Xem mẫu

Thông tin sách
Tên sách: Sài Gòn Tản Văn - HẺM PHỐ THÔNG RA THẾ GIỚI
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Nhà phát hành: Phương Nam
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Khối lượng: 150g
Kích thước: 9,7 x 15,5 cm
Ngày phát hành: 07/2011
Số trang: 237
Giá bìa: 50.000đ
Thể loại: Tản văn
Thông tin ebook
Nguồn: http://tve-4u.org
Type+Làm ebook: thanhbt
Ngày hoàn thành: 14/11/2016
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

Dự án ebook #223 thuộc Tủ sách BOOKBT

Giới thiệu
Chằng chịt như ma trận là hẻm, hẻm và hẻm. Trong những con đường nhỏ chỉ vừa vặn cho
một chiếc xe đạp cũng có nhà. Thế nhưng, Sài Gòn quyến rũ ở những con hẻm với những
ngôi nhà không số nhưng chứa đựng rất nhiều thâm tình, sẻ chia buồn vui… không dứt.
Hẻm Sài Gòn như lạch nhỏ chảy ra sông, như sông chảy ra biển.

Hẻm Sài Gòn chi chít chảy ra đường cái rồi chìm vào các đại lộ lớn, nơi đã dựng xây
những công trình kiến trúc được pha trộn nhiều nét văn hóa của thế giới. Chính những
hẻm phố nhỏ của Sài Gòn chứng kiến những biến thiên lịch sử đủ để Sài Gòn pha một
bảng màu rực rỡ văn hóa trên đường đến một thế giới rộng lớn.

Lời nói đầu
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Sài Gòn, hai từ ngắn, gợi ra chuỗi dài những hình dung, những kỷ niệm, những buồn vui
và nỗi hân hoan, những mùi, những vị, những khuôn mặt và thân phận… không dứt. Hơn
300 năm lịch sử và vài mươi năm đời người, những biến thiên lịch sử đủ để Sài Gòn pha
một bảng màu rực rỡ văn hóa cho mỗi viên sỏi nhỏ trên đường đến một thế giới rộng lớn.
Người viết về Sài Gòn, không chỉ viết về ký ức hay nỗi nhớ của mình mà viết thay hàng
triệu sinh linh đã gắn đời mình với miền đất mở. Những trang viết góp chiều dài lịch sử,
góp cảm thức hôm nay dành dụm cho nỗi hoài niệm của ngày mai.
Nên không chỉ là câu chuyện về món ăn, thức uống, một chỗ ngồi, một con phố, một tên
người…, tạp văn về Sài Gòn là diễn dịch lại chính mình trong hình dung của một thành
phố bao dung. Thủ thỉ kể, thủ thỉ nghe, thủ thỉ cảm, thủ thỉ nghĩ… với Sài Gòn kềnh càng,
mâu thuẫn, nhọc nhằn - loạt sách nhỏ nhưng cũng độ lượng, thảnh thơi, mềm dẻo, là sự
vui thú không dành riêng cho ai. Chỉ cần để Sài Gòn tràn đầy và chảy ra trên trang viết,
trên bàn phím. “Sài Gòn tản văn” hi vọng là một Sài Gòn bạn tìm kiếm, tuyệt hơn nữa là
một Sài Gòn của riêng bạn. Tủ sách “Sách bỏ túi” có phiên bản tiếng Anh “Book pocket” do ban biên tập tạp chí Sai Gon CityLife và Phuong Nam Book thực hiện. Rất
hoan nghênh sự góp sức của các nhà văn, nhà báo, người viết gần xa để tủ sách thêm
phong phú và nhiều ý nghĩa.
Bài viết cho những tập sách sau xin gửi về:
Ban biên tập Công ty Sách Phương Nam
Số 496 Nguyễn Thị Minh Khai P2. Q3. TP HCM
Email: bbt.phuongnambook@gmail.com
Trân trọng!

Bóng câu qua lối thiên đàng
Lê Văn Sâm
Passage Eden 1950 - Cửa sổ thủa ban đầu
Sài Gòn có chân đất núi cứng để xây nhà cao tầng vững, nhưng mặt bằng lại toàn nước,
những sông cùng kinh rạch, nơi trung khu thành phố ngày mới tạo dựng, phải san lấp tốn
kém. Như nơi bùng binh nước Lê Lợi với Nguyễn Huệ bây giờ, xưa là “Bồn Kèn” xây bục
đá cao cho lính Pháp tới hòa tấu âm nhạc, đó là cái rốn của kênh Chợ Vải mới san lấp.
Cũng do các cơ ngơi xung mọc lên từ trên trũng nước, nên khi có được tòa nhà thương xá
Eden, người ta liền phong cho nó cái tên “hành lang đi bộ” - Passage Eden.
Đi tìm niên đại hình thành, theo hồi ký “Promenades dans Saigon” của bà Hilda Arnold,
một du khách người Pháp xuất bản năm 1948, có thể xác định là vào cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX. Đúc kết qua 117 trang tour nghiên (du ký) về xã hội đô thị Sài Gòn, bà Arnold
rút ra hai điểm nhấn về thành phố này, những ngày mới hình thành đô thị: Thứ nhất, Sài
Gòn là một ngôi chợ lớn, tiêu biểu cho bản địa Việt Nam, bởi trên mọi nẻo đường góc phố
đều có cảnh bán mua, với những lời rao chân chất, như: “ai ăn bưởi Biên Hòa?” hay “ai
uống nước trà nóng không?”. Thứ hai, các cơ ngơi mới xây dựng trong khoảng năm 19031912 và trước đó như thương xá Denis Frere, nhà sách Tự Lực, Albert Portail tức Xuân
Thu, nhà đĩa hát Ménestres, Bookshop của người Ấn trong Passage Eden, là những cửa sổ
của Sài Gòn thuở ban đầu mở ra thế giới, để rồi thu hương bốn phương, làm nên một nền
văn hóa mà nhà biên khảo Vương Hồng Sển gọi gọn là “ Tây - Nam - Miên - Chà - Chệt”.
Riêng cửa sổ Passage Eden dành cho những người “đi bát phố tùy thích” - Flânerie en
guise - lý tưởng nhất.
Tôi nhập cư Sài Gòn từ 1948, là một chú bé nhà quê, chỉ biết tắm sông rạch Cầu Bông,
câu cá hồ bèo Kỳ Hòa nay là rạp Hòa Bình, bắt cào cào trong nghĩa địa vườn Bà Lớn nay
là cư xá Đô Thành. Quá lắm cũng chỉ mới ra tới nhà sách Việt Hương hay đảo qua góc
Pasteur - Lê Lợi, nhón miếng gan trên khay phá lấu chú Ba Tàu hay nhai miếng bánh cay
Chà, uống ly nước mía Viễn Đông.
Mãi đến năm 1950, thỉnh thoảng tôi mới có dịp theo các đàn anh nghiệp báo lọt vào
Passage Eden. Ký ức sâu rộng đối với tôi là những chiều dừng lại ngoài hành lang cửa
Nguyễn Huệ, ngồi húp tô bún ốc của bà Năm Khẽo, cũng nổi tiếng như bún ốc bà Ba
Bủng gần cửa Bắc chợ Bến Thành. Sau khi gia đình Năm Khẽo đi định cư ở nước ngoài,
thì chỗ cũ được ông già “café bít tất” tiếp nhận, bán café kèm rượu đế nếp, nơi tụ hội văn
nghệ sĩ một thời lao đao.
Không có điệu kiện mua sắm hàng hóa gì, nhưng tôi cũng thích lân la, trong khi các đàn
anh mải mê lục lọi sách cũ, tôi len ra nơi các tủ kính, đứng xem say sưa những chiếc đồng
hồ đeo tay tối tân như Wyler, Movado, có kim nhảy màu vàng đỏ, hay đứng ngắm những
hàng bút máy nạm vỏ bạc vàng. Nơi đây tôi đã có dịp quen biết ký giả Hoài Điệp Tử, nhà
thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, những lần các anh có sách cũ bán được tiền, dắt tôi qua
quán Thanh Vị ăn bánh bèo bì chan nước mắm ngọt ngập bánh, hay cho vào rạp cinema
Eden xem phim Pháp.

nguon tai.lieu . vn