Xem mẫu

Mệnh vận

Trại mồ côi là một tu viện nhỏ bỏ hoang gần đồi Xương rồng, một cái dốc rất gấp lên một
con đường ngoằn ngoèo chạy từ ga xe lửa. Để tiết kiệm sức lừa, ông Vệ bắt tôi đi bộ cây
số cuối cùng. Khi ông chào tạm biệt và để tôi ở lại là lúc tôi bắt đầu một cuộc sống mới.
Đó là vào mùa thu, những thân cây gầy guộc trơ trụi trông giống như đội lính xương khô
canh giữ quả đồi có khu nhà trên đó. Khi tôi đi qua cổng, chẳng ai chào hỏi tôi. Trước mặt
tôi là một cái đền thờ bằng gỗ mà lớp sơn đã tróc lở hết, ở ngoài sân có một bọn con gái áo
trắng quần xanh đứng thành hàng ngay ngắn như những người lính. Chúng cúi xuống
ngang thắt lưng – về phía trước, quay sang phải, về phía sau, quay sang trái – cứ như là
tuân lệnh theo một ngọn gió. Còn có một cảnh tượng khác lạ hơn, hai người đàn ông, một
người ngoại quốc, một người Hoa. Đấy là lần thứ hai tôi nhìn thấy một người ngoại quốc
ở cự ly gần. Họ đi ngang qua sân, tay cầm bản đồ theo sau là một đội quân với những cây
gậy dài. Tôi sợ rằng tôi rơi vào đội quân bí mật của đảng Cộng sản. Khi tôi bước qua
ngưỡng cửa, tôi suýt nhảy lên vì sợ. Xác người trong những tấm vải liệm, hai mươi hoặc
ba mươi cái xác cả thảy, đứng giữa phòng dọc theo hai bức tường, một số cái xác cao, một
số cái thấp. Ngay lập tức tôi nghĩ đó là những cái chết trở về. Một lần, dì Báu kể cho tôi
nghe là hồi dì còn bé có một số gia đình thuê pháp sư đến làm bùa phép trên người chết
buộc hồn ma quay trở lại vào nhà thờ tổ. Thầy pháp chỉ dẫn họ đi vào ban đêm, dì nói, để
người chết không thể gặp một người sống nào mà ám. Ban ngày, người chết ở lại trong
đền. Dì không tin vào chuyện này, cho đến khi dì nghe tiếng một pháp sư gõ mõ vào ban
đêm. Thay vì ù té chạy như những dân làng khác, dì lại trốn sau một bức tường để xem rõ
mọi chuyện. Cốc, cốc, và rồi dì nhìn thấy họ, sáu người tất cả, giống như những con bọ
khổng lồ, nhảy lên mấy mét vào không trung. Dì không thể tin chắc vào điều mình trông
thấy, dì Báu bảo tôi. Tất cả những điều mà dì biết là trong một thời gian dài, dì không còn
là mình nữa. Tôi đang định co cẳng chạy thì tôi thấy một ánh sáng loé lên ở những ngón
chân vàng. Tôi nhìn chăm chú hơn. Ồ, đó là tượng các vị thánh thần chứ không phải người
chết. Tôi đi về phía một bức tượng kéo mảnh vải che. Thần Văn Xương với cái đầu có
sừng, một tay cầm bút lông, tay cầm một cái mũ cánh chuồn sừng sững hiện ra. “Tại sao
chị làm thế?” một giọng nói cất lên, tôi quay lại và thấy một cô gái nhỏ hơn tôi. “Sao lại
trùm ông ấy lại?”
“Thầy giáo nói rằng ông ta không có ảnh hưởng tốt với chúng ta, không nên tin vào những
vị thần cũ, chỉ tin vào các thánh của đạo Thiên Chúa thôi”.
“Thầy giáo của bạn đâu?”
“Chị đến để gặp ai?”

“Bất cứ ai nhận Lưu Linh này là một đứa trẻ bị bỏ rơi.” Cô gái chạy đi, một lát sau có hai
phụ nữ nước ngoài đứng trước mặt tôi.
Những người truyền giáo người Mỹ này không trông đợi được gặp tôi, mà tôi cũng không
ngờ họ là người Mỹ. Và bởi tôi chưa bao giờ nói chuyện với người nước ngoài, tôi không
thể nói gì chỉ nhìn họ chằm chằm. Cả hai đều để tóc ngắn, một người tóc bạch kim, người
kia tóc đỏ dợn sóng, cả hai đều mang kính, chúng làm cho tôi nghĩ họ bằng tuổi nhau.
“Rất tiếc là chẳng có thoả thuận nào về việc này” bà tóc trắng bảo tôi bằng tiếng Hoa.
“Thật uổng là” người kia chen thêm, “hầu hết trẻ mồ côi ở đây đều ít tuổi hơn em”.
Khi họ hỏi tuổi tôi, tôi vẫn chưa thể mở miệng được, tôi dùng ngón tay vẽ mấy chữ trong
không khí. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.
“Em có biết đọc không?” một người hỏi, chỉ vào những hàng chữ tiếng Hoa.
“Ăn cho no đừng để dành” tôi đọc.
Một bà đưa cho tôi một cái bút chì và một tờ giấy. “Em có thể viết những chữ kia ra giấy
không?” Tôi làm theo, cả hai cùng reo lên. “Cô bé thậm chí còn không buồn nhìn lại mặt
chữ một lần nào.” Nhiều câu hỏi nữa được đặt ra. Tôi có thể dùng bút lông không? Tôi đã
đọc những sách nào? Cuối cùng họ lại nói chuyện với nhau bằng tiếng của họ rồi tuyên bố
là tôi có thể ở lại.
Sau đó tôi được biết rằng tôi được đón nhận vừa với tư cách một học sinh với với tư cách
một giáo viên phụ giảng. Chỉ có bốn giáo viên là những học sinh cũ, bây giờ sống ở một
trong 36 phòng trong cả cái tu viện bỏ hoang này. Thầy giáo Phan dạy những đứa trẻ lớn.
Tôi là người phụ giảng của ông. Khi ông còn là một học trò, năm mươi năm về trước, thì
trường học chỉ có nam sinh. Cô giáo Hoàng dạy những bé gái ít tuổi hơn, và người chị goá
của bà – chúng tôi gọi là Má Hoàng – chăm sóc những đứa bé nhất trong nhà trẻ. Có
những bé gái lớn hơn giúp bà chăm sóc chúng. Cuối cùng là chị Dư, một người đàn bà
thấp bé có cái lưng hơi bị gù, bàn tay thô ráp và cái giọng gay gắt. Chị ta chịu trách nhiệm
về vệ sinh, trật tự và chấn chỉnh hành vi của bọn học trò trong trại mồ côi. Ngoài việc lên
lịch phân công nhiệm vụ và việc tắm táp của từng người trong một tuần thì chị Dư thích
lãnh đạo người nấu bếp và bà vợ của ông ta.
Hai người phụ nữ truyền giáo, về sau tôi phát hiên ra là không bằng tuổi nhau. Cô Grutoff,
người tóc quăn mới 32 tuổi bằng một nửa tuổi của bà kia. Cô là y tá và là hiệu trưởng. Cô
Towler là giám đốc trại mồ côi, cô có trách nhiệm đi xin tiền tài trợ ở những người dành
cho chúng tôi một chút tình thương. Cô cũng tổ chức những buổi cầu nguyện ngày chủ
nhật, kể về sự tích các Thánh trong lịch sử Thiên Chúa giáo, chơi đàn piano trong khi dạy
chúng tôi hát “giống như các thiên thần”. Ngày ấy, tôi không biết một thiên thần là gì. Và
tôi cũng không biết hát hò gì.

Còn về những người đàn ông ngoại quốc, họ không phải là người của Đảng Cộng sản mà
là những nhà khoa học làm việc ở những cái mỏ nơi xương người Bắc Kinh được tìm thấy.
Hai người ngoại quốc và mười nhà khoa học Trung Hoa sống ở dãy phía bắc cuối tu viện.
Họ ăn sáng và tối ở trong đền thờ với chúng tôi. Mỏ cũng ở gần đấy, chỉ 45 phút đi lên
xuống trên những con đường quanh co.
Tất cả có khoảng 70 đứa trẻ, 30 đứa con gái lớn, 30 đứa con gái nhỏ và 10 em bé, hay ít
hơn thì còn tuỳ thuộc vào bao nhiêu trẻ trưởng thành ra trường và bao nhiêu đứa chết đi.
Phần lớn bọn con gái ở đây có hoàn cảnh như tôi, kết quả tình yêu của những người tự
vận, của những cô ca nữ, của những thiếu nữ đồng trinh không chồng mà chửa. Một số
đứa là những trẻ mua vui mà Cao Linh và tôi đã gặp ở khu phố ăn mày – những đứa con
gái không tay không chân, những đứa bé khổng lồ, hoặc những người lùn. Còn một vài
đứa trẻ lại có cha là người nước ngoài, một người Anh, một người Đức và một người Mỹ.
Tôi nghĩ chúng nó đẹp lạ lùng nhưng chị Dư bao giờ cũng trêu chọc, móc máy chúng. Chị
bảo những đứa con gái này thừa hưởng từ cái dòng máu phương Tây của cha chúng sự
ngạo mạn vậy phải làm cho nó loãng bớt đi bằng những lời sỉ nhục. “Em có thể tự hào về
những việc em làm hàng ngày” chị Dư lên lớp “chứ không phải vênh vang với những gì
em được sinh ra”. Chị cũng thường nhắc nhở chúng tôi sự thương thân là không được
phép. Đó là sự nuông chiều bản thân.
Nếu một cô gái xị mặt ra chị Dư sẽ nói “Nhìn bé Định kia kìa. Chẳng có chân, nhưng vẫn
vui cười cả ngày”.
Và đôi má mũm mĩm của bé Định nhô lên gần như nuốt mất mắt nó. Nó vui sướng là chỉ
có hai miếng thịt nhô ra thay cho hai cái chân. Theo chị Dư, chúng ta sẽ thấy vui hơn khi
nghĩ đến một người khác có hoàn cảnh khốn khổ hơn chúng ta.
Tôi cư xử như là người chị của bé Định không có chân, và bé này lại như là chị của một
đứa bé hơn tên là Dung chỉ còn có một tay. Ai cũng có một mối quan hệ tương thân, tương
ái như thế, có trách nhiệm với một người khác như là trong gia đình. Bọn con gái lớn và
nhỏ sinh hoạt chung trong phòng khách, có ba phòng ngủ, mỗi phòng có hai mươi đứa, ba
dãy giường ở mỗi phòng. Dãy đầu tiên dành cho trẻ bé nhất, dãy thứ hai cho trẻ nhỏ và
dãy thứ ba cho trẻ lớn nhất. Theo cách này giường của Định ở cạnh giường của tôi và
giường của Dung thì ở kề giường của Định, vị trí của mỗi người được xác định bởi trách
nhiệm và sự quý mến của người khác dành cho họ.
Đối với những người truyền giáo, chúng tôi là những bé gái của một vận hội mới. Mỗi
một phòng có một áp phích màu đỏ với hàng chữ màu vàng tuyên bố điều đó. Vào mỗi
buổi chiều trong lúc tập thể dục chúng tôi cất cao lời ca về vận mệnh mới của chúng tôi
trong một bài hát do cô Towler soạn cả lời tiếng Anh lẫn tiếng Hoa.
Chúng ta có thể học hành hiểu biết

Chúng ta có thể lấy người mà chúng ta chọn lựa
Chúng ta có thể làm việc, kiếm tiền
Và một số phận chẳng ra gì là tất cả những gì chúng ta bỏ lại.
Mỗi khi có một người khách đặc biệt đến thăm trường mồ côi, cô hiệu trưởng cho chúng
tôi biểu diễn thơm tiểu phẩm trong khi cô Towler đệm đàn piano, một khúc nhạc đầy kịch
tính, giống như một đoạn phim câm. Một nhóm con gái đưa ra những dấu hiệu liên hệ tới
số phận đau khổ, thuốc phiện, nô lệ và nạn mê tín dị đoan. Chúng vấp ngã bởi những đôi
chân bị trói và ngã gục không hy vọng. Sau đó là những cô gái của một vận hội mới xuất
hiện như những bác sĩ. Họ chữa cho những người hút thuốc phiện, họ cởi trói cho những
đôi chân bị xiềng xích bởi số phận đen tối, và họ dùng chổi để quét đi bùa chú của lối sống
lạc hậu. Sau cùng họ tạ ơn Chúa và cúi chào những vị khách đặc biệt, những vị khách
ngoại quốc tới thăm đất nước Trung Hoa, cũng như cảm ơn họ đã giúp đỡ nhiều cô
gái vượt lên trên nghịch cảnh tiến bước với số phận mới của họ. Với tiểu phẩm này chúng
tôi kiếm được khá nhiều tiền, đặc biệt là những khi chúng tôi làm cho khách rớt nước mắt.
Trong những buổi giảng đạo, cô Towler bao giờ cũng nói với chúng tôi rằng chúng tôi có
thể lựa chọn trở thành một tín đồ Thiên Chúa hay không. Không có ai bắt buộc chúng tôi
phải tin vào Chúa Jesus, bà nói. Niềm tin của chúng tôi là phải hết sức chân thực và thành
thật. Nhưng chị Dư người đã đến trại mồ côi vào lúc bảy tuổi thường nhắc nhở chúng tôi
về số phận bi thảm của chị. Chị buộc phải gõ cửa ăn xin từng nhà và nếu chị không xin
được đủ tiền thì chị chẳng có gì để ăn ngoài những lời chửi rủa. Một hôm khi chị phản đối
vì bị bỏ đói, ông anh rể đã ném chị ra ngoài đường như một miếng giẻ rách. Dưới mái
trường này, chúng tôi có thể ăn như chúng tôi muốn, chị nhấn mạnh. Chúng tôi sẽ không
bao giờ phải lo lắng việc bị tống cổ ra ngoài đường. Chúng tôi có thể lựa chọn niềm tin
cho mình. Tuy vậy, chị nói thêm, bất cứ đứa trẻ nào không đặt trọn niềm tin vào Chúa
Jesus chỉ là một con dòi ăn thịt xác chết, và khi cái kẻ thiếu lòng tin này chết nó sẽ bị đày
xuống địa ngục, thân xác nó sẽ bị lưỡi lê bằm vằm thành trăm mảnh, cho vào lò nướng
chín như một con vịt quay, nó bị bắt buộc phải chịu đựng tất cả các loại tra tấn còn ghê
rợn hơn cả những gì xảy ra ở vùng Mãn Châu nữa.
Thỉnh thoảng tôi băn khoăn về những cô gái không chọn cho mình một niềm tin vào Chúa.
Họ sẽ đi đâu sau khi họ chết? Tôi nhớ đến một đứa trẻ mà ngay cả những người truyền
giáo cũng không nghĩ là nó có một số phận mới. Nó được ông nội nuôi một thời gian. Tôi
thấy nó ở nhà trẻ, nơi tôi phụ việc vào mỗi sáng. Không có ai đặt tên cho nó. Má Hoàng
bảo tôi đừng bồng nó lên kể cả khi nó khóc vì có một cái gì đó không ổn ở đầu và cổ nó.
Nó không bao giờ kêu lên một tiếng. Nó có khuôn mặt tròn và dẹt như một cái đĩa lớn, đôi
mắt thô lố, cái mũi bé tẹo và cái miệng gắn ở giữa mặt. Da nó xanh lướt như hồ dán bằng
gạo, còn thân hình nó quá bé so với cái đầu bất động như một bông hoa bằng sáp. Chỉ có
đôi mắt nó lắc qua lắc lại như thể quan sát một con muỗi bay qua trần nhà. Rồi một ngày,
cái cũi nó thường nằm trống trơn. Má Hoàng nói bây giờ nó đã là một đứa con của Chúa,
thế là tôi biết nó đã về chầu Trời. Trong suốt những năm tôi sống ở trại mồ côi tôi đã thấy
sáu đứa trẻ có số phận như vậy, bao giờ cũng được nuôi bởi một người ông, sinh r a với
“một khuôn mặt chung” như má Hoàng nói. Cứ như thể đó là một người quay lại cõi thế
nhiều lần với cùng một thân xác vì lỗi lầm của một người khác. Mỗi lần nó đến tôi lại đón

chào đứa trẻ ấy trở về như một người bạn cũ. Mồi lần nó rời bỏ thời gian này lần nữa tôi
lại khóc.
Bởi vì tôi xuất thân từ một gia đình làm mực, tôi là đứa trẻ viết chữ đẹp nhất từ trước đến
nay trong trường. Thầy Phan nói thế. Ông thường kể lại cho học sinh nghe lịch sử triều
nhà Thanh, mọi việc đã trở nên thối nát như thế nào, kể cả hệ thống khoa cự Tuy vậy ông
cũng nói về quá khứ xa xưa với một tình cảm luyến tiếc nhẹ nhàng. Ông thường bảo tôi
“Lưu Linh, nếu con sinh làm phận trai thời đó thế nào con cũng trở thành một bậc đại nho
đấy”. Đó chính là những điều ông đã nói ra, ông còn nói thêm là chữ tôi còn đẹp hơn cả
chữ Khải Tĩnh con trai ông do chính ông dạy dỗ.
Khải Tĩnh là một nhà địa chất, một người có nét chữ rất đẹp, đặc biệt khi đó lại là một
người có nửa thân bên phải bị di chứng của bệnh bại liệt khi anh còn bé. May cho anh, khi
anh bị sốt bại liệt, cả nhà đã dốc hết tiền bạc dành dụm cả đời thuê những thầy thuốc tây y
và đông y tốt nhất để chữa chạy cho anh. Kết quả là anh đã qua khỏi, chỉ hơi bị thọt và
một bên vai bị lệch nhẹ. Sau đó những người truyền giáo đã giúp anh được vào học ở một
trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh để trở thành một nhà địa chất. Sau khi mẹ mất anh trở
về nhà để chăm sóc cha già và làm việc tại mỏ.

Hàng ngày anh đạp xe đạp từ trại mồ côi ra mỏ và trở về, đạp xe thẳng đến cửa lớp học
của cha anh. Thầy Phan sẽ nhảy lên yên sau xe rồi con trai ông đạp ra khỏi lớp đến dãy
cuối tu viện, bọn học sinh và các giáo viên sẽ nói với theo.
“Cẩn thận kẻo ngã!”
Chị Dư hết lòng ngưỡng mộ anh Tĩnh. Một lần chị đưa anh ra làm gương và nói “Nhìn coi
đấy! Các em thấy các em có thể đặt cho mình một mục tiêu giúp đỡ người chung quanh
còn hơn là trở thành một gánh nặng cho người khác”. Một lần khác tôi nghe chị nói “Thật
là một chuyện đau lòng khi một chàng trai anh tuấn như vậy chân hơi bị thọt!” có lẽ chị
nói vậy để an ủi học trò nhưng trong suy nghĩ của tôi chị quan tâm đến nỗi đau của mình
nhiều hơn những chuyện khác đơn giản chỉ bởi vì anh sinh ra rất đẹp trai. Sao chị Dư cũng
như những người khác có thể nghĩ thế được? Giả sử một người giàu có mất của thì điều đó
có đáng sợ hơn một người nghèo mất của sao?
Tôi hỏi một cô gái lớn hơn về điều này, cô ta đáp “Một câu hỏi ngớ ngẩn. Tất nhiên rồi!
một người đẹp trai và giàu có sẽ mất nhiều hơn chứ.” Tuy vậy điều đó hình như không ổn
đối với tôi. Tôi nghĩ đến dì Báu. Cũng giống như Khải Tĩnh, dì sinh ra với một vẻ đẹp
ngời ngời và sau đó cả khuôn mặt của dì bị huỷ hoại. Tôi nghe mọi người nói đi nói lại
một điều. “Thật là kinh khủng khi mang một khuôn mặt như thế. Chẳng thà cô ấy chết
quách còn hơn!”. Tôi có cảm thấy như thế nếu tôi không yêu thương dì không? Tôi nghĩ
đến cô gái ăn mày mù loà. Ai là người sẽ nhớ thương cô ấy?
Bất thình lình tôi muốn đi tìm cô gái mù ấy. Cô có thể nói chuyện với dì Báu hộ tôi. Dì có
thể cho tôi biết dì đang ở đâu. Dì đang lang thang nơi Tận cùng thế giới hay dì bị nhốt
trong lọ dấm? Còn lời nguyền nữa? Nó có mau chóng đi tìm tôi không? Nếu tôi chết vào
lúc này, ai là người sẽ nhớ thương tôi trên đời này? Ai là người đón chào tôi ở thế giới bên

nguon tai.lieu . vn