Xem mẫu

PHẦN BA
***
MEIN KAMPF
Gồm có:
đường về nhà - người đàn bà tan vỡ - người đấu tranh - những thuộc tính của mùa hè - mụ
chủ cửa hiệu người aryan người ngáy - hai kẻ lừa đảo - và một sự trả thù có hình những
viên kẹo đủ loại
ĐƯỜNG VỀ NHÀ
Mein Kampf
Quyển sách do chính Quốc trưởng viết.
Đó là quyển sách có tầm quan trọng thứ ba đối với Liesel Meminger, chỉ có điều lần này
con bé không ăn trộm nó. Quyển sách ấy xuất hiện ở nhà số 33 phố Thiên Đàng khoảng
một giờ đồng hồ sau khi Liesel đã ngủ thiếp đi sau cơn ác mộng hằng đêm.
Có người sẽ nói rằng việc con bé sở hữu quyển sách này quả thực là một phép màu.
Lúc hai bố con đã đi được gần nửa đường về phố Thiên Đàng thì Liesel không thể chịu
nổi nữa. Con bé khom người xuống và lôi quyển sách đang bốc khói ra, rồi để nó nhảy
nhót tung tẩy một cách ngượng nghịu trên hai bàn tay mình.
Khi quyển sách đã đủ nguội, hai bố con quan sát quyển sách một lúc, chờ những từ ngữ sẽ
được nói ra.
Bố: “Con gọi thứ này là cái quái quỷ gì thế?”
Ông thò tay cầm lấy quyển sách Cái nhún vai. Không có lời yêu cầu giải thích nào cả. Rõ
ràng là con bé đã ăn trộm quyển sách từ chỗ đống lửa. Quyển sách nóng bỏng và ướt nhẹp,
có màu xanh lam và màu đỏ - bối rối - và Hans Hubermann mở nó ra, giữa trang ba mươi
tám và ba mươi chín. “Lại một quyển nữa à?”
Liesel lấy tay chà xát xương sườn.
Phải.
Lại một quyển nữa.

“Có vẻ như,” Bố nói, “bố không cần phải đem đổi bất cứ điếu thuốc nào nữa, phải không?
Bố không cần phải làm thế nữa khi con đã có thể ăn trộm những thứ này cũng nhanh như
khi bố mua chúng vậy.”
Liesel, mặt khác, lại không nói lời nào cả. Có lẽ nhận thức đầu tiên của nó là cảm giác tội
lỗi đã tự cất lên tiếng nói rồi. Điều bố nói là một lý lẽ không thể bác được.
Bố săm soi nhan đề quyển sách, hẳn ông đang tự hỏi quyển sách này có thể mang đến cho
con tim và khối óc của một người Đức mối đe dọa nào không. Ông trả nó lại cho Liesel.
Có một điều gì đó đã xảy ra.
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph.” Mỗi từ này được nói ra và rơi rụng lả tả. Nó vỡ
tan rồi lại hình thành nên từ tiếp theo.
Kẻ phạm tội đã không thể kháng cự lại được nữa. “Sao vậy, Bố? Cái gì vậy”?
“Dĩ nhiên rồi.”
Giống như hầu hết những người đang cố nén sự ngạc nhiên của họ, Hans Hubermann
đứng đó với một sự tê liệt hoàn toàn. Những từ ngữ tiếp theo hoặc sẽ được thét lên, hoặc
sẽ không thoát qua được kẽ răng của ông. Hay rất có thể chúng chỉ là một sự lặp lại của
câu cuối cùng mà ông nói, trước đó chỉ vài khắc.
“Dĩ nhiên rồi.”
Lần này, giọng ông như một nắm đấm, được dộng thẳng xuống mặt bàn.
Người đàn ông này đang nhìn thấy một điều gì đó. Ông đang xem xét nó thật nhanh, từ
đầu đến cuối, như một cuộc đua, nhưng nó quá cao và quá xa nên Liesel không thể thấy
đươc. Con bé van nài ông, “Bố ơi, bố đang nghĩ cái gì vậy?” Nó sợ rằng ông sẽ nói với
Mẹ về quyển sách. Tất cả vấn đề của việc này tùy thuộc ở mẹ. “Bố sẽ nói với mẹ chứ?”
“Bố biết đấy. Bố sẽ nói với mẹ chứ?”
Hans Hubermann vẫn đang bận xem xét điều gì đó, cao và xa vòi vọi. “Nói cái gì kia?”
Con bé giơ quyển sách lên. “Cái này.” Nó khua khoắng quyển sách trong không trung,
như đang vung vẩy một khẩu súng vậy. Bố lúng túng. “Tại sao bố phải làm thế chứ?”
Con bé rất ghét những câu hỏi như vậy. Chúng buộc nó phải thừa nhận một sự thật xấu xí,
vạch trần bản chất trộm cắp đáng khinh của nó. “Bởi vì con đã ăn trộm lần nữa”.
Bố cúi người xuống thành một tư thế như đang thu mình lấy đà, sau đó đứng dậy rồi đặt
tay lên đầu nó. Ông vuốt mái tóc con bé với những ngón tay dài thô ráp của mình và nói,
“Dĩ nhiên là không rồi, Liesel. Con được an toàn.”

“Thế bố sẽ làm gì?”
Đó mới là một câu hỏi ra trò.
Hans Hubermann sẽ thực hiện hành động vĩ đại nào trong bầu không khí mỏng manh trên
phố Munich ấy chứ?
Trước khi tôi cho bạn thấy, tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta nên nhìn vào điều mà ông ấy
cho là ưu tiên đối với quyết định của mình.
NHỮNG HÌNH ẢNH VỤT QUA CỦA Bố
Trước hết ông thấy những quyển sách của con bé: Sách hướng dẫn của phu đào huyệt,
Chú chó Faust, Ngọn hải đăng và bây giờ, là Cái nhún vai. Tiếp theo là một căn bếp và
một gã Hans Con tính khí thất thường, những quyển sách ấy ở trên bàn, nơi đứa bé gái
thường đọc chúng. Gã nói: “Còn con ranh này đang đọc cái thứ rác rưởi gì vậy?” Con trai
ông lặp lại câu hỏi đó ba lần, sau đó gã đề nghị những quyển sách đáng đọc hơn.
“Nghe này, Liesel” Bố choàng tay qua người con bé rồi dìu nó buớc đi. “Đây là bí mật của
hai bố con mình, quyển sách này chúng ta sẽ đọc nó vào ban đêm, hay trong tầng hầm,
cũng như những quyển khác vậy – nhưng con phải hứa với Bố một chuyện.”
“Chuyện gì cũng được, Bố ạ.”
Màn đêm thật êm ả và tĩnh lặng. Mọi thứ đều được nghe thấy rõ mồn một.
“Nếu có khi nào bố bảo con hãy giữ kín cho bố một bí mật, thì con sẽ phải làm thế.”
“Con hứa.”
“Tốt lắm. Giờ thì nhanh lên. Nếu chúng ta trễ thêm một giây phút nào nữa, thì Mẹ sẽ giết
chúng ta chết tươi mất, mà hai bố con mình thì không muôn thế tí nào, đúng chứ? Như thế
thì sẽ không còn được ăn trộm sách nữa, có phải không hả?”
Con bé nhoẻn cười.
Điều mà con bé không biết cho đến mãi sau này là, mấy ngày sau, bố nuôi nó đã xoay xở
vê được vài điếu thuốc lá để đổi lấy một quyển sách khác, chỉ có điều lần này không phải
dành cho nó. Ông đã gõ cửa văn phòng Đảng Quốc xã ở Molching và tận dụng cơ hội này
để hỏi thăm về đơn xin kết nạp Đảng của mình. Khi việc này đã được bàn bạc xong, ông
đưa cho họ những đồng tiền cuối cùng và một tá điếu thuốc. Đổi lại, ông nhận được một
quyển Mein Kampf đã cũ.
“Chúc đọc vui vẻ,” một đảng viên nói.

“Cảm ơn,” Hans gật đầu.
Từ ngoài đường, ông vẫn có thể nghe được giọng nói của những người bên trong văn
phòng. Một trong những giọng nói ấy nghe rất rõ. “Lão ta sẽ chẳng bao giờ được kết nạp
đâu, ngay cả khi lão có mua đến một trăm quyển Mein Kampf đi nữa.” Tuyên bố này được
một giọng nói không biết của ai cất lên tán đồng.
Hans giữ chặt quyển sách trên tay phải, miên man nghĩ về phí vận chuyển, một cuộc sống
không có thuốc lá và đứa con gái nuôi đã cho ông ý tưởng thiên tài này.
“Cảm ơn,” ông lại nói, và một người qua đường hỏi xem ông vừa nói gì.
Với một thái độ lịch sự thường thấy, Hans đáp, “Không có gì đâu, anh bạn, không có gì cả
đâu. Quốc trưởng vạn tuế” rồi ông bước đi trên phố Munich, trên tay là những trang sách
do Quốc trưởng viết.
Hẳn trong lòng Hans Hubermann khi ấy phải có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, vì ý tưởng của
ông không chỉ bắt nguồn từ Liesel, mà từ cả con trai ông nữa. Liệu ông có sợ sẽ không
bao giờ gặp lại gã nữa hay không? Mặt khác, ông cũng đang tận hưởng cảm xúc đê mê mà
một ý tưởng mới đem lại, chứ vẫn chưa dám hình dung ra những biến chứng phức tạp,
những mối nguy hiềm và những điều vô lý xấu xa của nó. Lúc này, chỉ riêng ý tưởng đó
thôi là đủ rồi. Nó không thể phá hủy được. Biến ý tưởng ấy thành thực tế thì lại là một
chuyện hoàn toàn khác. Dù vậy, lúc này, hãy để ông tận hưởng điều đó.
Chúng ta sẽ cho ông bảy tháng.
Sau đó chúng ta sẽ quay lại đón ông.
Và, ô kìa, làm sao mà chúng ta đến đón ông được.
THƯ VIỆN CỦA NGÀI THỊ TRƯỞNG
Hẳn nhiên là có một điều vô cùng trọng đại đang tiến về căn nhà số 33 phố Thiên Đàng,
điều mà Liesel vẫn chưa biết là gì. Nếu muốn xuyên tạc một câu thành ngữ rất hay bị con
người lạm dụng, thì ta có thể nói là đứa bé này có nhiều con cá cần phải rán gấp hơn:
Nó vừa ăn trộm một quyển sách.
Có người đã nhìn thấy nó.
Kẻ trộm sách đã phản ứng lại. Một cách thích đáng.
Mỗi phút, mỗi giờ đồng hồ trôi qua, tâm trí con bé đều canh cánh một nỗi lo lắng, hay nói
chính xác hơn là sự hoang tưởng. Cảm giác cắn rứt lương tâm khiến con người ta phải khổ
sở, đặc biệt là khi người đó lại là một đứa bé. Chúng hình dung ra nhiều chủng loại của cái

gọi là sự bị bắt quả tang. Chẳng hạn như: những người nhảy ra giữa lối đi. Các giáo viên
bất ngờ nhận thấy mọi tội lỗi mà bạn phạm phải. Cảnh sát xuất hiện nơi ngưỡng cửa mỗi
lần có một chiếc lá rụng xuống hay một tiếng đóng cửa từ xa vọng tới.
Với Liesel, bản thân sự hoang tưởng, cũng như nỗi khiếp sợ đối với việc giao đồ giặt ủi
đến nhà ngài thị trưởng, đã trở thành một hình phạt. Tôi chắc là bạn có thể hình dung được
rằng đó chẳng phải là lỗi lầm gì cả, khi đến thời điểm bắt buộc, Liesel đã tự nhiên bỏ qua
ngôi nhà trên phố Grande. Nó đã giao đồ cho Helena Schmidt bị viêm khớp, và nhận đồ ở
căn hộ của nhà Weingartner yêu mèo, nhưng con bé đã bỏ qua ngôi nhà của Burgermeister
Hainz Hermann và vợ ông ta, Ilsa.
MỘT DỊCH NGHĨA NHANH KHÁC
Burgermeister = Thị trưởng
Trong lần đầu tiên, con bé nói một cách đơn giản rằng nó đã quên khuấy mất nhà đó - nếu
có khi nào tôi nghe được một lời biện hộ như thế, thì tôi sẽ biết ngay rằng đó là một lời
ngụy biện, vì ngôi nhà ấy tọa lạc trên ngọn đồi nhìn bao quát cả thành phố, và bạn không
thể bỏ qua nó được. Khi con bé quay lại đó lần nữa và vẫn về nhà với hai bàn tay trắng, thì
nó chọn cách nói dối là không có ai ở nhà.
“Không có ai ở nhà ư?” Mẹ tỏ vẻ hoài nghi. Sự ngờ vực khiến chân tay bà ngứa ngáy rồi
vớ lấy cái thìa gỗ. Bà vung vẩy nó trước mặt Liesel, đoạn nói, “Hãy quay lại đó ngay đi,
và nếu mày không quay về với mớ đồ giặt ủi, thì đừng có thò mặt về cái nhà này nữa.”
“Thật à?”
Đó là câu hỏi của Rudy khi Liesel kể cho thằng bé nghe điều mà Mẹ đã nói. “Cậu có
muốn chúng ta cùng nhau chạy trốn không?”
“Chúng ta sẽ chết đói mất.”
“Đằng nào tớ cũng chết đói rồi mà!” Cả hai bật cười.
“Không,” con bé nói, “tớ phải làm việc này thôi.”
Chúng lại đi trên phố, như mỗi lần có Rudy đi cùng. Thằng bé luôn cố tỏ ra mình là một
quý ông và đòi mang giúp giỏ đựng đồ, nhưng lần nào cũng vậy, Liesel từ chối. Chỉ có nó
mới cảm nhận được mối đe dọa của một trận đòn lơ lửng trên đầu và vì thế chỉ có nó mới
đáng tin cậy trong việc mang cái giỏ ấy đúng cách. Bất kỳ ai khác cũng có thể cư xử thô
bạo, hay cầm giỏ sai quy cách, dù là theo một cách khó nhận thấy nhất, và điều này không
đáng để con bé mạo hiểm. Hơn nữa, nếu con bé cho phép Rudy xách giỏ giúp nó, thì rất
có thể thằng này sẽ yêu cầu được đền đáp bằng một nụ hôn, và đây không phải là một lựa

nguon tai.lieu . vn