Xem mẫu

PHẦN II

NHỮNG TRÒ CHƠI RÙNG RỢN

17
Nhuốm Máu
Đúng mười giờ sáng, Gurney gọi cho đồn cảnh sát Peony để cho tên, địa chỉ, số điện
thoại, và trình bày vắn tắt mối quan hệ giữa anh và nạn nhân. Viên cảnh sát mà anh nói
chuyện, trung sĩ Burkholtz, nói với anh rằng thông tin này sẽ được chuyển đến tổ điều
tra phụ trách vụ án thuộc Cục Điều tra Tội phạm thuộc Cảnh sát Bang.
Đinh ninh trong vòng 24 đến 48 tiếng sau cảnh sát mới liên hệ lại nên anh rất ngạc
nhiên khi chưa đầy mười phút sau đã nhận được điện thoại. Giọng nói rất quen thuộc
nhưng không thể nhận ra tức thời, khó nhận biết hơn nữa khi anh ta giới thiệu mà
không nói tên.
“Anh Gurney, tôi là thanh tra cao cấp tại hiện trường Peony đây. Tôi được biết anh có
thông tin gì đó cho chúng tôi.”
Gurney do dự. Anh định yêu cầu viên cảnh sát nói tên – theo đúng quy trình thông
thường của cảnh sát – thì âm sắc của giọng nói ấy bỗng dấy lên ký ức về khuôn mặt và
cái tên đi kèm với nó. Jack Hardwick mà anh nhớ từ một vụ án gây chấn động mà họ
làm chung với nhau là một tay lớn tiếng, tục tằn, mặt đỏ, có cái đầu đinh bạc trước tuổi
và cặp mắt nhợt nhạt của loài chó Bắc Cực. Hắn là tay đùa cợt không biết ngừng nghỉ, và
nửa giờ đồng hồ với hắn lắm lúc tưởng như nửa ngày – một ngày mà ai cũng ước nó sẽ
kết thúc sớm. Nhưng hắn cũng thông minh, ngoan cường, và tệ hơn nữa là nói năng
thẳng tuột chẳng kiêng nể ai.
“Chào Jack,” Gurney vừa nói vừa giấu vẻ ngạc nhiên.
“Sao anh… Chó chết thật! Có thằng chó nào lại nói cho anh biết rồi! Ai nói cho anh
biết vậy?”
“Anh có một giọng nói đáng nhớ mà Jack.”
“Đáng nhớ chó gì! Mười năm rồi còn đếch gì nữa!”
“Chín năm.” Bắt giữ Peter Thú túi. Piggert là một trong những vụ lớn nhất trong sự
nghiệp của Gurney, một vụ đã giúp anh thăng lên hàng thanh tra hạng nhất mà ai cũng
ao ước, và anh nhớ mãi cái ngày ấy.
“Ai nói cho anh biết hả?”
“Chẳng ai nói cả.”
“Khỉ thật!”
Gurney im bặt, nhớ lại cái thiên hướng muốn nói lời cuối của Hardwick và những

cuộc chuyện trò vớ vẩn cứ kéo dài vô tận cho đến khi hắn hiểu ra điều đó.
Sau ba giây dài đăng đẵng, Hardwick nói tiếp bằng giọng bớt hiếu chiến hơn. “Chín
năm khốn kiếp. Rồi đùng một cái anh ở đâu nhảy ra, nhảy ngay vào giữa một vụ có thể
nói là chấn động nhất bang New York từ lúc anh câu được nửa thân dưới của bà Piggert
từ dưới sông lên. Đúng là trùng hợp.”
“Thật ra thì là nửa thân trên mới đúng Jack à.”
Sau một khoảng lặng ngắn, điện thoại nổ tung tiếng cười inh tai vốn là thương hiệu
của Hardwick.
“À!” hắn hét lên trong hơi thở hổn hển sau tiếng cười inh tai. “Davey ơi, Davey à,
Davey lúc nào cũng khắt khe mấy thứ tiểu tiết cả.”
Gurney hắng giọng. “Anh nói cho tôi biết Mark Mellery chết như thế nào được
không?”
Hardwick do dự. Hắn đang kẹt ở thế khó xử giữa quan hệ cá nhân và nguyên tắc làm
việc, cái thế vốn chi phối phần lớn cuộc sống của cảnh sát và mang đến cho họ phần lớn
những ung nhọt. Hắn quyết định nói ra toàn bộ sự thật – không phải vì hắn buộc phải
làm vậy (Gurney không có chỗ đứng chính thức nào trong vụ án này và không được
phép biết thông tin nào cả) mà vì vụ án mang tính chất man rợ. “Ai đó cứa cổ ông ta
bằng vỏ chai vỡ.”
Gurney ư hự như thể bị đấm vào tim. Tuy vậy, phản ứng đầu tiên này lại được nhanh
chóng thay thế bằng một phản ứng chuyên nghiệp hơn. Câu trả lời của Hardwick đã lấp
vào đúng vị trí một trong những mảnh ghép trong đầu Gurney.
“Có phải là một chai uýt ki không?”
“Làm thế quái nào mà anh biết được vậy hả?” Chỉ trong chín chữ, giọng của Hardwick
chuyển từ sững sờ sang cáo buộc. “Chuyện dài lắm. Anh có muốn tôi tạt qua không?”
“Tôi nghĩ anh nên tạt qua.”
Mặt trời, nếu sáng hôm ấy còn là một chiếc đĩa lạnh lẽo hiển hiện đằng sau lớp màu
nước ảm đạm của màn mây mùa đông, thì giờ đây đã bị bầu trời lổn nhổn, xám xịt che
khuất hoàn toàn. Tia sáng không hắt bóng dường như báo hiệu một điềm gở – bộ mặt
của một vũ trụ lạnh lẽo, lãnh đạm như băng.
Cảm thấy dòng tư tưởng này huyền hoặc một cách đáng ngượng ngùng, Gurney dẹp
nó sang một bên khi anh dừng xe đằng sau hàng xe cảnh sát đậu lởm chởm ven đường
phủ đầy tuyết trước Viện Đổi mới Tâm linh Mellery. Đa số các xe đều mang biểu trưng
vàng lục của Cảnh sát Bang New York, kể cả một chiếc xe tải loại nhỏ đến từ phòng

giám định pháp y trong vùng. Có hai chiếc màu trắng là xe cảnh sát trưởng, và hai chiếc
màu lục là xe tuần tra của cảnh sát Peony. Anh nhớ lại câu bông đùa của Mellery cùng
với vẻ mặt của y khi cho rằng cảnh sát Peony nghe như tên một tiết mục tạp kỹ đồng
tính.
Những luống cúc tây, sum suê giữa xe và bức tường đá, đã bị thời tiết mùa đông càng
lúc càng khắc nghiệt biến thành một mớ bòng bong toàn cuống nâu chưng diện những
cuộn hoa tuyết lạ lẫm. Anh ra khỏi xe và hướng về phía công vào. Một tay cảnh sát mặc
sắc phục thẳng thớm với cái quắc mắt bán quân sự đứng ở chỗ cổng đang mở. Với một
cảm giác lạ lẫm, Gurney để ý thấy hắn có lẽ trẻ hơn con trai anh một hai tuổi.
“Tôi giúp gì được cho anh?”
Lời nói thì nhã nhặn, nhưng ánh mắt thì không.
“Tên tôi là Gurney. Tôi đến đây để gặp Jack Hardwick.”
Tay cảnh sát trẻ chớp mắt hai lần, một chớp cho mỗi cái tên. Vẻ mặt của hắn cho
thấy ít nhất một trong hai cái tên ấy làm hắn muốn ợ chua.
“Chờ một chút,” hắn vừa nói vừa lấy chiếc máy bộ đàm từ thắt lưng ra. “Anh cần được
hộ tống.”
Ba phút sau, người hộ tống đến – một thanh tra từ Cục Điều tra Tội phạm (BCI) với vẻ
ngoài như muốn học đòi làm Tom Cruise. Bất chấp cái giá buốt của mùa đông, y chỉ mặc
độc nhất một chiếc áo gió đen mở phanh lủng lẳng để lộ ra chiếc áo thun đen và quần
jean. Biết rõ quy chế ăn mặc của cảnh sát bang rất khắt khe nên Gurney hiểu được trang
phục xuềnh xoàng đến thế cho thấy y vừa được gọi đến hiện trường trực tiếp trong khi
đang nghỉ ngoài giờ hoặc đang trong một hoạt động nằm vùng nào đó. Mép khẩu súng
Glock chín li trong bao súng đen mờ trên vai dưới lớp áo gió dường như không chỉ là
công cụ nhà nghề mà còn là lời tuyên bố về thái độ.
“Thanh tra Gurney phải không?”
“Đã nghỉ hưu,” Gurney nói như gắn thêm vào một dấu hoa thị.
“Vậy ư?” Tom Cruise nói một cách hờ hững. “Vậy chắc là hay lắm đây. Theo tôi nào.”
Khi Gurney theo người dẫn đường của mình đi dọc con đường vòng quanh tòa nhà
chính đi về phía khu nhà nằm sau nó, đập vào mắt anh là bộ mặt khác biệt mà lượng
tuyết dày gần tám xăng-ti-mét đã tạo ra ở nơi đây. Đó là một bức tranh sơn dầu giản dị
trên vải bạt không có những chi tiết thừa thãi. Bước vào thế giới tối giản của phong
cảnh trắng sáng này như đang bước vào một hành tinh mới được kiến tạo – một ý nghĩ
hoàn toàn trái ngược với hiện thực bừa bộn nơi dây. Họ vòng quanh ngôi nhà được xây
theo phong cách thời đại George cổ kính nơi Mellery đã sống và dừng lại ở mép hàng

hiên phủ dày tuyết nơi Mellery chết.
Vị trí cái chết rất rõ ràng. Tuyết còn mang vết hằn của xác, và trải rộng quanh vùng
đầu và vai của vết hằn là một vệt máu khổng lồ. Trước đây Gurney đã thấy sự tương
phản đỏ – trắng kinh tởm ấy rồi. Cái ký ức chưa phai đó xảy ra vào một buổi sáng Giáng
sinh trong năm đầu Gurney còn làm tân binh. Một tay cảnh sát nghiện rượu bị vợ nhốt
bên ngoài nhà đã tự bắn vào tim, ngồi trên đống tuyết mà chết, Gurney cố xua hình ảnh
xưa cũ đó ra khỏi tâm trí rồi tập trung ánh mắt nhà nghề sắc bén vào hiện trường trước
mặt.
Một chuyên gia lấy dấu chân đang ngồi quỳ cạnh một hàng dấu chân trong tuyết sát
bên vệt máu chính, tay xịt lên chúng chất gì đó. Từ chỗ đang đứng, Gurney không thấy
được tấm nhãn trên chai xịt, nhưng anh đoán đó là sáp lấy dấu chân trên tuyết, một hóa
chất dùng để giữ nguyên dấu chân trên tuyết để sau đó có thể đổ vào đó hợp chất tạo
khuôn nha khoa. Dấu chân trên tuyết rất dễ phai, nhưng khi được xử lý cẩn thận sẽ thể
hiện một mức độ chi tiết cực kỳ rõ. Dù trước đây đã chứng kiến quy trình này rất nhiều
lần, nhưng anh vẫn không khỏi thán phục bàn tay vững vàng và sức tập trung cao độ
của người chuyên gia đang tác nghiệp.
Cảnh sát đã chăng dây vàng theo hình đa giác quanh phần lớn khu vực hàng hiên,
bao gồm cả cửa sau căn nhà. Các mặt đối diện hàng hiên cũng được rào thành các dãy
hành lang – để bao bọc và bảo toàn một loạt các dấu chân ra vào rõ rệt theo lộ trình từ
hướng kho thóc lớn cạnh nhà, đến khu vực vết máu, rồi ra khỏi hàng hiên, băng qua
đồng cỏ phủ đầy tuyết về phía khu rừng.
Cửa sau căn nhà đang mở. Một thành viên trong đội điều tra đang đứng chỗ cửa
nghiên cứu hàng hiên từ góc độ của căn nhà. Gurney biết chính xác anh ta đang làm gì.
Khi có mặt ở hiện trường, ta thường bỏ rất nhiều thời gian chỉ để cảm nhận được cái
không khí nơi đây – cố mường tượng lại những gì nạn nhân có thể đã thấy trong những
giây cuối cùng. Việc định vị và thu thập chứng cứ cần tuân theo nhiều quy tắc nằm lòng
– máu, hung khí, vân tay, dấu chân, tóc, sợi vải, mảnh sơn tróc, khoáng vật hay nguyên
liệu thực vật đặt sai chỗ, vân vân – nhưng cũng có một vấn đề rất cơ bản liên quan đến
việc nên chú trọng chứng cứ nào. Nói đơn giản, ta cần luôn cởi mở, sẵn sàng đón nhận
nhiều khả năng khác lý giải chuyện đã xảy ra, nơi xảy ra, và kiểu cách xảy ra, vì nếu nhảy
đến kết luận quá sớm, ta rất dễ bỏ sót những chứng cứ nằm ngoài tầm nhìn của ta về
tình hình hiện tại. Đồng thời, ta phải bắt đầu phát triển ít nhất một giả thuyết lỏng lẻo
để dẫn đường cho ta trong cuộc truy tìm chứng cứ. Ta có thể phạm những sai lầm đau
đớn nếu tự tin quá sớm về kịch bản vụ án nhìn từ bên ngoài, nhưng mặt khác ta cũng có
thể lãng phí nhiều thời gian và nhân lực quý báu nếu dò xét tỉ mỉ một khu vực rộng vài
thước vuông chỉ để tìm kiếm một thứ mà có Chúa mới biết là gì.

nguon tai.lieu . vn