Xem mẫu

TÊN TÔI LÀ ĐỎ
Orhan Pamuk
Chương 29: Tôi Là Dượng Yêu Quý Của Cháu
Một sự im lặng bao trùm căn phòng khi anh ta thú nhận mình đã giết
Zarif Kính mến. Tôi cho rằng anh ta cũng sẽ giết tôi. Tim tôi đập liên hồi.
Anh ta đến đây để giết tôi hay để thú nhận và làm tôi sợ hãi? Liệu anh ta có
biết mình muốn gì không? Tôi thấy sợ, nhận ra rằng tôi hoàn toàn không
hiểu được thế giới nội tâm của người nghệ sĩ tài hoa mà những dòng chữ
tuyệt đẹp và cách sử dụng màu sắc đầy ma lực đã quen thuộc với tôi trong
nhiều năm này. Tôi cảm nhận được anh ta đang đứng sau lưng tôi, ngay sát
gáy tôi, người cứng đơ, tay nắm chặt cái bình mực đỏ to kia, nhưng tôi
không quay lại đối mặt với anh ta. Tôi biết sự im lặng của tôi sẽ làm anh ta
lo lắng. "Lũ chó cũng không chịu im mồm nữa," tôi nói.
M
Chúng tôi lại im lặng. Lần này tôi biết rằng cái chết của tôi, hoặc việc tôi
ít nhiều tránh được bất hạnh này, sẽ tùy thuộc vào điều tôi nói với anh ta.
Ngoài công việc của anh ta, tôi chỉ biết rằng anh ta rất thông minh, và nếu
công nhận rằng một nhà minh họa không nên để lộ tâm hồn mình trong tác
phẩm, thì sự thông minh, dĩ nhiên, là một vốn quý. Sao anh ta lại dồn tôi vào
chân tường tại nhà khi không có ai khác ở đây? Đầu óc già nua của tôi bị ám
ảnh một cách giận dữ với câu hỏi này, nhưng tôi quá bối rối đến độ không
thể tự cứu mình thoát khỏi trò này. Shekure đâu rồi?
"Ông đã biết đó là tôi, đúng không?" anh ta hỏi.
Tôi hoàn toàn không biết gì cả, cho đến khi anh ta nói với tôi. Trong
thâm tâm thậm chí tôi đang tự hỏi phải chăng anh ta không giết được Zarif
Kính mến và rằng tay tiểu họa quá cố có thể thực sự đã không chịu nổi
những lo lắng của anh ta và gây rắc rối cho những người còn lại chúng tôi.

Tôi còn hơi biết ơn tên giết người mà tôi đang một mình đối diện trong
ngôi nhà vắng vẻ này nữa.
"Ta không ngạc nhiên việc anh giết anh ta," tôi nói. "Những người như
chúng ta vốn sống với những cuốn sách và luôn luôn mơ về những tranh
sách của họ, chỉ sợ một điều duy nhất trên đời này. Hơn nữa chúng ta đang
đấu tranh với một điều còn nguy hiểm và bị cấm đoán hơn, nghĩa là, chúng
ta đang đấu tranh để làm những bức tranh trong một thành phố Hồi giáo.
Cũng như Sheikh Muhammad xứ Isfahan, những nhà tiểu họa chúng ta
thường cảm thấy có lỗi và hối tiếc, thoạt tiên chúng ta tự trách mình trước
khi người khác khiển trách, xấu hổ và cầu xin Thượng đế cùng cộng đồng
thú tội. Chúng ta làm sách trong vòng bí mật giống như bọn tội phạm đáng
xấu hổ. Ta biết quá rõ rằng việc khuất phục trước những lời công kích bất
tận của các hoja, nhà thuyết giáo, quan tòa và những tu sĩ phái thần bí vốn
buộc chúng ta tội báng bổ, rằng cảm giác tội lỗi khôn nguôi vừa bóp chết
vừa nuôi dưỡng trí tưởng tượng của người họa sĩ như thế nào mà."
"Ông không trách cứ tôi vì đã giết tay tiểu họa ngu ngốc đó, đúng
không?"
"Những gì thu hút chúng ta vào việc sáng tác, minh họa và vẽ tranh gắn
liền với nỗi sợ bị báo thù này. Không phải chỉ vì tiền và đặc ân mà chúng ta
bò lê trước tác phẩm của chúng ta từ sáng đến tối, tiếp tục bên ánh nến thâu
đêm cho đến khi bị mù và hy sinh bản thân cho những bức tranh và sách, ấy
còn là để thoát khỏi chuyện tầm phào của kẻ khác, để thoát khỏi đám đông,
nhưng ngược với đam mê sáng tạo này, chúng ta cũng muốn những người
mà chúng ta từ bỏ thấy được và đánh giá cao những bức tranh đầy cảm hứng
mà chúng ta tạo ra - và liệu họ có cần phải gọi chúng ta là những kẻ tội lỗi
không? Ôi, đau đớn thay cho nhà minh họa tài năng thực sự! Nhưng hội họa
đích thực thì ẩn trong nỗi đau khổ mà không ai thấy và không ai tạo ra. Nó
nằm trong bức tranh, mà thoạt nhìn lần đầu họ sẽ cho là xấu, khiếm khuyết,
bất kính hay dị giáo. Một họa sĩ đích thực biết anh ta phải đạt đến chỗ đó,
nhưng đồng thời anh ta lại sợ sự cô độc vốn đang chờ đợi anh ta ở đó. Ai sẽ
tán thành một kiếp sống căng thẳng, đầy đe dọa như thế? Bằng việc tự trách

mình trước khi bị người khác trách, người nghệ sĩ tin anh ta sẽ thoát khỏi
những gì anh ta đã sợ hãi trong nhiều năm. Những người khác chỉ lắng nghe
và tin anh ta khi anh ta thừa nhận tội lỗi của mình, mà rồi vì nó anh ta sẽ bị
kết án hỏa thiêu trong Địa ngục - chính nhà minh họa xứ Isfahan đã châm
ngọn lửa hỏa ngục đó."
"Nhưng ông không phải là một nhà tiểu họa," anh ta nói. "Tôi không giết
anh ta vì sợ."
"Anh đã giết anh ta vì anh muốn vẽ như anh muốn, mà không sợ hãi."
Lần đầu tiên trong một thời gian dài, nhà tiểu họa, người khao khát trở
thành kẻ giết tôi, nói một điều hết sức thông minh: "Tôi biết ông đang giải
thích mọi chuyện này để làm tôi phân tâm, để đánh lừa tôi, để gỡ ông ra khỏi
tình huống này," Và anh ta nói thêm: "nhưng điều ông vừa nói là sự thật. Tôi
muốn ông hiểu và lắng nghe tôi."
Tôi nhìn vào mắt anh ta. Anh ta đã hoàn toàn quên nghi thức quen thuộc
giữa chúng tôi khi anh ta nói: Anh ta đã bị ý tưởng của chính mình cuốn đi.
Nhưng tới đâu?
"Đừng bao giờ sợ, tôi sẽ không xúc phạm đến danh dự của ông," anh ta
nói. Anh ta bật cười cay đắng khi vòng ra đằng trước, đối diện tôi. "Ngay cả
bây giờ," anh ta nói, "khi tôi đang làm chuyện này, thì tôi cũng không có vẻ
là tôi nữa. Như thể có điều gì dằn vặt trong tôi ép tôi tuân theo ý đồ xấu xa
của nó. Tuy nhiên tôi vẫn cần điều đó. Với việc vẽ tranh cũng vậy."
"Đó là chuyện kể của các bà già về Quỷ sứ."
"Vậy ông cho là tôi nói dối hả?"
Anh ta không có đủ can đảm để giết tôi, vì vậy anh ta muốn tôi chọc
giận anh ta. "Không, anh không nói dối, nhưng anh cũng không thừa nhận
điều anh cảm thấy."
"Tôi thừa nhận những gì tôi cảm thấy. Tôi chịu đựng những giày vò của

cái chết mà không chết. Vô tình chúng tôi ngập cổ trong tội lỗi vì ông, thế
mà bây giờ ông đang thuyết giáo "hãy can đảm hơn". Ông chính là người
biến tôi thành kẻ sát nhân. Bọn tay chân hung ác của Nusret Hoja sẽ giết tất
cả chúng ta."
Càng mất tự tin, anh ta càng cao giọng và càng siết chặt bình mực trong
tay hơn. Liệu có ai đi ngang qua trên con đường đầy tuyết này nghe được
tiếng la của anh ta và bước vào nhà không?
"Anh đã giết anh ta như thế nào?" Tôi hỏi, để kéo dài thời gian hơn là vì
tò mò. "Làm sao các anh tình cờ gặp nhau ngay miệng giếng đó?"
"Cái đêm Zarif Kính mến rời nhà ông, anh ta đến chỗ tôi," anh ta nói,
với một khao khát thú nhận bất ngờ. "Anh ta nói anh ta đã thấy bức tranh tờ
đôi cuối cùng đó, tôi cố hết sức thuyết phục anh ta đừng làm lớn chuyện. Tôi
kéo anh ta đi tới khu bị hỏa hoạn tàn phá. Tôi bảo anh ta tôi có chôn tiền
cạnh một cái giếng. Nghe tôi nói vậy, anh ta tin ngay... Còn có chứng cứ nào
tốt hơn cho việc nhà minh họa chỉ bị lòng tham thúc đẩy nữa không? Đó
cũng là một lý do khác khiến tôi không hề thấy hối tiếc. Anh ta là một nghệ
sĩ tài năng nhưng tầm thường. Tên ngốc tham lam đó sẵn sàng lấy móng tay
đào lớp đất cứng kia. Ông biết đó, nếu tôi thực sự có chôn vàng cạnh cái
giếng thì tôi đã không giết anh ta. Phải, ông đã thuê một tên đê tiện khốn nạn
làm việc mạ vàng cho ông. Kẻ quá cố đó khéo thì có khéo, nhưng việc chọn
lựa màu sắc và cách ứng dụng của anh ta thì bình thường và những trang trí
của anh ta thì thiếu cảm hứng. Tôi không để lại dấu vết... Vậy, cho tôi biết,
cốt tủy của "phong cách" là gì? Ngày nay cả người Trung Hoa lẫn Tây vực
đều nói về tính cách trong tài năng của một người họa sĩ, thứ mà họ gọi là
"phong cách". Phong cách có phân biệt được một nghệ sĩ tài hoa với những
người khác hay không?"
"Đừng sợ," tôi nói, "phong cách mới không xuất phát từ ước muốn riêng
của nhà tiểu họa. Một ông hoàng qua đời, một vương hầu thua trận, một thời
đại có vẻ trường tồn muôn thuở lại chấm dứt, một họa xưởng bị đóng cửa và
các thành viên của nó giải tán, tìm kiếm mái ấm khác và những người yêu

quý sách khác để làm người bảo trợ cho họ. Một ngày nào đó, một vị vua
giàu lòng trắc ẩn sẽ tập hợp những kẻ lưu lạc này, những nhà tiểu họa và thư
pháp tha phương hoang mang nhưng đầy tài năng này trong lều hoặc lâu đài
của ông và bắt đầu thành lập xưởng làm sách nghệ thuật của riêng ông.
Thậm chí dù những nghệ sĩ này, vốn không quen biết nhau, ban đầu vẫn tiếp
tục theo những phong cách vẽ tranh riêng của họ, thì qua thời gian, giống
như trẻ con dần trở thành bạn bè qua việc đùa giỡn trên đường phố, họ sẽ cãi
nhau, chơi lại với nhau, đánh nhau rồi lại dàn hòa. Sự ra đời của một phong
cách mới là kết quả của những năm tháng bất đồng, đố kỵ, kình địch và
nghiên cứu về màu sắc và cách vẽ. Nói chung, thành viên tài hoa nhất của
xưởng sẽ là cha đẻ của hình thức này. Cứ gọi anh ta là người may mắn nhất.
Những nhà tiểu họa còn lại chỉ có nhiệm vụ hoàn thiện và trau chuốt phong
cách này qua việc bắt chước không ngừng.
Không thể nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta đột nhiên có vẻ hòa nhã, và cầu
xin lòng trắc ẩn cũng như sự trung thực của tôi, anh ta hỏi tôi, run rẩy như
một trinh nữ:
"Tôi có phong cách riêng của tôi không?"
Tôi nghĩ mình sẽ khóc. Với tất cả sự dịu dàng, đồng cảm và ân cần mà
tôi có thể tập trung, tôi vội vàng nói với anh ta điều tôi tin là chân lý:
"Anh là họa sĩ có thần hứng và tài năng nhất với phong cách mê hoặc và
con mắt tinh tường đến từng chi tiết nhất mà ta từng gặp được trong suốt sáu
mươi năm qua. Nếu anh đặt một bức tranh trước mặt ta, người đã từng thấy
tác phẩm kết hợp của hàng ngàn nhà tiểu họa, ta vẫn có thể nhận ra ngay lập
tức vẻ tráng lệ thiên phú từ ngòi bút của anh."
"Đồng ý, nhưng tôi biết ông không đủ thông minh để hiểu sự huyền bí
trong tài năng của tôi", anh ta nói. "Lúc này ông đang nói dối, bởi vì ông sợ
tôi. Hãy mô tả một lần nữa đặc điểm trong những phương pháp của tôi."
"Ngòi bút của anh có vẻ tự nó chọn ra đường nét đúng, cứ như không
cần anh xen vào. Những gì ngòi bút anh vẽ không chân thật mà cũng không

nguon tai.lieu . vn