Xem mẫu

  1. PHÒNG GD-ĐT TP.PHAN RANG-TC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRƯỜNG TIỂU HỌC TẤN TÀI 1 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ CHỈ ĐẠO VIỆC DUY TRÌ SĨ SỐ TRONG NHÀ TRƯỜNG ĐẠT HIỆU QUẢ Họ và tên tác giả: Dương Thị Diệu Hoà Chức vụ: Hiệu trưởng Trường tiểu học Tấn Tài 1
  2. I. HOÀN CẢNH NẢY SINH ÁP DỤNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM: Để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, một trong những nhiệm vụ quan trọng Ngành đặt ra cho mỗi địa phương, mỗi đơn vị trường học chính là công tác đảm bảo duy trì sĩ số. Từ khi được điều về làm công tác quản lí tại Trường tiểu học Tấn Tài 1, tôi thấy được những khó khăn mà nhà trường cũng như chính quyền địa phương phải trải qua đó chính là công tác vận động học sinh bỏ học ra lớp nhằm đảm bảo duy trì sĩ số. Phường Tấn Tài có ba trường tiểu học đóng trên địa bàn, mỗi trường đều có số lượng con em trong địa phương không đến một nửa tổng số học sinh toàn trường. Trường tiểu học Tấn Tài 1 cũng không ngoại lệ, hàng năm trường đều tiếp nhận một phần số học sinh có hộ khẩu ở địa phương, phần lớn còn lại do nhiều nơi ngoài thành phố đến địa phương tạm trú để làm ăn, sinh sống. Đại bộ phận cha mẹ học sinh chú trọng đến kế sinh nhai nên ít quan tâm đến việc học hành, việc giáo dục con cái ở nhà. Thậm chí nhiều phụ huynh khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường, cho nơi nuôi trẻ, chỉ biết cho con tiền chứ không hề quan tâm, gần gũi con cái nên không phát hiện những biểu hiện tiêu cực trong các cháu, nhất là các cháu ham chơi, mê games online. Nhiều gia đình cha mẹ làm thuê, kinh tế khó khăn; một số gia đình lại có cuộc sống không hạnh phúc, ảnh hưởng tâm lí của trẻ, các em muốn bức phá, thoát khỏi mái gia đình mà có em đã từng tâm sự với tôi “như địa ngục”. Một số em chỉ có mẹ, không cha (con ngoại hôn), việc làm của mẹ không ổn định hay gây nợ nần, dẫn con bỏ đi nơi khác.v.v.. Đó là những guyên nhân có thể dẫn đến việc bỏ học của học sinh. Trên đây là những thực trạng nhà trường phải gánh lấy trong nhiều năm qua. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, vận động học sinh bỏ học ra lớp đạt hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số trong nhà trường cũng như ở địa phương? Câu hỏi này đặt ra cho người làm công tác quản lí chúng tôi phải tìm cách tháo gỡ mà không được chạy theo thành tích. Chính vì vậy, trong những năm qua tôi đã tiến hành nhiều biện pháp quản lí chỉ đạo công tác duy trì sĩ số. Sau đây là “một số biện pháp quản lí chỉ đạo việc duy trì sĩ số trong nhà trường” tôi đã thực hiện rất hiệu quả. II. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP: Từ năm học 2007-2008 nhà trường quyết tâm nỗ lực phấn đấu đạt Trường tiểu học chuẩn quốc gia mức độ 1, một trong những tiêu chí cần đạt đó là tỉ lệ duy trì sĩ số với 98%. Trong ba năm trở lại đây (từ năm học 2008-2009), công tác duy trì sĩ số tiếp tục được phấn đấu với chỉ tiêu cao hơn (100%) do nhà trường đăng kí thi đua Tập thể lao động xuất sắc. Để đạt được chỉ tiêu phấn đấu, nhà trường đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học nhằm đảm bảo duy trì sĩ số, góp phần hiệu quả trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học-xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi nói
  3. riêng và trong sự nghiệp giáo dục nói chung. Sau đây là những giải pháp, biện pháp tôi đã trải nghiệm thành công trong những năm qua: 1. Nâng cao nhận thức của đội ngũ, cộng đồng về công tác duy trì sĩ số. Để ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học vì bất cứ nguyên nhân nào, mỗi nhà trường cần phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh, nhân dân thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiếu học-chống mù chữ, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. * Đối với chi bộ nhà trường: Lãnh đạo nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt chú trọng công tác duy trì sĩ số. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về tìm biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. * Đối với nhà trường: Phải giúp cho mỗi thầy cô giáo có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân trong công tác phổ cập giáo dục tiếu học-chống mù chữ, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, nhất là đảm bảo duy trì sĩ số, không để học sinh bỏ học vì học yếu. Đưa công tác duy trì sĩ số vào nội dung khống chế trong thi đua đối với mỗi giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường phải quan hệ chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, kịp thời phản ánh đến cha mẹ học sinh tình hình học tập, rèn luyện của học sinh, các biểu hiện bất thường xảy ra ở trường lớp, ngoài xã hội. Kịp thời phối kết hợp giáo dục học sinh vi phạm đạo đức, học sinh cá biệt. Làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương về công tác giáo dục; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương trong việc vận động học sinh ra lớp. * Đối với cha mẹ học sinh: Phải nhận thức được gia đình là hạt nhân trong xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới phát triển; phải hiểu được việc giáo dục con cái là trách nhiệm chính của gia đình. Do đó gia đình phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội giáo dục con cái nên người, không nên ỷ lại hoặc khoán trắng cho nhà trường. * Đối với địa phương: Phải quan tâm giúp đỡ nhà trường; lãnh chỉ đạo tốt công tác giáo dục ở địa phương. Kịp thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, ban ngành phối hợp với nhà trường trong việc vận động học sinh ra lớp. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên và cộng đồng về đảm bảo duy trì sĩ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục. Và khi học sinh đã nghỉ học thì việc tìm hiểu nguyên nhân bỏ học của các em lại là việc làm cấp thiết của nhà trường để vận động các em tiếp tục đến trường.
  4. 2. Xác định nguyên nhân học sinh bỏ học. Học sinh bỏ học thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để vận động học sinh ra lớp thành công, việc đầu tiên của nhà trường là phải tìm hiểu, xác định học sinh bỏ học vì nguyên nhân gì? Xác định đúng nguyên nhân bỏ học của học sinh, ta mới có biện pháp vận động phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Việc tìm hiểu nguyên nhân bỏ học phải dựa trên nhiều nguồn thông tin. Chúng ta không nên chủ quan tin ngay thông tin đầu tiên từ phía gia đình, mà cần lắng nghe từ nhiều phía như học sinh trong lớp, giáo viên trong trường, gia đình, cộng đồng. Đặc biệt là từ đối tượng bỏ học, cần quan sát kĩ biểu hiện qua nét mặt, cử chỉ, lời nói của em; nhạy bén nắm bắt nguyên nhân chính để phối hợp vận động thành công. Như trường hợp em Kim Quyên học lớp 5C, khi em nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm đến nhà vận động nhưng không được với lí do mẹ em đã bỏ đi về Đồng Nai do làm ăn thất bại. Hiệu trưởng cùng Hội trưởng phụ nữ phường đã đến gia đình tìm hiểu, vận động em ra lớp nhưng gia đình (một người bà con mà gia đình em tạm trú) cho biết mẹ em đã quay về dẫn em vào Đồng Nai. Qua tìm hiểu từ nhân dân xung quanh, từ các bạn học sinh gần nhà em sống, chúng tôi biết được em vẫn còn ở đó, hiện đang giữ con nhỏ cho chủ nhà mỗi sáng nên không thể đến trường. Tôi đã tham mưu chính quyền địa phương nhờ các anh công an giúp đỡ, mời gia đình đang nuôi em lên làm việc, nhờ đó mới được tiếp xúc trực tiếp với em Quyên. Qua trao đổi, quan sát từng biểu hiện của em chúng tôi đã xác định nguyên nhân chính làm em nghỉ học đó là mẹ bỏ đi, gia đình này nuôi em với điều kiện em phải giữ con nhỏ cho họ. Nhờ phát hiện nguyên nhân chính, chúng tôi đã tìm cách vận động được em đến trường học. Sau khi đã xác định được nguyên nhân chính làm học sinh bỏ học, chúng ta phải có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Có những biện pháp chúng tôi tiến hành ngay sau khi xác định nguyên nhân bỏ học nhưng cũng có những biện pháp chúng tôi thực hiện ngay từ đầu năm học nhằm ngăn ngừa, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Sau đây tôi xin trình bày một số biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học cũng như các biện pháp vận động học sinh bỏ học ra lớp hiệu quả. 3. Một số biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học: 3.1. Các biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn: Để ngăn ngừa học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhà trường đã có nhiều biện pháp giúp đỡ học sinh kịp thời, hiệu quả: - Vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBVC) đóng góp hàng tháng để bảo trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bắt đầu từ năm học 2007-2008 đến nay, mỗi CBVC tự nguyện hỗ trợ 3.000 đồng/tháng để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó. Mỗi năm trường họp xét hỗ trợ cho 2 em, tính đến nay CBVC nhà trường đã luân phiên bảo trợ 8 em với tổng số tiền 3.609.000 đồng.
  5. - Vận động học sinh tiết kiệm quà sáng để xây dựng quỹ “Vì bạn nghèo”. Nguồn quỹ này được sử dụng mua tặng quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào dịp đầu năm học; tặng quà Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và tặng sách vở cho các em vào cuối mỗi năm học. Tổng số tiền vận động được 18.583.000 đồng. Trong đó: Năm học 2007-2008 vận động được: 3.916.500 đồng Năm học 2008-2009: 3.465.500 đồng Năm học 2009-2010: 4.766.000 đồng Từ đầu năm học 2010-2011 đến nay: 6.435.000 đồng - Vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan đóng trên địa bàn hỗ trợ giúp đỡ học sinh nghèo, khuyết tật vượt khó thông qua chương trình “Thắp sắng ước mơ”, phát học bổng cho những em đạt thành tích. - Tổ chức các nhóm học sinh cùng tổ dân phố trong mỗi lớp học để các em kịp thời giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong công việc và cùng học nhóm ở nhà. 3.2. Các biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình: Bên cạnh những gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như đã nêu trên, nhà trường còn không ít những em học sinh gia đình có hoàn cảnh khá phức tạp như cha mẹ li hôn, cha có người phụ nữ khác, mẹ làm nghề không lành mạnh… Trong những năm qua, trường đã đương đầu nhiều trường hợp khó khăn trong công tác vận động học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình như đã nêu. Sau đây là một số trường hợp đặc biệt trong nhiều trường hợp mà tôi đã vận động được gia đình cho các em đi học lại: - Năm học 2007-2008, em Nguyễn Thị Mỹ Nhung và Nguyễn Thị Tường Vy được cha mẹ xin chuyển từ Quảng Trị về học tại Trường tiểu học Tấn Tài 1. Sau ba tháng nghỉ hè, mẹ em bất hoà với gia đình chồng nên đầu năm học 2008-2009 đã đưa hai em trở về trường cũ ở Quảng Trị nhưng không rút hồ sơ theo. Giáo viên chủ nhiệm nhiều lần tìm đến gia đình trao đổi đưa em trở về học nhưng không được vì gia đình có suy nghĩ đơn giản rằng con cháu mình hiện vẫn đang đi học thì học ở đâu cũng được. Nhà trường mời cha của hai cháu đến trường làm việc, phân tích cho cha các cháu hiểu cần đưa các cháu trở về, nếu không xem như các cháu đã bỏ học. Nếu tiếp tục học tại Quảng Trị thì phải làm thủ tục chuyển trường kịp thời, nếu không các cháu cũng không thể lên lớp vì không có hồ sơ học bạ. Qua phân tích của nhà trường, cha cháu trực tiếp đi Quảng Trị đưa con về nhưng mẹ vẫn không đồng ý. Tôi lần tìm địa chỉ trường các cháu đang học (Trường tiểu học Lê Thế Triết), trao đổi với trường bạn về việc tiếp nhận học sinh sai nguyên tắc của họ và đề nghị Hiệu trưởng nhà trường mời mẹ cháu đến làm hồ sơ chuyển trường. Sau gần một tháng vất vả liên lạc tới lui giữa nhà trường –
  6. gia đình – trường bạn chúng tôi mới hoàn tất thủ tục chuyển trường để các cháu được tiếp tục đi học. - Vào cuối năm học 2008-2009, hai em Đào Duy Phát và Đào Duy Hào bỏ học do bố có vợ bé, mẹ dẫn cả hai về sống với cậu ở Sông Luỹ. Giáo viên chủ nhiệm nhiều lần đến nhà, xin số điện thoại của mẹ cháu để liên lạc nhưng không được. Tôi đã tham mưu Đảng uỷ, UBND phường chỉ đạo Hội phụ nữ, trưởng ban quản lí khu phố 3, công an cùng phối hợp vận động. Bà nội cháu đã tiếp đón chúng tôi, bản thân bà cũng muốn đưa cháu về nhưng không biết mẹ cháu sống ở đâu. Sau khi lắng nghe tin tức từ nhiều nguồn, đồng thời qua tìm hiểu những hộ sống lân cận, tôi đã có số điện thoại của mẹ các cháu, khuyên nhủ chị đưa con về học nhưng chị tắt máy. Một lần nữa, tôi đã đến gặp gia đình vận động cho người vào Sông Luỹ đưa các cháu về nhưng bố cháu đã bỏ đi sống cùng vợ bé, bà nội già không thể đi xa. Do thời gian cấp bách (cận ngày kiểm tra định kì cuối kì 2), tôi đã hội ý gấp trong Hội đồng trường và trực tiếp vào Sông Luỹ gặp mẹ các cháu, vận động khéo cho chị đồng ý đưa các cháu về tham dự kì kiểm tra cuối kì 2. Sau khi chấm dứt năm học, nếu chị có yêu cầu, chúng tôi sẽ giúp chị làm hồ sơ chuyển cháu về Trường tiểu học Sông Luỹ năm học 2009-2010. Trược sự nhiệt tình của nhà trường, chị đã giao hai cháu cho tôi chở về học tiếp đến hết năm học. Sau đó, một cháu được lên lớp 6, ở với bà nội, tiếp tục đi học; một cháu nhà trường giúp hoàn thành thủ tục chuyển trường tiểu học Sông Luỹ vào đầu năm 2009-2010 và hiện cháu đã chuyển về học tại Trường tiểu học Tấn Tài 1 năm học 2010- 2011, sau khi mẹ mất. - Năm học 2009-2010, em Nguyễn Hữu Sơn bị cha mẹ bắt nghỉ học do mẹ cháu bất hoà với bà nội, anh chị phải rời nhà ông bà, thuê chỗ ở. Do em nghỉ học đột ngột nên cô Dương Ngọc Toàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D không tìm được nơi cha mẹ em thuê ở để vận động (gia đình nội không cung cấp thông tin). Tôi đã cùng cô Toàn đến nhà nội em trao đổi, phân tích, đánh động vào tình thương của ông bà đối với con cháu thì được bà tiết lộ xóm nhỏ nơi cha mẹ em thuê ở (thuộc xã An Hải) chứ không biết địa chỉ chính xác. Sau buổi chiều đi hỏi thăm khắp xóm, chúng tôi cũng tìm được nơi ở mới của cha mẹ em. Lắng nghe cha mẹ em tâm sự hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện cho con đi học dù chỉ còn một tháng đã chấm dứt năm học, tôi đưa ra nhiều phương án nhằm tạo điều kiện cho cháu được tiếp tục ăn học: Một là, nhà trường hỗ trợ cho gia đình phần nào về kinh tế để em tiếp tục đến trường. Hai là, cho em mượn xe đạp đi học. Ba là, nhờ cha mẹ học sinh gần nhà đưa giúp. Bốn là, về ở với cô Hiệu trưởng trong thời gian chờ gia đình em tạm ổn định. Thấy nhà trường quá nhiệt tình, cuối cùng cha mẹ em cũng chấp nhận cho em đi học lại bằng cách cho em đi xe đạp cùng chị mỗi sáng.
  7. - Năm học 2010-2011, mẹ em Thái Minh Tiến học lớp 2C làm ăn thất bại, dẫn con vào Đồng Nai trốn nợ. Sau nhiều lần liên lạc, với sự giúp đỡ của chủ nhà chị thuê ở, chúng tôi cũng đã liên lạc được với chị, động viên chị hãy vì tương lai của con, đừng để cháu nghỉ học. Cuối cùng chị đã trở về làm thủ tục cho cháu chuyển vào Đồng Nai học tại Trường tiểu học Liên Ngọc. Còn khá nhiều trường hợp tương tự như trên chúng tôi cũng đã vận động thành công, không để học sinh bỏ học. Với những nguyên nhân bỏ học vì có hoàn cảnh bất thường như thế này, thường thì gia đình không quan tâm, bỏ mặc con cái vì chính bản thân mẹ các cháu cũng quá hụt hẩng, quá đau khổ. Vì vậy đòi hỏi sự nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp các ngành, nhất là tâm huyết của người cán bộ quản lí. 3.3. Các biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do học lực yếu kém: Thực hiện chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, trong những năm qua nhà trường đã đi sâu vào đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hiệu quả các hình thức dạy học, chú trọng việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh nhằm nâng cao chất lượng học tập nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung. Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động trên kết hợp với định hướng bàn giao chất lượng theo yêu cầu của Ngành, nhà trường tiến hành các kì kiểm tra định kì nghiêm túc, nhờ đó đã phân loại được khá chính xác các đối tượng học sinh. Trong đó, đối tượng học sinh yếu luôn là mối lo lắng, trăn trở và cũng là đối tượng chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thường học sinh yếu kém do nguyên nhân tiếp thu chậm, lười học, ham chơi, thiếu sự tập trung ở lớp. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ thiếu quan tâm đến việc học tập của con cái, chưa tạo điều kiện về thời gian, chưa có góc học tập cho các em ở nhà… Để giải quyết mối lo lắng về tình trạng học sinh bỏ học do học yếu, nhà trường đã thực hiện tốt một số biện pháp sau: * Đối với các em học yếu do hoàn cảnh khó khăn, như đã nêu trên ngoài việc hỗ trợ cho các em về vật chất, hiệu trưởng chỉ đạo tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm tổ chức tốt các câu lạc bộ nhỏ tuổi, các nhóm học tập ở khu dân cư để các em giúp đỡ bạn cùng vươn lên học tốt. * Đối với các em học yếu do tiếp thu chậm, biện pháp khắc phục của nhà trường chính là: - Trong quá trình dạy học, giáo viên đặc biệt chú ý đến các em, khuyến khích các em tham gia các hoạt động học tập. Tránh các hành động vi phạm nhân cách học sinh mà ngược lại, cần tạo cơ hội cho các em tham gia phát biểu ý kiến, biểu dương kịp thời sự tiến bộ - dầu là rất nhỏ ở các em.
  8. - Tổ chức tốt công tác phụ đạo học sinh yếu: Sau khi khảo sát chất lượng đầu năm, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn kịp thời xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi. Đối với học sinh yếu, giáo viên dạy phụ đạo cho các em 2 tiết/tuần vào cuối những buổi học ít tiết. Ngoài ra giáo viên còn đưa số học sinh yếu đến trường vào các buổi được phân công trực trường để kèm cặp thêm; phân công cho bạn khá giỏi giúp đỡ các em vào 15 phút truy bài đầu mỗi buổi học. * Đối với các em học yếu do ham chơi, lười học nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa, hạn chế các em bỏ học như sau: - Chỉ đạo cho giáo viên thực hiện tốt công tác chủ nhiệm trong từng trường hợp học sinh vắng mặt: Nếu các em vắng mặt không lí do một ngày, giáo viên chủ nhiệm phải liên hệ ngay với gia đình, tìm hiểu nguyên nhân nghỉ học của học sinh để cùng phối hợp kịp thời nếu do các em trốn học. Nếu học sinh vắng mặt nhiều ngày do ốm, giáo viên cần tổ chức đến thăm hỏi, phân công bạn bè chép bài giúp, cố gắng dành thời gian giảng lại kiến thức trọng tâm trong thời gian em nghỉ học. Nếu học sinh vắng mặt có lí do nhưng sau đó tiếp tục nghỉ, giáo viên cần liên hệ với gia đình tìm hiểu, động viên các em đi học lại. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm báo cáo kịp thời cho Ban giám hiệu nhà trường nắm tình hình. - Vận động cha mẹ học sinh cho các em học lớp 2 buổi/ ngày (đối với các trường có tổ chức lớp học 2 buổi/ngày). Với đối tượng ham chơi dẫn đến tình trạng học yếu, nhà trường nên vận động các em chuyển lớp học cả ngày. Với các lớp học này, thời gian nhà trường quản lí các em nhiều hơn, các em lạị vừa được luyện tập, thực hành những kiến thức đã học, vừa được vui chơi giải trí trong các hoạt động vào buổi chiều. Trong những năm qua, nhà trường đã vận động được khá nhiều học sinh yếu chuyển lớp học cả ngày. Mặc dù việc làm này có ảnh hưởng đến chất lượng các lớp 2 buổi/ngày vào dịp đầu năm nhưng đã hạn chế rất rõ số lượng học sinh yếu vào cuối năm và khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học do học yếu vì ham chơi. - Tổ chức tốt các hoạt động phong trào, các hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để khơi dậy tính tích cực, chủ động trong mỗi học sinh qua những hoạt động vui chơi giải trí; dần dần hình thành trong mỗi học sinh lòng yêu trường, mến lớp, giúp các em tự giác tham gia vào các hoạt động lao động, học tập. 3.4. Các biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do mê games online: Những năm gần đây, hiện tượng học sinh nghiện games online khá phổ biến. Trong năm qua trường chúng tôi cũng đã xuất hiện tình trạng học sinh mê game đến bỏ
  9. học như trường hợp em Hồ Duy Hào, học sinh lớp 3D năm học 2009-2010. Ban đầu gia đình xin phép cho em nghỉ học một tuần do nghi ngờ em nhiễm cúm A/H1N1. Sau một tuần có phép, em tiếp tục nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm báo cáo em ốm và xin cho em nghỉ tiếp vài ngày. Nhà trường thấy học sinh tiếp tục nghỉ không có đơn của gia đình nên chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phải trực tiếp đến thăm học sinh và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình xem có vấn đề nào nổi cộm có thể dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Khi đó, giáo viên mới biết được mẹ em Huy đang sinh con nhỏ trong tháng, em ở nhà ông nội thuộc địa bàn phường Mỹ Hương, ông có xin phép cho em nghỉ học một tuần. Sau đó em tự đi đi về về giữa nhà mẹ và nhà nội nên gia đình không biết em bỏ học, hàng ngày em mang cặp vào quán net gần nhà chơi đến hết buổi học mới về. Việc em Hào bỏ học vào quán net gia đình hoàn toàn không biết cho đến khi hiệu trưởng mời ông nội em đến trường để cùng phối hợp giáo dục. Nhà trường tìm được nguyên nhân bỏ học cũng nhờ theo dõi biểu hiện hằng ngày của em khi trở lại lớp học. Qua trường hợp trên, chúng tôi đã rút ra được cho giáo viên chủ nhiệm cũng như gia đình nhiều bài học kinh nghiệm. Cũng qua đó chúng tôi đã đề ra một số biện pháp khá hữu hiệu để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do mê games online như sau: * Chỉ đạo các đoàn thể trong nhà trường cùng phối hợp tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí, kết hợp với thi hái hoa học tập thông qua Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm. Chẳng hạn như trong tháng 02/2011, chúng tôi tổ chức sinh hoạt tập trung toàn trường với 4 hoạt động: Hoạt động 1: Thi hái hoa với nội dung bảo vệ môi trường Hoạt động 2: Thi hát các bài hát về mùa xuân, Đảng, Bác Hồ. Hoạt động 3: Thực hiện các bước rửa tay sạch bằng xà phòng
  10. Hoạt động 4: Trò chơi thể dục “Kẹp bóng tiếp sức” và trò chơi dân gian
  11. * Tổ chức nhiều Hội thi, nhiều phong trào thi đua sôi nổi như: - Nhân dịp Tết Trung thu, tổ chức hội thi “Làm đèn lồng”, tổ chức “Đêm hội trăng rằm”. Qua đêm hội, các em được phát quà, được xem múa lân, xem các anh chị đoàn viên phường Tấn Tài diễn tiểu phẩm “Tây du kí”, được tham gia vào trò chơi dân gian “Rồng rắn lên mây”.
  12. - Tổ chức văn nghệ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. - Hay nhân dịp 22/12, trường tổ chức cho các em thăm và tặng quà gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh có hoàn cảnh khó khăn, được nghe các bác cựu chiến binh kể chuyện. - Tổ chức thi vẽ tranh, cắm hoa trong dịp Tết Nguyên đán. - Nhân dịp 26/3/2010, nhà trường tổ chức cắm trại với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, lôi cuốn học sinh như thi trang trí trại; thi nghi thức; hái hoa học tập; thi nấu cơm; tham gia trò chơi như thi “Chạy 3 chân”, “Kéo co”,… - Nhân dịp 26/3/2011, nhà trường tổ chức cho học sinh khối lớp 4 và lớp 5 thi làm báo tường.
  13. - Tổ chức cho các em tham gia quét dọn Đình làng Tấn Lộc nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương, tham gia “Tết trồng cây-Nhớ ơn Bác”.v.v.. Tất cả những hoạt động nêu trên, dù là vui chơi giải trí hay học tập, lao động… đều rèn luyện cho các em những kĩ năng sống cần thiết, mang lại các em cảm giác vui vẻ, thoải mái nên các em tham gia bằng niềm hăng say, tích cực. Điều quan trọng mà chúng tôi phát hiện được đó là các em học sinh cá biệt - nhất là các em ham chơi, rất thích tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua và chính các em lại là những thành viên tích cực nhất khi tham gia lao động.
  14. * Giáo viên chủ nhiệm phải thực sự quan tâm, chăm lo cho học sinh. Theo dõi biểu hiện của học sinh trong quá trình dạy học, nhạy bén phát hiện những em hay ngủ gật trong giờ học, nét mặt bần thần, ngơ ngác, vẻ mệt mỏi, học tập giảm sút, nghỉ học không lí do… liên hệ với cha mẹ học sinh theo sát, tìm hiểu nguyên nhân, cùng phối hợp ba môi trường giáo dục để kịp thời ngăn chặn những vi phạm đáng tiếc có thể xảy ra trong học sinh. * Tham mưu với cấp Đảng uỷ, chính quyền lãnh chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể ở địa phương quản lí chặt chẽ các quán net. Không để học sinh vào chơi trong giờ học, nhất là học sinh mặc đồng phục. Trên đây là những nhóm biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học của nhà trường trong nhiều năm qua nhằm đảm bảo tốt nhất việc duy trì sĩ số. Ngoài những nguyên nhân học sinh bỏ học được nêu trên, trong thực tế còn nhiều nguyên nhân khác tuỳ vào mỗi địa phương, vào mỗi nhà trường… Nhưng tôi thiết nghĩ, dù là nguyên nhân nào thì vẫn đòi hỏi sự quản lí chặt chẽ của nhà trường đối với các cháu, sự nhiệt tình của đội ngũ, sự phối hợp tốt giữa ba môi trường giáo dục. Một khi học sinh đã bỏ học thì đòi hỏi công tác “dân vận khéo” của nhà trường và đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương. III. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA SKKN: Qua quá trình thực hiện các biện pháp quản lí chỉ đạo việc duy trì sĩ số ở nhà trường trong nhiều năm liền, Trường tiểu học Tấn Tài 1 đã thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số. Cùng với việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, vận động được học sinh bỏ học ra lớp, nhà trường đã tạo được môi trường học tập tích cực, lành mạnh, gần gũi, thân thiện theo đúng tinh thần Chỉ thị nhiệm vụ năm học đã đề ra. Điều quan trọng nhất chính là giúp học sinh dần dần hình thành những kĩ năng sống cần thiết; các em có nhận thức đúng đắn về Quyền trẻ em; biết chia sẻ, đoàn kết giúp đỡ bạn vượt khó. Học sinh ngày càng ham thích đi học và đến trường với lòng hăng say, tích cực tham gia học tập và các hoạt động giáo dục khác, hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Sau đây là kết quả cụ thể của công tác vận động học sinh bỏ học ra lớp và duy trì sĩ số trong những năm qua: Công tác NH 2007-2008 NH 2008-2009 NH 2009-2010 NH 2010-2011 Vận động học sinh 2 4 4 6 bỏ học ra lớp Duy trì sĩ số 100% 100% 100% 100% Những kinh nghiệm này đã thực hiện rất thành công ở Trường tiểu học Tấn Tài 1. Với những biện pháp đề ra, tôi mong các trường bạn cũng sẽ vận dụng hiệu quả vào tình hình thực tế của đơn vị mình. IV. KẾT LUẬN:
  15. Để thực hiện tốt Chỉ thị nhiệm vụ năm học, người cán bộ quản lí cần lãnh đạo tập thể thực hiện tốt nhiều mặt công tác, nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó, việc hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng nhằm đảm bảo duy trì sĩ số là một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình hiện nay ở địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Sau đây là những bài học kinh nghiệm bản thân tôi đã đúc kết được trong quá trình quản lí chỉ đạo công tác duy trì sĩ số ở nhà trường đạt hiệu quả: - Quản lí chặt chẽ việc nghỉ học của học sinh, chỉ đạo kịp thời giáo viên liên hệ gia đình tìm hiểu nguyên nhân học sinh nghỉ học. - Thực hiện tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương, các cấp các ngành có liên quan trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. - Phối kết hợp tốt giữa ba môi trường giáo dục. - Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. - Tổ chức tốt, hiệu quả các hoạt động học tập, vui chơi giải trí thông qua chương trình chính khoá, các hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. - Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; nhắc nhở, động viên mỗi cán bộ, giáo viên thực hiện tốt công tác “dân vận khéo”. - Mỗi giáo viên phải thực sự yêu thương, chăm lo học sinh đúng nghĩa “mẹ hiền”. - Là nhà quản lí giáo dục, người Hiệu trưởng phải tâm huyết với nghề, phải xác định “tất cả vì học sinh thân yêu” mà sẵn sàng hi sinh thời gian, công sức trong công tác vận động học sinh ra lớp nói riệng, vì sự nghiệp giáo dục nói chung. Trên đây là một số kinh nghiệm mà bản thân tôi đã trải qua trong quá trình quản lí, chỉ đạo thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số. Rất mong sự góp ý của các đơn vị bạn. Tấn Tài, ngày 10 tháng 4 năm 2011 Người viết Dương Thị Diệu Hoà
  16. NHẬN XÉT CỦA HĐKH TRƯỜNG TIỂU HỌC TẤN TÀI 1 P.Chủ tịch HĐKH NHẬN XÉT CỦA HĐKH PHÒNG GD-ĐT TP. PHAN RANG-TC
nguon tai.lieu . vn