Xem mẫu

Chương chín
Huệ chưa khỏi hẳn nhưng đã đi lại được ở mấy nhà quanh ngách.
Nàng hay bắc ghế ra ngồi ngoài thềm cửa. Một vài lần có người quen
đi qua, Huệ lại kéo vào nói chuyện bâng quơ. Nàng bô bô cả chuyện
chồng con của mình khi nhác thấy bác Tốn thấp thoáng ở đằng xa:
"Chồng tôi đấy! Chồng ơi..."
"Rõ nỡm chửa kìa! Cưới chồng ở đâu ra mà nhanh thế.”
Huệ chỉ về phía căn nhà lụp xụp của bác Tốn:
"Nhà chồng tôi đấy... chồng tôi cưng tôi, tôi ốm thì mua cả bánh đem
cho nữa.”
Có tiếng cười rích lên:
"À! Thằng khỉ gió!"
Huệ phát bẳn lên:
"Nỡm cái nhà bác này! Nói chồng người ta!"
Rồi Huệ cười rúc rích, cổ nàng ngoẹo sang một bên, mái tóc rũ
xuống trán và má. Nàng có vẻ thích thú khi nghĩ rằng trong đời sống
của mình có một nhân vật mới. Thật là giản tiện, vừa có chồng để nói
sướng mồm, vừa không vướng víu, thiệt thòi gì cả. Mà dân trong xóm
Cỏ cũng mặc nhiên công nhận tình trạng vợ chồng trời ơi đất hỡi ấy
bằng một sự vui thích. Họ không từ bỏ cơ hội nào để có thể được
cười đùa. Thỉnh thoảng một người đi qua ngưỡng cửa nhà Huệ lại
ngứa miệng hỏi một câu:
"Chồng đâu? Cô Huệ ơi!"
Huệ đáp:
"Chồng không có nhà.”

"Có "đi" không?"
"Khỉ gió đùng lăn nhà bác lắm nữa! Chồng tôi nó ghen lắm đấy biết
chưa!"
Sự bông đùa khiến Huệ thấy gần gũi với bác Tốn hơn. Những ngày
khỏi ốm, lúc đánh phấn bôi môi đi qua nhà bác, Huệ bắt đầu chú ý
đến túp lá tồi tàn nằm im lìm trong bóng tối. Bác Tốn đi hát từ chiều.
Cánh cửa bằng nan tre xộc xệch khép hờ hững vào sát thân cây
xoan tây mới lớn. Khoảng sân đất nhỏ hẹp trơ trụi mấy ngọn cỏ mọc
hoang. Một lu nước thấp lè tè kê trên mấy hòn gạch đặt ở đầu hiên.
Căn nhà im lặng đến hoang vắng. Qua khung cửa nhỏ, bóng lối hun
hút như một lỗ mắt có chiều sâu. Huệ nghĩ đến sự mù loà của bác
Tốn. Một đôi lần Huệ đã định ngắm kỹ khuôn mặt trắng xanh của bác.
Nhưng tròng mắt đỏ ngầu lẫn lộn những sợi thịt xanh tím của bác
khiến Huệ thấy ghê sợ. Nàng bất giác quay đi để khỏi ghi lại trong
đầu cái hình ảnh ấy. Huệ chỉ thấy thích nụ cười nhếch nửa miệng và
giọng hát ỡm ờ đáng yêu của bác:
"Cô Huệ ơi...
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng..."
Huệ nghĩ rằng nếu bác không mù loà thì nàng chẳng ngần ngại gì mà
không về với bác. Còn thực tế thì bao giờ cũng chua chát hơn. Huệ
chỉ thấy như mình đang nắm giữ một trò đùa thích thú. Thỉnh thoảng
đứng trước mọi người, Huệ lại réo tướng lên khi nhác nom thấy bác:
"Chồng tôi đấy! Chồng ơi..."
Bác Tốn tuy nghe thấy nhưng không bao giờ ngoái cổ lại. Bác có cảm
giác như tất cả mọi người đang chú ý đến mình. Những tiếng cười
rúc rích như xoáy vào lưng, khiến bác thấy xấu hổ muốn chết được.
Mặt bác đỏ lên ở dưới nắng. Hai hàm răng của bác cười nhe ra như
để chữa thẹn với mình. Hình như bác cũng biết rõ là Huệ cũng chỉ nói
đùa. Phải duyên phải nợ thì cả hai đã "bén" từ lâu rồi ấy chứ, đã bao
lần bác tự nhủ thầm với mình như vậy! Bây giờ, bác lại tìm ra được
mấy câu hát mới, và bác chỉ hát mỗi khi nghe thấy tiếng Huệ léo xéo
với mọi người ở ngách trong:
Tôi trông thấy cô...

Tôi buồn...
Tôi chán...
Tôi chuồn...uồn...
Tiếng Huệ lại rít lên ở trong những tiếng cười của chòm xóm làm bác
thích chí. Sợi dây đàn bác bật một cách rất ẩu ở trên ngón tay, và
bác cũng bật lên cười nghe khì khì có vẻ khoái trá. Ấy cứ chọc qua
chọc lại với nhau như thế cũng đủ khiến cho lòng bác thấy ấm áp và
trong trái tim thổn thức, bác đã thấy Huệ rất gần gũi với mình. Bác
yêu sự chanh chua, kiêu kì của Huệ. Bác nghĩ rằng không lấy nhau
mà được đùa với nhau như thế thì cũng đã là sướng lắm rồi. Mà hình
như Huệ cũng chia sẻ chung với bác cái cảm nghĩ ấy. Một đôi lần, lúc
về khuya đi qua cửa nhà bác, Huệ thấy bác Tốn bắc ghế ngồi ngoài
sân. Nàng làm như hai người đã thân thiết với nhau lắm nên nói
trước:
"Hát đi bác Tốn!"
Bác Tốn ngẩng lên:
"Ai đấy?"
"Ai chả được!"
"À! Cô Huệ..."
"Hát đi một bài nghe chơi..."
Bác Tốn cười một mình trong bóng tối, mùi phấn thơm thoang thoảng
theo gió đưa vào mũi bác. Mặt bác ngửa lên, ngón tay bác gõ vào
bầu gỗ:
"Tôi trông thấy cô..."
Huệ dẫy nẩy lên:
"Khỉ gió!"
Bác Tốn tủm tỉm cười, nghiêng mặt về phía có tiếng Huệ nói:

"Hát thế chứ hát làm sao?"
"Ca cải cách đi!"
Bác Tốn liền cất giọng:
"Đêm qua mơ dáng em nâng cung đàn gieo muôn tiếng tơ..."
Bài hát chưa dứt được một câu thì Huệ đã đi thẳng vào trong xóm tự
lúc nào. Tiếng guốc lóc cóc của nàng vang lên mặt đá khấp khểnh,
âm thanh khô ròn và ngắn gọn vang vọng trong lòng bác một nỗi
niềm lưu luyến. Bác ước gì chạy được ngay tới bên Huệ, cầm lấy tay
nàng, hôn lên má và trán nàng, rồi ngỏ lời xin lấy nàng làm vợ.
Nhưng bao giờ thì những chuyện ấy cũng chỉ là niềm ước vọng. Nó
khắc khoải không nguôi trong khoảng tối đen mù mịt như khoảng trời
trong đôi mắt của bác. Như đêm dài mịt mùng và mãi mãi bác chỉ
hình dung thấy bóng Huệ, thon nhỏ, mặc áo đỏ quần trắng, đánh má
hồng đi ở dưới ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn hắt từ ngoài
phố vào. Bất giác, một nỗi buồn thấm thía ùa đến xâm chiếm lòng
bác. Bác ngồi xuống, ngả lưng vào thành ghế, hai chân duỗi thẳng,
mặt ngửa lên trời. Một luồng gió mát thoang thoảng thổi qua cổ và
má mơn man. Bác nghĩ đến một khoảng trời bao la và đầy sao sáng.
Ngày xưa ở quê nhà, những đêm mùa thu phải đi coi lúa ngoài đồng,
hay nằm ở trên gò cao hóng mát thì bác cũng có những giây phút
được các làn gió mơn man như thế. Bác còn nhìn thấy những vì sao
lấp lánh trên đỉnh đầu xếp với nhau thành những hình thù rõ rệt. Bầy
vịt bơi trong giải sông Ngân kéo dài mãi xuống cuối trời. Những chòm
sao Mục Phu, Thất Nữ, Thần Nông, Đại Hùng lấp lánh ngang tầm
mắt. Ôi! Cái thời còn sáng mắt sao mà hạnh phúc đến thế! Bác vụt
thấy lòng khao khát một tia sáng, dù chỉ một tia sáng thôi thì bác cũng
đủ hình dung ra được khung cảnh thật sự đang diễn ra ở chung
quanh bác hàng ngày. Đã sống quen với bóng tối, lâu lắm hôm nay
bác mới lại thấy lòng vụt trỗi lên những cảm giác khổ sở, ray rứt, đớn
đau, dằn vặt, giống như cái thời bác mới bị lâm vào cảnh mù loà. Bác
Tốn chợt rưng rưng khóc. Từng giọt nước mắt ứa ra ở hai bên bờ mi.
Bác châm cho mình một điếu thuốc rồi im lặng ngồi hút trong bóng
tối. Đêm về khuya nên cảnh vật yên tĩnh lạ. Chỉ có tiếng xe cộ từ giữa
phố vọng về ù ù trong gió. Tiếng võng kẽo kẹt đưa buồn nản vang lên
từ mấy nhà chung quanh. Thỉnh thoảng có một chiếc xích lô uể oải
đạp qua, lăn khấp khểnh vào lòng ngõ. Mấy người đàn bà bán quà

đêm trở về lê dép quèn quẹt trong bóng tối. Bác Tốn ngồi thiu thiu
như thế cho đến khi có tiếng người gọi mình ở hàng rào, mới choàng
dậy.
"Tốn đấy à?"
"Ai đấy?"
"Tám đây!"
"À! Dượng thằng Ích. Đi đâu về khuya thế?"
Có tiếng ngáp bên tai, tiếp theo là giọng nói uể oải:
"Buồn thì đi làm một quắn xóc đĩa!"
"Được hay thua?"
"Thua! Mà thua cay chứ lị! Mình khát nước hoài.”
"Thôi thì còn canh này, canh khác.”
Dượng Tám chép miệng:
"Ừ! Thì sông có khúc, người có lúc chứ. Này!"
"Gì cơ?"
"Cho mượn mấy trăm nhớ!"
"Có đếch đâu.”
"Thôi đi! Cậu cứ vờ! Tẩm ngẩm tầm ngầm mà giầu nhất xóm đấy!"
Bác Tốn giẫy nẩy lên:
"Gớm! Có mà của đi hót được. Đủ ăn hai bữa là may.”
"Sao bảo cậu có bạc nghìn cơ mà.”

nguon tai.lieu . vn