Xem mẫu

Ảnh khoả thân: Độ chênh quá lớn giữa nhà quản lý và người làm nghệ thuật Tung cánh - Ảnh: Thái Phiên Sự kiện 38 bức ảnh khỏa thân của họa sĩ Kim Hoàng không được Sở VH-TT TP.HCM cấp phép triển lãm, một lần nữa cho thấy độ chênh giữa nhà quản lý và người làm nghệ thuật trong cách nhìn về sáng tạo nghệ thuật. Kim Hoàng cho rằng nội dung khỏa thân trong ảnh của cô là một dạng “nhiếp ảnh ý niệm”. Đó cũng là lý do cô lấy tên cho triển lãm của mình là “Closer” - gần hơn. Bộ sưu tập ảnh được Hội Mỹ thuật TP.HCM duyệt và gửi sang xin phép Sở VH-TT để triển lãm tại một quán cà phê. Nhưng công văn của Sở VH-TT trả lời Hội Mỹ thuật rằng: “Việc triển lãm những ảnh này đến với công chúng là không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN”. Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng - phó tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP.HCM - vẫn bảo lưu quan điểm của hội, rằng “khi lập hồ sơ xin phép triển lãm, tức là hội đã đồng ý những tác phẩm này có thể đưa ra công chúng được”. Kim Hoàng tâm sự: “Tôi cũng đoán có thể bộ ảnh này sẽ bị loại 4-5 tấm vì lý do tôi chụp quá cận cảnh. Nhưng loại bỏ toàn bộ số ảnh “ý niệm” này quả là bất ngờ với tôi và bạn bè trong giới”. Với đề tài khỏa thân, các triển lãm tranh ảnh chuyên đề lâu nay chưa có tiền lệ tổ chức độc lập. Tại TP.HCM, các ảnh khỏa thân nghệ thuật xuất hiện trước công chúng lâu nay vẫn bằng hình thức “chen” vào trong số các ảnh nghệ thuật khác của một chủ đề triển lãm chung. Chẳng hạn đầu năm 2007, triển lãm “Sức sống Việt Nam” của 17 tác giả với 50 bức ảnh, trong đó có sáu ảnh khỏa thân nghệ thuật của các tác giả Thái Phiên, Nguyễn Á, Dương Quốc Định... được chấp nhận bên cạnh các bức ảnh đồng quê, bến đò, quăng lưới... Trước đó, vào tháng 6/2006, triển lãm ảnh nghệ thuật của Huỳnh Ngọc Dân với bộ ảnh 53 bức có tên “Niềm tin” cũng có một tấm ảnh khỏa thân đen trắng nghệ thuật. Xa hơn nữa, năm 2005 có một triển lãm ảnh kèm thư pháp của ông Tăng Hưng, cũng chỉ có ba bức ảnh “bán khỏa thân” chen trong bộ ảnh 39 bức.Tại Hà Nội, tình hình cũng tương tự với hình thức ảnh khỏa thân triển lãm chen với các ảnh khác... Tại sao công chúng lại không có cơ hội thưởng thức những chuyên đề triển lãm ảnh, tranh khỏa thân - một nội dung quan trọng của nghệ thuật thị giác? Chợt nhớ tới câu chuyện “Người họa sĩ giỏi nhất nước Anh” trong sách học làm người: vị khách hàng đặt vẽ chiếc logo hình con gà, lời hẹn của họa sĩ là sau một tuần. Khi quay lại, anh ta thấy người họa sĩ lấy giá vẽ ra, vẽ ngay một chiếc logo trao cho ông. Ông khách chép miệng vì tiếc rẻ, tiền công vẽ vài phút được tính bằng tiền lương làm việc trong mấy tuần. Người họa sĩ dẫn ông ta ra gian nhà kho, và trong gian nhà kho ấy chứa toàn tranh vẽ hình logo con gà mà người họa sĩ đã tập vẽ trong suốt một tuần qua. Chép miệng than đắt, việc ấy ai cũng làm được. Nhưng nhìn chiếc logo mà biết sự lao động nghiêm túc của người nghệ sĩ thì chỉ người trong giới mới không phải chui vào tận gian nhà kho. Nói như họa sĩ Phạm Đỗ Đồng: nhà quản lý thì nhìn tranh ảnh khỏa thân đơn giản theo đời sống và muốn giải thích tác phẩm nghệ thuật theo cách dễ nhất. Nhưng giá trị nghệ thuật còn được thử thách qua công chúng và thời gian. Thái độ đón nhận của công chúng sẽ là câu trả lời khách quan nhất, mà không cần các nhà quản lý “lo lắng thay” hoặc các nhà nghệ thuật “biện giải hộ”. Nhìn tranh và không cấp phép thì dễ, triển lãm tranh và tự thuyết minh lành mạnh cũng không khó. Chiếm được cảm tình công chúng để tác phẩm sống với thời gian mới là một giá trị cần sự nỗ lực của người làm nghệ thuật cũng như sự mạnh dạn ủng hộ của nhà quản lý. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn