Xem mẫu

  1. Với đối tác lúc “giữa dòng” * Đối tác không muốn đả động về các khoản nợ. Giữa tình hình này, chẳng có gì khó hiểu nếu một doanh nghiệp bị kẹt tiền và trì trệ thanh toán các hóa đơn. Nhưng cũng có doanh nghiệp lợi dụng t ình hình để ù lỳ, chiếm dụng vốn. Làm sao để không trở thành kẻ “bức tử” đối tác nhưng cũng không bị đối tác lợi dụng? Hãy điều tra họ thay vì chỉ tống đạt công văn đòi nợ hay ngồi một chỗ mà cả nể, xót thương. Là người trong nghề, đã có mối giao dịch với nhau, bạn không quá khó để có những thông tin khái quát về “sức khỏe” của đối tác thông qua các đối tác khác. Nếu tình hình của họ thực sự xấu, trong khả năng của mình, bạn có thể gia hạn thanh toán, nhưng cũng phải thống kê và yêu cầu xác nhận nợ rõ ràng, đồng thời thỏa thuận các bước gia hạn để đối tác hiểu và an tâm rằng bạn đang đồng hành với họ. Đừng bao giờ để xảy ra tình trạng dây dưa, mịt mù theo kiểu không đòi được nợ nhưng các hóa đơn, hợp đồng giữa hai bên cũng không rõ ràng. Trong trường hợp đối tác cố tình lợi dụng tình hình để ù lỳ, bạn phải quyết liệt bởi đây là lúc bạn cần an toàn tài chính và không cần những đối tác thiếu lành mạnh. * Đối tác đột ngột “trở chứng”. Lâu nay, họ giao dịch với công ty bạn rất sòng phẳng nhưng bỗng nhiên trở nên khắt khe một cách phi lý, như chỉ vì một vài món hàng bị lỗi, họ đòi hủy hợp đồng hoặc yêu cầu làm lại toàn bộ đợt hàng. Đừng vội nổi nóng! Rất có thể họ đang gặp lúng túng bên trong và làm khó bạn là hạ sách bất đắc dĩ họ phải chọn. Vì vậy, thay vì cứ chỉ xoáy vào tranh cãi những việc nhỏ nhặt trước mặt, hãy quan sát, tìm hiểu tổng thể
  2. để “bắt mạch” họ! Sau đó, hãy ngồi lại và đề nghị họ nói thẳng bản chất vấn đề mà họ đang thực sự cần nơi bạn: Giảm giá đơn hàng cho phù hợp với tình hình dù thấp hơn giá đã ký hợp đồng trước đó? Thời hạn thanh toán nới rộng cho đến khi họ bán xong hàng? Họ muốn đặt những đơn hàng mới chất lượng thấp hơn để có giá thành rẻ hơn?... Khi hiểu rõ nhu cầu của nhau, hai bên cùng tháo gỡ để có giải pháp tốt hơn là cứ viện lý do để trốn tránh. * Nội bộ của đối tác mâu thuẫn, tranh chấp lẫn nhau. Đây là trường hợp rất dễ xảy ra khi một công ty không may rơi vào suy thoái. Bạn sẽ vội vã hối thúc thanh toán các hợp đồng vì nếu “triều đại” thay đổi, họ sẽ làm khó bạn? Hay ngả về một bên mà bạn nghĩ rằng nếu thắng thế, họ sẽ đền đáp bằng các hợp đồng độc quyền chẳng hạn? Đó đều không phải là lựa chọn lành mạnh. Khi công việc làm ăn của bạn với đối tác minh bạch, dù có đổi ngôi, thì mọi việc vẫn đâu còn đó. Cho nên, giữ thái độ điềm tĩnh, khách quan là cần thiết nhất. Nhiều khi cần kiên nhẫn hơn một chút, vì trong tình hình ấy, chắc chắn phía đối tác không thể giải quyết các vấn đề đối ngoại với bạn nhanh chóng, suông sẻ như mọi khi. * Bạn hàng nhỏ lâm vào bế tắc. Các đơn vị nhỏ, lẻ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và sẽ rơi vào “điểm chết” một khi thị trường xuống thấp. Nhưng họ lại là kênh phân phối của bạn, đang giữ của bạn những khoản nợ. Khi họ đã là kẻ “không có tóc”, bạn có “bố ráp” cũng chẳng thể thu hồi tiền bạc hay hàng hóa trở về. Cho nên, cách khôn ngoan hơn là phải giúp họ sống, để đầu ra của bạn sống và dòng vốn được tiếp tục lưu thông. Họ nhỏ lẻ và bơ vơ nên rất cần sự dẫn đường của bạn. Lúc này, từ vai trò đối tác, bạn còn cần mạnh mẽ hơn để trở thành người lãnh đạo, chỉ đường.
nguon tai.lieu . vn