Xem mẫu

  1. KHAI THÁC KHÔNG GIAN VÀ TƯ DUY TRIẾT HỌC ĐỂ NÂNG CAO CHẤT  LƯỢNG DẠY HỌC TRUYỆN CỔ TÍCH “TẤM CÁM” TRONG CHƯƠNG TRÌNH  NGỮ VĂN LỚP 10 TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong những năm gần đây, dạy và học văn học trong nhà trường nói chung và  tại các trường THPT nói riêng đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Nhiều giáo   viên dạy theo lối mòn, thiếu tư duy sáng tạo. Giáo án không được đầu tư, bài giảng   không được chuẩn bị  kỹ  càng. Khi lên lớp nhiều giáo viên có tâm trạng dạy cho   xong giờ, hết tiết, dạy qua loa đại khái, miễn sao hết bài. Do đó bài giảng thiếu tính  sinh động, thiếu sức thuyết phục.  Bên cạnh đó, hiện nay cũng có nhiều học sinh lười học, không thích học môn văn.  Điều này dẫn đến hiện tượng học thụ động, đối phó với môn văn.  Do đó vấn đề làm  thế  nào để  đổi mới cách dạy và học văn học trong trường THPT theo hướng nâng  cao tính hấp dẫn, sinh động của môn học, kích thích tính sáng tạo, chủ  động của  người học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.  Thực tế  giảng dạy, nghiên cứu văn học, nghệ  thuật cho thấy rằng giữa văn  học và triết học có sự gắn bó, tác động qua lại không thể tách rời. Nếu văn học với  những chi tiết, nhân vật, cốt truyện, hoàn cảnh, bối cảnh… là máu, là thịt của tác  phẩm thì có thể  hiểu chiều sâu triết học, các tư  tưởng triết học, các triết lý nhân  sinh mà tác giả  muốn gửi gắm trong tác phẩm chính là linh hồn, là sức sống, là trí   tuệ  của tác phẩm. Do đó, trong quá trình giảng dạy văn học, một trong những yêu   cầu quan trọng đối với người giáo viên là phải làm thế  nào để  “bật” ra được chất   triết học, chiều sâu triết học trong từng tác phẩm, để  từ  đó kích thích hứng thú,  niềm đam mê học hỏi của học sinh. 1
  2. Trên đây là những lý do cơ bản dẫn đến sáng kiến nâng cao chất lượng giảng   dạy truyện cổ  tích Tấm Cám theo hướng tăng cường hàm lượng và chiều sâu của   không gian triết học trong truyện cổ tích Việt Nam. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. 2.1. Mục đích. ­ Nghiên cứu, đề  xuất, tìm ra phương pháp vận dụng kiến thức triết học vào   dạy học truyện cổ tích ở lớp 10 nhằm nâng cao hiệu quả học tập môn Ngữ văn. ­ Hình thành  ở  học sinh thế  giới quan duy vật và phương pháp tư  duy biện  chứng thông qua việc nghiên cứu, phân tích một tác phẩm văn học cụ thể. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu. ­ Nghiên cứu tư duy, không gian triết học trong truyện cổ tích Tấm Cám.  ­ Vận dụng tư  duy, phương pháp triết học để  làm rõ ý nghĩa của những mâu  thuẫn, xung đột, sự  vận động, phát triển về  tâm lý, nhân cách của các nhân vật  trong tác phẩm. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 3.1. Đối tượng nghiên cứu.  ­ Nội dung, đặc điểm truyện cổ tích Tấm Cám ­ Học sinh lớp 10 ­ THPT. 3.2. Phạm vi nghiên cứu. ­ Áp dụng trong quá trình giảng dạy truyện  Tấm Cám  ở chương trình văn lớp  10 THPT. ­ Áp dụng trong thực tiễn giảng dạy ở trường THPT. 4. Phương pháp nghiên cứu. Để tiến hành đề tài, tôi đã sử dụng những phương pháp sau đây: 2
  3. ­ Phương pháp điều tra, khảo sát ­ Phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp. ­ Phương pháp thực nghiệm. ­ Phương pháp duy vật biện chứng, logic ­ lịch sử, phân tích, so sánh, trừu  tượng hóa. 5. Lịch sử nghiên cứu của đề tài. 5.1. Điểm mới của đề tài. Đề tài này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học   và  các nhà giáo yêu thích văn học như: “Con người và xã hội Việt Nam qua truyện   Tấm Cám” của Vương Trí Nhàn. Bài viết: “Thông điệp gửi lại từ truyện  Tấm Cám”  đăng trên báo Dân trí của thầy giáo Lê Quốc Châu. Bài viết “Hiểu đúng về  truyện   cổ tích Tấm Cám” của Đoàn Thị Thu Trang ­ ĐH Duy Tân. Bài “Truyện cổ tích Tấm   Cám dưới góc nhìn của thi pháp học” của Nguyễn Đình Minh ­ giáo viên Trường   THPT Thăng Long ­ Hà Nội. Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết liên môn giữa triết   học và văn học như: “Sưu tầm, vận dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần  Những nguyên lý cơ  bản của Chủ  nghĩa Mác ­ Lê Nin” của Lương Thị  Lan Huệ ­   ĐH Quảng Bình. “Những nét độc đáo trong tư duy người việt qua văn học dân gian”  của Đỗ Lan Hiền ­ Tiến sĩ triết học, Viện triết học. Bài nghiên cứu “Triết lý nhân   quả trong truyện cổ tích Tấm Cám” của Lê Xuân Chiến (Quảng Nam). Với thời gian và năng lực có hạn, tôi không có hy vọng nhiều về đóng góp của  đề tài và những khám phá mới mẻ. Nhưng có thể thấy rằng, đề tài đã đề xuất được   một hướng dạy ­ học tác phẩm: “Tấm Cám” dựa vào những nguyên tắc cơ  bản là  bám sát SGK, bám sát đối tượng. Vận dụng được tư duy, phương pháp triết học để  làm rõ ý nghĩa của những mâu thuẫn, xung đột và sự vận động, phát triển về tâm lý,   nhân cách của các nhân vật trong trong tác phẩm. 3
  4. 5.2. Kết quả cần đạt: Vận dụng tư duy triết học vào phân tích một tác phẩm văn học. Vận dụng kiến   thức liên môn văn học ­ triết học để nâng cao chất lượng giảng dạy một tác phẩm văn  học. 4
  5. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC KHAI THÁC  KHÔNG GIAN VÀ TƯ DUY TRIẾT HỌC TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH 1.1. Cơ  sở  lý luận  Trên thế giới, dân tộc nào cũng có một kho tàng truyện cổ  tích hết sức phong  phú, đa dạng, thể hiện những tâm tư, khát vọng vươn tới những giá trị chân, thiện,  mỹ của dân tộc đó nói riêng và của toàn nhân loại nói chung. Ở Việt Nam cũng vậy.   Có thể nói rằng cổ tích là món ăn tinh thần không thể thiếu được của dân tộc Việt  Nam. Ra đời khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp, có sự phân biệt khá rõ ràng giữa   giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị. Do đó truyện cổ  tích không chỉ phản ánh   đời sống thường ngày của con người, không chỉ  nói lên tình cảm, tâm tư, suy nghĩ   của những người dân lao động mà còn phản ánh cả  quá trình đấu tranh giai cấp  cũng như  những mâu thuẫn về lợi ích, quan điểm, tư  tưởng đạo đức, văn hóa của   mỗi một giai cấp. Mặt khác, truyện cổ tích cũng ra đời khi tư duy nhân loại đã phát triển lên một  tầm cao mới. Chính điều đó đã dẫn tới sự khái quát cao về triết lý nhân sinh, về thế  giới quan và phương pháp luận. Mỗi một câu chuyện cổ tích dường như không chỉ  phản ánh những phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt đời thường của con người  mà còn chứa đựng cách nhìn nhận, giải thích bản chất của thế giới tự  nhiên, bản   chất của các hiện tượng phong phú trong đời sống xã hội và đời sống tinh thần của  con người dưới dạng những hệ  thống triết lý sâu sắc. Có thể  khẳng định rằng   truyện cổ tích chứa đựng chiều sâu tư duy triết học. Tuy nhiên tư duy triết học này   không thể  hiện dưới dạng những nguyên lý, quy luật, phạm trù trừu tượng, khô   khan, thiếu sức sống mà chúng gắn liền với những tâm tư, tình cảm của các nhân  vật, gắn với những thân phận, với những cuộc đời cụ thể, gắn với những hư cấu,   với những phép màu của thế  giới tâm linh huyền bí. Do đó chiều sâu triết học,   không gian triết học trong cổ tích có vẻ  đẹp riêng, có sức hấp dẫn và cuốn hút kỳ  lạ. Chỉ  ra được chiều sâu của tư  duy triết học này là nhiệm vụ  quan trọng của  5
  6. người giáo viên dạy văn. Làm được điều này, bài giảng chắc chắn sẽ cuốn hút, sinh  động hơn, hấp dẫn, hứng thú hơn đối với học sinh. Hướng đi này không hoàn toàn mới nhưng trong thực tiễn chưa được nhiều  giáo viên áp dụng. 1.2. Cơ sở thực tiễn Truyện cổ tích Tấm Cám thuộc loại truyện cổ tích thần kì. Trong sách hướng   dẫn giảng dạy văn 10 và trong các giáo án truyền thống thường chia tiến trình câu  chuyện thành hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là giai đoạn Tấm ở nhà và đi dự hội.  Giai đoạn này nói về  thân phận và con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm. Giai  đoạn thứ  hai là giai đoạn Tấm vào cung vua, gặp nạn, sau đó trở  lại cuộc đời và  gặp lại nhà vua. Giai đoạn này thể hiện cuộc đấu tranh giành lại hạnh phúc của cô   gái mồ côi, chịu thương, chịu khó.  Ở mỗi một giai đoạn, sách hướng dẫn giảng dạy và các giáo án truyền thống  cũng có đề cập tới mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật, cũng có đề cập đến quá  trình vận động, phát triển thông qua quá trình hóa thân của Tấm, cũng đề  cập đến  sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa chính và tà, giữa đúng và sai… Tuy nhiên, theo  tôi, rõ ràng là những phân tích, những đề cập này còn dừng lại ở mức chung chung,   chưa thể  hiện rõ các nguyên lý triết học, chưa thấy được chiều sâu của các tư  tưởng triết học thể hiện qua các chi tiết, qua tư duy và hành động của các nhân vật.   Đặc biệt sự  khái quát không gian và chiều sâu triết học thể  hiện qua câu chuyện  Tấm Cám thành những nguyên lý cô đọng về  thế  giới quan, về  nhân sinh quan và  phương pháp luận để khắc sâu vào tư duy, vào tâm hồn học sinh như những giá trị  chân chính của triết lý dân gian Việt Nam thông qua cổ  tích thì hầu như  chưa có  công trình nào đề cập một cách cụ thể. Đây cũng là điều mà tôi mong muốn đạt đến   trong công trình này và đồng thời cũng chính là điểm khác biệt, là cái mới mà tôi   muốn thể hiện. 6
  7. CHƯƠNG II: KHAI THÁC KHÔNG GIAN VÀ TƯ DUY TRIẾT HỌC ĐỂ NÂNG  CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TRUYỆN CỔ TÍCH “TẤM CÁM” 2.1. Không gian thứ nhất: Quy luật về sự đấu tranh và thống nhất của các  mặt đối lập Không gian triết học, chiều sâu của tư duy triết học đầu tiên mà tôi muốn đề  cập đó chính là quá trình đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn. Có thể nói, từ đầu cho   tới truyện là một quá trình không ngừng đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn giữa  Tấm và mẹ  con Cám. Mâu thuẫn mà chúng ta bắt gặp trong truyện không phải là   mâu thuẫn thông thường mà đó chính là mâu thuẫn sâu sắc trong đời sống xã hội có   sự phân chia giai cấp và có sự đấu tranh giai cấp. Đó chính là mâu thuẫn giữa một   bên là cái tiến bộ và một bên là cái lạc hậu, bảo thủ, là mâu thuẫn giữa những ước  mơ, khát vọng muốn được giải thoát khỏi những thân phận nghèo khổ, bị  đày đọa   đến tận cùng của đa số người dân lao động cần lao trong xã hội với những toan tính  nhỏ nhen, ích kỷ, độc ác, muốn ‘’ngồi mát ăn bát vàng’’ của tầng lớp thống trị, bóc   lột.  Trong cổ  tích  Tấm Cám, chúng ta thấy rõ ràng giữa Tấm và mẹ  con Cám là   những mặt đối lập trong một bối cảnh xã hội có sự phân chia giai cấp. Tấm là nhân   vật đại diện cho cái thiện, cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động nghèo khổ  có cuộc sống tối tăm, bần cùng, bị  áp bức, bị  đày đọa cả  về thể  xác lẫn tinh thần.  Ngược lại, mẹ con Cám là nhân vật đại diện cho cái ác, cho tầng lớp thống trị, bóc   lột với những âm mưu, thủ  đoạn tàn bạo, với những lợi ích đối lập một cách gay  gắt với lợi ích của người lao động bình dân. Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ  con Cám  không chỉ là mâu thuẫn, xung đột giữa dì ghẻ và con chồng trong gia đình mà còn là  mâu thuẫn, xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa tầng lớp thống trị và bị  trị  trong  xã hội, trong đời sống của nhân loại. Quá trình xung đột, đấu tranh giải quyết mâu   thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám cũng chính là nguyên nhân, là nguồn gốc bên trong  dẫn tới sự vận động, phát triển của đời sống xã hội. Quá trình này chỉ  rõ rằng cái   thiện, cái ác mặc dù là đối lập, là những thái cực không thể dung hòa song chúng lại   7
  8. tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ gắn bó với nhau, không thể tách rời nhau. Quá trình  đấu tranh giải quyết mâu thuẫn ở giai đoạn này cũng biểu hiện qua từng bước, qua   những chi tiết hấp dẫn từ  đó đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm kịch tính. Bắt đầu từ  phận mồ côi cha mẹ, phải ở với mụ dì ghẻ độc ác, Tấm đã hiện thân như một đại  diện của những con người lao động nghèo khổ, đáng thương. Mâu thuẫn bắt đầu   khi Cám tìm cách lừa Tấm xuống suối gội đầu để trút trộm giỏ cá. Mâu thuẫn đẩy  lên dần qua chi tiết mẹ con Cám lừa Tấm chăn trâu đồng xa để bắt trộm cá bống,   giết bống, rồi bắt Tấm phải nhặt thóc và gạo trộn lẫn vào nhau để Tấm không thể  đi lễ hội. Qua đây cho ta thấy cách tiếp cận mâu thuẫn ở đây không phải giản đơn,   hời hợt mà đó chính là cách nhìn nhận, cảm thấu của một trí tuệ dân gian siêu việt   về  những mâu thuẫn vốn có trong đời sống xã hội của con người. Mâu thuẫn này  không phải ngẫu nhiên phát sinh mà nó có cội nguồn sâu lắng từ chính những mâu  thuẫn giữa giai cấp thống trị  và các giai cấp, tầng lớp bị  thống trị  trong một bối  cảnh xã hội đã có sự phân hóa giai cấp. Quá trình đấu tranh giải quyết mâu thuẫn tiếp tục phát triển khi mẹ con Cám   lập mưu giết Tấm bằng cách chặt thân cau, rồi tiếp tục giết chết các hóa thân của  Tấm như giết chim vàng anh, đốt khung cửi dệt vải. Những chi tiết được đẩy lên  cao trào này cho thấy mâu thuẫn  ở  đây là không thể  điều hòa. Nó chỉ  có thể  được  giải quyết bằng con đường triệt để đấu tranh giữa các mặt đối lập. Trong giai đoạn  hai của câu chuyện, khi Tấm chuyển từ  vị thế bị động sang chủ  động, mâu thuẫn  dần dần được giải quyết. Và cuối cùng, mâu thuẫn chấm dứt khi mẹ con Cám phải  đền tội. Quá trình này thể  hiện rõ động lực bên trong của sự phát triển. Sự  trở  lại  ngôi hoàng hậu của Tấm, cái chết của mẹ con Cám không chỉ phản ánh quan niệm  ở  hiền gặp lành, ác giả  ác báo một cách thông thường mà nó còn cho thấy nghệ  thuật nhận thức và giải quyết mâu thuẫn của tác giả dân gian ở đây đã đạt đến tầm  khái quát sâu sắc của triết học. Sự  thống nhất giữa các mặt đối lập chỉ  là tương  đối, tạm thời, sự đấu tranh là tuyệt đối. Chỉ có đấu tranh giải quyết mâu thuẫn mới  tạo ra động lực chân chính cho sự phát triển. 8
  9. Quá trình đấu tranh giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong câu chuyện được thể  hiện một cách sinh động, hấp dẫn là nhờ  lớp vỏ  hư  cấu thần kỳ  và những phép  màu của nhân vật Bụt. Tuy nhiên, nếu gạt đi lớp vỏ  hiện tượng này, chúng ta dễ  thấy rằng những khái quát có tính triết học này chính là linh hồn, là sức sống của   tác phẩm mà giáo viên cần hướng dẫn học sinh chú ý khai thác. 2.2. Không gian thứ hai: Quan hệ biện chứng nguyên nhân ­ kết quả và triết lý  luân hồi của Phật Giáo. Một chiều sâu, một không gian triết học nữa mà tôi muốn khai thác  ở  đây   chính là mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Thông qua thân phận của nhân   vật Tấm cũng như  kết cục bi đát của mẹ  con Cám, tác giả  dân gian Việt Nam đã   thể hiện hết sức tinh tế mối quan hệ biện chứng sâu sắc của cặp phạm trù nguyên  nhân, kết quả.  Trên con đường tìm đến hạnh phúc và bảo vệ  hạnh phúc của mình ở  hai giai  đoạn, nhân vật Tấm đã có sự chuyển hóa, biến đổi, trưởng thành cả về thể xác lẫn   trí tuệ. Nếu như   ở  giai đoạn đầu chúng ta chỉ  bắt gặp một cô  Tấm luôn luôn thụ  động, chỉ biết khóc mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi bị mẹ con Cám ức hiếp thì ở giai  đoạn thứ  hai, Tấm đã trưởng thành, đã lớn lên rất nhiều trong suy nghĩ và hành  động. Nhờ  sự  giúp đỡ  của Bụt, Tấm bắt đầu tìm đến hạnh phúc, được trở  thành   hoàng hậu, đây chính là biểu hiện của triết lí “ở hiền gặp lành”, hay nói đúng hơn,  đó chính là biểu hiện của mối quan hệ giữa cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả.  Từ xưa, triết lý Phật giáo đã đề cập tới mối quan hệ nhân quả  như  là một tất yếu  khách quan, “trồng cà được cà, trồng dưa được dưa, gieo gió thì gặt bão”. Theo quan  điểm của  triết  học  Mác  ­ Lê   nin,  mọi kết quả   đều  được  hình  thành  từ  những  nguyên nhân nhất định. Mối quan hệ  giữa nguyên nhân và kết quả  luôn có tính   khách quan, phổ  biến, tất yếu. Nguyên nhân nào thì kết quả  đó, kết quả  luôn có  trước nguyên nhân, kết quả chỉ hình thành và xuất hiện khi nguyên nhân bắt đầu tác   động. Rõ ràng, việc có quần áo đẹp, được nhà vua yêu mến và được lên ngôi hoàng   hậu của Tấm không phải ngẫu nhiên, cũng không chỉ  là ước mơ, khát vọng thuần   túy của người dân lao động nghèo khó muốn được giải phóng, muốn được thay đổi  9
  10. thân phận mà đó còn chính là kết quả của sự cần cù chăm chỉ, của sự chịu thương   chịu khó, là sự đền đáp xứng đáng cho những mất mát, cho những khổ đau mà Tấm   đã phải trải qua. Tuy nhiên, trong truyện cổ  tích, mối quan hệ  này cũng được bao   phủ bởi lớp màn thần bí là những phép màu, là sự trợ giúp của nhân vật Bụt đối với  cô Tấm bé nhỏ, đáng thương. Điều quan trọng mà tôi muốn đề cập ở đây là trong quá trình giảng bài, người   giáo viên cần chỉ rõ cho học sinh thấy rằng những gì mà cô Tấm đáng thương đạt  được không phải là ngẫu nhiên, không phải là sự may mắn tình cờ và thực chất nó   cũng không phải là kết quả của những phép màu kỳ diệu của “ông Bụt”. Nhân vật   Bụt chỉ đóng vai trò như một yếu tố thần kỳ trong truyện cổ tích. Trong truyện, sự  trợ giúp của Bụt luôn xuất hiện đúng lúc. Sự trợ giúp đó có tác dụng an ủi, nâng đỡ  mỗi khi Tấm gặp khó khăn hay đau khổ. Vai trò của nhân vật thần kỳ, của yếu tố  thần kỳ   ở  đây có tác dụng thúc đẩy sự  phát triển của cốt truyện. Yếu tố  thần kỳ  thực chất là sự thể hiện khát vọng thay đổi cuộc đời, thay đổi số  phận cho những   con người bé nhỏ, bất hạnh trong xã hội. Đằng sau những những mong  ước khát   khao mãnh liệt, đằng sau sự tưởng tượng, hư cấu có tính hư   ảo này chính là quan   hệ  sâu xa của mối liên hệ  nguyên nhân ­ kết quả. Con người ta sống  ở  đời gieo  nhân nào thì sẽ gặt quả đó. Ở hiền thì gặp lành, gieo gió thì gặt bão. Người có tấm   lòng lương thiện, người sống tốt, sống có đạo đức không sớm thì muộn cũng được  đền đáp, cũng được giúp đỡ bởi những tấm lòng nhân văn, nhân ái. Còn kẻ độc ác,  ích kỷ, tham lam nhất định sẽ  gặp phải những mầm tai họa do chính họ  gieo rắc.   Điều đó là tất yếu.  Bên cạnh mối liên hệ nhân ­ quả và cũng liên quan đến mối liên hệ này còn có  một vấn đề khá lý thú mà theo tôi người giáo viên cũng có thể khai thác. Đó chính là   triết lý luân hồi của Phật giáo. Mặc dù Tấm bị  mẹ  con Cám nhiều lần hãm hại,  song nhờ có sự hóa thân nhiều lần mà nhân vật Tấm trở nên bất diệt. Bị  chặt gốc   cau rơi chết, Tấm hóa thành chim vàng anh. Chim vàng anh bị  giết thịt, Tấm hóa  thành cây xoan đào. Cây xoan đào bị  chặt Tấm hóa thành khung cửi. Khung cửi bị  đốt, từ  đống tro tàn, Tấm tiếp tục hóa thân vào quả  thị  để  rồi sau đó trở  lại với  10
  11. cuộc đời. Quá trình hóa thân này thể  hiện rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ  khẳng định sự  bất diệt của cái thiện, không chỉ  thể  hiện tính chất đấu tranh gay  gắt, quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao cả và sự thấp hèn mà còn chứa  đựng một triết lý sâu xa, một niềm tin, một khát vọng mãnh liệt của người dân lao  động bình thường về sự vĩnh hằng, bất diệt của những giá trị  chân, thiện mỹ  đích   thực. Và tất nhiên, đằng sau đó chính là những ảnh hưởng sâu xa của triết lý luân hồi  của Phật giáo. Vậy triết lý luân hồi của Phật giáo đã được thể  hiện như  thế  nào trong quá  trình hóa thân của Tấm. Theo Phật giáo, linh hồn con người là bất tử. Sự  luân hồi  của linh hồn phụ thuộc vào “nghiệp”, tức là phụ thuộc vào toàn bộ  hành vi, cử chỉ,  lời nói, việc làm, suy nghĩ, tính toán của mỗi một “”kiếp”. Nghiệp là nhân thì kiếp   chính là quả, nhân nào quả nấy, cũng tức là nghiệp nào kiếp nấy. Mỗi một hóa thân   của Tấm cũng chính là một vòng luân hồi. Chỉ  có điều sự  luân hồi này không thể  hiện qua những phạm trù triết học khô khan mà được thể hiện qua những hình ảnh   bình dị như chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị… vô cùng thân thương,  gần gũi với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của các làng quê Việt Nam. Sự  luân hồi này vừa thể hiện tính nhân ­ quả, vừa thể hiện chân lý vĩnh hằng cái thiện  không chịu chết một cách oan ức trong im lặng, không chịu khuất phục trước cái ác.  Trong cuộc chiến đấu ấy, chiến thắng sẽ luôn thuộc về cái thiện.  Từ  những phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng truyện cổ  tích   Tấm Cám  không chỉ là một tác phẩm văn học dân gian mà trên thực tế nó chứa đựng rất nhiều   những quan điểm, những triết lý nhân sinh sâu sắc. Đặc biệt những triết lý nhân,  quả, kiếp, nghiệp… sự  luân hồi của triết lý Phật Giáo đã được khái quát khá cô  đọng và đầy đủ. Không những thế, trong một chừng mực nào đó, những quan điểm,  tư duy triết học này cũng khá phù hợp với mối quan hệ biện chứng giữa cặp phạm   trù nguyên nhân ­ kết quả của triết học Mác. Trong giờ giảng, tùy vào hoàn cảnh cụ  thể mà người giáo viên có thể khai thác với một mức độ  tương  ứng để  làm phong   phú, sâu sắc thêm bài giảng của mình và tăng cường tính kích thích, độ  hứng thú,   đam mê cũng như khơi dậy niềm đam mê học hỏi của học sinh. 11
  12. 2.3. Không gian thứ ba: Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự  vận động, phát triển Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclit từng nói: “con người ta không ai có thể  tắm  hai lần trên cùng một dòng sông”. Dòng sông hôm qua không phải dòng sông hôm  nay, con người hôm qua cũng không phải con người của ngày hôm nay, vạn vật   không có gì vĩnh hằng bất biến. Theo triết lý Phật giáo, mọi thứ  đều nằm trong   vòng “sinh, trụ, dị, diệt”, tức là sinh ra, tồn tại, khác biệt, rồi tiêu vong… Triết học  Mác xít khẳng định không có sự vật, hiện tượng nào tồn tại một cách biệt lập, tách  rời khỏi các sự vật, hiện tượng khác. Mọi sự vật, hiện tượng đều nằm trong vô vàn   những mối liên hệ có tính khách quan, tất yếu, phổ biến, mọi sự vật đều luôn luôn  có sự vận động, biến đổi và xu hướng chung của sự vận động, biến đổi đó chính là  sự phát triển. Hiểu một cách cụ thể, phát triển chính là vận động theo xu hướng đi  lên từ  thấp đến cao, từ  đơn giản đến phức tạp, từ  chỗ  kém hoàn thiện đến ngày   càng hoàn thiện hơn… Ở giai đoạn thứ nhất, khi còn là cô bé mồ côi, sống chung với mụ gì ghẻ, các  mối liên hệ về thân phận, cuộc đời của Tấm đã được bộc lộ, hé mở, tạo tính sinh   động hấp dẫn. Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mối liên hệ phổ biến   được thể hiện tinh tế ngay từ tên của nhân vật. Hạt lúa nào chả có tấm và cám. Dù   đối lập nhau một cách gay gắt nhưng rõ ràng tấm và cám đều có chung nguồn gốc.   Góc nhìn này của trí tuệ dân gian muốn chứng minh rằng cái thiện, cái ác, cái đúng,   cái sai, cái tiến bộ, cái lạc hậu, cái cao cả, cái thấp hèn, hạnh phúc và đau khổ, sự  sống và cái chết… mặc dù là khác biệt, mặc dù là đối lập song chúng không thể tồn   tại trong sự biệt lập. Giữa chúng luôn có những mối liên hệ, quan hệ, sự tác động  qua lại và sự ràng buộc lẫn nhau, quy định tính chất, bản chất của nhau.  Ở giai đoạn thứ hai, trong cuộc đấu tranh giành lại hạnh phúc của Tấm, một  lần nữa chúng ta lại thấy rõ sự vận động, phát triển cả về tính cách và hành động.   Nếu như ở thời kỳ đầu, chúng ta chỉ thấy một cô Tấm hoàn toàn bị động, thì  ở giai  đoạn thứ  hai, Tấm đã hoàn toàn chuyển từ  trạng thái bị  động sang chủ  động.. Sau  mỗi lần bị hãm hại, vùi dập, Tấm lại trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn: Bị mẹ con   12
  13. Cám giết chết, hóa thân thành vàng anh, Tấm đã chủ  động vạch mặt Cám bằng  những lời lẽ  sắc sảo. Dù là dưới dạng hóa thân nào, Tấm cũng không từ  bỏ  mục   tiêu đấu tranh của mình. Có thể nói đây chính là sự phát triển, sự trưởng thành từng  bước, từng bước dù rất đời thường, giản dị của một cô Tấm nàng tiên. Không cần  dùng đến những phạm trù trừu tượng, không cần dùng đến những lý luận cao siêu,  chỉ thông qua những nhân vật, hình tượng nghệ thuật giản dị, cổ tích Tấm Cám đem  đến cho người đọc, người nghe những cảm nhận tinh tế và huyền diệu về  những  mối liên hệ, về sự vận động và phát triển. Đây mới chính là những giá trị đích thực,  những ẩn dấu sâu xa mà giáo viên và học sinh cần hướng tới, cảm thụ và khám phá. Đỉnh cao của sự phát triển, của sự trưởng thành của nhân vật Tấm thể hiện ở  phần kết của truyện. Tấm đã dũng cảm đứng lên để  bảo vệ  hạnh phúc, bảo vệ  cuộc sống của mình. Tấm đã tự mình trừng phạt mẹ con Cám. Cái chết của mẹ con  Cám đã chứng minh cho sự trưởng thành, sự phát triển của Tấm cả  về tư  duy lẫn  tính cách. Cái ác phải bị lên án và trừng phạt, cái ác phải đền tội và trả giá. Cũng có  những quan điểm phê phán hành vi trả thù của Tấm là quá tàn bạo, không phù hợp   với tính cách nhân vật, không phù hợp với quan điểm nhân văn, với lý tính con  người. Tuy nhiên,  ở  một góc độ  khác chúng ta cũng đừng quên rằng Tấm Cám  là  truyện cổ tích, ra đời trong bối cảnh xã hội có phân chia và đấu tranh giai cấp. Do   đó tâm lý, hành vi của nhân vật trong truyện cũng phản ánh, cũng mang hơi hướng   hành vi, tâm lý của giai cấp mà nhân vật đó đại diện. Sau bao đau khổ, vùi dập phải   chịu đựng, có con người bị áp bức nào không khát khao được trả thù. Con giun xéo  lắm cũng quằn, già néo thì đứt dây, đó cũng là tất yếu khách quan. Kết quả  này   không chỉ  là hiện thực phũ phàng mà còn là nguyên lý có tính tất yếu của sự  vận   động và phát triển. Nhìn nhận kết cục cổ tích Tấm Cám từ  nguyên lý của sự phát triển, chúng ta  dễ thấy rằng kết cục này chính là đỉnh cao của nghệ thuật và triết lý dân gian. Khi   mâu thuẫn được giải quyết, các mặt đối lập tự  bản thân chúng có sự  vận động,  chuyển hóa lẫn nhau. Không có cái thiện vĩnh hằng và cái ác tuyệt đối. Chân lý luôn   luôn là cụ thể. Để phân biệt đâu là thiện, đâu là ác, đâu là tốt, đâu là xấu, cần phải   13
  14. đặt chúng trong những không gian, thời gian, trong những hoàn cảnh, bối cảnh cụ  thể, trong những thân phận, nhân vật cụ thể. Phải chăng đây cũng chính là kết luận   mà tác giả  dân gian muốn gửi gắm, muốn thể hiện qua hành vi trả  thù táo bạo và   không kém phần khốc liệt của cô Tấm … CHƯƠNG III: THIẾT KẾ GIÁO ÁN TÁC PHẨM: “TẤM CÁM” THEO  HƯỚNG KHAI THÁC KHÔNG GIAN VÀ TƯ DUY TRIẾT HỌC ĐỂ NÂNG  CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC  Mục tiêu cần đạt: ­ Vận dụng kiến thức liên ngành Văn học ­ Triết học để  giúp học sinh hiểu  được mâu thuẫn biện chứng, mối liên hệ nhân quả, nguyên lý về sự vận động, phát  triển giữa cái thiện và cái ác,  ước mơ  thiện thắng ác, tinh thần lạc quan nhân đạo  của nhân dân thể hiện trong truyện. ­ Thấy được nghệ thuật sử dụng yếu tố kỳ  ảo và lối kể chuyện hấp dẫn tạo  nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và tư duy triết học của truyện  Tấm Cám nói riêng và  truyện cổ tích thần kỳ nói chung. ­ Nâng cao khả năng nhận biết và phân tích nhân vật qua mâu thuẫn, xung đột  trong truyện cổ tích, nâng cao năng lực vận dụng tư duy triết học đã được trang bị  trong chương trình GDCD 10 vào phân tích tác phẩm văn học và những vấn đề đặt   ra trong thực tiễn cuộc sống. ­  Hình thành  ở  học sinh thế  giới quan duy vật và phương pháp tư  duy biện  chứng thông qua việc nghiên cứu, phân tích một tác phẩm văn học cụ thể, đồng thời   hình thành tình yêu thương, trân trọng đối với người lao động, củng cố niềm tin vào  chiến thắng của cái thiện, cái chính nghĩa trong cuộc sống. (Truyện cổ tích Tấm Cám được phân phối trong 2 tiết) Tiết 1. I. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần tiểu dẫn. (10p) 14
  15. Phần tiểu dẫn SGK đã khái quát một cách đầy đủ về Truyện cổ tích. Vấn đề  là làm thế nào để  GV có thể  dạy ­ học nội dung này theo tinh thần đổi mới để  có  thể lôi cuốn được HS. Theo tôi có thể tiến hành theo cách sau đây: Cho HS đọc phần tiểu dẫn rồi trả lời theo hệ thống câu hỏi sau đây: ­ Theo em, truyện cổ tích chia thành mấy loại?  ­ Em biết được truyện cổ  tích sinh hoạt và cổ  tích loài vật nào? Tóm tắt nội   dung? ­ Kể ngắn gọn về một số truyện (Em bé thông minh, Quạ và Công…) ­ Truyện Tấm Cám thuộc loại cổ tích gì? ­ Truyện cổ tích ngoài việc thể hiện các vấn đề văn học có chứa đựng những  kiến thức và tư duy triết học không?  II. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản. 1. Đọc và tóm tắt: (15p) a) Đọc tác phẩm: Cho học sinh lựa chọn những đoạn văn yêu thích để đọc b) Tóm tắt: GV hướng dẫn học sinh dựa vào nhân vật chính để tóm tắt. Sau đó  GV có thể chiếu một trích đoạn của vở diễn “Tấm Cám” lên máy chiểu cho các em   tham khảo để tăng sự hứng thú, sinh động cho giờ học hơn. 2. Phân tích. (70p) a) Mâu thuẫn ­ xung đột chủ yếu trong tác phẩm. Giáo viên chia học sinh thành 2 nhóm để thảo luận cho câu sau. Theo dõi truyện, ta thấy nổi bật lên là sự  đối lập và mâu thuẫn gì, giữa nhân  vật nào với nhân vật nào? Mâu thuẫn nào là chủ  yếu, vì sao? Bản chất của mâu   thuẫn đó là gì, đó là mâu thuẫn gia đình hay mâu thuẫn xã hội? 15
  16. Tiết 2. b) Diễn biến của mâu thuẫn ­ xung đột và cách giải quyết những mâu thuẫn ­   xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám Giáo viên chia lớp thành ba nhóm. Mỗi nhóm thảo luận, xây dựng cho một câu  hỏi sau: ­ Mâu thuẫn ­ xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám có thể chia làm mấy chặng?   Tóm tắt sự việc chính trong từng chặng? ­ Cách giải quyết mâu thuẫn ­ xung đột giữa Tấm và mẹ  con Cám trong từng  chặng như thế nào? ­ Cách giải quyết những xung đột ­ mâu thuẫn trên đã thể  hiện vấn đề  gì về  tư duy triết học (mối quan hệ nguyên nhân ­ kết quả) c) Chi tiết Tấm trả thù ­ kết truyện. Cho học sinh đọc lại đoạn kết, chia lớp thành ba nhóm, tranh luận : Có đồng   tình với cách trả thù của Tấm đối với mẹ con Cám không? Vì sao? Cách trả thù của  Tấm trong câu chuyện thể hiện tư duy triết học nào? 3. Hướng dẫn học sinh tổng kết và câu hỏi luyện tập. (5p) ­ Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm? ­ Có người nhận xét: “Truyện cổ  tích là những giấc mơ  đẹp” Qua truyện cổ  tích Tấm Cám, hãy giải thích nhận định trên. 16
  17. PHẦN KẾT LUẬN Truyện cổ  tích Tấm Cám phản ánh những xung đột xã hội sâu sắc, đồng thời   thể  hiện khát vọng cháy bỏng của nhân dân lao động về  một xã hội công bằng,  hạnh phúc. Truyện xây dựng những mâu thuẫn, xung đột ngày càng quyết liệt, thể  hiện mối liên hệ  tác động, chuyển hóa lẫn nhau của các mặt đối lập. Cốt truyện   cũng thể  hiện tư  duy, quan niệm, quan điểm của tác giả  dân gian về  mối liên hệ  phổ biến, về sự vận động, phát triển, xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập, sử  dụng yếu tố thần kì để dẫn dắt cốt truyện. Trong quá trình dạy học tác phẩm này,   tôi đã cố  gắng vận dụng những hiểu biết triết học của mình để  khai thác không  gian triết học và chiều sâu tư  tưởng của cốt truyện nhằm  đưa người học  đến  những khám phá, nhận thức mới mẻ, sáng tạo. Trong quá trình dạy tác phẩm này cho học sinh, người giáo viên phải biết tìm   tòi suy nghĩ, phải bằng nhiều phương pháp, nhiều con đường khác nhau để đưa đến   cho học sinh những nhận thức mới mẻ và sâu sắc. Bên cạnh những yêu cầu tất yếu   như giúp học sinh biết cách đọc và hiểu một truyện cổ tích thần kì, nhận biết được  một truyện cổ  tích thần kì qua đặc trưng thể  loại, người giáo viên còn phải hình   thành  ở  học sinh thái độ, tình yêu thương đối với người lao động, có niềm tin vào  sự chiến thắng của cái thiện, của chính nghĩa trong cuộc sống…Bên cạnh đó phải  hình thành những phẩm chất như  sống yêu thương, sống tự  chủ  và  sống trách   nhiệm… Không chỉ về kiến thức, thái độ, phẩm chất, việc giảng dạy tác phẩm này còn   hướng tới các năng lực cụ thể như năng lực tự học, năng lực tự giải quyết vấn đề  và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp   tác, năng lực tái hiện và vận dụng kiến thức, năng lực đọc ­ hiểu, giải mã văn bản,  năng lực sáng tạo, năng lực tạo lập văn bản, năng lực vận dụng kiến thức văn học  vào cuộc sống…Rõ ràng, với những yêu cầu, mục đích, nhiệm vụ  khó khăn, nặng  nề  như  vậy, cách giảng, cách dạy truyền thống sẽ  rất khó đáp  ứng. Chính vì thế  người giáo viên phải sáng tạo, phải tìm ra hướng đi mới. Tìm hiểu, khai thác, vận  dụng không gian triết học, tư duy triết học để nâng cao chất lượng dạy học truyện  17
  18. cổ  tích  Tấm Cám  là một trong những hướng đi mà tôi muốn đề  xuất. Việc vận  dụng tư  duy triết học vào giảng dạy văn học là tất yếu bởi văn học không chỉ  là   tình cảm, cảm xúc mà văn học còn là nhân học, là tư duy, là trí tuệ, là thế giới quan,   là nhân sinh quan được thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật có tính đặc thù. Mặc dù đã rất cố gắng, song tôi cho rằng những phân tích, mổ xẻ, vận dụng,   khám phá về không gian và chiều sâu triết học trên đây mới dừng lại ở những bước  đi đầu tiên và cũng còn chứa đựng rất nhiều những thiếu sót, hạn chế. Tác giả của   sáng kiến kinh nghiệm này rất mong nhận được sự  đóng góp, bổ  sung ý kiến của   người đọc để sáng kiến của mình ngày càng hoàn thiện hơn. 18
  19. PHẦN V: TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10 ­ Sách giáo viên, tập 1, Nxb Giáo dục 2016. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10 ­ Sách giáo viên, tập 2, Nxb Giáo dục 2016. 3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10 ­ Sách giáo khoa, Nxb Giáo dục 2016. 4. Nguyễn Văn Đường ­ Thiết kế bài giảng Ngữ Văn 10, Nxb Hà Nội. 5. Tài liệu VN ­ Thư viện giáo án điện tử Ngữ văn 10 6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình triết học Mác ­ Lê nin, Nxb Giáo dục 2006. 7. M.Rodentan và P.Udin, Từ điển triết học, Nxb Sự thật Hà Nội 1976. 19
  20. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU ………………………………………….……………………………. 1 1. Lý do chọn đề tài ………………………………………….……………………… 1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ………………………………………….… 2 2.1. Mục đích ………………………………………….………………………….. 2 2.2.   Nhiệm   vụ   nghiên   cứu  ………………………………………….……….. 2 ….. 3. Đối tượng và phạm vị  nghiên cứu  ………………………………………..…. 2 … 3.1. Đối tượng nghiên cứu ………………………………………….………..…….. 2 3.2. Phạm vi nghiên cứu ………………………………………….…………..…….. 2 4. Phương pháp nghiên cứu ………………………………………….……….…… 2 5. Lịch sử nghiên cứu của đề tài ………………………………………….….…… 3 5.1. Điểm mới của  đề  tài  ………………………………………….…………….. 3 ….. 5.2.   Kết   quả   cần   đạt  …………………………………………. 3 ……………………… PHẦN NỘI DUNG ………………………………………….………………………… 4 CHƯƠNG   1.   CƠ   SỞ   LÝ   LUẬN   VÀ   THỰC   TIỄN  4 …………………………… 1.1. Cơ sở lý luận ………………………………………….………………………… 4 1.2. Cơ sở thực tiễn ………………………………………….……………………… 5 CHƯƠNG  II.  KHAI THÁC KHÔNG GIAN VÀ TƯ  DUY TRIẾT HỌC ĐỂ  5 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TRUYỆN CỔ TÍCH “TẤM CÁM” 2.1. Không gian thứ  nhất: Quy luật về  sự đấu tranh và thống nhất của  các   mặt   đối   lập  …………………………………………. 5 ……………………………………. 2.2. Không gian thứ hai: Quan hệ biện chứng nguyên nhân ­ kết quả và   triết   lý   luân   hồi   của   phật   giáo  …………………………………………. 7 ……………… 2.3. Không gian thứ ba: Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý   về   sự   vận   động,   phát   triển  …………………………………………. 10 …………………… CHƯƠNG   III:   THIẾT   KẾ   GIÁO   ÁN   TÁC   PHẨM:   “TẤM   CÁM”  THEO   HƯỚNG  KHAI   THÁC   KHÔNG   GIAN   VÀ   TƯ   DUY   TRIẾT  12 HỌC   ĐỂ   NÂNG   CAO   CHẤT   LƯỢNG   DẠY   HỌC   ……………………. …….. Mục tiêu cần đạt ………………………………………….…………………………. 12 …… I. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần tiểu dẫn …………………………….…. 13 …. II. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản  13 20
nguon tai.lieu . vn