Xem mẫu

Lời tác giả
Nghề báo đã giúp tôi gặp gỡ rất nhiều người, có những người thú
vị, có những người không. Có những người mang lại cho tôi sự kính
trọng, khâm phục, nhưng cũng có những người khiến tôi mất đi
những cảm nhận đẹp đẽ trước khi gặp. Có những người mà sau
những cuộc phỏng vấn, tôi không bao giờ gặp lại, nhưng cũng có
những người đã trở thành bạn bè của tôi, thành những đồng nghiệp
mãi gắn bó, luôn có tinh thần chăm sóc và hỗ trợ cho nhau. Tôi coi
những nhân vật mà tôi đã phỏng vấn như cơ duyên gặp được nhau
trong đời. Với những người có duyên, họ sẽ ở lại bên tôi lâu hơn, có
thể lặp lại trong một bài phỏng vấn tiếp theo, hoặc đủ duyên để cùng
nhau đi uống café, tám chuyện về công việc hoặc đời sống. Những
người kém duyên hơn, có lẽ chỉ đi qua một lần rồi thôi. Những nhân
vật như những mảnh đời vụn trong lăng kính muôn màu của cuộc
sống, được gắn kết một cách lỏng lẻo bởi sợi dây tình cảm vô hình dễ
đứt đấy mà cũng dễ bền lâu, tùy thuộc vào tôi và bạn. Ở đây tôi đặc
biệt chọn ra những nhân vật nam và coi họ như những người đàn ông
đã đi qua cuộc đời tôi, lướt qua công việc và cuộc sống của tôi, để rồi
đọng lại trong tôi những kỉ niệm và những mối quan hệ khác nhau,
cái thì đằm thắm, sâu sắc như tìm được người tri kỷ, cái thì mờ nhạt,
nhạt nhòa, cái thì đơn thuần chỉ là quan hệ công việc, nhưng cũng có
cái thậm chí khó có thể định nghĩa về tên gọi.
Nhiều lúc tôi cũng lẩn thẩn nghĩ rằng việc tập hợp lại các nhân vật
của mình, cưỡng ép họ phải ngồi chung trong một cuốn sách, cùng
nhìn lại quá khứ, nhìn lại công việc mà họ đã từng làm như thế này,
phải chăng là một việc rất nhàm chán và cũ kĩ? Thế nhưng tôi vẫn
không tài nào cưỡng lại nổi ý tưởng này. Dường như có một tiếng gọi
từ bên trong tôi cần phải hoàn thành công việc này cho xong, phải
dũng cảm tự đứng riêng ra, cùng nhìn lại quá khứ, nhìn lại những
việc mình đã làm, dẫu tốt, dẫu xấu, dẫu không có nhiều tiếng vang lẫn
ảnh hưởng gì tới các nhân vật. Có lẽ việc bắt mình đối diện với công
việc của mình vẫn là điều mà tôi mong muốn hơn cả.
Tôi biết những gì tôi viết về họ không tâng bốc, không hoa lá,
không sử dụng những từ ngữ sắc sảo, hoa mỹ. Tôi mong muốn những
nhân vật của tôi xuất hiện trước bạn đọc đúng như con người họ,
chân thật và thuần khiết. Qua ngôn từ họ nói, qua việc làm của họ,

độc giả có thể tự nhận xét và phán đoán về tính cách, tài năng, lối
sống, cách suy nghĩ và cách ứng xử và con người họ. Từ đó bạn đọc có
thể tiếp tục yêu quý, thần tượng hoặc thậm chí thay đổi suy nghĩ của
bạn về nhân vật của tôi cũng là điều dễ hiểu.
Cuốn sách được làm theo phong cách báo chí, bên cạnh phần
đăng tải lại bài viết, bài phỏng vấn cũ của tôi về các nhân vật, còn có
những cảm nhận hiện tại của tôi về từng nhân vật sau một quá trình
đã phỏng vấn, cùng một số nhận xét của nhân vật về tác giả để tạo
nên sự tương tác giữa hai bên. Gọi đó là một kiểu “tit for tat” (ăn
miếng trả miếng) cũng được.
Cuốn sách sử dụng phần lớn những bài viết của tôi đã đăng trên
Thanh Niên báo ngày, Thanh Niên tuần san và một vài tạp chí khác,
sẽ khép lại một quá trình làm việc của tôi trong 3 năm qua (20082010), như một dấu ấn lưu giữ lại kỷ niệm về những nhân vật mà tôi
có duyên được gặp. Tôi trân trọng và cám ơn sự xuất hiện của họ.

PHẦN 1: NHÀ VĂN-NHÀ BÁO
1. Nhà văn - nhà báo Trần Nhã Thụy
Luôn cố gắng sống cho tử tế!
Sau bốn năm miệt mài sáng tác, tiểu thuyết đầu tay
Sự trở lại của vết xước (NXB Văn nghệ) của nhà văn
Trần Nhã Thụy đã gây được sự chú ý trong độc giả và
giới chuyên môn. Tác phẩm được khẳng định bằng
Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2008.
Thích viết truyện không có cốt truyện
Trần Nhã Thụy bắt đầu viết văn từ khi còn là học sinh phổ thông,
có truyện in báo khi đang là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng
hợp (Nay là ĐH KHXH&NV TP.HCM). Anh tự thấy mình không chịu
ảnh hưởng của ai, cũng chẳng biết mình viết theo phong cách gì.
Nhưng ngay từ ban đầu, Trần Nhã Thụy đã thích viết những truyện
không có cốt truyện bởi với anh, quan trọng là tạo không khí truyện
và mô tả cảm giác sống. Đặc biệt Trần Nhã Thụy rất quan tâm và
muốn đi sâu vào đề tài hiện đại với những vụn vặt đời thường. Qua
các tác phẩm của anh, có thể thấy rõ anh là người thích quan sát, nhìn
ngắm đời sống. Tuy tự nhận mình không biết nhiều về những vụn vặt
đời thường, nhưng anh có xu hướng thích giao du với những người
bình thường và những chi tiết từ đời thường khiến anh bị ấn tượng,
nếu không muốn nói là ám ảnh.
Cách sửa tốt nhất là... viết một cuốn khác
Tuy sở trường sáng tác truyện ngắn song Trần Nhã Thụy vẫn đam
mê thử sức với tiểu thuyết và mất gần bốn năm để hoàn thành tiểu
thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước. Anh thú thật đã gặp những khó
khăn không lường trước. Về mặt cấu trúc, giọng điệu, tiểu thuyết
khác nhiều so với truyện ngắn và anh phải tự dò dẫm đi con đường
riêng. Anh cho biết: "Tiểu thuyết đương nhiên không phải là câu

chuyện kéo dài. Nhưng từ ý thức đến hành động không phải bao giờ
cũng dễ dàng. Đấy là nói về những khó khăn trong việc xử lý văn bản.
Vả lại, còn rất nhiều những khó khăn khác, nói chung là liên quan đến
việc mưu sinh". Khác với báo chí, truyền hình ra sức săn đón, ca tụng,
Trần Nhã Thụy đón nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM
2008 với một tâm trạng bình thường, không có gì đặc biệt. Với cuốn
tiểu thuyết này, anh thấy không cần phải sửa chữa gì thêm, ngoài
những lỗi về hành văn. Anh còn dí dỏm cho biết thêm, có lẽ cách sửa
tốt nhất là... viết thêm một cuốn khác.
Hiện tại, Trần Nhã Thụy vẫn đang viết truyện ngắn, tản văn và
tiểu thuyết. Tuy nhiên anh cho biết trong thời gian tới sẽ đầu tư cho
tiểu thuyết nhiều hơn. Khác với một số nhà văn trẻ khác đang ra sức
tạo dựng phong cách riêng cho tác phẩm của mình, Trần Nhã Thụy
thú thật anh không quá chú trọng đến hình thức và chỉ biết viết
những điều theo suy nghĩ và cái nhìn của riêng mình. Phương châm
sáng tác của anh là "Phong cách là cái tự nhiên, không nên cố ý cố tạo.
Không phải anh mặc áo chim cò thì thành nghệ sĩ."
Luôn cố gắng sống cho tử tế
Là một trong những gương mặt nhà văn 7X nổi bật trong nước ta
bởi những tác phẩm mang đề tài khá sâu sắc, khơi gợi nhiều điều suy
ngẫm, Trần Nhã Thụy vẫn khiêm tốn tự nhận mình kém hơn nhiều
người về cả cuộc sống và môi trường làm việc. Anh cũng cho rằng nét
chung của thế hệ nhà văn 7X là vẫn thể hiện một dòng văn học "thân
phận". Tuy nhiên anh khẳng định mình là người không quá nghiêm
trọng việc "lập thân văn chương" và cũng không màng đến hội hè.
Tuy được một số lời nhận xét rằng mình là "người hiền" trên văn đàn,
anh cho rằng điều đó nghe sang trọng mà nghiêm trọng quá, bởi
trong thực tế, anh chỉ cố gắng sống cho tử tế.
Ngoài sở thích đi lang thang, Trần Nhã Thụy cũng có thói quen
mê đọc sách với rất nhiều thể loại. Anh cho biết gần đây rất thích đọc
sách về tinh hoa tri thức của NXB Tri thức. Còn những tác phẩm văn
chương thì đọc theo gu. Đối với anh, việc đọc luôn là một công việc
nghiêm túc. Đôi khi đọc để tránh, những gì người ta viết rồi để tránh
không lặp lại. Bên cạnh sáng tác, Trần Nhã Thụy hiện là phóng viên
văn hóa văn nghệ của một tờ báo lớn. Đối với anh, nghề báo là để
kiếm sống, đồng thời cũng là một phương thức hoạt động xã hội cần
thiết.

nguon tai.lieu . vn