiếp FDI, các nguồn vốn viện trợ phát triển ODA. Nhiều khu du lịch, nhiều khách sạn cao cấp, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp (resorts), nhiều hãng lữ hành quốc tế được đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả. Nhiều thương hiệu du lịch lớn như Accor, Sharaton, Hilton, Prince, Nikko… đến từ các cường quốc về du lịch đã đầu tư tại Việt Nam, qua đó, diện mạo của cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại Việt Nam đã được thay đổi. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch có chất lượng đạt chuẩn quốc tế đã được vận hành và dần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam. Ngoài các phương thức huy động các nguồn lực vốn nêu trên, phương thức xã hội hóa trong huy động các nguồn lực tài chính đã được triển khai trong giai đoạn vừa qua. Các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội được tham gia từ việc nghiên cứu khảo sát và quy hoạch tài nguyên, sử dụng nguồn vốn của họ để quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch. Ngành du lịch được sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc xúc tiến quảng bá, hội nghị hội thảo, các sự kiện của Ngành du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã chủ động tham gia đầu tư cho việc quy hoạch, phát triển tài nguyên, sản phẩm du lịch của ngành và địa phương, như trường hợp tỉnh Ninh Bình đã triển khai rất tốt phương thức này. - Huy động nguồn lực khoa học công nghệ Trong lĩnh vực du lịch hiện nay việc sử dụng công nghệ xanh sạch phục vụ quan điểm phát triển bền vững bắt đầu được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Mô hình khách sạn xanh được quy định và triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương đã đang và sẽ mở rộng trên phạm vi khắp cả nước. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin trong marketing, xúc tiến quảng bá du lịch được sử dụng phổ biến hiện nay thông qua các trang thông tin điện tử, các công nghệ cao trong việc xuất bản và sản xuất các ấn phẩm thông tin du lịch phục vụ cho việc xúc tiến quảng bá. Bên cạnh đó, e-market nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống này để tổ chức kinh doanh, hình thức này đang triển khai rộng rãi ở Việt Nam. - Huy động nguồn lực con người Thời gian vừa qua, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn cơ cấu nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch nói chung dẫn được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thực tế ngành về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành. Theo thống kê, đến cuối năm 2010 cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng (trong đó chỉ có 8 trường cao đẳng nghề), 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trường trung cấp nghề) với số lượng tuyển sinh về du lịch khoảng 27.000 chỉ tiêu (gồm khoảng 5.000 học sinh sơ cấp nghề, 18.190 chỉ tiêu trung cấp; 3.870 chỉ tiêu cao đẳng và đại học)(2). Mặt khác, được sự hỗ trợ của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc thông qua các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và các nước, hoặc các chương trình phát triển nguồn nhân lực do các tổ
  3. chức quốc tế như UNWTO, JICA, KOICA… Cụ thể thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã được thụ hưởng các nguồn lực từ nhiều quốc gia trên thế giới đã dành những nguồn vốn viện trợ phát triển cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao như Nhật Bản, Úc…, đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực như các Dự án Luxembourg, Dự án EU, Dự án của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)… - Huy động các nguồn lực mềm Với chính sách ngoại giao rộng mở, Việt Nam tăng cường quan hệ ngoại giao song và đa phương, thông qua đó để phát triển kinh tế văn hóa. Đến thời điểm tháng 3 năm 2013, theo thống kê của Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã có thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia; tham gia 63 tổ chức quốc tế và có mối quan hệ với 650 tổ chức phi chính phủ(3). Việt Nam cũng thực hiện và tăng cường thực hiện các hoạt động Ngoại giao kinh tế và Ngoại giao văn hóa, góp phần không nhỏ cho phát triển Ngành du lịch. Ngành du lịch Việt Nam, cũng như các địa phương đã coi trọng việc hợp tác liên kết quốc tế trong phát triển du lịch, đã tham gia Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc vào năm 1981, đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực về du lịch như: Hiệp hội du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội du lịch các nước Đông Nam Á (ASEANTA) và các tổ chức khác gồm: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, Hợp tác giữa các nước ASEAN với Nhật Bản (ASEAN-JAPAN CENTER)… Theo Tổng cục Du lịch, ngoài các tổ chức quốc tế và khu vực Việt Nam đã tham gia đã nêu trên, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã ký các hiệp định hợp tác, liên kết song phương với 43 quốc gia và có quan hệ hợp tác du lịch với các nước như Bỉ, Luxemburg, New Zealand…; Hợp tác đa phương với các quốc gia ASEAN, Ký tuyên bố chung hợp tác với Lào và Căm pu chia, Ký thỏa thuận nghề chung ASEAN (MRA)(4). Các địa phương cũng đã chủ động trong việc hợp tác với các địa phương của các nước trên thế giới, cụ thể: hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh với tỉnh Udon Thani của Thái Lan, Thủ đô Hà Nội với Băng Cốc của Thái Lan, Đồng Nai với tỉnh Hyogo của Nhật Bản, Đà Nẵng với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ... Ở cấp độ doanh nghiệp, đơn vị, hiện nay, nhiều hãng lữ hành quốc tế và các khách sạn lớn của Việt Nam đã tham gia và là thành viên của các hiệp hội du lịch của các quốc gia như: Hiệp hội lữ hành Nhật Bản (JATA), Hiệp hội lữ hành của Hoa Kỳ (ASTA)… Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã chủ động có những hoạt động hợp tác mang tính riêng biệt, ký kết các hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các đối tác là doanh nghiệp hoặc các địa phương nước bạn, như doanh nghiệp Viettravel đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Aichi của Nhật Bản. Hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các đối tác nước ngoài, gồm: hợp tác giữa Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế với đối tác Vùng Poitou Charentes - Pháp, Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Dịch vụ Hải Phòng với các cơ sở đào tạo du lịch của Tunisia, hợp tác giữa Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội với các đối tác Luxembourg, Hungary, Đài Loan… Các doanh nghiệp du lịch chủ động thu hút các nguồn lực vốn và kinh nghiệm theo phương thức liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài hoặc thực hiện phương thức nhượng quyền thương hiệu để triển khai tổ chức kinh doanh. Bước đầu, nhiều hoạt động liên doanh, liên kết và nhượng quyền thương hiệu đã thu được các hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, với sự ổn định của thể chế chính trị, ổn định về xã hội đã trở thành thế mạnh cho du lịch phát triển. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong tài nguyên du lịch nhân văn, vốn văn hóa phong phú đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần đấu tranh bất khuất của con người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, quá trình đổi mới kinh tế trong giai đoạn vừa qua đã và đang tạo hình ảnh mới và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến mới với nhiều giá trị tổng hòa, khác biệt.
  4. Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch định hướng bền vững ngày càng được mở rộng, vai trò của cộng đồng đã và đang được đánh cao thông qua các quan điểm lấy cộng đồng làm nòng cốt, đóng vai trò chính trong việc phát triển du lịch trong đó có loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch có trách nhiệm. 3. Những vấn đề đặt ra đối với du lịch Việt Nam trong việc huy động nguồn lực Qua thực tiễn huy động các nguồn lực phát triển ngành du lịch trong thời gian qua, mặc dù đã đặt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trước Ngành du lịch Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực để phát triển. Cụ thể: Thứ nhất: Còn tồn tại hiện tượng lãng phí các nguồn lực tài nguyên Mặc dù nhiều thành quả đã đạt được trong việc khai thác, phát huy nguồn lực tài nguyên để phát triển du lịch trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm vẫn đang có nhiều biểu hiện lãng phí, như việc khai thác quá mức chịu tải, không phù hợp với điều kiện thực tế, không bảo vệ môi trường phù hợp, nhiều hiện tượng xâm hại tài nguyên vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn, duy trì và phát triển tài nguyên một cách bền vững. Mặt khác, nhiều tài nguyên được phát hiện, tuy nhiên, chưa có đầy đủ các điều kiện như cơ sở hạ tầng, nhân lực và các yếu tố khác để khai thác, hoặc khai thác nhưng chưa chuyên nghiệp, dẫn đến hiện tượng phá vỡ cảnh quan, làm mất giá trị của tài nguyên. Thứ hai: Chưa phát huy được phương thức xã hội hóa trong thu hút các nguồn lực Các nguồn lực trong xã hội chưa được khai thác một cách hiệu quả, trong bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư từ nhà nước nhiều hạn chế, các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài theo các hình thức FDI vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều và có khó khăn trong việc triển khai đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt. Do vậy, việc tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội theo phương thức xã hội hóa cần được quan tâm hơn nữa trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên cần xây dựng cơ chế phù hợp để các chủ thể tham gia triển khai thực hiện. Thứ ba: Sử dụng và khai thác các nguồn lực khoa học công nghệ còn hạn chế Công nghệ GIS mặc dù đã được triển khai nghiên cứu và bắt đầu được ứng dụng ở Việt Nam trong việc triển khai quy hoạch tài nguyên và phát triển vùng du lịch, tuy nhiên chưa phổ biến và hiệu quả chưa cao. Các hệ thống phân phối và đặt chỗ toàn cầu (CRS và GDS) được ứng dụng một phần trong ngành Hàng không, tuy nhiên các hệ thống này vẫn chưa được ứng dụng trong ngành du lịch để kết nối và bán sản phẩm giữa các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, cơ sở tham quan vui chơi giải trí làm tinh giản hóa bộ máy, tăng cao hiệu quả của hoạt kinh doanh du lịch. Hiện nay, việc triển khai liên hệ tổ chức bán các sản phẩm vẫn được triển khai chủ yếu theo phương pháp truyền thống và điều kiện của từng doanh nghiệp trên cơ sở đội ngũ nhân viên và hệ thống internet, mail điện tử, tuy nhiên tính hiệu quả và tính đồng bộ chưa cao. Thứ tư: Nguồn lực con người chưa được chuẩn bị và khai thác tốt Bất cập trong cơ cấu nguồn nhân lực giữa các vùng miền và khu vực trong cả nước. Nguồn nhân lực có chất lượng hầu như chỉ tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch lớn, nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, khó đảm bảo tính đồng đều giữa các địa phương, khu vực và cùng miền trong việc đảm bảo phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng đồng đều trên phạm vi cả nước. Tính chuyên nghiệp của ngành công nghiệp du lịch của chúng ta còn có bất cập do những hạn chế trong số lượng, cơ cấu, chất lượng chuyên môn và ngoại ngữ của nguồn nhân lực du lịch. Tính chuyên nghiệp chưa cao thể hiện trong quản lý nhà nước về du lịch, quy
  5. hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức kinh doanh, cạnh tranh, việc cung cấp các dịch vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp trong việc cung cấp các dịch vụ du lịch… Điều này thể hiện việc chuẩn bị và khai thác nguồn lực con người của ngành du lịch còn chưa được như mong muốn. Thứ năm: Các nguồn lực mềm chưa được khai thác một cách hiệu quả Sự tham gia của cộng đồng, mối liên kết, hợp tác của các ngành liên quan, các vùng miền trong tổng thể quy hoạch chung để đảm bảo tạo ra một hệ thống liên hoàn và đầy đủ các sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm, thương hiệu đồng bộ giữa các vùng miền và cả ngành du lịch. Tuy nhiên, các mối quan hệ hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước chưa được khai thác một cách hiệu quả. Đặc biệt, các mối liên kết hợp tác trong nước giữa Ngành du lịch và các Ngành liên quan, giữa các địa phương trong cả nước, giữa các chủ thể trong du lịch chưa chặt chẽ, vẫn còn tồn tại hiện tượng cục bộ theo nhóm lợi ích, cục bộ địa phương do vậy việc phát triển du lịch chưa hiệu quả và chất lượng của phát triển chưa cao, thiếu đồng bộ. 4. Kết luận và kiến nghị 4.1. Kết luận Như vậy, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian vừa qua Việt Nam nói chung và Ngành du lịch đã tích cực, chủ động trong việc huy động các nguồn lực để phát triển du lịch. Nhiều kết quả tích cực đã được khẳng định thông qua việc khai thác tốt các nguồn lực. Cụ thể: Các tài nguyên du lịch được nghiên cứu, phát triển và được quy hoạch để đưa vào phát triển sản phẩm du lịch trên phạm vi toàn quốc, phạm vi vùng và các địa phương. Các nguồn vốn trong và ngoài nước được khai thác thông qua nhiều đối tác, chủ thể ngoài sự đầu tư của Nhà nước. Nguồn nhân lực được quan tâm phát triển và khai thác phát triển để phục vụ cho phát triển ngành du lịch thông qua việc phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo về du lịch. Các nguồn lực khoa học công nghệ được khai thác sử dụng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và liên quan trong xúc tiến quảng bá, tổ chức kinh doanh bán sản phẩm, triển khai e-marketing và e-market. Các nguồn lực mềm từ các hoạt động ngoại giao, hợp tác liên kết, thể chế và sự ổn định của chính trị, tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết, nhượng quyền thương hiệu, sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương trong phát triển du lịch đã từng bước thu được các kết quả nhất định. Tuy vậy, thời gian vừa qua, việc huy động các nguồn lực để phát triển du lịch chưa thực sự hợp lý, dẫn đến chất lượng và hiệu quả phát triển du lịch chưa tương xứng với quan điểm, chủ trương phát triển du lịch của Việt Nam. Trong thời gian tới đây, trên cơ sở xác định các nguồn lực đóng vai trò quan trọng, rà soát lại cách thức tổ chức huy động các nguồn lực một cách hợp lý, việc khai thác các nguồn lực tài nguyên, con người, vốn, khoa học công nghệ và đặc biệt là các nguồn lực mềm, của Ngành du lịch Việt Nam cần có những cải thiện để có thể phát triển du lịch đúng hướng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một điểm du lịch phát triển trong khu vực và thế giới. 4.2. Kiến nghị Để Ngành du lịch thực sự phát huy khai thác, huy động hiệu quả các nguonf lực cho phát triển, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị dưới đây: Thứ nhất: Xác định rõ hiện trạng các nguồn lực, trên cơ sở so sánh với các quốc gia trong khu vực và thế giới để có định hướng và biện pháp phù hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan trong huy động, khai thác và phát huy các nguồn lực trong phát triển du lịch. Thứ hai: Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các ngành, các chủ thể và các đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là trong nước; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bổ sung hỗ trợ
  6. các kinh nghiệm, phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực bên ngoài đặc biệt là kinh nghiệm quản lý, kinh doanh du lịch; quản trị rủi ro trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba: Tăng cường vai trò của cộng đồng, các lực lượng trong xã hội trong khai thác và phát triển các nguồn lực để phát triển du lịch. Tạo cơ chế để khai thác và phát huy sức mạnh của các lực lượng trong xã hội để thúc đẩy nhanh và mạnh vấn đề xã hội hóa trong huy động các nguồn lực để phát triển du lịch. Thứ tư: Tăng cường phát huy nguồn lực mềm như các mối quan hệ kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, sức mạnh của nền văn hóa dân tộc, sự ổn định chính trị và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế… Thứ năm: Nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường năng lực của đội ngũ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và nghiệp vụ du lịch. Chú thích: (1) Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. (2) Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, 10/2010 (3) Thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, www.mofa.gov.vn (4) Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, www.vietnamtourism.gov.vn Tài liệu tham khảo 1. Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 1 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. 2. Tổng cục Du lịch (2010), Kỷ yếu hội thảo quốc gia Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. 3. Trung tâm thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch (2013), Số liệu thống kê chủ yếu của ngành du lịch giai đoạn 2000 - 2012, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 4. Một số trang thông tin điện tử: www.mofa.gov.vn; www.vietnamtourím.gov.vn. TÓM TẮT Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, tác động đến mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội. Du lịch là một trong nhiều ngành kinh tế chịu tác động rất mạnh mẽ từ thực tiễn này. Việt Nam có nhiều lợi thế và các nguồn lực để phát triển du lịch, tuy vậy, thời gian qua, việc huy động các nguồn lực để phát triển du lịch chưa thực sự hợp lý, dẫn đến chất lượng và hiệu quả phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết của chúng tôi đề cập khái quát tới tình hình khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển du lịch ở Việt Nam, đánh giá những thách thức và đề xuất một số định hướng và giải pháp cơ bản để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
nguon tai.lieu . vn