Xem mẫu

6.

Ra đi
Trước đây, tôi chẳng bao giờ dành thời gian nghĩ về những gì sẽ xảy đến
với những bệnh nhân cao tuổi của mình - những người như cụ Lou và
hàng hà sa số những cụ ông cụ bà khác. Thời đó, tôi chẳng mảy may rời
khỏi phòng phẫu thuật của mình để tiếp tục dõi theo cuộc sống về sau
của họ. Nhưng sau khi được chứng kiến những gì đã và đang xảy ra trong
lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tôi bị choáng ngợp và ám ảnh bởi những
bài học rút ra từ chúng, cũng như ý nghĩa lớn lao mà chúng để lại cho y
học, bao gồm cả lĩnh vực giải phẫu con người mà tôi đang công tác. Và bài
học quan trọng nhất ở đây chính là: Khi con người càng lúc càng yếu đi vì
bệnh tật hoặc tuổi già, cách tốt nhất để chúng ta giúp cho họ có cuộc sống
tốt hơn chính là hạn chế bớt những quy chuẩn y tế cứng nhắc - tức dẹp
ngay cái quyền được can thiệp, chỉnh sửa và kiểm soát cuộc sống họ mà
chúng ta vẫn thường tự phong cho mình. Không khó để nhận ra tầm quan
trọng của bài học này sau những gì mà tôi chứng kiến bệnh nhân của
mình phải trải qua trong mỗi ngày đi làm của mình: Con người luôn phải
đối mặt với tình cảnh nguy hiểm, bệnh tật hoặc thập tử nhất sinh vào bất
kỳ giai đoạn nào của cuộc sống và bất kể họ bao nhiêu tuổi. Nhưng điều
này cũng đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời: Khi nào thì bác sĩ chúng ta
nên can thiệp, và khi nào thì không nên?
Sara Thomas Monopoli đang mang thai con đầu lòng ở tuổi ba mươi
bốn. Lúc đó, các bác sĩ ở bệnh viện nơi tôi công tác chẩn đoán rằng cô sắp
chết. Cô bắt đầu thấy khó chịu và phải đến bệnh viện kiểm tra vì những
lần ho bất thường và một cơn đau lưng không biết từ đâu. Rồi một tấm
ảnh X-quang đã cho thấy lá phổi trái của cô ấy bị xẹp, còn lồng ngực của
cô thì ứ đầy chất dịch. Các bác sĩ dùng một cây kim dài trích một lượng

nhỏ chất dịch trong lồng ngực của Sara để mang đi làm xét nghiệm.
Không ngoài suy đoán của mọi người, kết quả cho thấy cô mắc bệnh ung
thư phổi, và khối ung thư đã di căn tràn ra lồng ngực. Bào thai cô đang
mang đã gần ba mươi chín tuần tuổi, và chính vị bác sĩ sản của cô đã yêu
cầu cuộc xét nghiệm, để rồi cũng chính ông thông báo tin dữ cho hai vợ
chồng cô và gia đình. Ông chưa dám tiên lượng bệnh tình của cô, bởi lẽ
một bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ làm điều đó cho Sara. Cô chết lặng. Mẹ
của cô bật khóc, bởi bà cũng từng mất đi một người bạn thân vì căn bệnh
ung thư phổi.
Các bác sĩ muốn bắt đầu việc chữa trị ngay cho cô, và điều này đồng
nghĩa với việc Sara sẽ phải sinh mổ để lấy em bé ra càng sớm càng tốt. Lúc
đó Sara và chồng cô, Rich, ngồi riêng với nhau ở tầng thượng tĩnh lặng
ngay phía trên khoa sản. Đó là một ngày thứ Hai nắng ấm của Tháng Sáu.
Cô nắm chặt tay Rich, và hai người họ cố gắng khuyên nhủ bản thân chấp
nhận sự thật. Cả đời Sara chưa bao giờ hút thuốc hay sống chung với
người hút thuốc. Cô thường xuyên tập thể dục. Cô ăn uống điều độ. Bị ung
thư phổi là chuyện ngoài sức tưởng tượng của cô. Rich nói với cô, “Cả anh
và em sẽ cùng nhau vượt qua chuyện này. Đúng là sẽ rất khó khăn. Nhưng
chúng ta sẽ làm được. Rồi bệnh của em sẽ được chữa khỏi thôi mà.” Tuy
nhiên, rồi cũng đến lúc họ phải nghĩ về đứa bé trong bụng Sara.
“Sara và tôi nhìn nhau,” Rich nhớ lại, “rồi bảo nhau rằng, ‘Thứ Ba này
không có ung thư ung thiếc gì cả. Nó là ngày không ung thư. Con của
chúng ta sẽ ra đời. Đó sẽ là ngày hạnh phúc nhất đời chúng ta. Và chúng
ta sẽ ôm ấp nâng niu em bé trong vòng tay mình.” Quả thật, vào lúc 8 giờ
55 phút sáng ngày Thứ Ba hôm sau, bé Vivian Monopoli đã chào đời, cân
nặng gần ba ký rưỡi. Cuộc sinh nở mẹ tròn con vuông, bé có tóc xoăn màu
nâu giống mẹ, sức khỏe của bé hoàn toàn bình thường.
Ngày hôm sau, Sara làm xét nghiệm máu và chụp cắt lớp cơ thể. Bác sĩ
chuyên khoa ung thư Paul Marcoux gặp cô và gia đình để nói chuyện về

kết quả xét nghiệm. Ông giải thích rằng vốn dĩ đã có một tế bào ung thư
không nhỏ tồn tại trong phổi trái của Sara từ lâu. Nguyên nhân gây ung
thư không liên quan gì đến lối sống hay sinh hoạt của cô. Hơn mười lăm
phần trăm bệnh nhân ung thư phổi là những người chưa bao giờ hút
thuốc - một tỉ lệ khá cao so với suy nghĩ của hầu hết chúng ta. Trường hợp
của Sara là ung thư phổi cấp độ nặng, đã di căn thành nhiều hạch bạch
huyết trong lồng ngực và lớp da bảo vệ ở đó. Tình trạng ung thư này không
thể mổ được. Nhưng cô vẫn còn phương án hóa trị liệu bằng thuốc
erlotinib, một loại thuốc điều trị ung thư có chức năng chống lại tình
trạng đột biến gene thường diễn ra ở những phụ nữ mắc bệnh ung thư
phổi không phải do hút thuốc: 85 phần trăm số bệnh nhân từng được điều
trị có phản hồi tích cực đối với thuốc, và như bác sĩ Marcoux nói, “hầu hết
những phản ứng này đều lâu dài.”
Những từ ngữ như “phản hồi tích cực” và “lâu dài” đóng vai trò như
những tia sáng hy vọng lóe lên giữa thực tại u ám. Y học hiện nay vẫn
chưa tìm ra biện pháp nào giúp trị dứt bệnh ung thư phổi. Kể cả với hóa
học trị liệu, người bệnh cũng chỉ có thể kéo dài sự sống của mình trung
bình thêm một năm nữa. Sẽ thật phũ phàng và vô nghĩa nếu Marcoux
phải nói ra sự thật này với Sara và Rich. Bé Vivian dễ thương vẫn đang
ngon giấc trong chiếc nôi nhỏ cạnh giường. Hai vợ chồng họ đang cố gắng
hết sức có thể để giữ tinh thần lạc quan cho tương lai. Khi một nhân viên
y tế được cử đến để trò chuyện và tư vấn cho họ, cả hai vợ chồng đều
khẳng định rằng họ không quan tâm đến tỉ lệ thành công. Họ muốn tập
trung vào việc tầm soát bệnh một cách tối ưu nhất có thể.
Sara bắt đầu quá trình điều trị ung thư bằng erlotinib. Liệu pháp này
khiến da mặt cô nổi nhiều mụn ngứa và làm cho cơ thể cô mệt mỏi tê
cóng. Các bác sĩ dùng kim châm để hút dịch tràn trong lồng ngực cô,
nhưng chất dịch liên tục ứ đầy buộc họ phải thường xuyên lặp đi lặp lại
việc này, khiến cô đau đớn khôn cùng. Thế là một bác sĩ chuyên khoa ngực
được mời đến để đặt ống trong lồng ngực của Sara; cô có thể dùng nó để

hút dịch bằng cách điều chỉnh một khóa van mỗi khi chất dịch ứ đầy
trong ngực và khiến cô khó thở. Ba tuần sau khi sinh con, cô lại phải nhập
viện bởi tình trạng khó thở trầm trọng do tắc mạch phổi - một cục máu
đông gây tắc nghẽn trong động mạch dẫn đến phổi, một biểu hiện thường
thấy ở bệnh nhân ung thư phổi và vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.
Người ta sử dụng chất làm tan máu để chữa trị cho cô. Kết quả xét nghiệm
cho thấy các tế bào ung thư không có biểu hiện đột phá mà liệu pháp
erlotinib nhắm đến. Khi bác sĩ Marcoux thừa nhận với Sara rằng loại
thuốc này không có tác dụng đối với cô, cô đã có phản ứng dữ dội, lao ngay
vào nhà vệ sinh vì một cơn tiêu chảy bất ngờ trước khi bác sĩ kịp nói hết
lời.
Marcoux đề xuất cho Sara một phương pháp hóa trị liệu khác chuẩn
mực hơn, được thực hiện với hai loại thuốc gọi là carboplatin và
paclitaxel. Nhưng vì thuốc paclitaxel có thể kích hoạt những phản ứng dị
ứng cực đoan và có thể vượt quá sức chịu đựng của người bệnh, nên vị bác
sĩ quyết định thay thế bằng thuốc carboplatin kết hợp với gemcitabine.
Ông bảo rằng theo thống kê, đây cũng là một liệu pháp hiệu quả với hầu
hết người bệnh.
Sara trải qua những ngày còn lại của mùa hè ở nhà, bên cạnh cô là bé
Vivian và chồng. Bố mẹ cô cũng chuyển đến sống chung với gia đình nhỏ
của cô để phụ giúp. Cô thích được làm mẹ. Những khi không phải hóa trị,
cô nỗ lực lấy lại nhịp sống bình thường như trước.
Thế rồi, vào một ngày tháng Mười, một hình chụp cắt lớp CT cho thấy
cụm khói u trong ngực trái của cô cũng như trong các hạch bạch huyết
vẫn đã và đang không ngừng lớn dần. Liệu pháp hóa trị kia đã thất bại. Cô
được cho chuyển qua sử dụng thuốc pemetrexed. Nhiều nghiên cứu đã
cho thấy loại thuốc này có thể kéo dài sự sống của bệnh nhân ung thư với
tỉ lệ đáng kể. Nhưng trên thực tế, thuốc chỉ phát huy hiệu quả đó đối với
một số ít người bệnh nhất định. Tính trung bình, thuốc pemetrexed giúp

người bệnh duy trì sự sống được thêm hai tháng - tức từ mười một đến
mười ba tháng, và tác dụng này chỉ xảy ra ở những bệnh nhân đã thích
ứng được với liệu pháp hóa trị chuẩn. Sara không nằm trong số những
bệnh nhân này.
Sara nỗ lực hết mình trong việc thích nghi với tác dụng phụ của thuốc
cũng như mọi rủi ro có thể xảy ra. Vốn là một cô nàng vui tính, cô luôn cố
gắng duy trì tinh thần lạc quan. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt vẫn chưa
chịu buông tha cô: Bệnh tình mỗi lúc một trở nặng, khiến cô dễ kiệt sức
và khó thở hơn trước. Chỉ mới vài tháng thôi mà trông Sara như già đi vài
chục tuổi. Đến tháng Mười Một, cô không còn có thể tự mình đi bộ từ nhà
xe đến phòng làm việc của bác sĩ Marcoux nữa; cô phải ngồi xe lăn để
Rich đẩy cô di chuyển.
Chỉ ít ngày trước Lễ Tạ ơn, một buổi chụp CT của cô lại cho ra kết quả
không mong muốn: Thuốc pemetrexed - toa thuốc thứ ba mà cô sử dụng không có tác dụng với cô. Khối u ung thư trong phổi cô đã di căn rộng: từ
ngực trái sang ngực phải, lan ra cả gan, bụng, và cột sống của cô. Cô không
còn nhiều thời gian nữa.

* * *

Câu chuyện của Sara đặt ra quá nhiều câu hỏi không lời đáp cho tất cả
chúng ta, những con người đang được sống và tận hưởng các thành quả
của y học hiện đại: Giờ thì theo bạn, Sara và các bác sĩ nên làm gì trong
tình huống này? Hoặc, giả sử bạn mắc phải bệnh ung thư ngặt nghèo như
Sara - một tình trạng bệnh đã tiến đến giai đoạn trầm trọng và gần như
không còn cứu chữa được nữa - bạn mong muốn các bác sĩ làm gì cho
mình?
Vấn đề này đang nhận được nhiều sự chú ý quan tâm trong những

nguon tai.lieu . vn