Xem mẫu

  1. Xoa bóp chữa nhức đầu Nhức đầu là triệu chứng của nhiều bệnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phương pháp dưới đây chỉ giải quyết được chứng nhức đầu do nguyên nhân cơ năng như cảm cúm, suy nhược thần kinh, do căng thẳng thần kinh... chứ không áp dụng cho chứng nhức đầu do nguyên nhân tổn thương thực thể như u não, thiên đầu thống... Xoa bóp là một kiểu kích thích vật lý, trực tiếp tác động lên da thịt và các cơ quan cảm thụ của da và cơ gây ra những ảnh hưởng về thần kinh, về thể dịch, về nội tạng từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Các kiểu xoa bóp: Véo: Dùng ngón tay cái, ngón tay trỏ hoặc đốt thứ hai của ngón cái và đốt thứ ba của ngón trỏ kẹp và kéo da lên. Hai tay làm liên tiếp làm cho da được xoa bóp luôn luôn như bị cuốn giữa các ngón tay của thầy thuốc. Phân: Dùng đầu các ngón tay hoặc mô của ngón tay áp út của hai tay, từ cùng một chỗ rẽ ra hai bên ngón hướng trái ngược nhau. Hợp: Dùng đầu các ngón tay hoặc mô ngón út của hai tay, từ hai chỗ khác nhau đi ngược chiều và cùng đến một chỗ, tay của người làm như ở thủ thuật phân. Day: Dùng gốc bàn tay, mô của ngón út, mô của ngón cái hơi dùng sức ấn xuống da của người được xoa bóp và di chuyển theo vòng tay của người thực hiện. Ấn: Dùng ngón tay cái, gốc của bàn tay, mô của ngón út hoặc mô ngón cái ấn vào một nơi nào hoặc vào huyệt. Miết: Dùng đầu ngón tay cái miết chặt vào da của người được xoa bóp theo hướng lên hoặc xuống, sang phải hoặc trái. Bóp: Dùng ngón tay cái và các ngón tay kia bóp thịt hoặc gân ở nơi bị bệnh. Vừa bóp vừa hơi kéo thịt lên, không nên để thịt hoặc gân trượt dưới tay vì làm như vậy gây đau. Chặt (đấm): Nắm tay: các ngón tay hơi nắm vào nhau (chú ý khoảng cách giữa các ngón tay và giữa hai bàn tay có một khoảng rỗng) dùng mô của ngón út đấm vào chỗ bị đau. Sau đây là thao tác xoa bóp chữa nhức đầu:
  2. Để người được xoa bóp ngồi thoải mái (trường hợp không ngồi được thì nằm). Người làm đứng hoặc ngồi đối diện với người được xoa bóp. Véo, miết hoặc phân hợp vùng trán: Nếu dùng thủ thuật véo: véo dọc trán từ điểm giữa đường kẻ nối đầu trong hai lông mày (huyệt ấn đường) lên chân tóc rồi lần lượt véo sang hai bên từ huyệt ấn đường tỏa ra như nan quạt giấy trên trán. Nếu dùng thủ thuật miết: Dùng hai ngón tay cái miết từ huyệt ấn đường tỏa ra hai bên thái dương, làm sát lông mày trước rồi làm dần lên cho hết trán. Nếu dùng thủ thuật phân hợp: dùng hai ngón tay cái phân hợp cả vùng trán một lúc. Véo lông mày: Từ huyệt ấn đường véo ra hai bên 3 lần một cách nhẹ nhàng, sau đó véo tại huyệt ấn đường 5 lần. Day huyệt thái dương: 5 lần. Miết từ huyệt thái dương (điểm nối của đường kéo dài cuối lông mày và đuôi mắt dịch ra một thốn) vòng qua tai ra sau gáy làm từ 3-5 lần. Vỗ đầu: Hai bàn tay úp đối diện nhau (một bàn tay úp vùng trán, một bàn tay úp vùng chẩm sau gáy) vỗ quanh đầu theo hai hướng ngược nhau, vỗ 2-3 vòng. Gõ đầu: các ngón tay của hai bàn tay xòe ra, dùng rìa của ngón út bàn tay gõ vào đầu theo hướng từ trước lên trên và ra sau, gõ khắp đầu một lượt. Ấn huyệt bách hội: (giao điểm của đường thẳng nối 2 điểm cao nhất của hai tai đi qua đỉnh đầu và đường thẳng đi từ trục mũi qua đỉnh đầu). Dùng ngón tay cái vừa ấn vừa day theo chiều kim đồng hồ 10 cái. Bóp nhẹ nhàng 2 cơ thang ở cổ và chỗ trũng hai bên gáy (huyệt phong trì) từ 3-5 cái. Kết thúc các thao tác trên, để bệnh nhân nằm nghỉ 30 phút, nếu bệnh nhân mệt nhiều thì không nhất thiết phải làm đầy đủ các thao tác mà chỉ làm vài ba thao tác cũng được. Sau khi làm người thường thấy thoải mái dễ chịu và đỡ hẳn, nhưng sau đó cơ thể lại thấy đau trở lại cần phải kiên trì, không được nản chí thì mới có kết quả.
nguon tai.lieu . vn