Xem mẫu

  1. Phần 29 Họ bước vào trong đó. Đèn pin chiếu rọi gian nhà âm u, có dấu vết của bếp đun và 1 vài thứ vật dụng sinh hoạt. Bỗng ánh đèn chiếu lên 1 vật phản quang, Cao Huyền bèn nhặt lên xem. Đó là 1 chiếc khuy áo bằng vàng còn bám bụi đất cáu bẩn nhưng vẫn lấp lánh lóe sáng. Cao Huyền gật đầu: “Chiếc khuy vàng kiểu này không thể là di vật của người xưa, khả năng duy nhất có thể là của Mazolini.” “Anh nói khuy vàng này là của Mazolini?” “Đúng. Đây là khuy áo vét của bộ âu phục thời đại đó.” Anh cất chiếc khuy vào túi áo, rồi bước ra ngoài, nói: “Ít ra nó có thể cho thấy đúng là Mazolini đã từng sống ở đây.” Xuân Vũ thầm nghĩ, cái cách lập luận liên hoàn này của anh có lẽ không logic lắm, nhưng cô vẫn tin anh. Cô nhìn khu nhà đổ nát, nói: “Hình như không có bức tranh mà truyền thuyết nhắc đến.” “Anh cũng không biết. Nhưng nếu đúng là có bức tranh cổ ấy, thì nó cũng không thể nằm ở 1 nơi dễ bắt gặp, mà phải được cất giấu ở chỗ rất kín đáo.” Họ lại đi 1 vòng quanh khu di tích, vẫn không thấy bất cứ tranh cổ hoặc cổ vật có giá trị nào. Xuân Vũ bỗng thấp thoáng nhìn thấy trong rừng trúc phía trước có 1 bức tường vây. Rừng trúc cao và dày đặc đang nhịp nhàng đung đưa trong gió, trông rất giống cái nơi Lý Mộ Bạch và Ngọc Kiều Long đọ kiếm trong “Ngọa Hổ Tàng Long” Trời dần dần sẫm lại, gió lạnh lúc hoàng hôn vi vút giữa núi rừng khiến Xuân Vũ phát run, cô đánh bạo chạy vào khu rừng trúc đó. Cao Huyền chạy theo sau. Họ nhanh chóng vào sâu hơn. Trời đã khá tối, cành lá lại che kín bên trên khiến người ta cảm thấy càng tối hơn. Gió núi tràn qua rừng trúc mỗi lúc 1 mạnh, lá trúc rơi va chạm vào nhau phát ra những tiếng rì rào lao xao như sóng nước reo, khiến Xuân Vũ liên tưởng đến bộ phim Hàn Quốc “Lời thề mùa xuân” 1 đôi nam nữ vào trong rừng trúc để ghi lại những âm thanh của trúc vi vu trong gió. Đi trong rừng trúc khiến người ta ngất ngây 1 cảm giác trở về với bản thể thuần phác. Thảo nào cổ nhân thường ưa vào chốn này để ẩn cư. Cao Huyền đã lấy ra chiếc đèn pin cực mạnh để chiếu sáng. Bức tường vây nọ đã hiện ra ở trước mặt. Nó cũng nứt nẻ điêu tàn, ở giữa có 1 cửa nhỏ, có lẽ bên trong là 1 căn nhà nhỏ. Họ bước vào sân, quả nhiên cây cối chỉ lơ thơ, phía trước là 1 vách đá lớn, có lẽ đây là ở chân núi. Xuân Vũ rọi đèn pin 1 lượt, phát hiện ra 1 cửa hang nho nhỏ ở 1 vị trí rất khuất.
  2. Cao Huyền cũng chú ý đến cái cửa này, anh vội bước đến. Đó là 1 cái hang cao chừng 3m, rộng chừng 2m, trông hơi giống những hang đá ở miền tây bắc Trung Quốc. Trong hang tối om, bốc lên 1 thứ mùi kỳ quái khiến Xuân Vũ bất giác lùi lại 1 bước. Chẳng rõ trong hang có thứ gì không, nhưng cái mùi kinh khủng này khiến cô liên tưởng đến những cái hang mà loài dơi hút máu Nam Mỹ vẫn ẩn náu. Cao Huyền nắm chặt cánh tay đang run run của Xuân Vũ, dịu dàng nói: “Đừng sợ, mọi nỗi sợ hãi đều bắt nguồn từ những điều mà ta chưa biết, nếu chúng ta nhìn thấy các thứ bên trong thì sẽ không thấy sợ nữa. Nếu không, những nỗi sợ này cứ đeo bám em suốt đời.” Nói rồi, anh hạ 2 chiếc balô xuống đất, vận động chân tay gân cốt cứ như là sắp vào 1 cuộc thi đấu. Xuân Vũ mở to mắt, nhưng chỉ nhìn thấy bóng đen của khối đá trên vách núi cao, như 1 chiếc đầu lâu khổng lồ đang nhìn xuống cô. Rồi, cô điều hòa nhịp thở, soi đèn pin, cùng Cao Huyền bước vào trong hang. Ánh đèn pin soi khắp bốn bề hang động, thấy rõ những vết đục đẽo của bàn tay con người. Xuân Vũ 1 tay cầm đèn pin 1 tay áp lên ngực; đứng trong cái hang đá tối đen, cô có cảm giác đang trở lại trong lòng đất ở cái chốn hoang vắng, đang ở trong địa cung bí hiểm đáng sợ… Cô không nén nổi run lên bần bật. Chỗ dựa duy nhất để có thể yên tâm là Cao Huyền đang đứng phía trước, anh đang từng bước đi về phía trước với vẻ điềm tĩnh như không. Cái hang sâu 1 cách không ngờ, hình như bên trong còn rộng thêm ra, đèn pin chiếu không đến nơi, ánh sáng bị bóng tối nuốt chửng. Bỗng thấy trên vách hang có 1 mảng màu, Cao Huyền vội chiếu đèn lên, và nhận ra ngay đó là 1 bức bích họa. Xuân Vũ hít thật sâu 1 hơi thật lạnh, vội bước sát đến sau lưng anh. Cô thấy bức tranh vẫn còn khá nguyên vẹn, thậm chí màu sắc còn rất tươi, có khuôn khổ mỗi chiều chừng 2 mét. Tranh vẽ 2 con tiểu quỷ màu đen đang bóp cổ 1 phụ nữ, và cầm kìm kẹp lưỡi để rút lưỡi người ấy ra. “Địa ngục Bạt thiệt” Cô bất chợt kêu lên. Không rõ được vẽ bằng thủ pháp gì nhưng bức tranh quả là sống động như thật, người phụ nữ bị rút lưỡi mặc trang phục thời Đường, nét mặt được vẽ rất thật, cứ như là ảnh chụp rồi dán lên vách hang! Cao Huyền khẽ thở dài: “Thực không sao tưởng tượng nổi!”
  3. Anh rọi đèn pin khắp 1 lượt, có cảm giác như là mới được vẽ lên đó. Tuy bút pháp và các nét vẽ vẫn là lối Trung Quốc, phần nền cũng mang phong cách bích họa Đôn Hoàng, nhưng thân hình và khuôn mặt của nhân vật thì lại tả thực đến từng chi tiết. Vẻ mặt khiếp hãi, mắt trợn trừng trừng, đôi tay đang vùng vẫy… trình độ tả thực không kém gì các họa sĩ châu Âu. Tranh Trung Quốc truyền thống thì lại không thiên về tả thực khi diễn tả hình tượng nhân vật. Cao Huyền chưa từng nghe nói về phong cách bích họa vừa có tiểu quỷ hư cấu lại vừa có nhân vật tả thực như bức tranh này. Tác giả của tranh này năm xưa chắc hẳn là 1 cao thủ lánh đời, ẩn cư chốn sơn lâm; nếu người ấy lưu danh sử sách, có lẽ sẽ khiến cho thiên hạ phải trầm trồ ngưỡng vọng, và các vị như Ngô Tử Đạo (họa sĩ thời Đường Trung Quốc) phải lu mờ. Cao Huyền bước lại gần hơn, xem kỹ từng chi tiết. Hình như người ta dùng màu của các khoáng vật đặc biệt nào đó để vẽ nên, lại nằm trong hang sâu quanh năm không ánh mặt trời, tồn tại ở chốn thâm sơn cùng cốc không người lui tới, cho nên trải ngàn năm qua mà vẫn như mới. “Thế là đã tìm ra Thập cửu tằng địa ngục đồ! Có lẽ đây là tầng 1 địa ngục. Chúng ta sẽ xem tiếp…” Cao Huyền nắm tay Xuân Vũ bước vào sâu hơn, và họ nhanh chóng nhận ra bức thứ 2, chính là cảnh tượng “địa ngục Tiễn đao” – tầng 2 địa ngục; kích cỡ và phong cách vẽ vẫn như bức thứ nhất. “Chúng ta cứ như là đang xuống địa ngục thật!” Xuân Vũ khẽ nói. Nội dung các bức tranh tuy rất kinh khủng hãi hùng, nhưng Xuân Vũ đã hơi bớt sợ, vì cô hiểu rằng mình đang cách cái bí mật cuối cùng không còn xa nữa. Họ tiếp tục đi và lại phát hiện ra rất nhiều bích họa – nội dung các bức họa gần như hoàn toàn khớp với trình tự sắp đặt và bố trí của các tầng địa ngục trong truyền thuyết. Sau bích họa về 9 tầng thượng địa ngục, họ thấy bích họa 9 tầng hạ địa ngục. Càng đến gần bức họa cuối cùng, lòng Xuân Vũ càng thấp thỏm. Trong hang động cổ xưa sâu hút tối om, tầng 16, tầng 17, tầng 18 lần lượt hiện ra, mỗi tầng đến khiến cô hãi hùng run rẩy. May mà có Cao Huyền luôn nắm chặt tay, cô mới có can đảm tiếp tục dấn bước. Khi họ nhận ra bức bích họa tầng 18 địa ngục, đã nhận thức rõ mọi tình cảnh của các địa ngục, thì Xuân Vũ cảm thấy không bước nổi nữa. Cao Huyền nói nhỏ bên tai cô: “Sao lại không đi tiếp? Phía trong kia sẽ là đáp án cuối cùng.” “Anh có biết tầng 19 của địa ngục là gì không?”
  4. “Cứ xem rồi sẽ biết.” Giọng Xuân Vũ hơi run run: “Nếu phát hiện ra bí mật, rồi sẽ bị nguy hiểm thì sao?” “Anh không biết nữa.” Tối quá, không thể nhìn rõ mặt Cao Huyền, giọng anh nói trong hang động, nghe rất lạ. “Nhưng dù sao anh cũng sẽ bảo vệ được em. Anh xin thề!” Xuân Vũ đưa tay bịt mồm anh: “Đừng thề! Nào, chúng ta đi tiếp!” Chỉ vài giây sau, dưới ánh đèn pin, họ đã nhìn thấy bức bích họa cuối cùng – Tầng 19 của địa ngục. Lúc này Xuân Vũ đã nhắm mắt, cô chờ Cao Huyền xem xong thì mới mở mắt ra. Nhưng cô chờ mãi không thấy Cao Huyền nói gì, trong hang yên tĩnh 1 cách đáng sợ khiến cô rùng mình sởn tóc gáy. Nhưng rồi cô không nén được nữa, mở mắt ra, thì nhìn thấy bức bích họa này đã bị 1 lớp cáu bẩn đen đen che phủ, không nhìn thấy nội dung vẽ gì. Nhưng nó đúng là bức họa cuối cùng, vì có thể nhận ra phần nền giống hệt những bức trước đó, chỉ hiềm không còn các nhân vật trong tranh, mà chỉ thấy toàn màu đen. Cao Huyền đứng ngây người trước bức họa, hồi lâu sau mới nói: “Tầng 19 của địa ngục đã bị người ta đốt mất rồi.” Thì ra các mảng đen này chính là vết tích để lại sau khi bị lửa đốt. Chất liệu thuốc vẽ thời xưa rất kỵ lửa, hễ bị đốt nóng thì chúng lập tức “biến thành tro bụi”, chỉ còn lại những vệt muội đen. “Liệu ai đã đốt nó?” Cao Huyền hít thở thật sâu, nghĩ ngợi rồi nói: “Anh đoán, chính là Mazolini. Chắc năm đó ông ta đã nhìn thấy bức họa này, đã biết bí mật về tầng 19 địa ngục. Sau khi đốt nó đi rồi thì ông ta sẽ là người duy nhất trên thế giới biết cái bí mật này.” “Nhưng, cụ già canh giữ bích họa thì sao?” “Anh không biết. Có lẽ đã bị Mazolini sát hại cũng nên.” Anh khẽ thở dài. “Anh chỉ có thể đoán rằng, hồi đó Mazolini rất muốn biết được cái bí mật này, nên đã chịu đựng mọi gian khổ để theo cụ già học vẽ, rồi khéo trí trá giành được lòng tin của sư phụ. Sau khi đã biết được bí mật ấy thì ông ta qua cầu rút ván, giở mặt giết sư phụ, rồi đốt luôn bức bích họa cuối cùng này. Và thế là điều bí mật sẽ trở thành tài sản riêng của ông ta.” Đôi môi Xuân Vũ run run. Chẳng lẽ bí mật về Tầng 19 địa ngục đã vĩnh viễn thất truyền? Mình trải bao gian nan mới đến được đây, mà nó chỉ còn là 1 mảng màu đen vô nghĩa?
  5. Chỗ này đã là tận cùng của cái hang, trước mặt là vách đá. Nhìn khắp xung quanh chỉ là bóng tối, cô bưng mặt khóc òa. Cao Huyền vội ôm lấy vai cô, khẽ nói: “Em đừng quá buồn, chỉ là 1 bức tranh thôi, đâu đáng gọi là bí mật gì? Rất có thể bức tranh cuối cùng này lại chẳng có gì cả, giống như có người đã gian khổ suốt đời để đi tìm 1 kho báu, khi tìm ra cái hộp chứa báu vật thì thấy hộp trống trơn, thì ra báu vật vốn dĩ không hề tồn tại.” Nước mắt cô làm ướt cả vai Cao Huyền, anh dìu cô chầm chậm đi ra phía cửa hang. Anh cũng chẳng thiết nhìn lại các bức bích họa nữa. Mặc xác chúng! Khi họ ra tới cửa hang mới thấy trời đã tối hẳn. Từng làn gió lạnh thổi qua rừng trúc, vang lên những tiếng rú rít đáng sợ! Đêm tối nơi núi rừng thật khiến người ta hãi hùng, Xuân Vũ nép sát vào Cao Huyền, nhìn những dãy núi trải dài xa tít trong màn đêm. “Chúng ta mau đi khỏi đây!” Cô nói. “Không. Ban đêm đi xuyên rừng rất nguy hiểm. Tuy lượt vào đã đánh dấu, nhưng trời tối vẫn rất dễ bị lạc đường. Nếu lạc đường thì chúng ta thật sự đi đời!” Lạc đường? Xuân Vũ không dám tưởng tượng đang đêm bị lạc đường trong rừng sâu sẽ như thế nào. Cô chợt nhớ đến bộ phim kinh dị “Dự án phù thủy Blair” của Mỹ, cô rất không muốn chạm trán mụ phù thủy Trung Quốc ở nơi này! Cao Huyền nói tiếp: “Chưa biết chừng ban đêm lại có dã thú cũng nên!” “Kìa, anh đừng làm em sợ.” “Miền núi Chiết Giang – An Huy thường hay có chó sói, núi cao rừng sâu trong mùa đông, biết đâu, có những con sói đực sói cái đang đói mềm, còn chúng ta thì vừa khéo dẫn xác đến…” Xuân Vũ lắc đầu: “Anh hài hước thật! Thế thì chúng ta nên làm gì? Tự làm vệ sinh cho sạch người rồi chờ lũ sói đến, dùng máu thịt của mình để giúp chính phủ giải quyết vấn đề ấm no của các động vật hoang dã chắc?” “Cách duy nhất lúc này là quay vào hang đá, đốt 1 đống lửa, bọn dã thú sẽ không dám vào!” “Qua đêm ở trong hang? Nghe cứ như là người vượn Bắc Kinh!” “Đó là cách mà tổ tiên chúng ta né tránh dã thú. Trong hang sẽ ấm hơn bên ngoài, và còn tránh được gió lạnh.” Nói rồi, Cao Huyền bước ra xung quanh nhặt các cành khô, vài phút sau anh đã kiếm được 1 ôm củi khá to. Anh nhấc luôn 2 chiếc balô lớn vẫn để ngoài cửa hang, mang tất cả vào trong. Xuân Vũ đứng ở cửa hang nghe đủ thứ âm thanh quái dị của núi rừng đã sợ khiếp vía, cô vội chạy theo Cao Huyền cùng vào hang.
  6. Họ soi đèn pin 4 phía và cũng tìm được 1 chỗ khá sạch sẽ. Cao Huyền chất các cành khô rồi châm lửa, vẻ rất thành thạo. Ngọn lửa nhảy nhót trong hang động tối om, hắt bóng 2 người lên vách đá, trông có vẻ như cảnh người nguyên thủy sống trong hang thời cổ. Những mảng màu của các bức bích họa trên kia cũng lúc mờ lúc tỏ trong ánh lửa, hình như đang ở thế giới địa ngục thật sự. Xuân Vũ nhìn các bức tranh, nói: “Tại sao người thời xưa lại vẽ những tranh này?” “Không rõ. Có thể là họ gửi gắm 1 chút tình cảm nào đó của mình. Vào cuối thời Đường, xã hội rối ren không yên, các họa sĩ bèn vào rừng núi, gọi là ẩn cư hoặc coi là lánh nạn cũng đúng. Một họa sĩ tầm cỡ nào đó đã vào ở nơi này, dễ thường đã dùng cả đời mình để vẽ nên các bức tranh tường. Anh cho rằng, ông ta thông qua kiệt tác “Thập cửu tằng địa ngục đồ” để tái hiện các khổ nạn của thế gian và những sự hiểm ác của lòng người, tôn chỉ của ông là cảnh cáo chúng ta – những người đang sống – chớ làm điều ác.” “Mỗi tầng địa ngục đều là 1 sự cảnh cáo? Thế thì tầng 19 của địa ngục cảnh cáo chúng ta điều gì?” Cao Huyền không trả lời, anh đang mải làm việc. Anh mở túi lấy ra nhiều thứ vật dụng dã ngoại, chỉ lát sau anh đã dựng xong 2 cái lều bạt nho nhỏ, mỗi cái vừa đủ cho 1 người nằm, bên trong có đệm và chăn len, đủ để ứng phó cho 1 đêm. Lúc này Xuân Vũ mới thấy đói mềm. Cao Huyền lấy ra chiếc bếp ga du lịch, nấu 2 bát mì, nhanh chóng giải quyết bữa tối cho cả 2 người. Bát mì nóng hổi tạm thời xua tan cái lạnh cho Xuân Vũ, trong làn khói của đống lửa bập bùng, cô nhìn rõ Cao Huyền lấm tấm mồ hôi trán, ánh lửa đang nhảy nhót trên mặt anh. Họ cùng chăm chú nhìn nhau. Nhìn đôi mắt anh phản chiếu ngọn lửa sáng rực, tim Xuân Vũ đập càng nhanh, cô thầm cảnh cáo mình. Nhưng các huyết quản cứ không chịu nghe lời bộ não, khiến đôi má cô đỏ bừng! “Sao mặt em lại đỏ thế?” Cao Huyền thật tinh mắt, Xuân Vũ chỉ biết cúi đầu: “Anh nói gì lạ thế? Ánh lửa màu đỏ, thì mặt cũng có màu đỏ.” Cao Huyền đặt bát mì xuống, anh tỏ ra điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng nói: “Xin lỗi, lẽ ra anh không nên đưa em đến đây, bắt em phải chịu khổ sở mà vẫn không tìm ra được điều bí mật quan trọng.” “Thôi nào!” Cô ngẩng đầu gượng cười. “Em đã nêu ra cái ý này, đâu phải tại anh? Hãy coi như 1 chuyến đi dã ngoại hiếm có – được ngủ trong hang đá, đời người đâu dễ
  7. gặp lần thứ 2!” “Bây giờ em còn sợ không?” “Chẳng biết nữa. Nhưng em đã trải qua cơn ác mộng đã sợ nhất trên đời, thì em nghĩ là mình có thể chịu đựng được nỗi khiếp sợ.”
nguon tai.lieu . vn