Xem mẫu

Chương 21: Hoa hồng của ngày hôm qua


Hai tuần ở Bolingbroke hết sức dễ chịu, ngoại trừ chút sóng ngầm của nỗi
đau và bất mãn cứ mơ hồ lướt qua mỗi khi Anne nghĩ đến Gilbert. Tuy
nhiên, cô cũng chẳng có mấy thời gian mà nghĩ đến anh. “Đỉnh Nhựa Ruồi”,
gia trang xinh đẹp lâu đời của nhà Gordon, là một nơi rất sống động, đầy
chật bạn bè thuộc cả hai giới của Phil. Hàng loạt buổi đi dạo, khiêu vũ, dã
ngoại và chèo thuyền nối liền không ngớt, tất cả được gọi tóm gọn là “liên
hoan” theo cách nói của Phil; Alec và Alonzo lúc nào cũng ở sát bên khiến
Anne tự hỏi liệu họ có việc gì khác để làm ngoại trừ chạy theo săn đón cô
nàng Phil bốc đồng hay thay đổi hay không. Cả hai đều dễ thương và đầy
nam tính, nhưng Anne cương quyết không phát biểu ý kiến về chuyện ai tốt
hơn ai.


“Vậy mà tớ tưởng có thể nhờ vả cậu giúp tớ quyết định xem nên hứa lấy
ai,” Phil rên rỉ.


“Cậu phải tự quyết định lấy. Cậu khá sành sỏi khi quyết định xem người
khác nên cưới ai cơ mà,” Anne phản pháo có phần cay độc.


“Ôi, đó là chuyện hoàn toàn khác mà,” Phil thành thực thú nhận.


Nhưng điểm nhấn ngọt ngào nhất trong chuyến đến chơi Bolingbroke kỳ
này là hôm cô đến thăm nơi mình sinh ra - căn nhà nhỏ màu vàng xập xệ trên
con đường hẻo lánh mà cô đã bao lần mơ tới. Cô nhìn nó với ánh mắt vui
mừng khi cùng Phil rẽ vào trước cửa chính.


“Nó trông gần như y hệt trong trí tưởng tượng của tớ,” cô nói. “Không có
tàng kim ngân rũ xuống bên cửa sổ, nhưng có một cây tử đinh hương ngoài
cổng, và... đúng rồi, rèm cửa sổ bằng vải muslin. Tớ vui sướng biết bao khi
nó vẫn sơn màu vàng.”


Một phụ nữ rất cao và gầy ra mở cửa.


“Đúng vậy, gia đình Shirley từng sống ở đây hai mươi năm trước,” bà trả
lời câu hỏi của Anne. “Họ thuê căn nhà này. Tôi vẫn còn nhớ rõ họ. Cả hai
đều chết vì sốt cao. Thật buồn khủng khiếp. Họ để lại một đứa con. Tôi nghĩ
nó đã chết từ lâu rồi. Trông nó ốm yếu lắm. Vợ chồng lão Thomas nhận nuôi
nó - làm như họ không có đủ con cái rồi ấy.”


“Nó chưa chết đâu,” Anne mỉm cười. “Cháu là đứa bé đó.”


“Cô nói gì cơ! Ôi trời, cháu lớn quá,” người phụ nữ kêu lên, như thể bà
quá sức ngạc nhiên khi thấy Anne không còn là một đứa bé con nữa. “Nhìn
kỹ cháu thì tôi thấy giống đấy. Trông cháu giống hệt cha cháu. Ông ấy cũng
có mái tóc màu đỏ. Nhưng mắt và miệng cháu thì giống mẹ. Chị ấy là người
nhỏ nhắn dễ thương. Con gái tôi học với chị ấy và gần như phát cuồng vì chị
ấy. Họ được chôn chung với nhau và hội đồng nhà trường đặt một bia mộ để
tưởng nhớ những đóng góp của họ. Cháu vào nhà chơi nhé?”


“Bà cho cháu đi tham quan một vòng quanh nhà chứ?” Anne hăng hái
hỏi.


“Ôi trời, được mà, nếu cháu muốn thế. Chẳng tốn bao nhiêu thời gian đâu
- nhà nhỏ xíu thôi. Tôi cứ đòi ông chồng xây căn bếp mới, nhưng ông ấy
không tháo vát gì cho cam. Ở kia là phòng khách, trên lầu có hai phòng nữa.
Cứ tự đi xem lấy đi. Tôi phải đi trông đứa nhỏ đã. Cháu sinh ra ở gian phòng
phía Đông đấy. Tôi nhớ mẹ cháu nói là thích ngắm cảnh mặt trời mọc; và tôi
nghe nói cháu sinh ra đúng lúc mặt trời nhô lên, ánh bình minh trên khuôn
mặt cháu là thứ đầu tiên mẹ cháu nhìn thấy.”


Anne trèo lên cầu thang ọp ẹp rồi bước vào căn phòng nhỏ phía Đông với
một trái tim tràn đầy cảm xúc. Nó chẳng khác gì thánh điện đối với cô. Nơi
đây mẹ cô từng mơ những giấc mơ thuần khiết hạnh phúc của người mẹ
tương lai; nơi đây ánh bình minh đỏ rực đã chiếu sáng cả hai trong giờ phút

thiêng liêng khi cô sinh ra đời; nơi đây mẹ cô đã ra đi. Anne nhìn quanh với
vẻ thành kính, nước mắt tràn mi. Đây là một trong những giây phút quý báu
trong cuộc đời, và nó sẽ mãi mãi lấp lánh sáng rực trong ký ức cô.


“Nghĩ mà xem, khi sinh mình, mẹ còn trẻ hơn mình bây giờ,” cô thì thầm.


Khi Anne xuống lầu, bà chủ nhà gặp cô nơi hành lang. Bà cầm một gói
nhỏ bụi bặm thắt dải ruy băng xanh đã bạc màu.


“Đây là một bó thư từ cũ tôi tìm thấy trong tủ áo trên lầu khi dọn đến
đây,” bà nói. “Tôi chẳng biết nội dung của chúng - chẳng rảnh rỗi gì mà lục
lọi, nhưng địa chỉ ở lá thư đầu tiên là ‘Cô Bertha Willis’, và đó là tên thời
con gái của mẹ cháu. Cháu cứ giữ lấy nếu muốn.”


“Ôi, cảm ơn bà - cảm ơn bà,” Anne kêu lên, vui sướng giữ chặt lấy xấp
thư.


“Đó là tất cả những gì còn sót lại,” bà chủ nhà nói.


“Tất cả đồ đạc đều bán hết để trả tiền bác sĩ rồi, và bà Thomas lấy quần
áo và mấy đồ lặt vặt của mẹ cháu. Tôi nghĩ chúng không tồn tại được lâu
trong tay lũ nhóc nhà Thomas. Như tôi nhớ thì bọn chúng phá phách như thú
ấy.”


“Cháu chẳng có thứ gì của mẹ,” Anne nghẹn ngào.


“Cháu... cháu chẳng biết cảm ơn bà thế nào cho đủ.”


“Không có gì mà. Ôi trời, cháu có đôi mắt y hệt như mẹ. Đôi mắt của chị
ấy như biết nói ấy. Ba cháu có phần hơi cục mịch, nhưng tốt tính lắm. Tôi

nghe người ta nói khi họ kết hôn là chẳng có cặp vợ chồng nào yêu thương
nhau nhiều như thế, hai con người đáng thương, tiếc là họ không sống được
lâu hơn; nhưng khi còn sống thì họ rất hạnh phúc, và tôi cho rằng vậy cũng
khá là đủ rồi.”


Anne khao khát được về nhà ngay để đọc những lá thư quý giá của mình,
nhưng trước tiên cô phải thực hiện một cuộc hành hương nho nhỏ. Một
mình, cô đi đến góc xanh của nghĩa trang Bolingbroke “cũ”, nơi ba mẹ cô
yên nghỉ, và đặt lên mộ những đóa hoa trắng cầm theo. Sau đó cô vội vã
quay lại Đỉnh Nhựa Ruồi, giam mình trong phòng, và đọc từng lá thư một.
Một số do ba cô viết, một số là mẹ cô viết. Không nhiều lắm - tổng cộng chỉ
khoảng chục lá thôi - Walter và Bertha Shirley không thường xa cách nhau
trong thời kỳ yêu đương của họ. Những lá thư đã ố vàng, xỉn màu, nhạt nhòa
mờ dần theo năm tháng. Không có những nội dung trí tuệ sâu sắc trên những
trang giấy lấm lem nhăn nhúm, chỉ có những dòng chữ tràn đầy tình yêu và
niềm tin. Vị ngọt ngào của những câu chuyện bị bụi thời gian phủ lấp những hình dung đáng yêu xa xôi của cặp tình nhân đã qua đời từ lâu. Bertha
Shirley có tài viết những lá thư thể hiện được tính cách đáng yêu của người
viết và những suy nghĩ vẫn giữ được vẻ đẹp và hương thầm theo thời gian.
Những lá thư đều rất dịu dàng, riêng tư và thiêng liêng. Đối với Anne, ngọt
ngào nhất là lá thư mẹ cô viết cho ba cô sau khi cô ra đời và ông phải đi xa
trong một khoảng thời gian ngắn. Nó chứa đầy những lời khen ngợi của một
bà mẹ trẻ tự hào về “đứa bé” của mình - sự thông minh, tài giỏi, hàng vạn
những điều đáng yêu của cô.


“Em yêu con bé nhất khi nó đang ngủ và yêu hơn nghìn lần khi nó thức,”
Bertha Shirley đã viết như vậy trong lời tái bút. Có lẽ đó là câu cuối cùng mà
bà đặt bút viết. Cái chết đã tiến tới rất gần rồi.


“Đây là ngày đẹp nhất của cuộc đời tớ,” Anne nói với Phil vào đêm đó.
“Tớ đã tìm thấy ba mẹ mình. Những bức thư khiến họ trở nên chân thực với
tớ. Tớ không còn là một đứa bé mồ côi nữa. Tớ cảm thấy như thể vừa mở ra
một cuốn sách và tìm thấy đóa hồng của ngày hôm qua, ngọt ngào và thân
thiết, giữa những trang giấy.”


nguon tai.lieu . vn