Xem mẫu

CHƯƠNG SÁU

Bức tranh “Trăng thượng huyền” đã trao tận tay thím Hoa

trót lọt, không ai trông thấy.
Khi đó vào khoảng chín giờ sáng, nhà chỉ có thím Hoa đang
ngồi may. Hoàng đã dò xét trước, biết chắc Thùy Linh giờ này
đã đi chợ chuẩn bị làm cơm trưa, Đại úy Thìn tuần này không
về - tình hình chiến sự khá căng thẳng đã buộc chân ông ở lại
đơn vị. Hoàng lẻn vào. Đúng là lẻn vào thật vì anh không vào
cổng chính. Đáng ra cứ xách bức tranh ngang nhiên đi vào cổng
chính cũng chẳng sao, nhưng khi đến gần cổng Hoàng bỗng
thấy hồi hộp ghê gớm và sợ, một nỗi sợ ngớ ngẩn buộc Hoàng rẽ
trái đi vòng lối vườn nhà, lối mà Hoàng đã bò vào xem trộm qua
cửa sổ đêm Đại úy Thìn cột dính lưng Họa sĩ Tư và thím Hoa.
- Thím!
Hoàng đứng sau lưng thím bất ngờ gọi - Dọa một chút cho
vui. - Thím Hoa giật bắn người, quay vụt lại:
- Ối... Ma bắt thằng này! Làm thím hết hồn. Đi vào lối nào
thế, cháu?
Hoàng cười:
- Đi vào lối mà bọn ăn trộm sẽ vào nhà thím một ngày
không xa... Chà, nhà “quân sự” mà gác xếch sơ hở quá!
Không chú ý lắm câu nói đùa khá nhạt của Hoàng, thím
Hoa dán mắt vào cái mà anh đang cầm trên tay: bức tranh được
cuộn tròn, bọc kín giấy báo.
- Cái gì thế?... - Thím rụt rè hỏi.
Hoàng không trả lời, đưa bức tranh cho thím. Thím đỡ lấy,
lập cập tháo gỡ dây buộc.
- Tranh hả? Đúng là tranh không?

Hoàng cố tình không trả lời, mọi sự trả lời đều thừa. Anh
chú ý quan sát thím Hoa. - “Xem tuổi già họ yêu nhau ra làm sao”.
Bức tranh đã được thím giăng rộng. Thím ngồi lặng trước
bức tranh, mặt tái đi. Mười phút sau, thím ngẩng lên, môi run
run:
- Chú Tư bảo cháu đưa đến phải không?
- Vâng. Chú ấy dặn thím giấu đi.
Thím nhìn Hoàng, ngơ ngác như một học trò đần độn trước
lời giải thích đơn giản của thầy giáo. Hoàng nhắc lại, thím vẫn
lơ ngớ, chưa hiểu ra làm sao.
- Chú Tư bảo cháu đưa đến đây phải không?
- Vâng.
- Thế rồi cháu đưa đến đây?
- Vâng.
- Thế rồi... chú ấy bảo thế nào nhỉ?... Cất đi phải không?
- Vâng, chú ấy dặn thế.
- Thế à? Cất đi à?...
Thím đưa tay run rẩy lần dò khắp bức tranh, cố phát hiện
xem còn gì đằng sau đó nữa không. Không thấy gì, tất nhiên.
Thím lại ngước lên, ngơ ngác.
- Thế rồi... chú Tư có dặn gì nữa không?
- Không. Chú ấy chỉ dặn thím xem xong thì cất đi ngay.
- Thế à? Không dặn gì nữa à?
- Vâng.
- Cất đi chứ gì... đúng không cháu?
Sốt ruột quá Hoàng kêu lên:
- Khổ quá, cháu đã nói rồi mà thím cứ hỏi mãi!
Thím Hoa sực tỉnh, đứng ngớ ra một chút, rồi uể oải tiến
đến, đặt tay lên vai Hoàng, thì thầm:
- Xin lỗi cháu. Tại vì bất ngờ quá cháu ạ. - Ngẫm nghĩ một
lát, thím lại thì thầm. - Cháu có hiểu thím không Hoàng?
- Hiểu cái gì ạ?

- Là hiểu thím ấy... ví dụ như là có khinh thím không?
Hoàng gãi đầu:
- Cháu còn con nít. Chú Tư bảo cháu đưa cho thím thì cháu
đưa, chứ cháu có nghĩ ngợi gì đâu.
Thím lắc đầu, mắt chớp chớp. Hoàng rời thím, đến chiếc
chõng tre, ngồi xuống. Thím đi theo, ngồi xuống cạnh.
- Cháu khôn rồi. Thím biết. Trong việc này... cháu có chính
kiến của cháu...
- Chuyện gì kia ạ? Cháu chả hiểu gì cả...
Hoàng vờ ngơ ngác nhìn thím. “Thôi đừng vờ nữa!” - đôi mắt
thím nhìn Hoàng. “Thím biết quá kỹ rồi, hỏi cháu làm gì?” - đôi mắt
Hoàng nhìn thím. “Nhưng thím thích được nghe cháu nói.” - “Cháu biết
nói gì đây.” - “Ờ, có bao nhiêu là chuyện. Ví dụ một lời khuyên của cháu...”
Hoàng cúi đầu, buồn rầu nói:
- Thím muốn biết cháu nói gì phải không? Cháu nói thế này
nhé! Thùy Linh rất đau khổ. Nếu câu chuyện của thím và chú
Tư tiếp tục... thì cô ấy sẽ chết được. Cô ấy chưa chịu được đau
khổ... cháu biết cô ấy chưa chịu được đau khổ.
Hoàng ngừng lại. Thím Hoa nín thở chờ đợi. Thím không
ngờ một chú bé mới lớn lại nói năng nghiêm chỉnh đến thế.
“Như người lớn.” - Thím nghĩ - “Trẻ con bây giờ thật kinh không.”
Hoàng tiếp tục, anh biết thím đang đợi anh tiếp tục:
- Còn cháu, cháu chả giận chả khinh gì hết... Nhưng thú
thực cháu không hiểu gì hết, cháu sợ... Cháu vừa khâm phục
vừa ghê tởm. Vì sao như vậy thì cháu không biết. Không biết
thật chứ không phải cháu giả vờ...
- Ờ...
Thím Hoa úp hai bàn tay lên mặt, gục xuống. Hai bờ vai
thím rung rung. Thím khóc thầm. Nước mắt lọt qua kẽ tay rơi
từng giọt một. Hoàng ngồi im thêm một vài phút nữa, không
nghe thím nói gì thêm, bèn chống gối đứng dậy.
- Thôi, cháu về đây...

- Ấy, khoan...
Thím giật mình đứng bật dậy, vội vàng kéo áo Hoàng:
- Ngồi với thím thêm ít nữa, cháu! Thím... thím sẽ trình
bày... thật, thím sẽ trình bày...
Hoàng ngồi lại, hồi hộp chờ đợi thím Hoa sẽ tiết lộ gì với
anh về cuộc tình nguy hiểm của thím. Thím rót một cốc nước
đầy, tu sạch. Dằn mạnh cốc xuống bàn, thím ngước lên. Toát ra
trên gương mặt đầm đìa nước mắt của thím vẻ kiêu hãnh của
những người đàn bà quyền quý luôn sợ bị sỉ nhục. Không nhìn
Hoàng, thím nói, giọng đanh lại, độc ác và cay nghiệt.
- Cháu có biết vì sao thím lại như này không? Không biết
chứ gì? Đúng thế. Không ai có thể biết, không ai cả! - Thím rít
lên thở hồng hộc. - Không ai biết bởi người đời, thím muốn nói
cái lũ người đời khốn nạn ấy, luôn luôn làm rối lên trong những
việc đơn giản nhất. Tức là gì? - Thím đập tay xuống bàn. - Tức
là chúng nó sợ phức tạp, sợ rắc rối nhưng lại nghi ngờ tất cả
những gì dễ hiểu, đơn giản. Nghịch lý, nghịch lý ghê tởm. Thím ngừng ngắn, hạ giọng. - Đơn giản thế này thôi: thím hát
một câu: tư sản! Ngâm thơ một bài: tư sản! May cái váy ngủ cho
thoáng: tư sản. Không, không phải như thế. - Thím lắc đầu, bối
rối tìm từ diễn đạt. - Như thế nào nhỉ? À... Tất cả những gì
thím biết được, đọc được, nghe được, thấy được mà thích thú là
tư sản tất cháu ơi! - Thím thay đổi sắc mặt, từ kiêu hãnh, khinh
khi sang một vẻ gì đó mà Hoàng không biết được. Chỉ biết
gương mặt thím nửa thì căng lên, đỏ ửng; nửa thì nhăn nhúm,
méo xệch. - À quên, như thế này nữa chứ; Thùy Linh cũng vậy
cháu ạ. Bao nhiêu đôi guốc cao gót thím sắm cho nó, bị chẻ
sạch. Cháu ơi, tất cả cái gì chế độ cũ để lại đều thối nát, bẩn
thỉu... Chỉ có chế độ mới là sạch sẽ thơm tho. Ông ấy nói như
vậy đấy. Ông ấy là ai? Tức là chồng thím. - Thím bắt đầu mếu
máo, vừa nói vừa khóc. - Ông ấy giáo dục thím đủ điều: ăn,
uống, nói, cười, vui chơi, đi đứng... nhất nhất phải đứng trên

quan điểm giai cấp vô sản. Ối chao ôi, cả ngủ nữa cháu ạ. Ngủ
cũng phải như thế, nhất cử nhất động, răm rắp... răm rắp...
Cháu ơi người ta nói đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản
chứ có ai nói nằm trên quan điểm giai cấp vô sản đâu cháu! Hu
hu hu...
Thím Hoa khóc rống lên. Vật vã. Lăn xả lên giường gào
thét. Hoàng lẳng lặng rút lui. Sờ lên trán thấy mồ hôi dầm dề...
***
Thị trấn Linh Giang nhận được hai tin quan trọng làm
bùng nổ hàng loạt các cuộc “tọa đàm” râm ran khắp thị trấn. Đó
là “sự kiện vịnh Bắc bộ” khởi đầu một cuộc chiến tranh từ trên trời
rơi xuống và sự kiện Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh say rượu
tại quán thịt chó Cule.
“Sự kiện vịnh Bắc bộ” khỏi cần nhắc đến vì nó được nhắc đến
trên nhiều sách báo và vì sự xôn xao của dân thị trấn cũng
giống sự xôn xao ở mọi nơi thời này. Còn việc bí thư huyện ủy
say rượu thì...
Đại úy Thìn nói:
- Bí thư huyện ủy say rượu, thật kinh khủng. Còn gì là
thanh danh của một người đứng đầu huyện này? Vai trò người
Đảng viên cộng sản để đâu?
Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy gật gù:
- Mất uy tín! Mất uy tín! Thật chẳng còn gì là thanh danh.
Bác Cả Rí cầm xâu lươn vòng vòng khắp thị trấn, dừng lại ở
các đám đông đang bàn tán, vểnh tai lên nghe, lại đi. Thỉnh
thoảng bác nói chõ vào:
- Toàn Đảng toàn dân say rượu! Tôi dám chắc như vậy,
không say rượu thì say gì, hả? Mẹ, rượu đắt bỏ bố, uống mà
không say là ngu, vứt tiền qua cửa sổ!
Nơi khác, bác lại nói:
- Ai say rượu cũng được tất, trừ bác Thanh. Bác Thanh mà
say thì còn ai để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội! Nguy, vận nước

nguon tai.lieu . vn