Xem mẫu

  1. ẨM THỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG XU THẾ HỘI NHẬP Trần Tấn Đạt Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Nguyễn Thị Thu TÓM TẮT Bài viết này đề cập đến sự giao thoa ẩm thực giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các quốc gia khác trên thế giới. Trong bài viết, chúng tôi tập trung trình bày về các nguyên nhân dẫn đến sự hòa hợp ẩm thực của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự giao lưu này đã giúp bản đồ ẩm thực thành phố ngày càng trở nên phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Song song với những ảnh hưởng tích cực, sự xuất hiện rầm rộ của những trào lưu ẩm thực hiện đại cũng mang đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống. Từ khoá: ẩm thực, hội nhập, giao lưu văn hoá, tác động tích cực, tác động tiêu cực. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á và là cửa ngõ giao thương với quốc tế. Với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước, cùng với vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố sôi động bậc nhất ở Việt Nam sớm mở cửa giao lưu với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Vì vậy, xu thế hội nhập là một quá trình tất yếu. Với sự phát triển của kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế ngoài việc đem lại rất nhiều lợi ích thì cũng đặt ra nhiều thách thức như làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc dân tộc trước sự “xâm lăng” của văn hóa nước ngoài. Trên lĩnh vực ẩm thực, có thể thấy Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ đầy đủ tất cả các món ăn đặc trưng của các vùng miền và các quốc gia khác trên thế giới. Những món ăn ngoại quốc khi du nhập vào thành phố đã được biến tấu phù hợp với khẩu vị của người Việt và tạo ra những trào lưu ẩm thực cực kì thú vị. Hiện nay, phần lớn các công trình nghiên cứu chỉ tập trung chuyên sâu nghiên cứu về ẩm thực của các vùng miền để phục vụ cho việc phát triển du lịch, mà chưa thực sự tập trung phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của các trào lưu ẩm thực hiện đại đến văn hóa ẩm thực của thành phố. Vì vậy, tìm hiểu về “Ẩm thực thành phố Hồ Chí Minh trong xu thế hội nhập” là để thấy rằng song song với việc tiếp thu tinh hoa ẩm thực từ thế giới, chúng ta cũng cần phải trân trọng gìn giữ bản sắc văn hóa ẩm thực của nước nhà, lấy nó làm gốc để hội nhập. 2669
  2. 2 NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1 Sự du nhập các trào lưu ẩm thực hiện đại từ các nước đến Thành phố Hồ Chí Minh 2.1.1 Các quốc gia ở châu Á Tại Thành phố Hồ Chí Minh không khó để tìm thấy các món ăn đến từ châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Do có mối quan hệ lâu đời, ẩm thực Trung Hoa đã gắn bó với người Việt từ rất sớm. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, không ai xa lạ với những món như phá lấu, sủi cảo, vịt quay Bắc Kinh… Với ẩm thực Nhật Bản, người Việt lần đầu làm quen với trào lưu ăn các loại hải sản tươi sống nguyên vị, không qua chế biến. Người Hàn mang đến thành phố những tiệm thịt nướng và những quán mì cay hấp dẫn theo một phong cách mới lạ. Những món ăn của xứ lạnh giàu năng lượng đã được tiếp nhận nồng hậu ngay trên vùng đất nhiệt đới, quanh năm nắng gió, vốn dĩ chỉ hợp với các loại thực phẩm mang tính giải nhiệt. Về thức uống, không thể không nhắc đến một trào lưu sinh sau nở muộn nhưng lại nhanh chóng bén rễ và phát triển ồ ạt, đó là trà sữa Đài Loan. Loại thức uống này nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ và hiện đang trở thành một thức uống phổ biến, bất chấp giá thành đắt đỏ và khuyến cáo của các chuyên gia về vấn đề sức khỏe. 1.2 Các quốc gia Âu, Mỹ So với các quốc gia ở châu Á, các món ăn đến từ bên kia địa cầu xuất hiện muộn hơn nhưng cũng phát triển nhanh không kém. Trong thời kỳ Pháp thuộc, người dân Nam Bộ đã sớm tiếp cận với những món ăn đến từ nước Pháp, và món bánh mì quen thuộc của người Pháp đã được người Việt biến tấu thành một trong những món ăn đường phố hấp dẫn. Đến từ Italia là hai món ăn không hề xa lạ đối với bất kỳ thị dân nào: pizza và mỳ ống spaghetti. Đặc biệt, các quốc gia công nghiệp Âu Mỹ đã mang đến thành phố trào lưu thức ăn nhanh, một trong những trào lưu ẩm thực được giới trẻ ưa chuộng nhất hiện nay. Chuỗi các cửa hàng bán đồ ăn nhanh như KFC, McDonald, Pizza Hut… nằm ở các vị trí đẹp trong thành phố luôn thu hút rất đông thực khách. 1.3 Nguyên nhân dẫn đến sự du nhập ẩm thực từ các nước đến TP. Hồ Chí Minh 2.1.1 Sự cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam Kể từ Đại hội VI (năm 1986) cho đến nay, Việt Nam đã tiến hành cải cách và mở cửa hội nhập kinh tế với nhiều nước trên thế giới. Sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một điểm đến sáng giá cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến hấp dẫn với khí hậu ôn hòa, cơ sở hạ tầng tốt và nguồn nhân lực dồi dào. Nhiều công ty, xí nghiệp đến từ Mỹ, Âu, Á…được thành lập, kéo theo một lượng lớn các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam sinh sống, mang theo cả gia đình và văn hóa của nước mình sang. Đây là nguồn khách hàng đầu tiên cho những quán ăn mang phong vị ngoại quốc, vốn ban đầu mở ra là để phục vụ cho khách nước ngoài. Trong quá trình giao lưu và tiếp biến, những giá trị văn hóa ẩm thực ngoại nhập nhanh chóng được 2670
  3. truyền bá, biết đến sâu rộng, khiến cho ẩm thực thành phố Hồ Chí Minh trở nên rất phong phú và đa dạng, thu hút cả dân bản địa. 2.1.2 Tâm lý ưa chuộng cái mới của cư dân Nam Bộ Cư dân Nam Bộ vốn mang tâm lý cởi mở, phóng khoáng, thường đi đầu trong việc thích nghi và tiếp thu cái mới. Điều đó đã tạo thành tiền đề cho sự phát triển của thành phố, giúp thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế cho cả đất nước. Những trào lưu ẩm thực mới nhanh chóng được người thành phố thích thú dung nạp và tiếp nhận. Mặt khác, với đầu óc sáng tạo, ham học hỏi và khám phá, họ đã nhanh nhạy biến tấu những món ăn xa lạ từ nước ngoài thành những món gần gũi, phù hợp với khẩu vị của người Việt. 2.1.3 Sự tương đồng về văn hóa Sự tương đồng về văn hóa cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho việc truyền bá văn hóa ẩm thực được thuận lợi và thành công. Các quốc gia ở Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có rất nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt: đều sử dụng cơm trắng; rau, cá là các thực phẩm chính; chú trọng đến việc cân bằng âm dương và bồi bổ cơ thể từ bên trong. Ngay cả khẩu vị cũng có nhiều sự tương đồng, đều thích các món ăn lên men vì nó tốt cho sức khỏe. Với cơ sở vật chất tốt hơn các vùng miền khác, cư dân Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện thưởng thức nhiều loại hình văn hóa giải trí ngoại nhập như hội họa, điện ảnh, âm nhạc… Theo chân điện ảnh và âm nhạc, các trào lưu ẩm thực ngoại nhập cũng nhanh chóng được người thành phố tiếp nhận và dung nạp. 2.1.4 Khoa học – Công nghệ phát triển, con người chú trọng về sức khỏe bản thân Y học, khoa học – công nghệ ngày một hiện đại hơn thì cư dân thành phố cũng ngày càng chú trọng đến sức khỏe hơn. Họ có xu hướng chọn các sản phẩm sạch đã được cấp chứng nhận an toàn và quy trình chế biến sạch sẽ. Họ hướng đến các sản phẩm sẽ giúp bảo vệ môi trường và các loại rau củ hữu cơ không phun thuốc hóa học, tăng trưởng và ăn uống đúng mùa để đảm bảo an toàn. Để phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, đột qụy, máu nhiễm mỡ…, họ đặc biệt quan tâm tính toán lượng calo nạp vào cơ thể sao cho tốt nhất cho sức khỏe. Vì vậy, xu hướng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh theo kiểu healthy eating, eat clean, low cab… của phương Tây đã được cư dân thành phố tiếp thu nhanh chóng. 3.3 Tác động của ẩm thực các nước đến văn hóa ẩm thực của Thành phố Hồ Chí Minh 3.3.1 Ảnh hưởng tích cực 3.3.1.1 Khuynh hướng quốc tế hóa về tập quán và khẩu vị ăn uống Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều món ăn mang hương vị riêng biệt, độc đáo của nhiều địa phương, nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi món ăn của từng địa phương khi đến Thành phố Hồ Chí Minh được biến hóa để phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và thói quen của cư dân tại đây, tạo nên những bản sắc riêng, không lẫn ở bất kỳ nơi đâu. Tập 2671
  4. quán và khẩu vị ăn uống của người dân thành phố vì vậy mà cũng trở nên đa dạng, từ cách ăn cho đến món ăn, đến nguyên liệu và gia vị chế biến. Các bữa ăn công việc với những xuất cơm hộp ăn nhanh, thức ăn đóng gói tiện lợi trong siêu thị, đồ uống đóng chai… ngày càng phổ biến với thị dân, phù hợp với cuộc sống bận rộn. 3.3.1.2 Đa dạng hóa về kỹ năng chế biến, nguyên liệu, gia vị Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều loại rau củ quả dễ trồng, dễ có, đặc biệt là các loại rau gia vị. Mang nặng dấu ấn của “ẩm thực khẩn hoang”, ẩm thực Nam Bộ cũng không chế biến quá cầu kỳ mà chủ yếu là luộc, hấp, nướng trui để giữ được hương vị tự nhiên. Việc tiếp thu các trào lưu ẩm thực nước ngoài giúp cư dân thành phố đa dạng hóa về kỹ năng chế biến, cách phối trộn nguyên liệu, gia vị. Sữa, bơ, phomat, các loại thực phẩm đóng hộp, các loại rau gia vị được sấy khô…đã trở nên quen thuộc với thị dân và dần xuất hiện khá nhiều trong bữa ăn thường ngày. 3.3.1.3 Đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện đại Sự bùng nổ của các phương tiện thông tin giải trí đã làm cho nhu cầu của cư dân thành phố ngày càng phong phú và đa dạng, trong đó có nhu cầu về ẩm thực. Những trào lưu ẩm thực hiện đại đã đáp ứng được điều đó. Thị dân bây giờ không chỉ biết về những món ăn truyền thống mà còn có thể thưởng thức được tất cả những tinh hoa ẩm thực đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều đó giúp các dân tộc sẽ trở nên gần gũi, gắn bó với nhau nhiều hơn, tạo tiền đề cho sự hợp tác phát triển kinh tế trong tương lai. Thành phố Hồ Chí Minh vốn nổi tiếng trong cả nước về tốc độ sống nhanh, gấp gáp. Xu hướng công nghiệp đã khiến cư dân thành phố không có nhiều thời gian cho những bữa ăn quần tụ gia đình theo kiểu truyền thống. Vì vậy, xu hướng thức ăn nhanh dễ dàng được giới trẻ thành phố tiếp nhận. 3.3.1.4 Góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho ngành du lịch thành phố Sự đa dạng về ẩm thực và văn hóa đem lại rất nhiều lợi thế cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc kích cầu du lịch. Trên bản đồ du lịch thế giới, ẩm thực Việt được đánh giá cao bởi sự tươi mới của nguyên liệu và sử dụng nhiều rau củ, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, các món ăn đường phố Việt Nam trở thành một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút rất nhiều thực khách. Thông qua các hội chợ ẩm thực, ngành du lịch đã khéo léo quảng bá được rất nhiều món ăn Việt ra với thế giới. Điều đó góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho ngành du lịch, không chỉ giúp phát triển kinh tế cho thành phố nói riêng mà còn phát triển kinh tế cho cả nước nói chung. 3.3.2 Ảnh hưởng tiêu cực 3.3.2.1 Ảnh hưởng đến sức khỏe Đã có rất nhiều khuyến cáo của các chuyên gia về ảnh hưởng xấu của các trào lưu ẩm thực hiện đại đến sức khỏe con người. Các thể loại mì cay dễ gây bệnh cho đường tiêu hóa. Các loại đồ ăn nhanh rất nhiều dầu mỡ, dễ gây nên nhiều bệnh nguy hiểm như béo phì, máu nhiễm mỡ từ đó tắc mạch máu dễ gây đột quỵ. Các món ăn này cũng ít có rau xanh và 2672
  5. không có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết giúp duy trì hoạt động cơ thể, gây nên dậy thì sớm ở trẻ em. Trà sữa quá nhiều đường và chất béo, không tốt cho cơ thể… 3.3.2.2 Ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử trong ăn uống Người Việt Nam vốn coi trọng phép tắc, lễ nghĩa trong ăn uống. Với ngưòi Việt, ăn uống là những cách thế, hình thức… thể hiện phép tắc, luân lý, cách xử thế của con người trong xã hội. Ăn không chỉ để no mà còn để biểu lộ tình cảm, vừa thể hiện sự xã giao lịch thiệp, vừa thể hiện mối quan tâm tới người cùng ăn. Vì vậy, bữa ăn Việt luôn thể hiện tính công đồng và tính mực thước rất rõ nét. Thông qua bữa ăn, người lớn chỉ dạy cho con cháu những phép tắc, cách thức ứng xử phù hợp. Nghệ thuật bếp núc của người Việt cũng gắn bó với tình cảm con người một cách mật thiết. Nền ẩm thực ngoại nhập mang theo tư duy cởi mở, xem ẩm thực chỉ đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu của dạ dày, ít chú trọng đến những tiểu tiết ứng xử như trong văn hóa Việt. Một bộ phận giới trẻ hiện nay thiếu hẳn sự lịch thiệp cần có trong ăn uống, do không có đủ sự chỉ dạy cần thiết. Các bữa ăn công việc cũng khó tạo được sự gắn kết mật thiết như trong các bữa ăn truyền thống. 3.3.2.3 Sự phai nhạt của văn hóa ẩm thực truyền thống Là nước nông nghiệp, cơ cấu bữa ăn truyền thống của người Việt từ xưa là cơm-rau-cá-thịt, với thực vật đứng đầu bảng. Các món ăn khi chế biến được chú ý phối trộn theo nguyên tắc cân bằng âm dương để giữ gìn sức khỏe. Điều này hiện nay ít được cư dân thành phố chú trọng. Tháp thức ăn của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng mất cân bằng khi thịt cá ngày càng ê hề và rau củ quả đang dần thu hẹp trong bữa cơm gia đình. Nước chè vốn là thứ thức uống truyền thống rất tốt cho sức khỏe giờ hầu như đã lui về vị trí khiêm tốn, không được ưa chuộng ở thành phố. Một số món ăn cổ truyền đang có xu hướng dần biến mất, chỉ còn xuất hiện trong những dịp lễ hội truyền thống. Với tâm lý sính ngoại, một bộ phận người Việt hiện nay ở thành phố cũng đang có xu hướng sử dụng thực phẩm ngoại nhập, từ trái cây, rau củ quả đến các loại thức uống. Thực phẩm đông lạnh và đồ hộp cũng đang soán chỗ trong những bữa ăn Việt vốn chuộng sự tươi mới của thực phẩm. 3.3.2.4 Tạo cho giới trẻ tư duy sai lệch về ẩm thực truyền thống Các món ăn của người Việt thường chú trọng đến sự tinh tế. Sự xuất hiện rầm rộ của trào lưu ẩm thực “siêu to khổng lồ” mang tính khoe mẽ hoàn toàn khác xa với các giá trị truyền thống. Sự sẵn có của các nhà hàng, quán xá với mức giá bình dân đã khiến một phần lớn giới trẻ ngày nay xa lạ với việc nội trợ và cũng không tha thiết lắm với các bữa cơm gia đình. Ảnh hưởng bởi tâm lý sùng ngoại, có một bộ phận giới trẻ có tư duy sai lệch rằng ẩm thực Việt Nam thua kém với các nền ẩm thực khác trên thế giới. 4 KẾT LUẬN Sự đa dạng ẩm thực của Thành phố Hồ Chí Minh giúp đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến thành phố, đồng thời là một điểm sáng giúp thành phố thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, đứng trước những tác động tiêu cực do quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mang lại, các cấp chính quyền cũng như mỗi người dân thành phố cần có những giải pháp khả thi để 2673
  6. bảo tồn được những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống. Đồng thời cũng giúp cho ẩm thực thành phố tạo được tiếng vang trên bản đồ ẩm thực thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO Sách [1] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB. Giáo dục, Hà Nội. [2] Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB. Tổng hợp, TP.HCM. [3] Phan Cẩm Thượng (2012), Văn minh vật chất của người Việt, NXB. Tri thức, Hà Nội. [4] Hồ Sĩ Vịnh (2008) Giao lưu văn hoá thời hội nhập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Tài liệu trực tuyến [5] Nguyễn Nguyệt Cầm (2008), Văn hóa ẩm thực, http://caodangthanglong.edu.vn/wp- content/uploads/2017/06/GT-V%C4%83n-h%C3%B3a-%E1%BA%A9m- th%E1%BB%B1c.pdf. [6] Phan Tôn Tịnh Hải (2017), Ẩm thực Việt Nam trong xu thế hội nhập, https://trian.vn/am-thuc-viet-nam-trong-xu-the-hoi-nhap/d20200904152310492.htm. [7] Nguyễn Quốc Sửu (2018), Cải cách hành chính ở Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế và cộng đồng Asean, https://www.quanlynhanuoc.vn/2018/05/03/cai-cach-hanh- chinh-o-viet-nam-huong-toi-hoi-nhap-quoc-te-va-cong-dong-asean/ [8] Lê Văn Vũ (2015), Nghiên cứu văn hóa ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch, https://text.xemtailieu.com/tai-lieu/nghien-cuu-van-hoa-am-thuc-dong- bang-song-cuu-long-trong-phat-trien-du-lich-1050256.html 2674
nguon tai.lieu . vn