Xem mẫu

PHẦN THỨ BA
TẠI VENDÉE
★★★

QUYỂN I
MIỀN VENDÉE

I
RỪNG
◄○►

Hồi ấy, xứ Bretagne có bảy khu rừng thật khủng khiếp. Loạn Vendée là

loạn thầy tu. Cuộc phiến loạn này đã được rừng rú phụ lực. Bóng tối hỗ trợ
lẫn nhau.
Bảy khu Rừng Đen xứ Bretagne là rừng Fougères chắn lối giữa Dol và
Avranches; rừng Princé chu vi tám dặm; rừng Paimpont toàn những khe và
suối, phía Baignon thì hầu như không có lối vào, lại có đường rút dễ dàng về
Concornet, một thị trấn bảo hoàng; rừng Rennes, ở đó nghe rõ tiếng chuông
cấp báo của những giáo khu theo Cộng hòa bao giờ cũng tập trung quanh các
đô thị; chính ở đây Puysaye thiệt mất Focard [135], rừng Machecoul có con
thú dữ là tên Charette; rừng Garnache thuộc các giòng họ La Trémoille,
Gauvain và Rohan; rừng Brocéliande là của các tiên nữ.
Một nhà quý tộc ở xứ Bretagne được phong chức lãnh chúa Bảy Khu
Rừng. Đó là tử tước De Fontenay, hoàng thân xứ Bretagne.
Bởi lẽ hồi đó có ông hoàng xứ Bretagne khác với ông hoàng nước Pháp.
Dòng họ Rohan đều là những ông hoàng xứ Bretagne. Vậy nên trong bản

báo cáo gửi lên Viện Quốc ước ngày 15 tháng 4 lịch cộng hòa năm thứ hai,
tướng Garnier đã gọi ông hoàng De Talmont như “tên Capet của lũ kẻ cướp,
chúa tể xứ Maine và xứ Normandie”.
Lịch sử rừng rú xứ Bretagne kể từ năm 1792 đến năm 1800 có thể tách
riêng ra và dính liền vào cuộc phiêu lưu của loạn Vendée như một truyền
thuyết.
Lịch sử và truyền thuyết mỗi đằng có một chân lý riêng. Chân lý truyền
thuyết khác với chân lý lịch sử. Chân lý truyền thuyết chính là sự tưởng
tượng mà kết quả là thực tại. Vả lại, lịch sử và truyền thuyết cùng có một
mục đích là khắc họa con người muôn thuở qua con người nhất thời.
Loạn Vendée chỉ có thể giải thích được đầy đủ nếu được truyền thuyết bổ
sung cho lịch sử, lịch sử cần cho toàn cục và truyền thuyết cần cho chi tiết.
Phải nói rằng loạn Vendée đáng được quan tâm. Loạn Vendée là một sự
kỳ dị.
Cuộc chiến tranh của những kẻ dốt nát đó vừa rất ngu ngốc lại rất hùng
tráng, vừa khả ố lại vừa huy hoàng, đã làm cho nước Pháp vừa bị điêu tàn lại
vừa thêm kiêu hãnh. Loạn Vendée là một vết thương và cũng là một vinh
quang. Trong những khoảng thời gian nhất định, xã hội loài người chứa bao
điều bí ẩn, những điều bí ẩn đó đối với những bậc hiền giả là ánh sáng, còn
đối với kẻ dốt nát là tăm tối, bạo lực và man rợ. Bậc hiền triết không dám lên
án. Họ tính đến điều rối ren do các vấn đề gây nên. Chẳng vấn đề nào xảy ra
mà không tỏa bóng xuống như những đám mây.
Nếu người ta muốn hiểu rõ loạn Vendée, hãy hình dung mối mâu thuẫn
này: một bên là cách mạng Pháp, một bên là người dân quê xứ Bretagne.
Trước những biến cố vô song kia là mối đe dọa lớn của tất cả những thành
tựu tốt đẹp, cơn phẫn nộ của văn minh, sự quá khích điên cuồng của tiến bộ,
sự cải thiện thái quá và khó hiểu; hãy đặt con người man rợ, nghiêm nghị và
kỳ dị đó, con người mắt trong trẻo và tóc dài, sống bằng sữa và hạt dẻ gai,
không nhìn xa quá mái tranh, bờ rào và hố rãnh của họ, nghe tiếng chuông là
có thể phân biệt từng xóm bên cạnh, chỉ uống nước lã, khoác chiếc áo cộc da
thêu, người thì thô lậu mà ăn mặc lại diêm dúa, vẽ lên áo quần như tổ tiên
họ, người Celte xưa kia đã thích chàm lên mặt, kính trọng lãnh chúa là đao
phủ của họ, nói một thứ từ ngữ, khác nào như nhốt tư tưởng vào một nấm

mồ, chăn bò, mài lưỡi hái, giẫy có lúa mì đen, nhào bánh bằng bột gạo mạch,
tôn kính cái cày hơn bà nội, tin cả Đức mẹ Đồng trinh và Đức bà Bạch y
thần nữ, sùng kính trước bàn thờ cũng như trước tảng đá đồ sộ huyền bí
đứng giữa đồng hoang; ở đồng bằng thì cày ruộng, ở ven biển thì đánh cá, ở
rừng thì săn bắn trộm; yêu mến đức vua, lãnh chúa, linh mục; chấy rận trong
người; đăm chiêu, thường im lặng hàng giờ trên bãi biển mênh mông hoang
vắng, âm thầm lắng nghe biển cả. Và ta hãy tự hỏi liệu con người mông
muội đó có thể tiếp nhận được ánh sáng kia không.

II
CON NGƯỜI
◄○►

Người nông dân có hai chỗ dựa; đồng ruộng nuôi sống họ, rừng rú che

giấu họ.
Rừng rú xứ Bretagne như thế nào có lẽ người ta khó tưởng tượng nổi; đó
chính là những thành thị. Không gì âm thầm hơn: câm lặng và man rợ hơn
những đám chằng chịt gai góc và cành lá rối bời đó; những bụi to, rậm là
những chỗ ẩn náu im lìm và lặng lẽ; không có cảnh hoang vắng nào lại có cái
vẻ chết chóc và sởn gai ốc hơn; nếu bất ngờ và nhanh như chớp có thể chặt
sạch cây cối đi đột nhiên người ta sẽ thấy trong bóng tối đó một ổ người
đông như kiến.
Những cái hầm tròn và hẹp, có nắp bằng đá và bằng cành cây che kín bên
ngoài, đào thẳng xuống rồi xiên ngang ra, mở rộng dưới đất hình miệng phễu
và thông đến những căn buồng tối tăm, đó là cái mà xưa kia Cambyse [136]
đã tìm thấy ở Ai Cập và hiện nay Westermann [137] tìm thấy ở xứ Bretagne;
những cái hầm kia ở giữa sa mạc, những hầm này ở trong rừng; hầm ở Ai
Cập chứa những xác chết, hầm ở Bretagne lại chứa những người sống. Một
trong những khoảnh rừng thưa hoang vu nhất, trong cánh rừng Misdon, đào
chi chít những đường hầm và ngõ ngách, ở trong đó thường có một loại
người bí mật qua lại, gọi là “thành phố lớn”. Một khoảnh rừng thưa khác,
bên trên không kém hoang vắng, nhưng bên dưới không kém đông đúc, gọi
là “hoàng thành”.
Ở xứ Bretagne, cảnh sống dưới đất như vậy có đã lâu đời. Từ xưa đến
nay, ở đây con người vẫn phải lẩn trốn trước con người. Do đó mà có những
hang rắn đào dưới gốc cây. Cái đó bắt đầu từ thời các tu sĩ và một số những
hầm mộ đó cũng cổ sơ như những mộ đá. Những âm hồn trong truyền kỳ và
quái vật trong lịch sử, tất cả đều đã sống qua trên cái xứ sở đen tối này nào
Teutatès, César, Hoël, Néomène, Geoffroy nước Anh, Alain-Gant-de-Fer,

Pierre Mauclerc, hoàng tộc Pháp Blois, hoàng tộc Anh Montford, các vua và
quận công, chín nam tước xứ Bretagne, các quan thẩm phán những phiên tòa
lớn, các bá tước thành Nantes xung đột với các bá tước thành Rennes, bọn
lính cướp, bọn cướp đường, những dòng tu sĩ lớn, René II, tử tước De
Rohan, những tổng trấn thay mặt nhà vua, ông “quận công phúc hậu De
Chaulnes” đã từng treo cổ dân quê lên cây trước cửa sổ nhà bà De Sévigné,
những cuộc chém giết giữa các lãnh chúa hồi thế kỷ thứ mười lăm, những
cuộc chiến tranh tôn giáo hồi thế kỷ thứ mười sáu, mười bảy, ba vạn con chó
được tập để săn người hồi thế kỷ thứ mười tám; bị dày xéo kinh khủng như
vậy, nhân dân đã liệu cách biến đi. Lần lượt những thổ dân ở hang, cốt thoát
tay người Celte, rồi đến người Celte cốt thoát tay người La Mã, người
Bretagne cốt thoát tay người Normandie, người theo tân giáo cốt thoát tay
người thiên chúa giáo, bọn buôn lậu cốt thoát tay lính đoan, trước hết trốn
vào rừng, rồi sau chui xuống dưới đất. Phương sách của thú vật. Chính sách
bạo ngược đã dìm nhân dân đến nông nỗi đó. Từ hai nghìn năm nay đủ loại
chuyên chế, nào nạn xâm lược, nào phong kiến, nào cuồng tín, nào thuế má
đã vây nã cái xứ Bretagne khốn khổ này đến xớn xác, một cuộc săn đuổi
khốc liệt chỉ chấm dứt ở hình thức này để tiếp tục bằng hình thức khác. Con
người đã lẩn xuống dưới đất.
Nỗi kinh hoàng cũng là một thứ giận dữ, đã có sẵn trong mọi tâm hồn, và
hang hố đã sẵn sàng trong rừng, thì vừa lúc đó nền cộng hòa Pháp xuất hiện.
Xứ Bretagne nổi loạn vì cảm thấy mình bị đè nén bởi cuộc giải phóng ép
uổng này. Những kẻ nô lệ thường hay có những ngộ nhận như vậy.

nguon tai.lieu . vn