Xem mẫu

  1. Học theo nhóm : Phương pháp học hiệu quả Tính chất của việc học ở bậc đại học và cao đẳng là sinh viên phải tự nghiên cứu. Kiến thức ở trường thường thiên về lý thuyết, còn thực tế luôn đòi hỏi người học phải có khả năng tư duy, tìm tòi và ứng dụng. Học theo nhóm là mô hình học tập, làm việc theo rất hiệu quả và phù hợp với chương trình học hiện nay. Mỗi sinh viên sẽ khó lòng tiếp tục duy trì kiểu học thụ động. Thay vào đó là những buổi thảo luận seminar thật sự cởi mở và thiết thực trong nhóm, giúp sinh viên tăng cường khả năng hùng biện, xử lý tình huống cũng như bộc lộ và bảo vệ quan điểm của mình. Khi làm việc theo nhóm, ý thức tự giác và sự nỗ lực của các thành viên đóng vai trò quyết định, đặc biệt là vai trò của người nhóm trưởng. Mỗi thành viên không được ỷ lại, tránh kiểu suy nghĩ “vắng mợ chợ vẫn đông ”. Học tập theo nhóm mang lại nhiều mặt tích cực
  2. Học nhóm là một hình thức học hợp tác nâng cao chất lượng của học viên – các học viên giao lưu với nhau và có được những kết quả học tập tiến bộ về nhiều mặt. Theo cách này, học viên được tạo cơ hội tự đặt câu hỏi, thảo luận, trình bày quan điểm, và thực hiện học hợp tác.Hoạt động của môi trường nhóm sẽ thúc đẩy sự tích cực suy nghĩ của cá nhân, tạo sự gắn kết trong một cộng đồng nhỏ. Trong khi làm việc nhóm, những mâu thuẫn sẽ nảy sinh và đòi hỏi sinh viên phải giải quyết “xung đột”. Từ đó họ sẽ có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này. Tinh thần học tập và khả năng lắng nghe người khác cũng chính là điều mà sinh viên cần phải tiếp thu, học hỏi. Những kĩ năng này thực sự rất quan trọng khi họ bước ra môi trường làm việc, đây sẽ là tiền đề tốt để sinh viên biết cách làm việc trong một môi trường tập thể. Học theo nhóm giúp cải thiện sự giao tiếp thông qua các hoạt động trao đổi diễn ra thường xuyên, mọi người trở nên thân thiện, từ đó, bầu không khí học tập, lao động trở nên sôi động hơn. Mọi người dần giảm bớt tư tưởng đề cao cá nhân để hướng đến tập thể, để cùng giải quyết các vấn đề lớn mà một người hoặc một nhóm người làm việc độc lập, riêng rẽ không thể hoàn thành được. Bầu không khí làm việc của tổ chức thay đổi theo hướng tích cực, mọi người có thái độ thiện chí với nhau. Chính vì vậy mà vấn đề hóc búa thường được giải quyết dễ dàng hơn.
  3. Các thành viên có sự hỗ trợ của đồng đội, có điều kiện thể hiện cá nhân, được chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn những thành viên khác. Mọi việc trước đây được xem là nhàm chán thì giờ đây, dưới cái nhìn từ một góc độ khác từ nhóm, vấn đề trở nên mới và hấp dẫn hơn. Những hoạt động chung này sẽ kích thích sự sáng tạo của mọi người, tập hợp được những ý kiến sáng tạo của từng cá nhân, từ đó sản phẩm học tập sẽ giàu tính sáng tạo. Những phương pháp tối ưu nhất sẽ được lựa chọn từ những ý kiến được nêu ra. Những ý kiến được lựa chọn sẽ là những ý kiến dành được sự chấp thuận của nhiều thành viên trong nhóm. Sản phẩm học tập lúc này cũng sẽ là kết quả của tất cả các thành viên. Học nhóm còn giúp sinh viên rèn luyện được khả năng thuyết trình trước đám đông - điều mà đa số sinh viên hiện nay còn rất yếu. Những nguyên nhân khiến học nhóm còn chưa đạt hiệu quả tốt Những mặt tích cực của phương pháp học tập theo nhóm là không thể phủ nhận. Nhưng không phải nhóm sinh viên cũng đạt được kết quả cao nhất với phương pháp học tập này, thậm chí đôi khi một số sinh viên cảm thấy nó mang nhiều tính hình thức và đạt được ít hiệu quả hơn so với việc làm việc theo cá nhân. Chúng ta có thể xét đến một số nguyên nhân sau:
  4. Thứ nhất, một số sinh viên coi bài tập nhóm là công việc của tập thể nên thường có tâm lí “không phải việc của mình”, ai cũng trừ mình ra. Và kết quả là “cha chung không ai khóc”. Thứ hai, mọi người có xu hướng bảo vệ ý kiến của mình mà không thực sự xem xét thấu đáo ý kiến của người khác. Mỗi thành viên trong nhóm đều có ý kiến riêng mình và thường thì chỉ thấy cái thiếu sót trong ý kiến của người khác mà không tìm ra cái đúng của nó và ngược lại cũng chỉ thấy cái đúng của ý kiến của mình mà không thấy cái thiếu sót. Thứ ba, do là làm việc theo nhóm nên sự hợp tác là rất quan trọng, đòi hỏi sự tự giác của từng thành viên trong nhóm. Sự làm việc này tương tự như sự hoạt động của một dây chuyền sản xuất. Dây chuyền sẽ không thể hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả nếu một bộ phận không làm việc hoặc làm việc không đúng chức năng. Nếu một thành viên trong nhóm không làm việc như đã phân công sẽ dẫn đến công việc nhóm sẽ bị ngưng trệ. Nếu cả nhóm không hợp thành một thể thống nhất phục vụ cho một mục đích duy nhất thì nhóm dễ dẫn đến tan rã. Thứ tư, đó là sự phân công công việc không rõ ràng. Đôi khi một thành viên trong nhóm phải đảm nhiệm quá nhiều công việc, trong khi có thành viên không có việc gì để làm. Thực tế cho thấy, công việc thường bị dồn quá nhiều cho nhóm trưởng, thậm chí sản phẩm đôi khi là kết quả của riêng nhóm trưởng chứ không
  5. phải là sản phẩm của cả nhóm. Ngược lại, đôi khi người nhóm trưởng bảo thủ” ôm quá nhiều công việc về mình dẫn đến những thành viên khác “tự ái” và kết quả là sự bất hợp tác. Ít khi gặp được một người trưởng nhóm có đầu óc tổ chức, phân công việc sao cho hiệu quả. Thứ năm, một số người chỉ thích làm việc độc lập mà không muốn chia sẻ suy nghĩ hay ý tưởng với những thành viên khác trong nhóm. Như vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, trước hết phải có sự phân công công việc hợp lý. Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò và khả năng chỉ đạo của người nhóm trưởng. Khi công việc được phân chia rõ ràng cho từng thành viên họ sẽ ý thức được vai trò của mình, có trách nhiệm hoàn thành công việc. Một điều đặc biệt quan trọng khác phải nói đến sự tự ý thức của các cá nhân trong nhóm, bản thân sinh viên nên thấy trách nhiệm của mình một phần trong đó và sản phẩm hoàn thành có một phần đóng góp của bản thân. Tinh thần học hỏi, chịu khó lắng nghe, hết mình vì tập thể, đó sẽ là chìa khóa giúp một bài tập nhóm thành công. Ngoài ra, bạn cần phải sắp xếp thời gian học tập, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để khi học bạn có sự thoải mái và tập trung cần thiết. Nhóm BCK07
nguon tai.lieu . vn