Xem mẫu

Thông tin Ebook
DƯỚI MÁI HỌC ĐƯỜNG
Tác giả: Cao Văn Thái
Tâm Lý giáo dục
Ebok: Cuibap
Nguồn: vietmessenger

Mỗi trẻ nhỏ được dạy dỗ là Một con người được thành thân
V Hugo

Lời soạn giả
Để được góp một viên gạch nhỏ vào công cuộc xây dựng một nền
giáo dục mới cho nước nhà đang bắt đầu chuyển hướng dưới chính
thể Cộng-Hòa, tôi viết cuốn

DƯỚI MÁI HỌC ĐƯỜNG

Phỏng theo Grands Coeurs, cuốn tiểu thuyết trứ danh của nhà

văn Ý Edmondo De Amicis. (Ông Hà mai Anh đã trích một số
chuyện trong đó để dịch sát nguyên văn).
Như tên đặt cho sách, tôi chỉ chọn và thêm vào những chuyện
thuộc phạm-vi nhà trường, và chung quanh nhà trường. Ở đây,
các em sẽ thấy gần gũi với những nhân-vật trong chuyện. Đó là
những học sinh vẫn gặp ở các trường, là những bạn cùng chơi
hàng ngày, là chính ngay các em, với những ý nghĩ, những tìnhtiết, những bổn-phận làm trò, làm bạn, làm con…
Dành cho các em những phút giải-trí lành mạnh, tiếp tay các
vị phụ-huynh trong công cuộc giáo-dục con em, giúp cho các bạn
nhà giáo một ít tài liệu giáo-khoa xây dựng, viết với một tinh
thần mới, đó là mục-đích nhỏ mọn của tôi.
Song tôi vẫn phàn nàn rằng ngọn bút của mình chưa đủ tài
tình sâu sắc đủ làm rung động tâm hồn người đọc.
Điều đó hẳn các Ngài, các Bạn cũng biết thế mà khoan thứ cho
rồi.
SOẠN-GIẢ
°°°

1. BUỔI TỰU TRƯỜNG

Ngày 1 tháng 9

Mới 6 giờ sáng mà trên hè phố tiếng giày guốc đã khua vang,

báo hiệu ngày tựu trường đã tới. Hai tháng hè trôi qua mau
chóng quá!
Từng đoàn học-sinh lũ lượt đi, tay sách cặp, miệng bi-bô kể
chuyện. Tôi vội chải đầu, thay bộ quần áo mới rồi gọi em cắp sách
cùng theo mẹ đến trường.
Tuy chân bước đi mà lòng tôi vẫn ngổn ngang trăm nỗi. Phần
còn luyến tiếc những cảnh trăng nước đồng quê trong những
ngày hè vui thú, phần hân hoan được gặp thầy, gặp bạn, lại pha
nỗi lo âu, sợ lên lớp trên học khó.
Cứ thế, tôi dắt em, chân bước theo mẹ, óc đầy ý nghĩ vẩn vơ, rời
đến cửa trường lúc nào không biết.
Quang cảnh trường học hiện ra náo nhiệt lạ thường!
Hàng quà, hàng bánh, nước mía, mực khô… không biết kéo
đến tụ họp tự lúc nào, mà đũ cả, khiến cho đông lại thêm đông.
Chỉ khổ cho bác gác trường! Mọi ngày đối với lũ trò nhỏ „oai vệ“ là
thế, mà hôm nay, thêm người cảnh binh giúp sức, bác cũng phải
luôn mồm hò hét, rát cổ bỏng họng, mới giữ nỗi trật tự lối ra vào.
Sắp sửa tiến qua cổng trường, tôi bỗng thấy có bàn tay vỗ nhẹ
vào vai. Tôi ngảnh lại. Cô giáo cũ lớp Năm âu-yếm nhìn tôi mà
bảo:
- Năm nay Dũng học trên gác rồi nhỉ? Thế là cô lại không trông
thấy Dũng qua cửa lớp cô nữa. Dũng chưa quên cô đấy chứ?
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ nhìn cô mà lòng se lại. Mẹ tôi vội nói
đỡ:
- Hôm nào rỗi mời cô lại chơi. Cháu vẫn nhắc đến cô luôn đấy ạ.
Cô mỉm cười, hứa hôm nào lại thăm mẹ tôi, véo má em Huyền,
rồi lanh lẹn bước vào cổng trường. Trong sân, túm năm, túm ba,
đủ các hạng người. Đây, một bà sang trọng dắt cậu con, mới từ
đầu đến chân; kia một cụ già, tuy đứng dưới bóng cây mà vẫn
chịu khó che ô cho cháu; nọ, một ông cúi xuống vỗ về cậu con

trai, trông mặt mũi sáng sủa đáo để mà mồm cứ mếu sệch đi,
định khóc.
Tôi đưa mắt nhìn ngôi trường sừng sững trước mặt: tường vôi
mới quét, thềm gạch sạch bong, như hớn hở chào mừng chúng
tôi, những người bạn cũ đã trở về. Trông thấy những nếp nhà
rộng lớn mà suốt bốn năm trời dòng dã, tôi hằng ngày lui tới học
hành, lòng tôi, bỗng rộn lên một niềm vui chan chứa. Bao nhiêu
miễn cưỡng lo âu bỗng tiêu tán đâu mất cả!
Tôi hoan hỷ đưa mắt nhìn theo các bạn cũ của tôi đang tung
tăng chạy nhẩy khắp sân. Bác nào trông cũng lớn hẳn lên. Có bác
đen như củ súng, cơ hồ cháy nắng. Chả bù cho mấy chú „lính
mới“, nét mặt ngơ ngác sợ sệt, cứ túm chặt lấy áo mẹ, nước mắt
vòng quanh.
Vừa lúc ấy, ông Hiệu-Trưởng đi tới. Trông ông vẫn thế. Chỉ có
bộ ria trắng bạc hơn năm ngoái ít nhiều. Thấy bóng ông ra, các bà
các cô vây tròn lấy ông, vẻ mặt giận hờn vì không còn chỗ học
cho con, cho cháu. Song ông vẫn tươi cười, an ủi người nầy, cắt
nghĩa cho người kia, giải thích những trường hợp không đúng với
lệ của trường.
Nhưng một hồi chuông đã nổi lên… Các thầy giáo, các cô giáo
cầm bản danh sách học sinh, đứng ra cửa lớp gọi tên.
Em Huyền tôi được vào lớp mẫu giáo của cô Đào. Còn tôi học
lớp Nhất A của thầy Bích trên gác. Ngồi an vị rồi, tôi đưa mắt
nhìn chung quanh.
Lớp học cũng chẳng khác lớp Nhì năm ngoái. Nhưng tôi tưởng
như lạ hơn nhiều: căn phòng như rộng hơn, tấm bảng đen như
lớn hơn; đến cái tranh bộ xương người, tôi coi cũng rắc rối hơn
bức tranh học năm ngoái.
Mới cách đây có một phút đồng-hồ, mà tôi có cảm giác như
mình nhớn hẳn lên và cũng quan trọng hẳn lên! Chả gì cũng là
học sinh lớ Nhất rồi cơ mà! Mà lớp Nhất, thì cái gì cũng phải nhất
chứ: lớn nhất, giỏi nhất, đàn anh nhất… mà học cũng khó nhất.
Thế rồi tôi bất giác giật mình lo sợ.

nguon tai.lieu . vn