Xem mẫu

  1. Dạy trẻ biết cách chia sẻ trong cuộc sống Trẻ em được sinh ra thế giới này với tâm hồn của những thiên thần. Nhưng chính cuộc sống đầy phức tạp đã gieo những suy nghĩ và hành động xấu cho tâm hồn non nớt đó. Sự phát triển của công nghệ hiện đại, chủ nghĩa vật chất có thể sẽ biến con bạn trở thành những kẻ ích kỷ và chỉ biết sống vì mình. Vì vậy, các bạn, những bậc sinh thành chính là người có nhiệm vụ giúp trẻ vượt qua cạm bẫy và trở thành người công dân tốt cho xã hội. Những giá trị đạo đức như sự chia sẻ, tha thứ, yêu thương và quan tâm đến mọi người nên được khắc sâu vào tâm trí trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bạn hãy dạy con trẻ đức tính này thông qua những câu chuyện, bài học hay từ những chuyện nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống xung quanh. Với bài viết này, Stylist.vn xin chia sẻ đến các bậc bố mẹ cách dạy trẻ sẻ chia và quan tâm đến mọi người.
  2. Bạn có thể dạy trẻ cách chia sẻ những gì chúng sở hữu bằng nhiều cách. Mời bạn bè của chúng đến vào cuối tuần và cho bọn trẻ cùng chơi những món đồ chơi (dù đắt tiền) để giúp giảm đi cái tôi và sự sở hữu riêng tư trong trẻ. Bạn cũng có thể khuyên con mình quyên góp những món đồ chơi cũ hoặc không sử dụng cho những đứa trẻ kém may mắn hơn hoặc cho các tổ chức từ thiện. Điều này sẽ tạo cho con bạn lòng vị tha, một đức tính cần thiết cho trẻ trong tương lai. Ngoài ra, hãy dẫn những đứa con của bạn đi thăm trại trẻ mồ côi. Chuyến đi đó sẽ cho con bạn nhận ra rằng chúng may mắn như thế nào và sẽ sẵn sàng nhường những cuốn sách và món đồ chơi không sử dụng cho người bất hạnh. Và điều này cũng giúp trẻ cố gắng sống tốt hơn, xứng đáng với những gì chúng đã được thượng đế ban tặng. Đừng bao giờ ép trẻ phải chia sẻ mọi thứ. Hãy nhớ rằng trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương. Những món đồ chơi đối với chúng cũng giống như chiếc xe hoặc ngôi nhà của bạn. Hãy cho con trẻ thời gian để suy nghĩ trong khi bạn có thể kích thích lòng bao dung của chúng bằng những câu chuyện giáo dục nhẹ nhàng về sự quan tâm và chia sẻ. Những câu chuyện sẽ giúp chúng hiểu được những khái niệm phức tạp và thay đổi thái độ theo chiều hướng tích cực. Nếu cảm thấy con mình ích kỉ và bạn khó có thể thay đổi tính nết đó thì hãy tìm sự giúp đỡ từ giáo viên. Đối với con trẻ, cô giáo hay thầy giáo chính là thần tượng của chúng, do đó, những lời nói của thần tượng lúc nào cũng có trọng lượng hơn. Và hơn nữa, những giá trị về sự chia sẻ và lòng vị tha sẽ dễ dàng được truyền đạt trong môi trường sư phạm. Bên cạnh đó, nếu bạn có nhiều con, hãy yêu thương chúng như nhau và dạy con mình biết cách chia sẻ và nhường nhịn cho anh chị em. Điều này cũng một phần làm giảm đi tính ích kỉ và sự ganh ghét, đố kỵ trong trẻ.
  3. Tốc độ phát triển nhanh của công nghệ và sự hấp dẫn của chủ nghĩa vật chất sẽ dễ dàng làm trẻ trở nên ích kỉ. Những bậc cha mẹ, người lớn và giáo viên chính là người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng những giá trị đạo đức này cho trẻ nhỏ, giúp chúng trở thành những con người có ích cho xã hội.
nguon tai.lieu . vn