Xem mẫu

CHƯƠNG 1
Đêm đã về khuya. Trời cuối thu đầu đông se lạnh. Chạy sát ven hồ Thủy Nguyệt là
con đường nhỏ mang cái tên của một danh nhân rất mực tài hoa: Cao Bá Quát. Trên
đường, thấp thoáng bóng những đôi trai gái đi như dựa vào nhau để tận hưởng sự êm ả,
thanh khiết của trời thu.
Cuối phố, nơi có những cây hoa sữa cổ thụ mốc thếch rêu phong là một quán bar khá
đẹp mang tên Hoa Sữa. Đây là một biệt thự kiến trúc hoàn toàn Pháp đã có tuổi thọ hơn
bảy mươi năm.
Chủ của ngôi biệt thự là một nhân sĩ được Nhà nước kính trọng, có lẽ vì vậy mà trong
hồi cải tạo tư sản những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ngôi nhà đã không bị tịch
thu. Năm 1990, ông qua đời để lại ngôi nhà cho hai người con trai. Người con cả là một
Thiếu tướng quân đội thì được ở toàn bộ ba phòng tầng một và khu sân trước rộng hơn
năm chục mét vuông. Người con thứ hai là một kỹ sư hóa chất ở toàn bộ tầng trên. Nhà
Thiếu tướng có ít người, hơn nữa ông cũng được quân đội chia cho một khu đất khá đẹp
ngoài ngoại ô, và ông đã xây ngôi nhà bốn tầng. Từ khi có ngôi nhà mới ông hầu như
không về phố ở nữa cho nên ông đem tầng dưới cho thuê mở quán bar.
Người đứng ra thuê là một tay kinh doanh bất động sản khá tiếng tăm tên là Trần Dung
và có biệt hiệu là Dung Tỉ Phú. Trần Dung cho sơn sửa lại với một gam màu vàng nhạt và
trang trí quanh tường bằng những bức tranh phiên bản của những họa sĩ nổi tiếng như Văn
Cao, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh và đặc biệt là âm nhạc trong
quán thường là nhạc cổ điển của Mozart, Chopin, Betthoven… Nhờ những cái đó, quán
bar này đã tạo ra một bản sắc riêng biệt mà chỉ có những người ưa thích sự sâu lắng, nhẹ
nhàng mới lui tới.
Bar mở cửa từ 10 giờ 30 sáng và đóng cửa khi nào hết khách, nhưng thường thường là
khoảng 12 giờ đêm thì vắng hẳn.
Hôm nay cũng vậy, khi con chim cu từ trong chiếc đồng hồ quả lắc mang nhãn hiệu
ODO thò đầu ra gáy mười một tiếng thì trong quán chỉ còn lại có bốn người. Hai thanh
mến ngồi phía ngoài cửa và uể oải ngáp ngủ, còn phía góc trong của phòng có hai người
vẫn đang nói chuyện - đó là một người đàn ông và một phụ nữ.
Người đàn ông tên Tiên, biệt hiệu là Tiên Chỉ đã cứng tuổi, có mái tóc chải cẩu thả,
mặt tròn, mắt nhỏ và môi mỏng. Tiên Chỉ tên chính là Hoàng Văn Tiên và do anh ta có tật
khi nói chuyện cứ hay dùng ngón trỏ chỉ vào người đối thoại nên mới có biệt hiệu là Tiên
Chỉ. Tuy nhiên, biệt danh Tiên Chỉ còn mang một ý nghĩa khác. Tiên vốn là một tay giang
hồ có tiếng ở thành phố H, đã từng hai lần lĩnh án tù, tuy mỗi lần chỉ vài ba năm. Tiên
được coi là thủ lĩnh của một băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên các
lĩnh vực cờ bạc, cho vay nặng lãi, bảo kê vũ trường, kinh doanh bất động sản; và ngoài ra,
Tiên còn lập cả công ty kinh doanh hàng điện máy, điện tử. Là kẻ mưu mẹo, có ý chí,
được giới giang hồ nể trọng, xếp vào hàng chiếu trên, vì thế Tiên Chỉ thường được gọi
thêm là “Cụ Tiên Chỉ”. Năm 1996, Tiên ra tù và từ đó người ta thấy anh ta hiền lành hẳn.

Tuy nhiên, cảnh sát hình sự thì vẫn coi anh ta là đối tượng điểm. Còn cô gái khoảng gần
40 tuổi - đó là Oanh, biệt hiệu là Oanh Sói. Cũng là một ả giang hồ, là nữ quái nổi tiếng
một thời của đất cảng Hải Phòng.
Oanh Sói không đẹp nhưng có nét hấp dẫn, đặc biệt là mái tóc cắt tém như con trai và
ánh mắt nhìn sắc lạnh. Oanh hút thuốc liên tục và nét mặt xem ra có vẻ căng thẳng:
- Em rất cảm ơn ý tốt của anh. Nhưng bây giờ thì em chưa cần… Em muốn phải thanh
toán sòng phảng với hắn.
- Hắn là ai? Cô cho anh biết. Anh sẽ giúp cô thanh toán món nợ đó?
- Chuyện này của riêng em. Em không muốn ai biết và cũng không muốn phải nhờ ai.
Tiên nheo mắt nhìn hai gã thanh niên trông còn rất trẻ con đang ngồi phía ngoài:
- Đệ tử của em đấy à?
- Vâng, em cũng cần phải bảo vệ mình. Em biết có kẻ muốn “chơi” em, nhưng đâu có
dễ.
Nói rồi Oanh vẫy tay gọi một đứa đến và bảo:
- Các em về trước đi. Chị ở đây, lát nữa về sau.
Hai gã thanh niên lễ phép chào hai người rồi bước ra. Tiên gật gù, nhìn theo chúng rồi
quay lại:
- Nếu em đồng ý, anh giao cho em ba sòng ở ngoại thành. Em không cần góp thùng
tẩy(1), nhưng được ba chục phần trăm. Chỉ có điều là mấy sòng này đang bị bọn thằng
Phướn Chột quấy phá. Em đưa mấy thằng đệ tử của em về, chắc chúng chịu thôi?
- Đến như anh mà cũng sợ thằng nào quậy ư? Thế những cảnh sát hình sự chiến hữu
của anh đâu rồi?
Tiên tỏ vẻ lúng túng:
- Cũng có một số che chở cho mình. Nhưng có phải lúc nào cũng nhờ đến họ đâu.
Nuôi quân ba năm, đánh giặc một giờ… Chỉ khi nào khó khăn lắm mới phải nói với họ ra
tay. Làm nghề như anh em mình, muốn sống thì phải có quan hệ. Mình kiếm được nhiều,
nếu không biết chia sẻ thì có ngày chết không có đất chôn.
Oanh Sói thở dài:
- Em vừa mua đất để cuối năm nay sang cát cho bố em. Tiện thể, mua luôn ô bên cạnh,
sau này, em muốn nằm cạnh cụ.
- Cô chỉ gở mồm. Bây giờ là lo làm ăn, rồi lấy chồng, đẻ lấy vài ba đứa con. Tiền kiếm
được, dồn cho chúng ăn học. Đời như anh em mình khốn nạn quá rồi, chỉ còn biết trông
mong con cái sau này mở mày mở mặt. Em thấy đấy, kiếm được tiền nhưng trông thấy ai
cũng nơm nớp, nhìn thấy tay cảnh sát khu vực là phải cười từ xa; rồi còn cúng lễ đủ nơi đủ
chốn, phải hầu hạ khối ông to bà lớn.
Ngừng một lát, Tiên cười nhạt:
- Đời anh phải mang tiền đi biếu không biết bao nhiêu người rồi. Người có văn hóa thì
cảm ơn và nói: “Chú kiếm được, cho anh, anh xin”, nhưng cũng không ít kẻ, mà là quan to

vật hẳn hoi, chỉ nhét ngay vào ngăn kéo, không thèm nói câu nào. Đúng như các cụ xưa có
câu: “Tiền vào nhà quan như than vào lò”. Tết vừa rồi, riêng quà tết, anh phải chi hơn năm
trăm triệu, đó là chưa kể mấy chục chai XO.
- Em cũng chưa thấy ai chê tiền cả. Chỉ có điều là cho có đúng lúc, đúng chỗ không
mà thôi.
Tiên lặng im một lát rồi bảo:
- Tuần sau, anh giao mấy sòng đó cho em. Em nhớ gọi hết số đệ tử cũ về. Anh biết từ
ngày em đi trại, bọn chúng tan tác gần hết.
- Hừ. Lũ ăn cháo đá bát. Em đã lên danh sách rồi… Tất cả những kẻ tưởng rằng em đã
hết thời thì phải trả giá. Để rồi xem chúng nó phò được chủ nào!
- Cô vẫn không thay đổi - Tiên đổi giọng gọi Oanh là “cô”, như thể muốn coi đó là cô
em gái - Những tưởng ba năm đi trại đã giúp cô khôn hơn. Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ,
không mắc vòng tù tội đếch ra người… Cô có nghe thất người ta nói thế bao giờ không?
Cô phải học lấy chữ “nhẫn”. Anh nói thực với cô, nếu anh đây không học chữ “nhẫn”, chữ
“hòa” mà cứ thờ chữ “tiền”, chữ “cương” thì đã đi ăn đất từ lâu rồi. Thôi anh về.
Tiên đứng dậy, vừa quay lưng đi bỗng quay ngoắt lại, móc túi lấy ra một xấp đô la giúi
vào tay Oanh:
- Cô cầm lấy xài đỡ. Cần gì cứ bảo anh, đừng ngại.
Tiên thong thả đi ra ngoài. Tới cửa, hắn ngó quanh vẻ cảnh giác. Bên kia đường có hai
gã đi xe máy đang đứng tán chuyện với mấy gái mại dâm.
Cách quán không xa, dưới một gốc cây bằng lăng, có một cặp trai gái đang ôm nhau.
Từ phía ngã ba đường, một chiếc xe BMW màu đen chạy tới dừng ngay gần chỗ Tiên.
Cánh cửa bật mở, Tiên chui tọt vào xe.
Trong quán, Oanh vẫn ngồi trầm ngâm. Bỗng có tiếng chuông điện thoại di động.
Oanh mở máy nghe, bỗng ả thay đổi sắc mặt, nói rít lên từng tiếng:
- Sao, anh bảo anh khó khăn à? Nếu ngày mai, tôi không có một tỉ thì anh đừng
trách… Anh cướp cả cuộc đời tôi chưa đủ ư? Ba ngàn mét vuông đất một ngôi nhà, rồi
bao nhiêu tiền, vàng… Tôi đưa cho anh, những mong được làm vợ anh, làm kẻ hầu người
hạ cho anh… Vâng, tôi hiểu. Anh bây giờ phải lo giữ uy tín, tôi nghe nói tới đây anh còn
định đi làm chính trị, định làm ông nghị… Hừ! Ghê thật đấy, ông cướp biển ạ…
Trong lúc Oanh nói chuyện điện thoại thì cô gái trực quầy bar lắng nghe với vẻ tò mò.
Oanh vẫn xoe xóe:
- Tôi không còn gì để nói với anh nữa. Sẽ có quân của tôi tới bàn chuyện phải trái với
anh… Anh đừng dọa tôi! Bởi lẽ cái con Oanh nó đã chết từ ngày lên giường ngủ với anh
cách đây mười năm trước rồi.
Oanh tắt máy điện thoại di động và gọi cô gái ở quầy bar:
- Cho một ly rượu nữa.
Cô gái đến gần, rụt rè:
- Dạ thưa, em thấy chị uống cũng đã nhiều, hay để em pha nước cam?

Oanh quắc mắt:
- Cứ rót rượu, lấy chai Hennessy ra, loại xịn ấy.
- Rượu thật đắt lắm chị ơi?
- Từ nãy đến giờ cô cho tôi uống rượu rởm ư?
- Em đâu dám. Có anh Tiên tới, bao giờ cũng phải là hàng xịn.
- Thế còn bây giờ, chả lẽ tao không xứng uống một ly tử tế hay sao?
Cô gái vừa quay đi thì có hai thanh niên bá vai nhau bước vào quán. Cả hai thằng đều
nhỏ bé và ăn mặc nom như hai sinh viên. Đến gần Oanh, một đứa lễ phép hỏi:
- Xin lỗi, chị có phải là Oanh không ạ?
Oanh gườm gườm nhìn chúng:
- Các chú ở đâu? Tìm Oanh có việc gì?
Một tên đảo mắt nhìn quanh, còn tên kia khẽ kháng:
- Ông anh em gửi cho chị cái này.
Dứt lời, hắn rút từ trong túi quần ra khẩu súng ngắn, chia thẳng vào ngực Oanh và bóp
cò. Trong khoảnh khắc, Oanh đứng phắt dậy, hai bàn tay định xô bàn, nhưng không kịp.
Một tiếng nổ đanh gọn vang lên. Oanh bật ngửa…
Cô gái bán bar run bần bật và chui vội xuống gầm bàn… Từ tầng trên, có tiếng la hét
và tiếng chân chạy xuống cầu thang xầm xập. Một tên nhặt chiếc điện thoại di động của
Oanh, lừ lừ tiến đến bàn lễ tân, nói trống không nhưng đủ cho cô gái đang chui dưới gầm
bàn nghe thấy:
- Ai hỏi gì thì bảo lúc đó đang ở trong toa lét. Nhớ đấy! Nếu khác đi một chữ thì cũng
như con Oanh.
Dứt lời, chúng vội chạy ra ngoài. Phía bên kia đường đã có hai tên đi xe máy chờ sẵn.
Kẻ đi chiếc xe Hyosung Hàn Quốc loại 125 phân khối cao lớn, còn tên đi chiếc xe Dream
II thì nhỏ con hơn. Khi hai tên giết người chạy ra, có một người cũng vừa đi xe máy tới.
Anh ta dừng xe ở cách bọn đi xe máy đứng chờ khoảng chục mét và nhìn chúng với vẻ tò
mò. Thoáng cái, hai tên sát thủ đã nhảy lên xe. Gần như cùng một lúc, hai chiếc xe vọt đi
như tên bắn…
‡ ‡ ‡ ‡
Cũng vào thời điểm ở quán bar Hoa Sữa xảy ra vụ án mạng thì tại nhà riêng, Đại úy
Vũ Mạnh Tường, Phó trưởng phòng Cảnh sát Điều tra kiêm Đội trưởng Đội Điều tra trọng
án, Công an tỉnh H. đang cắm cúi viết chuyên đề về: “Đặc trưng của tội phạm có tổ chức
trong thời kỳ Đổi mới và những kinh nghiệm bước đầu trong đấu tranh chống các tổ chức
tội phạm”. Thực ra, đây không phải là nhiệm vụ của Tường, nhưng từ năm 1999, lãnh đạo
Tổng cục Cảnh sát đã yêu cầu tất cả công an các tỉnh, thành phố phải có chuyên đề nghiên
cứu về tội phạm có tổ chức. Điều đó cho thấy rõ một điều tội phạm có tổ chức đã và đang
là mối lo đe dọa thực sự đối với trật tự an toàn xã hội.
Phòng Cảnh sát Hình sự được Ban giám đốc giao cho nghiên cứu đề tài này nhưng đã

nguon tai.lieu . vn