Xem mẫu

XVI
Kết cục của ngài Trạng, lúc đầu, Cosimo thuật lại theo một cách rất khác.
Ngay sau đó con thuyền có anh bám trên thanh căng buồm được gió thổi vào
bờ, và Massimo GiỏiGiắn bơi theo sau kéo theo cái đầu lìa cổ. Cosimo – từ
trên một ngọn cây mà anh đã nhanh chóng chuyền sang với sự trợ giúp của
một cuộn dây – kể lại với dân chúng tụ tập khi nghe tiếng anh gọi, một câu
chuyện đơn giản hơn nhiều: bọn cướp bắt ngài mang đi và sau đó đã giết
ngài. Có lẽ đây là cách kể bị chi phối bởi nỗi lo cho bố, người ắt sẽ đau buồn
dữ dội khi biết tin người em không chính thức đã chết và trông thấy di hài
khốn khổ của ông ta, nên Cosimo không lòng dạ nào mà bồi thêm vào đó
việc phát hiện ra tội phản nghịch của ngài. Sau đó, khi được biết về tình
trạng ủ rũ hiện thời của vị Nam tước, anh còn vất vả dựng nên một sự vẻ
vang hư cấu dành cho người chú họ, sáng tạo ra cuộc đấu tranh bí mật và
tinh khôn của ngài nhằm đánh bại bọn cướp, cuộc đấu tranh mà ngài đã hiến
mình trong cả một thời gian, rồi bị lộ, và ngài đã bị đem ra hành hình. Song
đây là một câu chuyện đầy mâu thuẫn và nhiều lỗ hổng, cũng bởi Cosimo
muốn giấu điều này: chuyến chuyển hàng của bọn cướp vào hang, và sự can
thiệp của những người thợ mỏ. Thật vậy, nếu chuyện này mà được biết, toàn
thể dân chúng BóngRâm ắt sẽ kéo lên rừng để lấy lại hàng hóa từ những
người Bergamo, và đối xử với họ như những tên trộm.
Sau vài tuần, khi chắc rằng những người thợ mỏ đã tiêu thụ hết món
hàng, anh kể lại cuộc tấn công vào hang. Thế nên ai muốn lên lấy lại món
hàng gì đó, chắc chắn sẽ về tay không. Những người thợ mỏ đã chia toàn bộ
hàng hóa thành những phần chính xác: lát cá khô, cục xúc xích, bánh phó
mát, phần còn lại là một đại tiệc rừng xanh kéo dài cả ngày.
Bố chúng tôi già hẳn đi, và nỗi đau buồn vì sự mất mát ngài Enea GỗDày
đã để lại những hậu quả lạ thường trong tính cách của ông. Ông chìm trong
nỗi ám ảnh phải tìm mọi cách sao cho các công trình của người em không
chính thức không bị bỏ xó. Ông muốn đích thân trông nom việc nuôi ong,
ông vào việc với một vẻ hết sức tự tin, dù rằng từ trước tới giờ ông chưa bao
giờ nhìn cận mắt một tổ ong. Để tham vấn, ông tìm tới Cosimo, người đã học
được đôi điều về việc này; không phải để đặt những câu hỏi, mà để ông diễn
thuyết về việc nuôi ong, và nghe điều anh đáp lại; rồi ông lặp lại nó như một
mệnh lệnh với các bác nông dân, qua một giọng nói bực dọc và đầy thẩm
quyền, như thể đó là những điều đã biết quá rồi. Bố tránh không tới quá gần
các đõ ong, vì sợ bị chích, song ông muốn chứng tỏ rằng mình biết chiến
thắng nỗi sợ này, chẳng biết bố đã phải khổ sở thế nào cho nỗ lực ấy. Cùng
một cách thức như thế, bố ra lệnh cho đào những con mương, nhằm hoàn

thành cái dự án đã được ngài Trạng khởi công; nếu bố thành công, thì nó hẳn
sẽ là một trường hợp lạ lùng, bởi cái ông em yêu quý chưa bao giờ hoàn tất
công trình nào cả.
Than ôi! Niềm đam mê muộn màng của vị Nam tước về những sự vụ thực
tiễn kéo dài không lâu. Một hôm, ông đang bận bịu và căng thẳng giữa các
đõ ong và những con mương, sau một động tác giật nảy bất chợt, người ta
thấy hai con ong lao vào ông. Hoảng sợ, ông bắt đầu vung vẩy cánh tay, làm
lật một tổ ong, và ông bỏ chạy với một đám mây ong bám sát. Mắt nhắm mắt
mở chạy trốn, ông lọt xuống con mương đang được dẫn nước vào. Ướt như
chuột lột, ông được người nhà kéo lên.
Bố phải nằm liệt giường. Cơn sốt vì những cú chích cộng với cơn sốt vì
cảm lạnh: bố chịu một tuần lễ, sau đó có thể nói là bố khỏi. Song lòng bố
tràn ngập một nỗi chán chường, thế là bố không thiết gượng dậy.
Bố nằm liệt giường và buông hết mọi dính kết với đời. Chẳng gì bố muốn
đã thực hiện được, về cái chức danh Công tước, không ai đả động đến nữa;
cậu con trai cả thì luôn ở trên cây, ngay cả giờ đây khi đã trưởng thành; ông
em không chính thức thì đã bị giết mất; cô con gái nay đã lập gia đình nơi xa
xôi, và sống với những kẻ còn ít được thiện cảm hơn cô; tôi thì còn quá trẻ
để mà cận kề ông; và người vợ thì quá khẩn trương và độc đoán. Bố bắt đầu
mê sảng, bố bảo giờ đây những thầy tu dòng Tên đã chiếm đóng nhà ông,
ông không muốn ra khỏi phòng, thế là trong tình trạng tràn đầy cay đắng và
ám ảnh như từ trước đến giờ ông luôn trải nghiệm, thần chết đến với ông.
Cosimo cũng đi theo đám tang, chuyền từ cây này sang cây khác, song
anh không thể vào nghĩa địa, bởi cành nhánh trên các cây bách quá rậm rạp,
không có cách nào đeo bám trên đó. Anh chứng kiến buổi an táng từ bên kia
bức tường rào, khi mọi người chúng tôi ném một nắm đất xuống áo quan, thì
anh ném xuống đó một cành non sum suê lá. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đã
luôn cách xa bố như anh ở trên cây đã cách xa ông.
Giờ đây Nam tước xứ Rondo chính là Cosimo. Cuộc sống anh không thay
đổi. Đúng là anh có trông nom hoa lợi của gia sản, song luôn theo một cách
thức thất thường. Khi những người quản gia và những người thuê đất cần tìm
anh, họ không bao giờ biết anh ở đâu; và khi mà họ ít muốn anh thấy mặt
nhất, thì đây, anh đang ở trên cành.
Cũng để trông nom những công việc gia đình ấy, lúc này Cosimo xuất
hiện ở thị trấn BóngRâm thường hơn, anh ngồi trên cây hồ đào ở quảng
trường, hoặc trên các cây sồi xanh gần bến cảng. Thiên hạ tôn trọng anh, họ
gọi anh là “Ngài Nam tước”, và anh có phần làm bộ tịch như một cụ già,
giống những người trẻ đôi khi thích như thế; anh lưu lại đó, kể chuyện cho
một nhóm cư dân BóngRâm ngồi dàn quanh dưới gốc cây.
Anh tiếp tục kể, luôn qua những cách khác nhau, kết cục của ông chú họ.
Dần dà anh đi tới việc tiết lộ sự thông đồng giữa ngài và bọn cướp biển, tuy

nhiên, để kềm nén sự phẫn nộ tức thời của dân chúng, anh gộp luôn câu
chuyện về Zaira, gần như thể do chính ngài Trạng đã tâm sự với anh trước
khi chết, và thế là, thậm chí anh đã có thể đẩy đưa họ đến việc cảm động
trước số phận buồn hiu của lão già.
Từ một tinh thần hoàn toàn là sáng tác, tôi nghĩ, Cosimo, qua những
phỏng chừng liên tiếp, đã đạt tới một cuộc tường trình hầu như toàn bộ xác
thực về sự kiện. Anh làm được như thế dăm ba bận. Sau đó, vì những người
dân BóngRâm không bao giờ biết mệt khi lắng nghe câu chuyện này, và luôn
có những thính giả mới sà vào, ai cũng hỏi thêm chi tiết, anh đi tới việc thêm
vào những mở rộng, những cao trào, giới thiệu những nhân vật mới, những
tình tiết mới, và thế là câu chuyện mỗi lúc một biến dạng, trở nên càng mang
tính chất sáng tác hơn là lúc đầu.
Lúc này Cosimo đã có một công chúng miệng há hốc lắng nghe mọi điều
anh nói. Anh đã bắt đầu có cái thú kể chuyện; và cuộc sống của anh trên cây,
những buổi đi săn, tay cướp Gian ChùmThạchThảo, chú chó con Massimo
GiỏiGiắn trở nên cái cớ để anh kể những câu chuyện không còn có hồi kết
nữa. (Rất nhiều tình tiết trong thiên ký ức đời anh này, tôi đã tường trình y
như anh kể lúc đó, dưới sự cổ vũ của nhóm thính giả dân dã của anh, tôi nói
lên điều này để xin lỗi, nếu không phải toàn bộ những gì tôi viết là có vẻ xác
thực, và thích ứng với một cái nhìn hài hòa về nhân quần và sự kiện).
Ví dụ, một kẻ rỗi việc hỏi anh:
– Thưa ngài Nam tước, có thật là ngài đã chưa bao giờ rời chân khỏi cây
cối?
Cosimo bộp liền:
– Vâng, có một lần, vì nhầm, tôi đã bước lên một cặp sừng. Tôi tưởng
mình đang đi trên một cây thích, song đó lại là một con nai; nó đã trốn khỏi
khu vực săn bắn hoàng gia, và đang đứng bất động ở đó. Cảm thấy sức nặng
của tôi trên sừng, con nai chạy băng rừng. Khỏi phải nói về những cú va
chạm! Tôi, trên cái đỉnh ấy, cảm thấy mình bị ào ào đâm chọc từ mọi phía:
giữa những đầu mũi nhọn hoắt của bộ sừng, các bụi gai, và cành nhánh đập
vào mặt… Con nai ngúc ngoắc, tìm cách rũ tôi ra, tôi giữ vững vị trí…
Anh thả lửng câu chuyện, và anh chàng rỗi việc hỏi tiếp:
– Thưa Tướng công, thế thì ngài làm thế nào?
Cosimo, mỗi lần, đưa ra một hồi kết khác nhau:
– Con nai chạy, chạy tiếp, đuổi kịp một bầy nai khác. Nhìn thấy có người
trên sừng, một số con túa chạy đi, môt số khác tò mò ùa lại gần. Tôi giương
khẩu súng luôn đeo trên vai, thế là mỗi con bị nhắm đều bị hạ. Khoảng năm
mươi con…
– Năm mươi con nai ở xứ này, đào ở đâu ra nhỉ?
Một người lảng vảng qua đó hỏi.
– Bây giờ thì loài nai này đã mất giống. Vì năm mươi con nai đó toàn bộ

là nai cái, các bác hiểu không? Mỗi khi con nai của tôi tìm cách tiếp cận một
con nai cái, là tôi bắn, thế là nó ngã chết. Con nai của tôi chẳng hiểu trời
trăng mây nước là gì, nó tuyệt vọng. Rồi… rồi nó quyết định tự sát, nó chạy
lên một vách đá cao và quăng mình xuống. Tôi chụp lấy cành cây thông xòe
ra ở đó, và đây, tôi đang ở đây.
Hoặc anh sẽ kể đấy là một trận giao tranh giữa hai con nai, bằng sừng, ở
mỗi cú húc, anh sẽ nhảy từ cặp sừng con này sang cặp sừng con kia, cho tới
lúc với cú húc mạnh nhất thì anh thấy mình đang chênh vênh trên một cây
sồi…
Tóm lại, anh đã đắm trong nỗi ám ảnh của một kẻ kể chuyện mà không
bao giờ biết phải chăng câu chuyện sẽ hay hơn là nhờ những gì đã xảy ra
thực, mà việc gợi lại tái chuyển cùng nó cả một biển thời khắc quá khứ, cảm
xúc chi li, phiền muộn, sung sướng, bấp bênh, vẻ vang hão huyền, tự chán
ngấy; hoặc những gì đã được sáng tác, đẽo gọt ra những mảng chính, tất cả
có vẻ thuận buồm xuôi mái, song càng muôn màu muôn vẻ hóa thì người ta
càng nhận ra là mình đang quay trở về để nói về những điều đã gặp, hoặc đã
lĩnh hội trong thực tại sống qua.
Cosimo vẫn đang còn ở trong độ tuổi mà khát khao kể trao lại khát khao
sống; và anh tin rằng mình đã chưa sống đủ để kể. Thế là anh chuyền đi săn,
vắng bóng hàng tuần lễ, rồi quay trở lại trên những ngọn cây ở quảng trường,
tay cầm lủng lẳng đằng đuôi những con chồn dẻ, những con lửng, những con
cáo, và kể cho người dân BóngRâm những câu chuyện mới, từ xác thực, khi
kể, trở nên sáng tác, và từ sáng tác, trở nên xác thực.
Song trong tất cả những cơn ám ảnh ấy có chứa một nỗi bất thỏa sâu kín
hơn, một sự thiếu vắng, trong cuộc kiếm tìm người nghe có một cuộc kiếm
tìm khác. Cosimo vẫn chưa biết tình yêu, và mọi kinh nghiệm sống mà
không có nó thì ra gì? Có nghĩa gì đây một sự liều thân cho cuộc sống, khi
vẫn chưa biết hương vị cuộc sống là chi?
Các thiếu nữ bán rau hoặc các cô bán cá băng ngang quảng trường
BóngRâm, các quý bà ngồi trên những cỗ xe ngựa đi qua. Từ trên cây,
Cosimo ném mắt liếc nhìn, anh không hiểu rõ tại sao ở toàn thể các quý cô
quý bà ấy có cái gì đó mình đang tìm, mà nó lại không trọn vẹn ở trong
người nào. Về đêm, khi ánh đèn nhà cửa thắp sáng, Cosimo đơn độc trên
cành với cặp mắt võ vàng của con chim cú, anh bắt đầu mộng mơ tình yêu.
Trước các cặp tình nhân hẹn hò bên bờ giậu, trong các rặng cây, lòng anh
tràn ngập ngưỡng mộ và khao khát, song nếu họ nằm dài dưới chân gốc cây
của anh, thì anh bỏ đi ngay mà lòng chìm trong xấu hổ.
Thế là, để chiến thắng sự bẽn lẽn tự nhiên của cặp mắt, anh ngồi yên quan
sát cuộc yêu đương của các loài thú. Vào mùa xuân, thế giới trên cây là một
thế giới trăng mật. Những con sóc yêu đương nhau với những cú nhắp và
những tiếng rít hầu như của người; những con chim giao hợp nhau cánh vỗ

soành soạch, những con thằn lằn cũng hợp nhất dìu nhau chạy, cặp đuôi thắt
nút; những con nhím như thể đã trở nên mềm mại hơn để vòng tay thêm ngọt
ngào. Massimo GiỏiGiắn, không hề ngại ngùng mình là chú chó chồn duy
nhất ở BóngRâm, ve vãn tán tỉnh các mợ chó chăn cừu, hoặc chó béc giê,
tỉnh bơ hừng hực tin vào sự khả ái khơi gợi tự nhiên của mình. Có lúc nó
quay về gặm nhấm đau thương, song chỉ cần một cuộc tình vận may, thế là
mọi thất bại đều như chưa từng biết đến.
Cosimo cũng thế, như Massimo GiỏiGiắn, là cái gương duy nhất của một
giống loài. Trong những cơn mơ mơ màng màng, anh thấy mình được các cô
gái diễm kiều yêu đương; thế nhưng, làm sao mình, kẻ ở trên cây, có thể gặp
được tình yêu đây? Những lúc mộng tưởng, anh thành công trong việc không
hình dung ra nơi điều ấy diễn ra, dưới đất, hay trên chỗ anh đang ngụ: một
nơi chốn không nơi chốn, anh tưởng tượng, như một thế giới anh tới được
bằng cách thăng lên, chứ không phải hạ xuống. Đúng vậy: có lẽ có một ngọn
cây cao đến mức leo lên thì ta sẽ chạm tới một thế giới khác: cung Hằng.
Cùng lúc, bên cạnh cái thói quen chuyện vãn cửa chợ này, anh ngày càng
cảm thấy kém thỏa mãn về mình.
Thế rồi, vào một ngày họp chợ, có một kẻ, tới từ thị trấn ÔLiuSà lân cận,
bảo rằng:
– Ồ! Thì ra các bác cũng có ông Tây Ban Nha của các bác.
Khi được hỏi, thế ông muốn nói gì, ông ta bèn trả lời:
– Ở ÔLiuSà có cả một cộng đồng dân Tây Ban Nha sống trên cây.
Cosimo đứng ngồi không yên nếu anh không băng rừng chuyền tới
ÔLiuSà.

nguon tai.lieu . vn