Xem mẫu

  1. Phần 7 Hậu quay sang nói nhỏ với em một câu rồi ưu tư bảo Trần Khải: - Chị em chúng em có đứa nào biết đan biết may gì đâu ! Quanh năm chỉ cầm liềm cầm cuốc ! Mình còn không biết , dạy ai bây giờ? Trần Khải vội trấn an: - Ta thuê người chứ ! Hai cô chỉ đứng ra thôi. Tôi sẽ gửi về cho cô một người thợ giỏi. Giỏi lắm ! Chị ấy từng mở lớp đan thiêu và may vá ở Hà Nội ! Hai cô cứ xin phép hai bác đi. Hễ hai bác đồng ý thì anh Tân sẽ đưa người về ! Cả hai chị em hiểu ra , hết sức cảm phục sự chu đáo của Trần Khải. Trần Khải kết luận: - Trước mắt cứ như thế đã nhé ! Sáng mai , anh Tân với tôi về lại Hà nội. Tiện đây , tôi xin chào các cô , hẹn gặp lại dịp khác. Có thế nào thì các cô liên lạc ngay cho chúng tôi biết. Duyên hỏi: - Chúng em liên lạc với anh bằng cách nào? Trần Khải châm điếu thuốc mới. Cái bật lửa nhôm cũ kỹ của anh , đốt bằng dầu hôi , mỗi lần hút thuốc phải bật cả chục lần ở chỗ không có gió thì mới hy vọng cháy. Anh nhả khói rồi đáp: - Các cô biết rồi mà. Anh Tân sẽ cho các cô biệt địa chỉ nhà trọ của chúng tôi ở Hà Nội … Thôi , chào hai cô ! Dứt lời , Trần Khải đứng dậy đi nhanh ra cỗng gặp Tân. Thái độ của anh dứt khoát lắm , không vướng bận một chút tình cảm riêng tư nào. Duyên không nói ra nhưng trong lòng rất cảm phục , vì rõ ràngTrần Khải từ hôm về đây , chả để ý gì đến hai chị em cô. Bất giác cô lại nhớ đến Minh và tự hỏi chẳng biết Minh bị giam ở đâu? Trước kia , khi nghe Minh bị đuổi học vì phát truyền đơn chống Pháp , Duyên dửng dưng vì cho là dại. Bây giờ dấn thân vào đường cách mạng rồi , Duyên mới thấy Minh là một người dũng cảm. Hôm sau , Trần Khải và Tân đi rồi , hai chị em xuống bếp bàn riêng với mẹ về ý định mở lớp đan thêu. Bà Lương mới nghe qua đã mắng: - Chúng mày rồ hay sao đấy? Vá cái quần rách còn chưa xong , đòi mở lớp dạy người ta may vá ! Hậu cặn kẽ trình bày:
  2. - Anh Tân với anh Trần Khải khuyên chúng con mở lớp chớ không phải chúng con tự nghĩ ra được đâu mẹ à. Các anh ấy là người học rộng hiểu nhiều , biết nhìn xa , nên mới bảo chúng con như thế ! Bà Lương vốn nể con trai lớn , nhất là lại có Trần Khải cùng đồng ý nên bà dịu ngay cơn giận và hỏi lại: - Thằng Tân nó bảo chúng mày như thế à? Hậu đáp: - Vâng ! Anh Tân với anh Trần Khải đều bảo “Càng ngày người ta càng thích mỹ nghệ. Chả nhẽ cả đời hai cô cứ chân lấm tay bùn mãi hay sao?”. Bà Lương hài lòng với nhận xét của Trần Khải , tuy vẫn thắc mắc: - Nhưng chúng mày học nghề đến bao giờ cho thạo để đủ sức dạy người khác? Hậu đưa mắt nhìn em , chia sẻ niềm vui vì bà Lương hỏi thế tức là bà đã xiêu lòng chấp thuận rồi. Hậu đáp: - Chúng con mà dạy ai ! Mình chỉ mở lớp rồi thuê thợ giỏi về dạy ! Mình trông nom trả lương thợ , phần còn lại là của mình ! Anh Trần Khải sẽ giới thiệu thợ tận Hà Nội về giúp chúng con Nghe nhắc đến Trần Khải , bà Lương buông xuôi. Thôi thì biết đâu đây chẳng là nhịp cầu để các con bà gặp gỡ người chồng tương lai. Con trai bà nay mai ăn học thành tài , quen biết nhiều người trong giới học thức. Hai đứa em gái của nó cũng cần vươn lên , thoát khỏi cảnh bùn lầy nước đọng. Bà từng nhắm hai thằng thanh niên cho hai đứa con bà thì nhất thời đều hỏng cả. Thằng Tuất đi lấy vợ bên kia sông , thằng Minh thì vào tù ! Biết đâu Trần Khải chả là người điền khuyết cho một trong hai thằng kia? Bà bảo: - Để tao nói qua với bố xem ý bố như thế nào? Hậu và Duyên cùng níu cánh tay của mẹ: - Mẹ nhớ nói khéo hộ chúng con ! Bà Lương quay đi , lên nhà trên để lựa lời nói với chồng. Hậu chạy theo nài nì thêm: - Nếu bố bằng lòng thì mẹ phải cấp vốn cho chúng con đấy mẹ nhé ! Hai chị em chúng con dốc hết hầu bao cũng chỉ được có mấy hào ! Con tính rồi. Vải vóc , kim chỉ , que đan , rồi phải đóng bàn để cắt quần áo. Đóng ghế cho học trò ngồi. Chắc cũng phải bỏ ra món tiền nhớn !
  3. Bà Lương im lặng bước đi , không nói gì. Hai cô hồi hộp trông theo , lòng mừng khắp khởi. Một tháng sau thì lớp dạy cắt may thành hình đúng như dự tính. Giá như không có tiếng nói của Tân thì khó lòng mà ông bà chấp nhận cuộc cách mạng táo bạo này. Nhà này , muôn đời nghề nông vẫn là truyền thống , có đâu lại đổi một khúc rẽ bất ngờ như vậy ! Chỉ nhờ Trần Khải và Tân thuyết phục , bà Lương mới bằng lòng xuất vốn ra cho hai cô con gái mà bà đang nóng ruột gả chồng. Trần Khải gửi về một cô giáo nữ công ăn ở ngay tại nhà Hậu. Cô tên là Thúy , tuổi gần 40 , góa chồng đã cả mười năm , được tổ chức kết nạp để lo công tác vận động phụ nữ. Hậu và Duyên thay nhau đi mời gọi bạn bè , rồi nhờ bạn bè níu kéo thêm người quen , tập trung đến lớp học. Những nhà nghèo quá thì Hậu lấy nửa tiền học phí hoặc có khi miễn phí hẳn cho họ theo lời khuyên của Trần Khải. Cái mục đích sâu xa của Trần Khải và Tân là tập họp được càng đông càng tốt. Tiếng đồng vang ra ở Hải Ninh , chị em phụ nữ kéo đến mỗi ngày một nhiều hơn. Trước học nghề , sau học chữ. Phần lớn các cô ban ngày phải đi làm ruộng hoặc những công việc thường lệ khác như trồng rau , nuôi lợn , cắt cỏ , dệt vải. Chỉ tối đến mới gặp nhau tại nhà Hậu. Buổi đầu , Hậu và Duyên dạy chữ. Dần dần chính các học viên dạy cho nhau hoặc khi các cô ngồi may vá đan thêu thì một người đọc sách cho cả lớp nghe chung. Hậu và Duyên gần giống như hiệu trưởng và giám thị mà thôi ! Chỉ một thời gian ngắn , hai chị em Hậu được dân làng Hải Ninh âu yếm gọi là những cô giáo tiền phong chống nạn mù chữ. Ông Lương lúc đầu chẳng để ý , về sau cứ chấp tay sau đít , đi tới đi lui ngoài hiên và gật gù mỉm cười một mình. Ông cười khẩy , chua chát bảo vợ: - Đúng là thời thế đảo điên , bà nhỉ ! Tôi học chữ Nho từ thuở lên bốn , thắm thoát mấy mươi năm giời. Thế mà tôi mở trường dạy học thì chỉ lèo tèo có vài đứa. Còn hai đứa chúng nó , cái Hậu với cái Duyên , chỉ vừa biết đọc biết viết , mà học trò kéo đến đông như kiến , không đủ chỗ ngồi ! Bà Lương thông cảm với nỗi đắng cay của chồng nên đáp cho qua chuyện: - Thì tại vì vua xuống chiếu bãi bỏ chữ Nho , cho nên người ta phải học chữ quốc ngữ ! Thời bây giờ , đơn từ văn tự đều bằng chữ quốc ngữ. Không học thì đàng nào mà mò ! Phải nói rằng , lúc đầu ông Lương chỉ vì chiều vợ mà cho hai đứa con mở lớp cắt may. Nhưng dần dà khi thấy hai con dạy chữ quốc ngữ được dân làng nể phục thì chính ông lại rất hãnh diện. Hôm đi dự tiệc cưới của đứa cháu họ , ông tình cờ nghe các bà bảo nhau ở bàn bên cạnh: - Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh ! Cái Hậu với cái Duyên nhà ông giáo Lương , chả biết học hành vào lúc nào mà bây giờ giỏi quá , dạy cho bao nhiêu
  4. người , xứng đáng nối nghiệp bố ! Lời nhận xét ấy làm ông rất hả dạ. Nhưng theo truyền thống của người Việt , ông không bao giờ khen các con , vì sợ chúng sẽ trở nên kêu ngạo ! Tân có dẫn Trần Khải về chơi tham quan một lần và cả hai cô cùng phấn khởi vì thành quả vượt cả sự dự kiến lúc ban đầu. Tuy vậy , Trần Khải vẫn căn dặn Hậu và Duyên phải cảnh giác , trong lớp tuyệt đối chưa cần đả động gì đến chuyện chống Pháp. Theo kinh nghiệm của Trần Khải thì cách tuyên truyền tuy xa xôi nhưng hữu hiệu , bao giờ cũng là nội dung chứa đựng trong những bài học tập mà thôi. Ây vậy mà lý trưởng Hải Ninh cũng thân hành tìm đến và lôu Hậu ra cật vấn. Hôm ấy , ông Lương đem theo Hoàn đi bắt mạch cho bệnh nhân ở làng bên cạnh. Bà Lương đi chợ huyện. ở nhà chỉ có hai chị em. Lý trưởng cầm gậy , gọi Hậu và Duyên ra , gay gắt hỏi: - Chúng mày làm trò gì thế này? Định làm loạn phải không? Hậu cứng rắn đáp: - Ô hay , sao cụ lý lại nói thế? Chúng cháu học may vá chứ có làm gì đâu? Lý trưởng tuổi ngoài bốn mươi , nhưng cả làng đều quen gọi là cụ. Ông nhìn vào lớp học , bắt gặp nhiều khuôn mặt quen trong làng. Ông hỏi: - Học may vá sao lại có cả sách báo là thế nào? Hậu bình tỉnh đáp: - Bẩm cụ lý. Chủ yếu là học may. Nhưng ai thích học chữ thì chúng cháu dạy luôn thể ạ! Ông nhìn quanh khắp nhà và hỏi tiếp: - Bố mẹ mày đâu? Duyên đáp: - Bẩm , bố mẹ cháu đi vắng chiều mới về ạ ! Ông giơ cây gậy , dứ dứ vào mặt Hậu và dọa: - Ai cho chúng mày mở lớp học mà không xin phép? Tao nể ông giáo tao ngơ cho chị em chúng mày. Nhưng liệu hồn đấy ! Học may thì cứ học may , tao không cấm , miễn là đừng có léng phéng chuyện quốc sự. Hội kín bây giờ đang nổi lên khắp nơi ! Chớ có giở trò gì để tao phải ra tay ! Phép nước không vị tình thân ! Tao báo trước , mai kia có gì đừng trách tao !
  5. Chị em Hậu cúi đầu vâng dạ cho qua chuyện. Ông lý khệnh khạng bước xuống sân và ra cổng. Cả lớp hồi hộp trông theo cho đến khi bóng ông khuất hẳn sau bụi tre. Ngay hôm sau , lý trưởng cho con gái đến ghi danh theo học. Hậu biết đó là âm mưu cài nội tuyến của ông , nhưng vẫn niềm nở mời cô gái vào. Hậu bảo Duyên: - Có mặt nó càng tốt ! Mình sẽ được tiếng là ngay cả cụ lý cũng cho con đến học ! Từ từ rồi chị em mình sẽ vận động nó theo chúng mình ! Lý trưởng vừa ra khỏi cổng thì bà Lương ở chợ về. Bà buông cái thúng đựng vài thứ lặt vặt trên thềm , đi nhanh lại căn buồng đầu nhà , bây giờ đã biến thành lớp may vá của hai con. Hậu và Duyên đang theo dõi học viên tập viết thì bà Lương giơ tay vẫy Duyên ra hè. Hậu cũng chạy theo em , ra hẳn đầu nhà với mẹ. Bà Lương bảo Duyên: - Lúc nãy ở ngoài chợ mẹ gặp bác Truyền gái. Bác ấy bảo riêng với mẹ là thằng Minh nó được thả rồi ! Duyên tròn mắt kêu lên một cách vui mừng: - Anh Minh được thả rồi ! Bác Truyền chắc mừng lắm !
nguon tai.lieu . vn