Xem mẫu

Chương 7
Đây là mẹ tôi, đây là chị tôi, đây là cái hộp bươm bướm
của tôi, đây là cái đàn dương cầm bằng gỗ đào hoa tâm,
nhưng tôi vẫn còn ngơ ngác. Có một tấm màn và một
khoảng cách giữa con người tôi với sự vật. Vì vậy bây giờ tôi
đi lấy cái ba lô, tôi đặt nó lên cạnh giường, tôi lấy ra những
thứ tôi mang về: một cục pho mát Hà Lan còn nguyên mà
Cát đã xoay cho tôi, hai cái bánh lính, ba lạng bơ, hai hộp
dồi gan, nửa cân mỡ và một túi gạo nhỏ.
- Chắc mẹ và chị dùng được những cái này...
Mẹ và chị tôi gật đầu.
- Có lẽ ở đây tiếp tế cũng khó khăn đấy nhỉ!
- Chẳng có mấy tí. Thế ngoài ấy có khá không?
Tôi mỉm cười và chỉ những thứ tôi mang về.
- Không phải bao giờ cũng được thế này đâu, nhưng kể ra
cũng tương đối.
Chị Ecna tôi cất những thức ăn đi. Chợt mẹ tôi nắm chặt
lấy tay tôi và hỏi bằng một giọng ngập ngừng:
- Ngoài ấy chắc gay go lắm phải không Pôn?
“Mẹ ơi, con biết trả lời mẹ thế nào đây? Mẹ sẽ không hiểu
được đâu. Vả lại, mẹ cũng chẳng bao giờ nên hiểu làm gì. Mẹ
hỏi có gay go không? Chính mẹ lại hỏi con câu đó sao, mẹ?”.
Tôi lắc đầu và nói:
- Không mẹ ạ, chẳng gay lắm đâu. Chúng con ở ngoài đó
có rất nhiều bạn bè, và cũng không gay lắm đâu.
- Ờ, nhưng vừa rồi Hăng ri Brêđêmâyơ về đây, nó kể
chuyện ngoài ấy bây giờ khiếp lắm, có hơi ngạt và bao nhiêu
cái gì nữa cơ mà.
Chính mẹ tôi nói như thế đấy. Mẹ nói: “Có hơi ngạt với lại
bao nhiêu cái gì nữa?”. Mẹ không hiểu cái mẹ nói là gì đâu.
Chẳng qua mẹ lo cho tôi mà thôi.
Tôi có nên kể cho mẹ tôi nghe, một lần chúng tôi đã thấy
những kẻ chiếm lĩnh ba chiến hào địch bị chết cứng, khác
nào bị sét đánh không? Họ đứng hoặc nằm trên lũy, trong
hầm, ngay tại chỗ họ bị đánh bất chợt, mặt mũi xám ngoét,
chết.
- A, mẹ ơi, họ nói thế thôi! Brêđêmâyơ kể những chuyện

đó chẳng qua là để làm quà thôi. Mẹ xem đấy con vẫn khỏe
và lại béo ra nữa chứ...
Trước sự lo lắng của mẹ tôi, tới lại trở nên hoàn toàn bình
tĩnh. Bây giờ tôi có thể đi đi lại lại, nói năng và trả lời, không
còn sợ bất chợt phải dựa vào tường vì vũ trụ mềm nhũn ra
như cao su và những mạch máu của tôi trở nên khô khốc
như bùi nhùi nhóm lửa.
Mẹ tôi muốn ngồi dậy; trong lúc đó tôi vào bếp tìm chị
tôi.
- Mẹ làm sao thế? - Tôi hỏi.
Chị tôi nhún vai:
- Mẹ nằm mấy tháng nay rồi đấy. Nhưng mẹ không muốn
nhà viết thư cho cậu biết. Những thầy thuốc đã đến xem cho
mẹ. Có một ông bảo có lẽ vẫn là cái bệnh ung thư của mẹ
đấy thôi!
Tôi đến phòng quân sự để xin chứng thực vào giấy phép.
Tôi đi thong thả qua những đường phố.
Thỉnh thoảng có người chào tôi. Tôi không dừng lại lâu vì
không thích chuyện trò nhiều.
Ở trại lính về, tôi nghe có tiếng người gọi thật to.
Tôi quay lại, vẫn mải theo đuổi những ý nghĩ của mình;
trước mặt tôi là một viên thiếu tá. Ông ta hoạnh:
- Anh không chào ta hả?
- Thưa ngài thiếu tá, xin lỗi ngài, tôi không trông thấy
ngài. - Tôi luống cuống trả lời.
Ông ta quát to hơn:
- Anh không thể ăn nói phép tắc hơn hả?
Tôi chỉ muốn tát cho hắn một cái, nhưng tôi kìm lại được,
nếu không thì đi đứt cái khoản nghỉ phép.
Tôi cứng người lại theo đúng kiểu nhà binh và nói:
- Báo cáo, tôi không trông thấy ngài thiếu tá!
- Vậy thì coi chừng, - hắn ta xẵng giọng. - Tên anh là gì?
Tôi nói tên.
Cái mặt đỏ gay của hắn vẫn còn bừng bừng tức giận.
- Đơn vị nào?
Tôi trả lời theo đúng quy tắc. Nhưng vẫn chưa đủ đối với
hắn.
- Ở đâu?
Nhưng lúc này, tôi đã phát bực và nói với hắn:

- Giữa khoảng Langơmat và Bitsút.
- Hả? - Hắn hỏi có vẻ hơi ngạc nhiên.
Tôi trình bày với hắn là tôi được về phép độ một tiếng
đồng hồ, tôi nghĩ rằng hắn sẽ dịu đi. Nhưng tôi nhầm, hắn
lại càng cáu hơn nữa.
- À, anh muốn mang cái thói ở mặt trận về đây hả?
Nhưng vô ích thôi! Ở đây, nhờ ơn trời, vẫn có trật tự nghe
không?
Hắn ra lệnh:
- Lùi hai mươi bước, bước!
Tôi giận tím người, nhưng không thể nào cưỡng lại hắn
được, nếu hắn muốn, hắn có thể tống giam tôi tức khắc. Vì
vậy tôi bước lui một cách mạnh mẽ, rồi tôi tiến lên, khi cách
hắn độ năm sáu thước, tôi cứng người lên, chào một cách
bực bội, rồi giữ nguyên tư thế chào như vậy cho đến khi vượt
quá hắn sáu thước.
Hắn gọi tôi lại, ra bộ nhân nghĩa bảo cho tôi biết rằng
một lần nữa, hắn đã khoan hồng hơn là áp dụng kỷ luật
quân sự đối với tôi. Tôi tỏ lòng biết ơn, theo đúng kiểu cách
nhà binh.
- Giải tán! - Hắn ra lệnh.
Tôi đập gót đánh chát rồi đi.
Thế là hỏng cả buổi chiều. Tôi về nhà, vất bộ đồng phục
vào một xó; đó cũng là dụng ý của tôi; sau đó tôi lấy bộ
quần áo thường trong tủ ra xỏ tay vào.
Tôi không quen mặc thường phục nữa. Bộ quần áo đã
ngắn và chật. Ở trung đoàn, tôi đã lớn lên. Đeo cổ cồn và
thắt ca vát vào vất vả quá. Cuối cùng chính chị tôi thắt hộ ca
vát. Ôi, bộ quần áo mới nhẹ nhõm làm sao. Tôi có cảm
tưởng chỉ mặc áo lót và quần đùi.
Tôi ngắm mình trong gương. Thật là một hình ảnh lạ
lùng. Một cậu bé chịu lễ lần đầu, da cháy nắng và chóng lớn
như thổi, nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Mẹ tôi lấy làm hài lòng
thấy tôi mặc thường phục. Như thế có vẻ gần gũi mẹ hơn.
Nhưng cha tôi lại thích tôi mặc quân phục để đưa tôi đến
chơi các bạn; tôi từ chối.
Được ngồi yên một chỗ nào đó thì thật là dễ chịu.
Thí dụ trong khu vườn của quán cà phê trước nhà tôi dưới
bóng những cây dẻ, cảnh sân chơi ki. Lá rụng xuống mặt

bàn và mặt đất. Đấy chỉ là vài cái lá đầu mùa. Trước mặt tôi
có một cốc bia; ở trung đoàn tôi đã đâm nghiện. Cốc đã cạn
một nửa. Tôi còn làm được vài ngụm thật mát nữa, ngoài ra
tôi có thể gọi thêm cốc thứ hai, cốc thứ ba nữa, nếu tôi
thích.
Chẳng có điểm danh, cũng chẳng có bánh quét. Lũ trẻ
con nhà ông chủ quán cà phê đang chơi ki, và con chó gục
đầu lên đầu gối tôi. Trời xanh, qua cành lá, những cây dẻ,
chiếc tháp chuông màu xanh của nhà thờ thánh Macgơrit
đâm vút lên.
Cứ thế này thì tốt quá, tôi cảm thấy dễ chịu.
Nhưng tôi không thể hòa được với mọi người. Cái người
duy nhất không hỏi tôi, là mẹ tôi. Còn cha tôi thì cũng như
mọi người khác. Ông cụ bắt tôi kể những chuyện ở mặt trận.
Ông cụ có những ý muốn mà tôi thấy vừa ngớ ngẩn vừa cảm
động. Tôi đâm ra không thực sự thân thiết với ông cụ nữa.
Cái điều cha tôi muốn là cứ được nghe tôi kể chuyện, nghe
mãi. Tôi thấy cha tôi không hiểu rằng những chuyện như vậy
không thể kể ra hết được, vậy mà tôi cũng muốn làm vui
lòng cha tôi. Nhưng phải mô tả những cái ấy bằng lời thì thật
nguy cho tôi quá; tôi sợ nó bị thổi phồng lên một cách ghê
gớm, rồi không thể hãm lại được nữa. Chúng ta sẽ nghĩ gì
nếu biết thật rõ ràng những cái gì đã xảy ra ngoài đấy? Vì
thế tôi chỉ kể vài ba câu chuyện lăng nhăng thôi, nhưng cha
tôi lại hỏi tôi đã đánh giáp lá cà bao giờ chưa. Tôi nói chưa
và đứng dậy đi ra phố. Nhưng, cũng chẳng hơn gì. Sau khi bị
hoảng lên mấy lần vì tiếng tàu điện mà tôi cứ tưởng như trái
phá gầm lên, sắp rơi xuống đến nơi, thì có người vỗ vai tôi.
Đó là giáo sư dạy tiếng Đức của tôi, ông tíu tít hỏi những câu
thường lệ: “Thế nào, ở ngoài ấy ra sao? Ghê lắm, ghê lắm
phỏng? Ừ, khiếp thật đấy, nhưng chúng ta nhất định phải giữ
vững chứ, mấy lại người ta nói ở ngoài ấy ít ra các anh cũng
được ăn uống khá. Pôn, trông anh khá đấy. Anh có vẻ khỏe
lắm; còn ở nhà tất nhiên không được thế đâu; cũng là lẽ tự
nhiên thôi. Ngay cái việc ấy cũng phải như thế; cái gì quý
nhất bao giờ cũng phải dành cho chiến sĩ chứ”. Ông ta kéo
tôi vào quán cà phê, ngồi vào bàn khách quen. Tôi được tiếp
đãi long trọng quá. Một ông đeo cái chức giám đốc, chìa tay
cho tôi và nói: “A! Anh ở mặt trận về. Tinh thần ngoài ấy ra

sao? Tốt lắm, tốt lắm phải không?”. Tôi tuyên bố là ai cũng
muốn về nhà cả. Ông ta cười ha hả: “Anh nói đúng thôi!
Nhưng trước hết phải giã cho tụi Pháp tặc một trận nên thân
đã chứ. Anh hút nhé! Này, làm một điếu. Bé con, đem một
cốc bia cho người chiến sĩ trẻ tuổi của chúng ta nhé!”
Tôi vô phúc đã nhận điếu xì gà; thế là phải ngồi nán lại.
Ai cũng tràn ngập lòng tử tế. Chả còn trách vào đâu được.
Nhưng vì vẫn thấy bực bội nên hút thật nhanh. Nhưng ít ra
cũng phải làm một việc gì, tôi vội nốc một hơi hết cốc bia.
Người ta mang ngay đến cốc thứ hai. Mọi người đều hiểu
mình phải chịu ơn một người lính như thế nào. Họ cãi nhau
về chuyện chúng ta phải sát nhập những vùng nào. Vị giám
đốc đeo cái dây đồng hồ bằng sắt, tham ăn nhất, ông ta
muốn nuốt cả nước Bỉ, những vùng mỏ than của nước Pháp,
và những miếng rõ to của nước Nga. Ông ta nêu những lý do
xác đáng tại sao phải chiếm. Còn người nào không chịu, ông
ta còn cãi cho bằng được. Thế rồi ông ta bắt đầu trình bày
cần phải chọc thủng mặt trận Pháp ở chỗ nào, xong đâu đấy
ông ta quay về phía tôi: “Này, ngoài ấy các anh phải tiến lên
một tí chứ, cứ mãi cái lối chiến tranh trận địa ấy ư. Cứ giã
cho cái lũ chó má ấy một trận nhừ tử là chúng mình sẽ có
hòa bình”.
Tôi trả lời là theo chúng tôi thì không thể chọc thủng mặt
trận được, vì đối phương có nhiều lực lượng dự trữ quá để
chống đỡ. Ngoài ra, tôi còn nói là chiến tranh không giống
như người ta tưởng đâu. Ông ta cãi lại với một vẻ bề trên và
chứng minh là tôi chẳng hiểu gì về việc ấy cả. “Dĩ nhiên, về
chi tiết thì anh nói đúng”, ông ta nói - “Nhưng điều quan
trọng là cái toàn cục, mà cái đó thì anh chưa đủ sức phán
đoán. Anh chỉ nhìn thấy khu vực nhỏ bé của anh, cho nên
anh không bao quát được tất cả. Các anh làm nghĩa vụ, hy
sinh cả tính mạng mình, điều đó xứng đáng được những vinh
dự cao quý nhất. Các anh mỗi người phải được huân chương
chữ thập sắt mới đáng. Nhưng trước hết phải chọc thủng
phòng tuyến địch ở Flăngđrơ rồi sau đó quật cho nó ụp từ
nên xuống dưới!”. Ông ta thở hổn hển và lau bộ râu.
“Phải quật cho nó từ trên xuống dưới, rồi tiến thẳng đến
Pari”.
Tôi muốn hiểu ông ta hình dung sự việc ra sao, và nốc

nguon tai.lieu . vn