Xem mẫu

Thông tin ebook
Đảo kinh hoàng
Dennis Lehane
Tạo và hiệu chỉnh ebook: Hoàng Nghĩa Hạnh
Diễn đàn Tinh Tế
Dự án ebook định dạng epub chuẩn cho mọi
http://dl.dropbox.com/u/46534480/library/_catalog/index.html
OPDS catalog:
http://dl.dropbox.com/u/46534480/library/_catalog/index.xml

thiết

bị

di

động

Tác giả
Dennis Lehane sinh ngày 4 tháng Tám năm 1965 tại Dorchester, gần kề Boston,
Massachusetts. Ông là con út trong một gia đình gốc Ireland có năm người con. Ông tốt
nghiệp Đại học Eckerd năm 1988 và nhận bằng Thạc sĩ sáng tác văn chương Đại học
Quốc tế Florida năm 1993.
Sau khi trở về Boston, ông đã mưu sinh bằng nhiều nghề để có thể viết văn: tư vấn tâm
lý cho trẻ em khuyết tật và bị lạm dụng, bồi bàn, tài xế, nhân viên hiệu sách, nhân viên đỗ
xe của khách sạn… Ông sống chủ yếu ở Boston, nơi trở thành bối cảnh quen thuộc trong
các tác phẩm của ông.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, A Drink Before the War, ấn hành năm 1994, đã
nhận được giải thưởng Shamus Award cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. Từ đó đến nay
ông đã viết các tiểu thuyết: A Drink Before the War; Darkness, Take My Hand; Sacred;
Gone, Baby, Gone; Prayers for Rain; Mystic River; và Shutter Island (Đảo kinh hoàng).
Tác phẩm Mystic River (2003) đã đưa ông đến với các giải thưởng Anthony Award, Barry
Award và Massachusetts Book Award.
Đảo kinh hoàng đã được đạo diễn nổi tiếng Martin Scorsese dựng thành phim, với sự
tham gia của tài tử Leonardo DiCaprio, công chiếu năm 2010.

LỜI NÓI ĐẦU
TRÍCH NHẬT KÝ CỦA BÁC SĨ LESTER SHEEHAN
Ngày 3 tháng Năm năm 1993
Tôi đã không nhìn thấy hòn đảo đó trong nhiều năm. Lần cuối cùng, từ trên con thuyền
của một người bạn trong lúc mạo hiểm đi ra phía bên ngoài vịnh, tôi có thể nhìn thấy nó từ
phía xa, qua những lớp phao an toàn, ẩn trong sương mù mùa hè như một vệt màu cẩu thả
vẽ lên nền trời.
Tôi đã không đặt chân tới đó hơn hai mươi năm nhưng Emily vẫn thường nói (lúc đùa
lúc thật) rằng ngay cả cô ấy cũng không dám chắc tôi đã thực sự rời bỏ nó. Có lần cô ấy
nói đối với tôi thời gian chẳng khác gì những chiếc thẻ đánh dấu sách mà tôi sử dụng để
lật giở những trang sách của đời mình, trở đi trở lại với những sự kiện đánh dấu đời tôi và
điều đó, dưới con mắt của những đồng nghiệp sáng suốt hơn chính là biểu hiện đầy đủ của
chứng sầu muộn kinh điển. Có thể Emily nói đúng. Cô ấy vẫn thường hay đúng.
Tôi cũng sắp mất cả cô ấy nữa. Chỉ còn vài tháng nữa thôi, bác sĩ Alelrod đã nói cho
chúng tôi biết hôm thứ Năm. Hãy thực hiện chuyến đi đó, ông ấy khuyên. Cái chuyến đi
mà hai người vẫn luôn nhắc tới. Tới Florence, tới Rome và tới Venice vào mùa xuân. Bởi
vì Lester, ông ấy nói thêm, trông anh cũng không lấy gì làm khỏe.
Tôi cũng nghĩ vậy. Gần đây, tôi cứ thường xuyên đặt mọi thứ nhầm chỗ, nhất là đôi
kính mắt. Rồi chìa khóa xe. Tôi bước vào cửa hàng mà quên mất tới đó làm gì, và rời khỏi
nhà hát mà không nhớ nổi vừa xem gì. Nếu quả thật thời gian đối với tôi là những chiếc
thẻ đánh dấu thì dường như ai đó vừa mới rũ mạnh cuốn sách khiến những mảnh giấy ố
vàng, cặp bìa sờn cũ và những que khuấy cà phê dẹt rơi xuống sàn nhà, và những mép
sách quăn queo đều bị ép chặt phẳng phiu.
Nên tôi muốn viết lại tất cả những chuyện đó. Nguyên văn, không thay đổi theo hướng
có lợi cho mình. Không, không. Anh ấy sẽ không bao giờ cho phép điều đó. Với cái kiểu
cách lạ lùng rất riêng của mình, anh ấy ghét sự dối trá hơn bất kỳ ai tôi từng biết. Tôi sẽ
giữ nguyên văn câu chuyện và chỉ chuyển nó từ thiết bị lưu trữ hiện thời (thành thật mà
nói đã bắt đầu ẩm mốc và rò rỉ) sang những trang giấy này.
Bệnh viện Ashecliffe nằm ở giữa khu đất phẳng ở phía Tây Bắc của hòn đảo. Đứng đó
một cách nhân từ, tôi có thể nói thêm vậy. Trông nó chẳng có gì giống với một nhà thương
điên dành cho các tội phạm bị bệnh tâm thần và càng không giống cái doanh trại quân đội
trước đây. Vẻ ngoài của nó trên thực tế khiến phần lớn chúng tôi nghĩ tới một trường nội
trú. Ngay bên ngoài khuôn viên chính là trạm gác được xây theo kiến trúc nhà hai mái thời
Victoria và một lâu đài nhỏ, đẹp nhưng hơi tối, kiểu Tudor, từng được sử dụng làm căn cứ
chỉ huy của quân đội liên bang tại bờ biển Đông Bắc, đã chuyển thành văn phòng giám
đốc chúng tôi. Bên trong tường bao là các khu vực dành cho nhân viên trông rất duyên
dáng, những ngôi nhà mái lá của các bác sĩ điều trị, ba khu ký túc dành cho y tá, hộ lý và
bảo vệ. Trong khuôn viên chính là những bãi cỏ, những hàng rào được cắt xén tạo hình,
những cây sồi đổ bóng um tùm, những cây thông Scotland, những cây gỗ thích và những
cây táo cứ cuối mùa thu lại cho trái rụng đầy trên bãi cỏ và các gờ tường. Nằm giữa khuôn

viên chính là bệnh viện, một quần thể lớn bằng đá ong và đá hoa cương đẹp mắt, hai bên
là hai bức tường bằng gạch đỏ giống hệt nhau. Phía sau nó là những vách đá, những đầm
lầy do thủy triều tạo nên và một thung lũng dài nơi chứng kiến sự ra đời và lụn bại của
một hợp tác xã nông nghiệp trong những năm sau cách mạng Mỹ. Cây cối họ trồng vẫn
sống sót, đào, lê, anh đào dại, nhưng không còn ra trái nữa, và những ngọn gió đêm vẫn
thường gào thét trong thung lũng ấy, những âm thanh như tiếng mèo kêu.
Và tất nhiên còn phải kể đến khu pháo đài có mặt ở đây từ rất lâu trước khi những
nhân viên đầu tiên của bệnh viện đặt chân tới hòn đảo này và vẫn lặng lẽ đứng đó, ở phía
Nam, trên một mỏm đá nhô ra biển. Và xa xa là ngọn hải đăng không còn hoạt động từ
trước cả thời kỳ Nội chiến, đã được thay thế từ lâu bằng những chùm ánh sáng phát ra từ
ngọn hải đăng Boston.
Nhưng nếu nhìn từ biển vào thì hòn đảo trông không hẳn như vậy. Bạn phải hình dung
ra hòn đảo theo cái cách mà Teddy Daniels đã nhìn thấy vào một buổi sáng yên tĩnh tháng
Chín năm 1954. Chỉ là một bãi đất bỏ hoang nằm giữa khu vực bên ngoài vịnh. Khó có thể
xem là một hòn đảo, bạn sẽ nghĩ vậy, thậm chí chỉ trong ý tưởng. Nó có thể dùng vào việc
gì chứ, hẳn anh ấy sẽ nghĩ thế. Việc gì chứ.
Chuột là động vật đông đúc nhất trên hòn đảo. Chúng sùng sục trong các bụi cây, di
chuyển thành hàng dọc bờ biển khi đêm xuống và trèo lên những mỏm đá ẩm ướt. Một số
to bằng những con cá bơn. Trong những năm tiếp theo bốn ngày lạ lùng cuối mùa hè năm
1954, tôi đã tiến hành nghiên cứu những con chuột trong một cái khe trên ngọn đồi ở phía
Nam bờ biển. Tôi kinh ngạc khi phát hiện ra rằng có một số con chuột đã cố gắng bơi tới
đảo Paddock, hòn đảo trông chẳng nhỉnh hơn một tảng đá lớn là mấy nằm trên một bãi cát
nhỏ bị ngập nước hai mươi hai tiếng một ngày. Khi nó nhô lên khỏi mặt nước trong một
hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi lúc thủy triều xuống tới mức thấp nhất thì thỉnh thoảng lũ
chuột lại bơi tới đó, thường không bao giờ nhiều hơn mười mấy con và chúng luôn bị đẩy
dạt trở lại bởi triều cường.
Tôi nói luôn, nhưng không hẳn vậy. Tôi đã nhìn thấy một con chuột bơi được tới đích.
Chỉ có một lần thôi. Đó là vào đêm trăng tròn tháng Mười năm 1956. Tôi nhìn thấy một
cái mình da rắn đen trũi lao lên bãi cát.
Hay là do tôi tưởng tượng ra. Emily, người tôi đã quen trên hòn đảo sẽ nói, “Lester,
anh không thể nào nhìn thấy nó. Nó ở quá xa.”
Cô ấy nói đúng.
Nhưng tôi biết là tôi đã nhìn thấy gì. Một cái mình da rắn béo mầm phóng lên bãi cát,
bãi cát màu ngọc trai xám bắt đầu từ từ lún xuống khi thủy triều dâng lên nuốt gọn đảo
Paddock, nuốt gọn cả con chuột đó, tôi đoán thế vì tôi không bao giờ còn nhìn thấy nó bơi
trở lại nữa.
Nhưng trong giây phút đó, khi tôi nhìn nó chạy lon ton lên bờ (thực sự tôi đã nhìn thấy
nó hẳn hoi, cái khoảng cách quỷ tha ma bắt) tôi nghĩ tới Teddy. Tôi nghĩ tới Teddy và
người vợ xấu số đáng thương của anh, Dolores Chanal, tới cặp sinh đôi hãi hùng của họ,
Rachel Solando và Andrew Laeddis, tới cái tai ương mà họ đã gieo rắc lên tất cả chúng
tôi. Tôi nghĩ rằng nếu Teddy ngồi cùng tôi lúc đó thì anh ấy cũng sẽ nhìn thấy con chuột.
Anh ấy hẳn sẽ nhìn thấy nó.

nguon tai.lieu . vn