Xem mẫu

CHƯƠNG NĂM – TINH THẦN VÀ THỂ XÁC:
MỘT TINH THẦN LÀNH MẠNH TRONG MỘT CƠ
THỂ CƯỜNG TRÁNG
Nghệ thuật để tâm trí được thảnh thơi và tài năng loại trừ khỏi tâm trí mọi
băn khoăn lo lắng hẳn phải là một trong những năng lực bí mật của những con
người vĩ đại.
- ĐẠI ÚY J.A. HADFIELD
Vào một buổi sáng mùa xuân khô lạnh, tít sâu trong xứ quê mùa Witshire, thì
đi bách bộ xem ra là việc tự nhiên nhất trên đời. Đàn gia súc thong thả gặm cỏ
trên cánh đồng xanh dợn sóng. Một vài dân quê cho ngựa tế nước kiệu. Từng
đàn chim bay lượn bổ nhào trên những khoảnh rừng rậm rạp. Cái hối hả, bận rộn
của nhịp sống thị thành dường như ở xa vạn dặm. Trong khi tản bộ dọc theo
đường làng, sỏi đá lạo xạo dưới chân, tôi có cảm giác mình đang giảm xuống
một hoặc hai số, mà cũng phải thôi. Tôi ở đây là để học cách lắng dịu tinh thần.
Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh tôn sùng tốc độ, chiến tuyến nằm trong
tâm trí ta. Việc tăng tốc sẽ cứ còn là một cài đặt mặc định chừng nào quan điểm,
thái độ của chúng ta chưa thay đổi. Nhưng, thay đổi những gì chúng ta nghĩ mới
chỉ là bước khởi đầu. Nếu như phong trào Chậm thực sự bén rễ, thì ta còn phải
tiến sâu hơn nữa. Chúng ta cần thay đổi phương pháp tư duy.
Giống như con ong trên một thảm hoa, bộ não con người tự do bay liệng từ ý
nghĩ này sang ý nghĩ khác. Trong môi trường làm việc cao tốc, nơi mà dữ liệu và
các hạn tối hậu dồn dâp hối thúc, chúng ta luôn luôn bị thúc ép phải suy nghĩ
thật nhanh. Phản ứng, chứ không phải sự suy nghĩ, trở thành nhật lệnh. Nhằm
tranh thủ tối đa thời gian và để khỏi nhàm chán, ta lấp đầy mọi khoảnh khắc rảnh
rỗi bằng việc kích thích trí não phát triển. Lần cuối cùng ta ngồi xuống ghế,
nhắm mắt lại và chỉ thư giãn thôi, là bao giờ nhỉ?
Bắt tinh thần luôn luôn bận rộn là sử dụng sai lầm nguồn lực tự nhiên quý giá
nhất của bản thân. Quả vậy, trí tuệ ta có thể làm nên những điều kỳ diệu nhờ tốc
độ cao. Nhưng nó sẽ còn làm được nhiều hơn thế nếu như thỉnh thoảng có cơ hội
được xả hơi. “Sang số” cho tinh thần ta chậm lại giúp sức khỏe tốt hơn, nội tâm
tĩnh tại, năng lực tập trung cao và khả năng tư duy sáng tạo. Nó có thể cống hiến
cho chúng ta cái mà Milan Kundera gọi là “sự hiền minh của chậm rãi.”
Các chuyên gia cho rằng não người có hai cách tư duy. Trong tác phẩm Trí
não Thỏ, tinh thần Rùa – Vì sao trí thông minh tăng lên khi ta bớt suy nghĩ, tác
giả Guy Claxton, nhà tâm lý học người Anh, gọi chúng là Tư duy Nhanh và Tư

duy Chậm. Tư duy Nhanh thì có lý có lẽ, có phân tích, mạch lạc và lôgích. Chính
là điều ta làm khi bị thúc ép, khi đồng hồ kêu tích tắc; chính là cách máy vi tính
tư duy, khi cách văn phòng hiện đại đang hoạt động; đưa ra những giải pháp rõ
ràng cho những vấn đề đã được nhận diện kỹ càng. Tư duy Chậm thì thiên về
trực giác, không tường minh và sang tạo. Chính là điều ta làm khi sự thúc bách
mất đi, ta có thời gian mặc cho các ý tưởng tự nung nấu theo nhịp độ riêng của
chúng. Kết quả là những thấu hiểu tinh tế và phong phú. Chụp cắt lớp cho thấy
hai cách thức tư duy tạo nên những bước sóng khác nhau trong não bộ - sóng
anpha chậm và thêta trong quá trình tư duy Chậm, còn sóng Bêta nhanh trong
quá trình Tư duy nhanh.
Thư giãn thường là tiền đề dẫn tới Tư duy Chậm. Nhiều nghiên cứu cho thấy
con người suy nghĩ sáng tạo hơn khi họ bình tĩnh, không vội vã, không bị stress,
sự thúc ép về thời gian sẽ chỉ dẫn tới phiến diện. Trong một nghiên cứu tiến hành
năm 1952, những người tham gia được yêu cầu mã hóa những câu đơn giản hteo
một bộ mã đơn giản. Nhiều lúc nhà nghiên cứu đưa các từ ra mà không nói thêm
gì cả, nhưng có lúc người này yêu cầu “Các bạn có thể làm nhanh hơn được
không?” Lần nào cũng vậy, cứ bị thúc bách là những người tham gia luôn lúng
túng, nhầm lẫn. Trong một nghiên cứu riêng biệt, các nhà nghiên cứu Canada
nhận thấy những bệnh nhân đang chờ phẫu thuật ở bệnh viện tỏ ra kém sáng tạo
trong việc hoàn thành những câu có so sánh tương đương kiểu “cũng béo như...”
hay “cũng rét như...”.
Những phát hiện này trùng khớp với kinh nghiệm của bản thân tôi. Những
thời khắc “eureka” của tôi rất hiếm khi phát lộ tại văn phòng cao-tốc hoặc ở
những cuộc gặp gỡ đầy căng thẳng. Thường thường chúng bật ra khi tôi ở trạng
thái thư giãn – đang xát xà phòng tắm, nấu ăn hoặc thậm chí là chạy bộ trong
công viên. Những nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử chắc hẳn hiểu rõ giá trị
của việc “sang số” tinh thần xuống tốc độ chậm hơn. Charles Darwin mô tả mình
như một “nhà tư tưởng chậm.” Albert Einstein nổi tiếng vì tiêu phí nhiều năm
trong văn phòng của mình ở Đại học Princeton chỉ chăm chăm nhìn vào vũ trụ.
Trong những chuyện trinh thám của Arthur Conan Doyle, thám tử Sherlock
Holmes cân nhắc các chứng cứ tại hiện trường vụ án bằng cách nhập trạng thái
“sơ-thiền”, “với một vẻ mơ màng trống rỗng trong đôi mắt.”
Tất nhiên, Tư duy Chậm tự thân chỉ là sự buông thả nếu không có cái mãnh
liệt của tư duy Nhanh. Ta cần có khả năng nắm bắt, phân tích và đánh giá những
ý tưởng trỗi dậy từ trong tiềm thức – và thường ta phải thật nhanh. Einstein đánh
giá cao sự cần thiết kết hợp cả hai cách thức tư duy. “Máy vi tính nhanh kinh
ngạc, chính xác nhưng đần độn. Con người lại chậm chạp kinh ngạc, cẩu thả,
nhưng ưu tú. Kết hợp với nhau sẽ là sức mạnh vượt quá mọi tưởng tượng.” Đó
chính là lý do tại sao những người thông minh nhất, sáng tạo nhất biết lúc nào thì

mặc cho tinh thần được phiêu diêu bay bổng, lúc nào thì tập trung vào công việc.
Nói cách khác, lúc nào thì Chậm và lúc nào thì Nhanh.
Như vậy, làm thế nào những người bình thường như chúng ta tiếp cận được
Tư duy Chậm, nhất là trong thế giới coi trọng tốc độ và hành động? Bước đầu
tiên là thư giãn – hãy quẳng sang bên sự thiếu kiên nhẫn, hãy ngừng tranh đấu và
học cách chấp nhận tình trạng bất định và vô vi. Hãy chờ đợi những ý tưởng ấp ủ
bên dưới sóng não, hơn là dụng công vận trí kéo chúng lên. Hãy để cho tinh thần
được bình yên và tĩnh lặng. Như một Thiền sư thuyết giảng “Thay vì nói ‘Chớ
ngồi yên, làm gì đi chứ’ – chúng ta nên nói điều ngược lại “Chớ làm gì cả, ngồi
yên đi chứ.”
Thiền định là phép rèn luyện cho tinh thần thư thái. Huyết áp sẽ giảm xuống,
trong não sẽ phát sinh nhiều sóng anpha và thêta tần số thấp. Nghiên cứu chứng
tỏ rằng hiệu quả kéo dài được khá lâu sau các buổi thiền. Trong một nghiên cứu
năm 2003, các nhà khoa học ở Trung tâm Y khoa Đại học California San
Francisco nhận thấy sự kết hợp giữa thiền và chú niệm của tín đồ Phật giáo có
ảnh hưởng tới hạch nhạnh nhân, vùng não gắn với cảm giác sợ hãi, lo âu, sửng
sốt, khiến các Phật tử thanh tịnh hơn, ít bị mất bình tĩnh hơn hẳn.
Thiền không phải là cái gì mới. Hàng ngàn năm nay con người thuộc mọi tín
ngưỡng đều đã vận dụng thiền trong công cuộc tìm kiếm cái hài hòa nội tâm
hoặc sự khai sáng tinh thần, điều này giải thích vì sao hình ảnh của thiền không
mấy rõ ràng. Với nhiều người, thiền gợi lên hình ảnh các nhà sư đầu cạo trọc
[56]
tụng “om om
” trong các ngôi chùa trên đỉnh núi hoặc hình ảnh những típ
người theo trào lưu Kỷ Nguyên Mới ngồi chĩnh chện trong tư thế tòa sen.
Nay thì thiên kiến như thế đang bị xem là lạc hậu. Thiền trở thành thời
thượng. Hiện có mười triệu ng Mỹ đều đặn thực hành thiền. Các thiền phòng
đang bung ra khắp thế giới công nghiệp, từ sân bay, trường học, nhà tù đến các
bệnh viện và công sở. Những người bị stress, giới chuyên nghiệp văn phòng tổn
thương vì tốc độ, cả những tín đồ cực ỳ-ngoan cố của thuyết vô thần và thuyết
bất khả tri, thảy đều đang lũ lượt kéo đến những thiền viện linh thiêng, nơi thiền
có trong danh mục. Một số trong những người thành đạt nhất trên trái đất này,
như Bill Ford, tổng giám đốc, kiêm chủ tịch hãng Ford Motors, hiện là những
thiền sinh hết lòng tận tụy.
Để xem thiền tác động như thế nào, và liệu có thể ăn nhập ra sao với Phong
trào Chậm, tôi đăng ký học ngay một khóa thiền mười ngày tại thiền viện ở miền
quê Wiltshire. Khóa thiền do Trung tâm Thiền Quốc tế (IMC) tổ chức – IMC là
hệ thống Phật giáo toàn thế giới hình thành năm 1952 tại Myanmar. Chi nhánh
Anh quốc mở năm 1979, nay ngụ trong một nhà trang trại theo đạo Phật xây
bằng gạch đỏ và các tòa nhà phụ xung quanh. Một ngôi chùa hiện đại mọc lên

giữa khuôn viên cây cảnh, những chóp nhọn dát vàng lấp lánh trong nắng xuân.
Tôi tới đó chiều thứ sáu, lòng hồi hộp. Liệu tôi có khả năng ngồi tĩnh tại hàng
giờ tới cùng không? Liệu tôi có phải là người duy nhất không mặc xà rông
không? Các đồng môn thiền của tôi, tất cả bốn mươi người, đến từ khắp nơi trên
thế giới – Anh, Đức, Pháp, Australia, Mỹ. Trên các bàn trong phòng trà, những
chai tương Kikkoman chen vai thích cánh với những lọ dầu lạc và những lọ
[57]
Marmite
nhỏ. Nhiều môn sinh là những Phật tử siêng năng, mái đầu cạo trọc
cùng xà rông sặc sỡ vốn là quốc phục Myanmar. Những người khác thì không.
Cũng như tôi, họ chỉ đơn giản tới đây tìm một chốn yên tĩnh để học nghệ thuật
thiền.
Trong buổi thực hành tập thể đầu tiên, chúng tôi tề tựu trong một căn phòng
hẹp và dài. Ánh sáng dìu dịu. Bức ảnh ông Sayagyi U Ba Kin, người sáng lập ra
hệ thống IMC, treo trên bức tường phía trước, dưới một tấm biển có dòng chữ
viết bằng tiếng Myammar và tiếng Anh: “Chân lý Phải Chiến thắng.” Thu mình
trong chăn và xếp thành bốn hàng, các thiền sinh ngồi hoặc quỳ trên nệm chiếu.
Ở đầu lớp học, ông thầy xếp bằng tròn trên một chiếc ghế đẩu. Đó là Roger
Bischoff, một người Thụy Sĩ tác phong hòa nhã, trông giống hệt Bill Gates.
Thầy Bischoff giảng giải là chúng tôi sẽ dấn mình theo Bát Chính Đạo như
giáo huấn của Phật. Bước thứ nhất là tẩy uế các hành vi của mình bằng vào tuân
theo ngũ giới: bất sát sinh, bất thâu đạo, bất tà dâm (trong thời gian học tập), bất
vọng ngữ, bất ẩm tửu. Tiếp đến là thiền. Mục đích là phát triển khả năng tập
trung của chúng tôi trong vòng năm ngày đầu, rồi sau đó, trong năm ngày kế
tiếp, sẽ sử dụng khả năng tập trung ấy để đạt được thấu thị và minh triết. Trong
điều kiện lý tưởng, thiền sinh phải đạt đến – hoặc ít nhất thì cũng phải trên đà đạt
đến – sự khai sáng vào Ngày thứ 10.
Mọi thứ tại Trung Tâm đều được bố trí nhằm thư giãn và tĩnh tâm. Nhiều tác
nhân kích thích chúng ta xáo động trong thế giới hiện đại đều bị loại bỏ. Cho nên
ở đây không tivi, không radio, không tài liệu để đọc, không Internet, không điện
thoại. Chúng tôi cũng tuân thủ sự Im lặng Cao quý, nghĩa là không tán gẫu. Đời
sống được cắt giảm tới mức tối giản: ăn uống, đi lại, ngủ, tắm rửa và thiền.
Có nhiều cách để thiền. Phần lớn yêu cầu tập trung tâm trí vào một điểm đơn
nhất: một đồ vật, như ngọn nến hoặc chiếc lá; một âm thanh hoặc mật chú; hoặc
thậm chí một ý niệm, như ái tình, bạn hữu hoặc lão tử. Kỹ năng tại IMC xem ra
khá đơn giản. Nhắm mắt lại rồi hít vào thở ra qua đường trên. Bằng một giọng
dịu dàng, ngọt ngào, thiền sư Bischoff hướng dẫn chúng tôi từ từ chậm lại, thư
giãn và tập trung tâm trí vào luồng hơi thở êm êm ngay dưới mũi. Chuyện này
nói thì dễ chứ làm thì chẳng dễ chút nào. Tâm trí tôi dường như tự nó cũng có
đời sống riêng. Sau năm sáu hơi thở, nó vuột ra như đầu đạn, dội ào ào vào hết

vật này đến vật khác. Cứ mỗi lần tôi níu kéo sự tập trung trở về với hơi thở, lại
có một rào chắn khác những ý nghĩ chẳng liên quan gì với nhau tán loạn ùa vào
đầu tôi – nào là công việc, nào là gia đình, nào là tin thể thao nổi bật, vài bài
nhạc pop, đủ thứ linh tinh. Rồi tôi bắt đầu lo lắng chắc có gì đó không ổn với
mình. Mọi người khác xem ra thật tĩnh tại và tập trung. Chả là chúng tôi ngồi đó
theo hàng lối thật yên lặng, cứ như thể những tên nô lệ khổ sai chèo thuyền trên
một con tàu ma, tôi cảm thấy một tôi thúc muốn cười rinh rích hoặc hét lên cái gì
đó khùng khùng kiểu như “Cháy, cháy!”
Thế nhưng, thật may mắn, hai bận mỗi ngày thiền sư Bischoff hỏi han các
môn sinh các môn sinh nhằm theo dõi sự tiến bộ của từng người. Đó là thời khắc
duy nhất chúng tôi được phép nói, và vì việc này tiến hành trước sự chứng kiến
toàn thể lớp học, nên nghe lén chả có gì khó khăn. Tôi thấy nhẹ cả người, hóa ra
là mọi người khác vẫn còn đang vật lộn nhằm đạt tới mức tĩnh tâm. “Tôi cảm
thấy như mình không làm sao thư thái được,” một thiền sinh trẻ tuổi nói, giọng
đầy thất vọng. “Tôi thèm được hoạt động quá.”
Thiền sư Bischoff kiên trì đưa ra những lời động viên. Ngay cả Đức Phật
cũng gặp phải trở ngại trong việc tĩnh tâm, thầy bảo chúng tôi như vậy. Điều chủ
yếu là không được gò ép. Nếu cảm thấy căng thẳng hoặc dao động, thì hãy nằm
xuống, vào bếp ăn một cái bánh hoặc đi bách bộ. Ở bên ngoài, sân thiền viện
trông giống như sân một viện điều dưỡng, với các thiền sinh đang chậm rãi thả
bước qua vườn hoa.
Dù thế nào, thiền cũng rõ ràng có ảnh hưởng, ngay cả với tinh thần hối hả
nhất, rối quẫn nhất vì stress. Tôi cảm thấy êm dịu lạ kỳ vào cuối buổi tối đầu
tiên. Và khi ngày cuối tuần gần tới, tôi bắt đầu cảm thấy thư thái mà không hề
phải cố. Tới tối thứ Bảy, tôi nhận thấy mình đã để nhiều thời gian hơn cho ăn
uống và đánh răng. Tôi bắt đầu bước từng bước, thay vì chạy vội lên cầu thang.
Tôi quan tâm hơn tới mọi thứ - thân thể mình, các động tác, những thức mình ăn,
mùi cỏ ngoài sân, màu sắc bầu trời. Tới đêm Chủ nhật, đến lượt nghệ thuật thiền
hình như cũng bắt đầu ở trong tầm với. Tinh thần tôi dần dà học được cách bình
an, tĩnh tại lâu hơn. Tôi thấy bớt nóng nảy, bớt hối hả. Thực tế, tôi thư giãn tới
mức không muốn rời đi.
Không hề nhận ra, tâm trí tôi cũng đã bận rộn với kiểu Tư duy Chậm hữu ích
nào đấy từ lúc nào rồi. Tới ngày tàn cuối tuần đó, những ý tưởng về công việc
bật lên trong tiềm thức tôi giống như cá nhảy dưới hồ. Trước khi quay về Luân
Đôn, tôi ngồi ghi vội chúng lại trong xe.
Liệu có thể nào chuyển sự an bình trầm mặc ấy từ thiền viện sang thế giới
thực được không? Câu trả lời hóa ra là “có”, nhưng dè dặt. Hiển nhiên, ở Luân
Đôn, sự cám dỗ người ta tăng tốc lớn hơn rất nhiều so với ở vùng Wiltshire xa
xôi hẻo lánh, hơn nữa ít có ai, dù đã qua chương trình IMC, lại đạt được đẳng

nguon tai.lieu . vn