Xem mẫu

Mục lục
GIẢI MÃ TÀI NĂNG ................................................................................................................................................................................ 2
Lời mở đầu ................................................................................................................................................................................................ 4
Chương 1: Điều bí ẩn ............................................................................................................................................................................ 6
Chương 2: Tài năng được đánh giá quá cao............................................................................................................................. 14
Chương 3: Bạn thông minh như thế nào? ................................................................................................................................. 24
Chương 4: Một ý tưởng hay hơn................................................................................................................................................... 32
Chương 5: Khái niệm luyện tập có ý thức ................................................................................................................................. 39
Chương 6: Cách thức luyện tập có ý thức ................................................................................................................................. 49
Chương 7: Áp dụng nguyên tắc vào đời sống .......................................................................................................................... 60
Chương 8: Áp dụng nguyên tắc trong doanh nghiệp ........................................................................................................... 70
Chương 9: Thực hiện đổi mới toàn diện ................................................................................................................................... 80
Chương 10: Thành công lớn khi còn trẻ và lúc về già.......................................................................................................... 91
Chương 11: Đam mê bắt nguồn từ đâu?................................................................................................................................. 101

Lời mở đầu
Đừng tin Mozart khi ra đời đã líu lo huýt sáo khúc dạo đầu của công-xéc-tô số 9, Einstein luôn được các
thầy cô giáo ở tiểu học xoa đầu khen học giỏi, hay “Tiger“ Woods vừa rời bụng mẹ đã cầm cây gậy đánh
golf vào tay. Không thể phủ nhận là đa số chúng ta, những người trần mắt thịt và không có năng khiếu
siêu phàm nào, quá dễ tin vào thiên chức nằm sẵn trong gien của các Mozart, Einstein hay Woods. Vì vậy
nên mới choáng váng khi vấp phải một Geoff Colvin – kẻ đốt đền, tên xô đổ tượng thánh, gã bôi bẩn mặt
trời!?
Geoff Colvin là tổng biên tập của tạp chí “Fortune Magazine“ và được coi là một trong những chuyên gia
kinh tế sáng giá nhất mà ĐH Harvard từng đào tạo ra. Là người dẫn chương trình “Wall Street Week with
Fortune“, hằng tuần ông diễn thuyết trước số khán giả đông nhất mà một chương trình kinh tế từng đạt
được ở Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, chừng ấy chiến tích không nhất thiết là cái tem chất lượng để bảo đảm nói câu
nào cũng đúng. Nhưng cuốn sách bạn đang cầm trong tay là kết quả nghiên cứu nghiêm túc của nhiều nhà
khoa học uy tín. Và giờ đây ta có minh chứng cho lời của Thomas Edison bằng giấy trắng mực đen: “Thiên
tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”. Geoff Colvin đã phũ phàng dọn sạch mọi lầm tưởng rằng năng khiếu
trời cho là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành tựu phi thường. Bằng lập luận chặt chẽ, ví dụ thực tế và ngôn
ngữ sắc bén, tác giả chỉ ra những nhân tố nào tạo thành thiên tài mà ở đó, năng khiếu bẩm sinh chỉ chiếm
một vị trí quá đỗi khiêm nhường. Geoff Colvin thuật lại cho ta thấy con đường lên đỉnh cao của các nhân
vật siêu việt, nhưng không để ca bài “thân thế và sự nghiệp”, mà cốt khẳng định: một môi trường vừa gây
áp lực vừa thúc đẩy phát triển, cộng với tinh thần kỷ luật và ý chí hướng đích, đó là phương trình đơn giản
(để hiểu) nhưng khó (thực thi) để đạt thành công phi thường.
Một điểm đập vào mắt khi phân tích các thiên tài là khả năng tập trung cao độ trong thời gian dài. Song
nhất thiết cũng phải có một môi trường xã hội và văn hóa nhằm phát hiện sớm mầm mống sẵn có, nhất là
thông qua bố mẹ hay người thân, lý tưởng nữa là được giao tiếp với các bậc thầy trong lĩnh vực đó để các
mầm mống ấy đừng mai một trong bóng tối. Những điều kiện khung ấy tạo ra tầm nhìn cho trẻ, gợi ý về
tương lai, khêu gợi ý thức về chỗ đứng tương lai trong nhóm ưu tú. Người ta cũng manh nha nhận thấy
chìa khóa thành công nằm trong các bài tập tốc độ chậm, lặp đi lặp lại để não bộ ghi nhận và “xếp vào bộ
nhớ” – các trung tâm thể thao thế giới đang tích hợp loại bài tập không dụng cụ với tốc độ chậm, tập từng
ngày cho đến khi thuộc lòng.
Thế giới sẽ không bao giờ chen chúc đầy những Mozart, Einstein hay Woods. Nhưng sẽ tẻ nhạt biết bao
khi ra ngõ là chạm mặt thiên tài. Ta hoàn toàn có thể chấp nhận rằng sự chọn lọc tự nhiên (không hẳn
theo định nghĩa bạo liệt của Darwin) là cái sàng khổng lồ để tách thóc khỏi trấu, song tự phung phí tiềm
năng của mình bằng cách đổ tội cho “gien xấu” chỉ là một dạng tự dối lòng. Tất nhiên, di sản sinh học do
bố mẹ để lại là một cái cần câu, song câu được cá hay không lại là chuyện khác. Các phân tích khoa học
thuần lý tính cho thấy khả năng âm nhạc của Mozart từ tuổi thơ hoàn toàn là kết quả của sự chăm chút
sớm bởi tay người bố, nhà soạn nhạc cung đình Leopold Mozart; những sáng tác đầu tay thuở hoa niên
chỉ là sự lặp lại các bài tập của thầy giáo, đôi khi được phụ huynh “chỉnh sửa” đôi chút và hầu như luôn
được hậu thế thêu dệt thêm nhiều. Mozart thành tài từ lúc rất trẻ, đúng vậy, song so sánh với các học sinh
trường năng khiếu nhạc hôm nay thì cũng chẳng có gì vượt trội. Các sáng tác của ông hôm nay được in ra
hàng triệu đĩa, song hầu như tất cả đều theo đơn đặt hàng chứ không phải cảm xúc lai láng trên tháp ngà…
Nhà phê bình âm nhạc người New York, Alex Ross, đã tổng kết phần lớn các phát hiện gần đây trong cuốn
“Điều kỳ diệu của Salzburg”: “Các bậc cha mẹ tham vọng, những người thường bật các đĩa ʹBaby Mozartʹ
cho con trẻ của mình xem, hẳn sẽ thất vọng nếu biết rằng Mozart trở thành Mozart chính nhờ vào sự khổ
luyện của chính ông.”

Lại quay lại nhìn vào gương, chúng ta, số đông của nhân loại, những người không được đặt vào nôi một
vài năng khiếu xuất chúng, nên cảm ơn tác giả đã đem lại một thông điệp tốt lành: ai sẵn sàng khép mình
vào kỷ luật và đầu tư mồ hôi nước mắt, người đó có thể thành một vận động viên thể thao đỉnh cao hay
một nghệ sĩ tài ba. Chỉ số thông minh (IQ) thời Mozart chưa thành khái niệm, ở nửa sau thế kỷ 20 chợt
được đưa lên như thước đo vạn năng cho trí lực, và hôm nay đã bị coi là một công cụ đầy khiếm khuyết để
xác định thành công: hầu như các kiện tướng cờ đều không có IQ cao! Vậy thì đừng than vãn, đừng há
miệng chờ sung, đừng đổ cho nhà nhiều ruồi mà không gặp được nàng Thơ, đừng bảo không có điện nên
không bật được computer – từ hôm nay trở đi, từ khi đọc xong cuốn sách này sẽ không còn nhiều cớ thoái
thác nữa!
Hết năm 2009
Lê Quang

Chương 1: Điều bí ẩn
Đó là vào giữa năm 1978, trong trụ sở của “người khổng lồ” Procter & Gamble (viết tắt là P&G) ở thành
phố Cincinnati, tại phòng ở chung của hai chàng trai hai mươi hai tuổi và mới ra trường. Mặc dù công việc
của họ là bán bánh sô cô la hạnh nhân Duncan Hines nhưng họ dành phần lớn thời gian chỉ để viết lại các
bản ghi nhớ theo những nội quy nghiêm ngặt của công ty. Rõ ràng họ rất thông minh: một người vừa tốt
nghiệp trường Đại học Harvard, và người kia tốt nghiệp trường Dartmouth. Nhưng đây không phải điều
để phân biệt họ với một loạt nhân viên mới khác của P&G. Điểm phân biệt họ với nhiều nhân viên trẻ tuổi
nhiệt huyết khác được tuyển chọn vào công ty mỗi năm lại ở chỗ cả hai người đều không có chút tham
vọng, kế hoạch hay mục tiêu nghề nghiệp đặc biệt gì mà chiều nào họ cũng chơi môn bóng rổ tẻ nhạt. Một
trong hai người sau này nhớ lại: “Chúng tôi từng bị coi là hai kẻ ít có khả năng thành công nhất.”
Hiện tại, chúng ta quan tâm tới hai chàng trai trẻ này chỉ vì một lý do duy nhất: họ là Jeffrey Immelt và
Steven Ballmer, những người trước 50 tuổi đã trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hai tập đoàn
danh giá nhất trên thế giới – General Electric và Microsoft. Trái ngược với những gì mọi người dự đoán về
họ khi còn là nhân viên mới, hiện tại họ đã hoàn toàn vươn tới đỉnh cao của thành công. Vấn đề đặt ra là
họ đã làm thế nào để thành công?
Nhờ vào tài năng ư? Nếu vậy, đó quả là thứ tài năng lạ lùng, đã không bộc lộ trong 20 năm đầu tiên của
cuộc đời họ. Nhờ vào bộ não ư? Cả hai rõ ràng rất thông minh, nhưng không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ
thông minh hơn hàng ngàn các bạn đồng môn hoặc đồng nghiệp khác. Hay nhờ vào sự chăm chỉ làm việc?
Rõ ràng họ chưa đạt đến mức đấy.
Vậy điều gì đưa họ đến tầm cao của thế giới kinh doanh. Đó quả là một câu hỏi hóc búa nhất, không chỉ
dành cho Immelt và Ballmer mà cho tất cả mọi người. Vậy điều gì là gì?
Hãy nhìn xung quanh bạn
Hãy quan sát những người bạn, hàng xóm, đồng nghiệp hay những người bạn gặp khi đi mua hàng hay dự
tiệc. Họ dành thời gian hàng ngày để làm gì? Hầu hết họ đều làm việc. Họ còn chơi thể thao, chơi nhạc,
theo đuổi sở thích, tham gia các hoạt động công ích. Bây giờ, bạn hãy thành thật tự hỏi: Họ làm những việc
đó tốt đến đâu?
Câu trả lời được trông đợi nhất là họ làm tốt. Họ làm đủ tốt để tiếp tục thực hiện công việc đó. Ở công sở,
họ không để bị sa thải và vài lần được thăng chức. Họ chơi thể thao hoặc theo đuổi sở thích khác của mình
vừa đủ tốt để thưởng thức chúng. Nhưng kỳ lạ là chẳng mấy người xung quanh bạn thực sự thành công
với những việc họ làm – hoàn hảo và xuất sắc ở tầm cỡ thế giới.
Tại sao? Tại sao họ không thể điều hành công việc kinh doanh như Jack Welch hay Andy Grove, đánh gôn
giỏi như Tiger Woods, chơi đàn vi-ô-lông hay như Itzhak Perlman? Xét cho cùng, hầu hết họ đều là những
người tốt, tận tâm và siêng năng làm việc. Một số đã có một thời gian rất dài trải nghiệm trong công việc –
hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm. Tại sao chừng đấy vẫn chưa đủ để họ trở thành những người vĩ
đại? Sự thật là hầu như không ai trong số họ đến gần hoặc đạt được sự vĩ đại, trừ một số ít người.
Đây là bí ẩn thông thường đến nỗi ít ai để ý, nhưng lại đặc biệt quan trọng đối với sự thành công hay thất
bại của tổ chức nơi ta làm việc, với những sự nghiệp ta theo đuổi, và với cuộc sống của chính chúng ta.
Trong vài trường hợp, ta có thể tự lý giải rằng mình không giỏi ở các trò chơi và sở thích riêng do không
thật sự chú tâm. Vậy với công việc thì sao? Chúng ta đã học tập nhiều năm để tích lũy kiến thức và dành
phần lớn thời gian cho công việc. Hầu hết hẳn sẽ bối rối khi cộng tất cả số giờ dành cho công việc và so
sánh với số giờ dành cho những ưu tiên khác mà ta cho là quan trọng hơn, như gia đình. Kết quả thu được

nguon tai.lieu . vn